Bệnh Tổ Đỉa Có Chữa Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bệnh tổ đỉa có chữa được không là vấn đề được không ít người bệnh quan tâm. Theo các chuyên gia, đây là căn bệnh da liễu phổ biến, có tính chất mạn tính, dai dẳng, thường xuyên tái đi tái lại và chưa có biện pháp chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn. Việc điều trị chủ yếu dựa vào xử lý triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương lan rộng trên da và phòng ngừa tái phát càng lâu càng tốt.
Bệnh tổ đỉa có chữa được không?
Bệnh tổ đỉa (chàm tổ đỉa) được xếp vào nhóm bệnh lý lâm sàng của bệnh chàm Eczema. Đây là tình trạng viêm da có tính chất mạn tính, đặc trưng với các triệu chứng nổi mụn nước sâu kèm theo ngứa ngáy ở bàn tay và bàn chân, mụn nước có kích thước nhỏ, mọc li ti, san sát trên bề mặt da, cứng, khu trú sâu dưới da và rất khó vỡ.
Những triệu chứng của bệnh tổ đỉa thường diễn tiến theo từng giai đoạn, trong đó ở giai đoạn đầu những triệu chứng thường là da khô, nứt nẻ, viêm nhẹ kèm theo ngứa ngáy. Tuy nhiên, đến giai đoạn bùng phát mạnh trên bề mặt da thường có xu hướng vỡ mụn nước, rỉ dịch, lở loét, bong tróc vảy da và gây ra những cơn ngứa ngáy dữ dội, đau rát khó chịu. Thông thường, các triệu chứng của tổ đỉa thường khởi phát mạnh vào mùa xuân hè và thuyên giảm dần vào mùa thu đông.
Tương tự như các dạng bệnh chàm khác, các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, bệnh vẫn được đánh giá là có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ như rối loạn đáp ứng hệ miễn dịch khi tiếp xúc với các dị nguyên từ bên ngoài môi trường (ngoại sinh) hoặc từ chính bên trong cơ thể (nội sinh).
Tổ đỉa là căn bệnh mãn tính nhưng cũng rất lành tính, hoàn toàn không gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, do bệnh có tính chất dai dẳng, đeo bám lâu dài và dễ tái đi tái lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, ngoại hình và tâm lý của người bệnh. Vậy bệnh tổ đỉa có chữa được không?
Theo đánh giá của các chuyên gia, những tổn thương do bệnh tổ đỉa gây ra chỉ tồn tại ngoài da, cụ thể là tại lớp thượng bì. Dù không nguy hiểm nhưng vì khoa học chưa xác định được căn nguyên gây bệnh nên việc điều trị bệnh còn khá phức tạp và khó khăn. Do đó hiện nay không chỉ bệnh tổ đỉa mà bất kỳ bệnh lý da liễu nào cũng được điều trị bằng cách cải thiện các tổn thương lâm sàng trên bề mặt da, giảm thiểu các triệu chứng cơ năng, ức chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng.
Vì vậy, có thể kết luận rằng bệnh tổ đỉa không thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn bằng bất kỳ hình thức nào, ngay cả khi áp dụng các biện pháp điều trị tích cực. Người bệnh chỉ có thể điều trị triệu chứng đang bùng phát và chăm sóc da kỹ lưỡng để phòng ngừa tái phát càng lâu càng tốt, tránh gây ra thâm sẹo trên da.
Hướng dẫn các biện pháp điều trị bệnh tổ đỉa hiệu quả
Can thiệp điều trị triệu chứng bệnh tổ đỉa bằng các biện pháp y khoa, đồng thời kết hợp với các mẹo chăm sóc khoa học hằng ngày là phương án chữa trị được các chuyên gia khuyến khích áp dụng.
1. Điều trị tổ đỉa bằng các biện pháp y tế
Các biện pháp y tế chữa bệnh tổ đỉa phổ biến là sử dụng thuốc bôi điều trị tại chỗ hoặc thuốc uống điều trị toàn thân. Tùy theo mức độ tổn thương trên da nặng hay nhẹ, giai đoạn phát triển bệnh và độ tuổi của từng người mà bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh tổ đỉa như:
- Các loại dung dịch có tính sát trùng: Một số dung dịch sát trùng đem lại hiệu quả cao như thuốc tím methyl 1%, bạc nitrat 0.5%… Đây là các loại dung dịch được bác sĩ kê đơn sử dụng trong giai đoạn đầu khi triệu chứng bệnh vừa tái phát. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn, làm khô những tổn thương trên da và ngăn ngừa bội nhiễm.
- Kem bôi, thuốc mỡ chứa corticoid: Những đốm mụn nước đã vỡ ra, chảy hết dịch bên trong và tiêu biến hẳn đi, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc mỡ chứa corticoid để hỗ trợ tiêu viêm, giảm ngứa ngáy và cấp ẩm cho làn da. Tuy nhiên, do dược tính của thuốc mạnh nên dễ gây ra tác dụng phụ, vì vậy chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ trên da và không lạm dụng quá mức trong thời gian trên 20 ngày.
- Thuốc ức chế Calcineurine: Đây là nhóm thuốc có khả năng kháng viêm, chống khuẩn và kháng dị ứng. Bác sĩ thường kê đơn sử dụng nhóm thuốc này với thuốc bôi chứa corticoid để tăng hiệu quả điều trị các triệu chứng ngoài da. Cơ chế hoạt động của thuốc đó là ức chế các hoạt chất trung gian gây dị ứng và viêm da, nhờ đó giảm thiểu tối đa những tổn thương và một vài các triệu chứng cơ năng.
- Thuốc chống nấm: Có rất nhiều trường hợp bị tổ đỉa có liên quan đến sự hình thành và phát triển của các ổ nấm. Vì vậy với những trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc có khả năng ức chế sự sinh sôi của nấm men và cải thiện những tổn thương trên bề mặt da.
- Thuốc kháng histamine: Histamine chính là tác nhân chính làm bùng phát các cơn ngứa ngáy dai dẳng, lúc âm ỉ lúc dữ dội. Để ức chế hoạt chất này bác sĩ thường kê đơn cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc như Certirizine, Clorpheniramine, Loratadin…
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp các tổn thương do tổ đỉa đã bội nhiễm. Thuốc thường được bào chế dưới dạng thuốc uống hoặc thuốc bôi để đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng người bệnh.
Lưu ý:
- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc Tây chữa bệnh tổ đỉa theo bác sĩ chuyên khoa. Không được tự ý thay đổi loại thuốc, liều dùng của thuốc cũng như lạm dụng quá mức vượt khỏi thời gian quy định tối đa để tránh gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Sau thời gian quy định sử dụng thuốc nếu các triệu chứng không thuyên giảm hãy thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và chỉ định sử dụng loại thuốc khác hiệu quả hơn.
2. Áp dụng các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa tái phát
Bệnh tổ đỉa thường phát triển theo từng giai đoạn và dễ tái phát nếu tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng phiền toái do bệnh tổ đỉa gây ra, ngoài điều trị bằng các biện pháp y tế thì người bệnh nên chủ động kết hợp với các mẹo chăm sóc phòng ngừa để kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng bệnh.
Một số mẹo chăm sóc và phòng ngừa triệu chứng bệnh tổ đỉa hiệu quả như:
- Người mắc bệnh tổ đỉa cần cẩn trọng chú ý trong việc di chuyển, nhất là triệu chứng nổi mụn nước ở bàn chân có kích thước lớn. Để tránh viêm nhiễm, người bệnh nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để chích rạch các bọng nước to, phòng ngừa biến chứng bội nhiễm.
- Hạn chế tối đa việc để làn da tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như thực phẩm, hóa chất, kim loại, nguồn nước ô nhiễm… Nếu tính chất công việc bắt buộc tiếp xúc phải đeo găng tay hoặc đi ủng cao su để tránh gây kích ứng da.
- Vệ sinh da hằng ngày bằng cách tắm gội, rửa tay, chân kỹ lưỡng bằng các loại dung dịch rửa tay thông dụng.
- Hình thành thói quen dưỡng ẩm da từ 2 – 4 lần/ ngày để cấp ẩm cùng các dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức đề kháng cho làn da.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh và vận động thường xuyên để nâng cao hệ miễn dịch chống lại các triệu chứng bệnh tổ đỉa có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp quý bạn đọc đã có lời giải đáp về vấn đề “Bệnh tổ đỉa có chữa được không?” và nắm được các biện pháp điều trị, chăm sóc cũng như chủ động phòng tránh tái phát bệnh hiệu quả. Tốt nhất người bệnh nên thăm khám tại bệnh viện để được bác sĩ da liễu chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất.
Xem Thêm:
- Bệnh Tổ Đỉa Có Nguy Hiểm Không? Có Chữa Được Không?
- Bệnh Tổ Đỉa Có Lây Không? Cách Điều Trị và Lưu Ý về Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!