Thuốc Gây Buồn Ngủ Nhanh Và Những Tác Hại Nguy Hiểm Nên Biết
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Ngày nay nhiều người thường gặp khó khăn trong việc ngủ nhanh và ngủ ngon vào đêm. Lúc này, họ thường có xu hướng tìm đến các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn rất nhiều tác hại nguy hiểm, đe dọa sức khỏe cùng nhiều vấn đề khác.
Thuốc gây buồn ngủ nhanh là gì? Công dụng là gì?
Thuốc gây buồn ngủ nhanh còn được gọi là thuốc an thần, thuốc ngủ, đây là tên gọi chung cho các loại thuốc có điều hòa thần kinh, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, xua tan cảm giác mệt mỏi, căng thẳng cho não bộ và tạo ra cảm giác buồn ngủ nhanh chóng.
Khi sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối liều dùng của bác sĩ, vì tùy theo loại thuốc mà liều dùng sẽ khác nhau. Đối với những loại thuốc dùng ở liều thấp sẽ đem lại hiệu quả an thần, giảm căng thẳng, liều trung bình là thuốc gây ngủ và liều cao tương đương với thuốc độc, gây ra hôn mê hoặc nặng hơn là tử vong.
Có những loại thuốc ngủ nào?
Dựa theo cấu trúc hóa học, các chuyên gia phân chia thuốc gây buồn ngủ nhanh làm 3 loại chính gồm:
1. Barbituric
Dẫn xuất của Barbituric bao gồm các loại thuốc có khả năng gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Điển hình trong nhóm này là thuốc Phenobarbital (Gardenal), pentobarbital (Nembutal) có khả năng an thần, gây buồn ngủ nhanh, chống co giật và động kinh tùy theo liều dùng trong từng trường hợp.
Chính vì vậy, thuốc thường được chỉ định sử dụng trong những trường hợp như: căng thẳng thần kinh, mất ngủ, khó ngủ, động kinh, co giật nhất là ở trẻ em, trẻ sơ sinh bị vàng da, tăng bilirubin huyết… Bên cạnh đó, nhiều trường hợp cũng có thể sử dụng kết hợp loại thuốc này với một số thuốc điều trị đau đầu, đau tức ngực, rối loạn thần kinh hay nhồi máu não… để tăng hiệu quả.
Các loại thuốc thuộc nhóm này thường có tác dụng trong khoảng thời gian khá lâu từ 8 – 12 tiếng. Trong quá trình sử dụng cần chú ý một số tác dụng phụ có thể gặp phải như mệt mỏi, buồn ngủ nhiều, ngủ gật, lú lẫn, gặp ác mộng hoặc phản tác dụng gây mất ngủ nếu lạm dụng quá mức. Khi dùng liều cao đến mức thành liều độc, tức là sử dụng thuốc gấp 5 – 10 lần so với bình thường sẽ làm hạ thân nhiệt tức thì, rơi vào trạng thái ngủ sâu, mất phản xạ, trụy tim, trụy hô hấp, giãn đồng tử mắt và gây tử vong.
2. Benzodiazepines
Dẫn xuất Benzodiazepines chủ yếu có tác dụng gây ngủ và an thần. Tùy theo cường độ và tác dụng của từng loại nhóm thuốc này được chia làm 2 nhóm gồm: thuốc gây ngủ nhanh như Midazolam hay thuốc an thần như Clordiazepoxido, Alprazolam, Lorazepam, Clonazepam, Oxazepam… Nhóm thuốc này thường được sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Sau khoảng 30 phút sử dụng, thuốc sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả và kéo dài cho đến hơn 6 tiếng sau đó.
Nhóm thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp người bệnh bị khó ngủ, mất ngủ do lo âu, căng thẳng do hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn sử dụng nhóm thuốc này để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng co giật, động kinh do sốt cao, ngăn chặn các cơn co cứng cơ, cai rượu…
Nhà sản xuất đã cảnh báo một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm Benzodiazepines như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, dễ lú lẫn, giảm khả năng phối hợp vận động. Ngoài ra, liều độc của nhóm thuốc này thường có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với các loại khác, độc tính có thể tăng lên khi sử dụng thuốc kèm với rượu. Nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài sẽ khiến bạn bị phụ thuộc thuốc, những lúc không sử dụng sẽ gây ra một vài triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, mất ngủ, đau nhức xương khớp, run cơ, thần kinh dễ bị kích thích….
3. Thuốc gây ngủ Z – drugs
Một số loại thuốc phổ biến trong nhóm này như eszopiclone (Lunesta), zolpidem (Stilnox, Ambien), zaleplon (Sonata)… Loại thuốc này thường được chỉ định sử dụng chủ yếu trong những trường hợp bị khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ do giấc ngủ bị rối loạn. Tác dụng của những loại thuốc này thường đến khá nhanh và êm dịu, hiếm khi xảy ra tình trạng nhờn thuốc và khó chịu khi dừng thuốc.
Ngoài những loại thuốc trên, hiện nay còn có một số dẫn xuất khác được sử dụng như một dạng thuốc ngủ như aldehyde, ureide, muối bromide, piperidin dion… hay các loại thuốc có chiết xuất thiên nhiên như tetrahydropalmatine.
Tác hại của thuốc gây buồn ngủ nhanh đối với sức khỏe
Sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh được xem là cách khắc phục tạm thời tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này không được tự ý mà phải thông qua sự cho phép của bác sĩ. Vì theo các khuyến cáo của giới chuyên môn, việc tự ý sử dụng các loại thuốc gây ngủ, an thần không đúng liều lượng, lạm dụng quá mức sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe.
Một số cảnh báo về sự nguy hại khi lạm dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh bạn cần biết như:
1. Rối loạn sự hoạt động của não bộ
Sử dụng quá liều các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh trong thời gian dài rất dễ gây ra tình trạng rối loạn não bộ. Vì trong thuốc gây ngủ, an thần chứa các chất giúp tạo cảm giác buồn ngủ nhanh thông qua cơ chế ức chế sự hoạt động của hệ thần kinh, từ đó gây ra một số rối loạn nhất định. Tình trạng này kéo dài khiến bạn rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc, gây căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu, thậm chí là trầm cảm…
2. Ức chế khả năng hô hấp
Những người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý hô hấp, tim mạch… khi sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh sẽ rất nguy hiểm. Bởi loại thuốc này không chỉ gây ức chế hệ thần kinh trung ương mà còn gây ức chế trung tâm hô hấp, khiến người bệnh mệt mỏi, làm tăng nặng các triệu chứng bệnh tim, hô hấp, dễ bị khó thở, tức ngực…
3. Gây ra các vấn đề tiêu hóa
Trong quá trình sử dụng thuốc gây ngủ nhanh, rất nhiều người gặp phải một số triệu chứng khó chịu về hệ tiêu hóa như: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ nóng… nặng hơn có thể gây viêm loét, xuất huyết dạ dày… nếu không được cải thiện điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
4. Suy giảm chức năng gan thận
Các chuyên gia cho biết, xét về bản chất thì thời gian thuốc gây ngủ tồn tại trong cơ thể lâu hơn so với thời gian tạo ra cảm giác buồn ngủ. Bởi thuốc chủ yếu được hấp thụ và chuyển hóa ở gan và bài tiết qua thận. Trường hợp sử dụng quá liều trong thời gian dài hoặc những người có sẵn tiền sử bệnh gan thận sẽ càng làm cho lượng thuốc ngủ được giữ lại trong cơ thể lâu hơn nữa, khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, lờ đờ, buồn ngủ nhiều, ngủ gật… và làm suy giảm chức năng gan thận.
5. Phụ thuộc thuốc
Có rất nhiều người sau một thời gian sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh bắt đầu bị nhờn thuốc, phần là thuốc ở liều nhẹ. Vì vậy, họ bắt đầu tăng liều lên và sử dụng nó hằng ngày như một thói quen, nếu không sử dụng thuốc sẽ không có cảm giác buồn ngủ và ngủ ngon được, thay vào đó là sự bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đây là những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị nghiện và lệ thuộc vào thuốc.
6. Suy giảm tuổi thọ
Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc ngủ thường xuyên sẽ làm rút ngắn tuổi thọ. Vì vậy, nếu muốn sử dụng loại thuốc này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đạt hiệu quả cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả mà vẫn không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của mình.
7. Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng thuốc an thần quá liều trong suốt một thời gian dài làm tăng nguy cơ làm giảm khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh. Tình trạng này xảy ra do sự suy giảm chất lượng tinh trùng và trứng ở nam, nữ giới.
8. Dị ứng thuốc
Dị ứng là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh. Một số dấu hiệu đầu tiên khi bị dị ứng thuốc ngủ phổ biến như: ngứa ngáy, phát ban, sưng môi, mắt, mũi, cổ họng, lưỡi, nôn, buồn nôn, tức ngực, khó thở, mờ mắt, khản tiếng, hụt hơi…
Thậm chí, có một số phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng khi sử dụng thuốc ngủ đó là sốc phản vệ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong do phản ứng dị ứng dẫn đến phù mạch, sưng mặt. Nếu không được phát hiện và cấp cứu xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh bất kỳ lúc nào.
Trên đây là một số tác dụng phụ đáng lo ngại và nguy hiểm khi sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh quá mức trong thời gian dài. Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở y tế để được cấp cứu điều trị kịp thời.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh
Các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh được ví như “con dao hai lưỡi”, là giải pháp cải thiện giấc ngủ hiệu quả nhưng cũng rất nguy hiểm nếu lạm dụng quá mức. Vì vậy, khi sử dụng bạn cần chú ý một số vấn đề sau đây:
- Trong thời gian đầu sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh, hầu hết người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng như thường xuyên ngủ gật, lơ mơ, ngủ gật, đứng không vững, giảm tập trung… Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể giảm dần trong ngày sử dụng tiếp theo.
- Sau khi sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh, hệ thần kinh sẽ bị ức chế và hoạt động chậm lại. Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý tránh các hoạt động cần sự tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy móc, thiết bị…
- Tuyệt đối không sử dụng thuốc kết hợp với rượu vì sẽ làm tăng tác dụng an thần đến mức dẫn đến hiện tượng ngừng thở, nguy hiểm hơn là tử vong.
- Không ăn bưởi hay uống nước ép bưởi ngay sau khi uống thuốc ngủ. Vì các hoạt chất trong bưởi sẽ làm tăng khả năng hấp thụ thuốc ngủ vào máu, tăng thời gian thuốc lưu lại trong cơ thể, khiến cơ bị ngộ độc do bị quá liều thuốc.
- Những người bị mất ngủ hoặc sau khi sử dụng thuốc ngủ không nên ăn quá no. Vì ăn quá no sẽ làm tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể tăng thêm năng lượng dẫn đến khó ngủ.
- Trong quá trình sử dụng thuốc không nên làm tăng thêm áp lực, stress vì đây là yếu tố sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc ngủ.
- Thiết lập nhịp sinh học lành mạnh, thức ngủ đúng giờ đúng giấc. Vì sử dụng thuốc ngủ có thể dẫn đến tình trạng ngủ mê man, khó thức dậy vào sáng hôm sau và làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Các chuyên gia cho biết, các loại thuốc ngủ thường có tác dụng trong vòng 6 – 8 tiếng, nên bạn cần chú ý ngủ đúng giờ, giấc để tránh gây ra tình trạng buồn ngủ, mơ màng vào ban ngày.
- Tạo môi trường ngủ thoải mái, mát mẻ, yên tĩnh và sử dụng những vật dụng cá nhân quen thuộc của mình. Vì có nhiều người dù sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh nhưng lạ giường, lạ phòng cũng sẽ gây khó ngủ.
- Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng các loại thuốc gây buồn ngủ nhanh nhưng vẫn đảm bảo lợi ích lâu dài, tránh tác dụng phụ, không gây lệ thuộc vào thuốc ngủ, người bệnh cần kết kết hợp với các cách làm buồn ngủ nhanh tự nhiên, thân thiện như ăn uống khoa học, tập thể dục, duy trì cân nặng lành mạnh, giảm stress…
Tóm lại, sử dụng thuốc gây buồn ngủ nhanh mặc dù hiệu quả cao nhưng tác dụng phụ lại không hề ít, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sức khỏe. Vì vậy, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng và lạm dụng thuốc trong thời gian dài mà hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, thiết lập thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, ổn định cảm xúc, duy trì trạng thái vui vẻ để tạo cuộc sống thoải mái, tạo giấc ngủ ngon và chất lượng hơn.
Xem Thêm:
- Thuốc Ngủ Liều Mạnh Và Hệ Lụy Nguy Hiểm Khi Lạm Dụng
- TOP 11+ Thuốc Thảo Dược Trị Mất Ngủ Hiệu Quả An Toàn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!