Viêm Amidan Cấp Tính
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm amidan cấp tính đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm tổ chức amidan bùng phát trong thời gian ngắn. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng amidan sưng đỏ, sốt cao, nói giọng mũi, đau rát cổ họng, thở khò khè,… Việc điều trị amidan cấp chủ yếu sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp giúp tăng cường thể trạng.
Viêm amidan cấp tính là gì?
Viêm amidan cấp tính đề cập đến tình trạng amidan bị sưng huyết, xuất tiết trong thời gian ngắn. Bệnh lý thường gặp ở đối tượng trẻ từ 5 - 15 tuổi bởi các tác nhân chủ yếu là vi khuẩn, virus. Thực tế, amidan là cơ quan miễn dịch, hoạt động mạnh trong độ tuổi từ 4 - 15 và có xu hướng suy giảm chức năng khi hệ miễn dịch cơ thể phát triển hoàn chỉnh. Do đó, độ tuổi này, amidan thường dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus tấn công quá mức.
Mặc dù là bệnh đường hô hấp phổ biến nhưng viêm amidan cấp có thể gây ra các biến chứng ở khớp, não, các cơ quan kế cận (mũi, VA, vòm họng, thanh quản, xoang,...) nếu không được kiểm soát kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh lý còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng giấc ngủ, hiệu suất học tập - làm việc.
Do cấu tạo của amidan có nhiều khe kẽ, rãnh, hốc nên bệnh lý có xu hướng tái phát cao. Do đó, cần kết hợp song song với điều trị và các biện pháp phòng ngừa. Viêm amidan tái phát thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn dẫn đến phì đại amidan, khó thở khi ngủ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não và thể chất, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân viêm amidan cấp tính
Các biểu hiện viêm amidan cấp tính khởi phát chủ yếu do những tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus.
Một số nguyên nhân gây viêm amidan cấp thường gặp, bao gồm:
- Virus: Phổ biến như virus cúm, sởi, virus ho gà,...
- Vi khuẩn: Liên cầu tan huyết nhóm A, liên cầu khuẩn, tụ cầu, Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), xoắn khuẩn và một số ái khí, chủng yếm khí khác.
Mặc dù nguyên nhân trực tiếp gây bùng phát các triệu chứng viêm amidan là do vi khuẩn và virus nhưng bệnh chỉ bùng phát khi xuất hiện các điều kiện thuận lợi sau:
- Cơ địa dị ứng
- Tiếp xúc thân mật với những người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp
- Thể trạng kém, sức đề kháng yếu
- Thời tiết thay đổi đột ngột (tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus bùng phát mạnh)
- Điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém
- Sống trong môi trường ô nhiễm
- Do tính chất công việc thường xuyên tiếp xúc với nấm mốc, bụi bẩn, hoá chất trong thời gian dài
- Người mắc các bệnh răng miệng và hô hấp mãn tính không được điều trị triệt để như viêm xoang, viêm lợi, sâu răng, viêm VA,...
Do amidan là tổ chức có cấu tạo nhiều khe kẽ, hốc,... nên vi khuẩn, virus dễ dàng trú ngụ và phát triển. Đây cũng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến viêm amidan, viêm họng dễ tái phát hơn so với những bệnh hô hấp khác.
Triệu chứng viêm amidan cấp tính
Các triệu chứng bệnh viêm amidan cấp tính thường có xu hướng bùng phát đột ngột, ồ ạt, diễn tiến nhanh trong vài ngày. Bệnh lý vừa gây ra các triệu chứng cơ năng, toàn thân cũng như tổn thương thực thể.
Để nhận biết các triệu chứng bệnh lý, người bệnh có thể căn cứ vào một số biểu hiện sau:
Triệu chứng cơ năng:
- Đau rát cổ họng, sưng nóng, nhất là 2 bên họng (vị trí của amidan)
- Sau khoảng vài giờ, cổ họng có cảm giác đau nuốt, cơn đau ở mức độ nặng, đặc biệt là khi nuốt và ho. Trong một số trường hợp có thể bị đau nhói bên tai
- Amidan sưng to có thể khiến không gian ở cổ họng bị thu hẹp, từ đó gây ra một số triệu chứng khác như thở khò khè, khàn giọng, ngủ ngáy, nói giọng mũi, hôi miệng,...
Triệu chứng thực thể:
- Khi quan ở khoang họng sẽ nhận thấy niêm mạc họng có màu đỏ tươi, lưỡi trắng và miệng khô
- Đặc biệt, amidan bị sưng to, đỏ nhận thấy rõ rệt. Trong một số trường hợp, amidan có thể bị sưng lớn khiến eo họng bị thu hẹp đáng kể.
- Bề mặt của amidan có các chấm mủ màu trắng không bám chắc và có thể chùi sạch bằng khăn
- Trong một số trường hợp, người bị viêm amidan xuất hiện các đốm đỏ, lớn ở sau thành họng (do tổ chức lympho hoạt động nhằm bảo vệ cơ thể trước những tác động của vi khuẩn, virus)
Triệu chứng toàn thân:
- Người bệnh sốt đột ngột từ 38 - 39 độ C kèm theo biểu hiện ớn lạnh, rét run
- Nước tiểu ít, có màu sẫm và táo bón
- Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ăn uống kém kèm theo đau đầu
- Một số trường hợp có thể bị nôn mửa
Viêm amidan cấp nguy hiểm không?
Viêm amidan cấp là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên phổ biến. Các triệu chứng bệnh lý thường có xu hướng thuyên giảm sau khi được thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng các. Tuy nhiên, nếu không được xử lý đúng cách, viêm amidan cấp có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số biến chứng thường gặp do viêm amidan cấp gây ra:
- Biến chứng cục bộ: Vi khuẩn, virus trú ngụ trong amidan có thể phát triển gây viêm tấy xung quanh amidan, loét khe amidan, sỏi amidan, viêm tấy thành bên họng, viêm họng mãn tính. Những biến chứng này mặc dù không nguy hiểm nhưng tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Biến chứng kế cận: Ngoài ra, những tác nhân nhiễm trùng cũng có thể lan rộng sang những cơ quan hô hấp kế cận và dẫn đến viêm nhiễm. Những biến chứng gần có thể gặp phải như viêm tai giữa, viêm hạch cổ mãn tính, viêm xoang, viêm phế quản, viêm mũi,...
- Biến chứng xa: Trong một số trường hợp, vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng amidan có thể di chuyển đến những cơ quan ở xa và phát sinh các biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc, khuẩn huyết, viêm khớp, viêm thận. Các biến chứng này thường có mức độ nặng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khoẻ nếu không được xử lý sớm.
Ngoài những biến chứng trên, bệnh viêm amidan cấp còn có thể khiến cơ thể mệt mỏi, thể trạng suy giảm, ăn uống kém, ảnh hưởng hiệu suất học tập - làm việc, chất lượng giấc ngủ.
Phòng ngừa viêm amidan cấp hiệu quả
Do amidan có cấu trúc nhiều rãnh, hốc, khe kẽ nên thường dễ bị vi khuẩn, virus trú ngụ, phát triển. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bệnh lý có thể tái phát nhiều lần và dẫn đến viêm amidan phù đại (viêm amidan quá phát).
Do đó, sau khi điều trị viêm amidan cấp, người bệnh cần chủ động áp dụng các biện pháp bệnh phòng ngừa tái phát như sau:
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để loại bỏ nấm mốc, bụi bẩn và những yếu tố dị ứng óc trong không khí.
- Chú ý giữ ấm cơ thể, mang khẩu trang thường xuyên trong giai đoạn giao mùa. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp cấp, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với những vật dụng công cộng.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách và đều đặn mỗi ngày 2 lần. Dùng nước muối súc miệng thường xuyên.
- Điều trị triệt để những ổ viêm ở mô xoang, răng, mũi, nướu, thanh quản,... Để hạn chế vi khuẩn, virus lây lan và phát triển mạnh gây viêm họng, viêm amidan.
- Với những người có cơ địa dị ứng cần tránh tiếp xúc với những yếu tố kích ứng, dị ứng như phấn hoa, khói thuốc lá, mạt bụi, nấm mốc,...
- Xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường chức năng đề kháng, nâng cao thể trạng.
Viêm amidan cấp là một trong những bệnh đường hô hấp cấp phổ biến ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh lý gây ra, người bệnh cần chủ động thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý sử dụng thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị về sau, đồng thời tăng nguy cơ kháng thuốc tác động xấu đến sức khoẻ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!