Tổ Đỉa Ở Trẻ Em
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là căn bệnh da liễu phổ biến khiến bố mẹ hết sức lo lắng vì con trẻ phải đối mặt với các triệu chứng như nổi mụn nước sâu, ngứa ngáy, da khô ráp khó chịu, nóng sốt, chán ăn… Tình trạng này nếu không được chăm sóc điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra hàng loạt các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Tổ đỉa ở trẻ em là gì?
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là một dạng phổ biến của bệnh chàm - Eczema. Đây là một loại viêm da tại lớp thượng bì đặc trưng với các triệu chứng như da khô, ngứa ngáy, nổi mụn nước... tại các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, phần kẽ và đầu ngón tay, ngón chân.
Những đốm mụn nước này thường ẩn sâu dưới da, có kích thước nhỏ vài mm, màu trắng đục, có chứa dịch bên trong và nằm chi chít san sát nhau. Ban đầu, mụn nước thường cứng và khó vỡ, tuy nhiên đến khi mụn vỡ ra nhưng không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, nhiễm trùng.
Đối với người lớn, bệnh tổ đỉa không quá nguy hiểm, những tổn thương chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và vẫn nằm trong giới hạn chịu đựng của người bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ bị bệnh tổ đỉa thường nguy hiểm hơn, triệu chứng kéo dài dai dẳng và gây ra hàng loạt các hệ lụy phiền phức đến sự phát triển của trẻ.
Cụ thể, những đốm mụn nước xuất hiện dày đặc trên làn da khiến trẻ ngứa ngáy dữ dội dẫn đến quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Bên cạnh đó, trẻ em thường có làn da mỏng manh hơn so với người lớn nên khi xuất hiện các tổn thương tổ đỉa khiến hàng rào bảo vệ da bị suy giảm, từ đó gây ra:
- Bội nhiễm: Da trẻ bị bội nhiễm kèm theo các triệu chứng như ứ dịch mủ trong các đốm mụn nước, sưng tấy, đau nhức... ngoài da. Kèm theo đó là các triệu chứng toàn thân như sốt cao, co giật, sưng hạch bạch huyết...
- Lichen hóa da: Đây là biến chứng xảy ra do trẻ thường xuyên dùng tay cào gãi. chà xát mạnh lên vùng da bị tổ đỉa khiến da bị thâm nhiễm, dày sừng, nổi cộm ngứa ngáy dữ dội. Biến chứng này không chỉ làm suy giảm sức khỏe, sự phát triển của trẻ mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình khiến trẻ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống hằng ngày.
Nguyên nhân tổ đỉa ở trẻ em
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em được hiểu đơn giản là tình trạng viêm nhiễm ở vùng thượng bì. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố tác nhân gây bệnh, điển hình như một số nguyên nhân cơ bản như:
- Yếu tố di truyền: Theo nhiều nghiên cứu của các chuyên gia da liễu, bệnh tổ đỉa có tính chất di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tổ đỉa hay các bệnh lý da liễu có tính chất tương tự như á sừng, viêm da cơ địa, vảy nến... thì gen bệnh sẽ di truyền sang đứa trẻ trong thời kỳ mang thai. Đến khi trẻ chào đời, gen bệnh này vẫn ẩn sâu trong cơ thể và bùng phát khi gặp các tác nhân dị ứng.
- Dị ứng thời tiết: Có rất nhiều trường hợp trẻ em có cơ địa dễ dị ứng với thời tiết sẽ dễ mắc bệnh tổ đỉa hơn so với những đứa trẻ bình thường. Triệu chứng bệnh thường khởi phát chủ yếu vào giai đoạn thời tiết giao mùa, hanh khô do nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp.
- Dị ứng thực phẩm: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực tế thì không có loại thực phẩm nào có khả năng gây ra bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, nếu trẻ có cơ địa dễ dị ứng thì khi sử dụng các loại thực phẩm như trứng, sữa, thịt bò, đậu nành, một số loại cá, động vật có vỏ... có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tổ đỉa hoặc khiến tình trạng bệnh càng chuyển biến nặng hơn.
- Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân vừa kể trên, bệnh tổ đỉa ở trẻ em xảy ra có thể do một số yếu tố tác nhân khác như: trẻ tiếp xúc với nguồn nước bẩn, lông động vật, phấn hoa, hóa chất tẩy rửa độc hại, sữa tắm, dầu gội không phù hợp... cũng là những nguyên nhân hàng đầu gây kích ứng làn da, khởi phát triệu chứng bệnh tổ đỉa ở trẻ em.
Triệu chứng tổ đỉa ở trẻ em
Trẻ em bị tổ đỉa không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, tuy nhiên bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan vì bệnh rất dễ chuyển sang mạn tính, kéo dài dai dẳng và kéo theo các biến chứng như bội nhiễm, nổi hạch... làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của trẻ.
Vì vậy, bố mẹ cần phải hết sức chú ý quan sát để nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tổ đỉa nhằm kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và chữa trị. Điển hình như một số dấu hiệu điển hình như:
- Xuất hiện các đốm mụn nước sâu li ti, màu trắng đục, có đường kính vài mm mọc san sát với nhau, tập trung thành từng đám. Khi sờ vào sẽ thấy da dày sừng, mụn nước nổi cộm lên bề mặt da và rất khó vỡ. Sau một thời gian chúng sẽ tự xẹp xuống, mụn nước vỡ ra và khiến vùng da tại đây chuyển sang màu vàng đậm.
- Những triệu chứng này thường xuất hiện ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, kẽ hay đầu ngón tay, ngón chân. Ngoài ra, một số vị trí khác cũng có thể bị tổ đỉa như 2 bên nách và bẹn.
- Xung quanh vùng da mọc mụn nước mọc vảy, sưng đỏ và cực kỳ ngứa ngáy khiến trẻ quấy khóc do không thể làm gì để giảm ngứa. Còn những trẻ lớn hơn thì dùng tay để cào gãi mạnh và vô tình làm tổn thương trên làn da.
- Đối với những trường hợp trẻ bị tổ đỉa nặng nhưng vẫn không được điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ kéo theo các triệu chứng toàn thân như sốt cao, nổi hạch tại các vùng da mọc mụn nước. Ngoài ra, các đốm mụn nước lúc bị nặng sẽ đục màu và sưng to hơn.
Bố mẹ cần quan sát kỹ các dấu hiệu bệnh tổ đỉa để phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán điều trị bệnh kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, đảm bảo sự an toàn cho con trẻ.
Một số lưu ý trong điều trị bệnh tổ đỉa ở trẻ em
Để đạt được hiệu quả điều trị bệnh cao, hạn chế tối đa tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trẻ em có làn da rất mẫn cảm, nếu sử dụng thuốc Tây phải có sự cho phép và kê đơn của bác sĩ. Điển hình nếu muốn sử dụng nizoral hay silkron phải dùng cho trẻ trên 5 tuổi để tránh tác dụng phụ.
- Chú ý vệ sinh vùng da bị tổ đỉa nói riêng và toàn thân thể nói chung bằng nhiều cách thức như tắm gội, vệ sinh tay chân hằng ngày, nhất là sau khi trẻ nghịch bẩn, ngâm tay chân vào nguồn nước bẩn hay tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa độc hại...
- Nước tắm cho trẻ có độ ấm vừa phải, không quá nóng hoặc quá lạnh để tránh gây tổn thương cho da. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tắm càng nhanh càng tốt, tránh chà xát mạnh vào da để tránh làm tăng nặng các triệu chứng bệnh tổ đỉa.
- Chú ý quan sát hoặc nhắc nhở trẻ không dùng tay cào gãi lên vùng da nổi mụn nước, bong tróc để tránh lây lan vi khuẩn tại vùng da bị tổn thương sang các vùng da khỏe mạnh khác.
- Giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh của trẻ, giặt giũ mền gối, chăn drap, gối nệm của con thường xuyên. Giặt sạch quần áo, khăn mặt, khăn tay, khăn tắm... ít nhất mỗi ngày một lần bằng nước giặt chuyên dụng cho trẻ, ít chất tẩy rửa và dịu nhẹ không gây kích ứng cho làn da của trẻ.
- Bố mẹ nên hết sức cân nhắc điều chỉnh chế độ ăn uống của trẻ, loại bỏ một số loại thực phẩm như hải sản (tôm, cua, cá biển, ốc...), thịt bò, trứng, sữa... nếu trẻ dị ứng với chúng. Thay vào đó, nên thêm vào thực đơn của con các loại rau củ quả tươi giàu chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất... nhằm tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho trẻ để chống lại bệnh tật.
- Giữ ấm, che chắn cẩn thận cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh hoặc mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát khi bước vào mùa hè.
Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là căn bệnh không quá nguy hiểm, nếu được điều trị kịp thời bệnh sẽ nhanh chóng biến mất mà không để lại bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Bên cạnh điều trị theo đúng phác đồ do bác sĩ đưa ra, bố mẹ cũng cần chú ý chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng một cách tự nhiên cho trẻ để chống lại mọi bệnh tật.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!