Viêm Phế Quản Mạn Tính
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm phế quản mạn tính là bệnh hô hấp thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là tình trạng ho dai dẳng, kéo dài kèm theo tăng tiết dịch hô hấp gây ứ đờm và khạc nhổ liên tục.
Viêm phế quản mạn tính là gì?
Viêm phế quản mạn tính (mãn tính) là bệnh viêm đường hô hấp dưới khá phổ biến. Bệnh lý này xảy ra khi phế quản (ống dẫn khí) bị viêm và phù nề dai dẳng dẫn đến ho có đờm, tăng tiết dịch, thở khò khè kéo dài và tái phát nhiều lần. Viêm phế quản mãn tính cũng được chẩn đoán sau khi đã loại trừ tất cả các yếu tố và nguyên nhân có thể gây ho dai dẳng, mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, trào ngược dạ dày, giãn phế quản,...
Khác với viêm phế quản cấp tính, bệnh ở giai đoạn mạn tính chủ yếu xảy ra do kích ứng, dị ứng, hoàn toàn không có vai trò của virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên trong một số thời điểm, bệnh nhân cũng có thể gặp phải tình trạng viêm phế quản cấp tính do bản thân phế quản đã bị tổn thương sẵn nên dễ bị virus và vi khuẩn tấn công.
Đặc điểm của viêm phế quản mãn tính là triệu chứng có mức độ nhẹ, khởi phát chậm nhưng diễn tiến dai dẳng, kéo dài và dễ tái phát. Bệnh lý này chủ yếu gặp ở người trung niên và cao tuổi - đặc biệt là ở những đối tượng có cơ địa dị ứng, hút thuốc lá lâu năm, sinh sống trong môi trường ô nhiễm và tính chất công việc phải tiếp xúc với bụi vải, hóa chất thường xuyên.
Nguyên nhân viêm phế quản mạn tính
Viêm phế quản mạn tính chủ yếu xảy ra do thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng và dị ứng. Về lâu dài, ống dẫn khí bị phù nề và viêm mạn tính.
Các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản mãn tính:
- Hút thuốc lá lâu năm: Hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thụ động trong thời gian dài là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản mãn tính. Trong khói thuốc chứa rất nhiều hóa chất gây hại nên khi tiếp xúc trong nhiều năm có thể khiến ống dẫn khí bị viêm mạn tính. Ngoài ra, nicotine trong khói thuốc còn gây hư hại tế bào phổi và gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Hóa chất, bụi bẩn: Ngoài thuốc lá, người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất, vải, mùn cưa, nấm mốc,... cũng có nguy cơ cao bị viêm phế quản mạn tính. Nguyên nhân là do các chất này gây kích ứng dẫn đến phù nề ống dẫn khí, tăng tiết dịch và kích thích phản ứng ho dai dẳng.
- Cơ địa nhạy cảm: Thực tế, viêm phế quản mãn tính ảnh hưởng nhiều đến những người có cơ địa nhạy cảm. Khi tiếp xúc với bụi bẩn, mùn cưa và hóa chất, người có thể địa mẫn cảm dễ bị kích ứng và dị ứng. Trong khi đó, những người có cơ địa khỏe mạnh ít gặp phải hiện tượng này.
Bên cạnh những nguyên nhân chính, các chuyên gia cũng nhận thấy viêm phế quản mạn tính có liên quan đến những yếu tố sau:
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp và tình trạng có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần.
- Mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên mãn tính khiến chức năng đề kháng của cơ quan suy giảm. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ bị viêm phế quản mạn tính và các bệnh hô hấp dưới.
- Thiếu hụt AAT (một loại enzyme được gan bài tiết có chức năng bảo vệ cơ quan hô hấp) đã được chứng minh có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phế quản.
- Sinh sống, làm việc trong môi trường ô nhiễm
- Những người không có các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang , dùng kính che,... khi làm việc trong điều kiện có nhiều bụi vải và hóa chất cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ.
Trong một số giai đoạn, viêm phế quản mạn tính cũng có thể xen kẽ với các đợt cấp do sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Nguyên nhân là do ống dẫn khí vốn đã bị viêm và phù nề nên không có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Triệu chứng viêm phế quản mãn tính
So với viêm phế quản cấp tính, triệu chứng của viêm phế quản mãn tính thường có mức độ nhẹ hơn, mờ nhạt và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Tình trạng ống dẫn khí bị viêm, phù nề kéo dài có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ho dai dẳng, mãn tính là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm phế quản mạn tính.
- Có thể ho húng hắng hoặc ho thành cơn
- Mức độ ho tăng lên khi có những yếu tố như không khí lạnh, tiếp xúc với phấn hoa, khói bụi, dị ứng thức ăn, thời tiết thay đổi đột ngột và sau khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.
- Tăng tiết dịch đờm dẫn đến ứ đờm ở cổ họng, bệnh nhân luôn cảm thấy vướng nên khạc đờm thường xuyên.
- Dịch đờm hơi nhầy và thường có màu trắng. Những trường hợp bội nhiễm vi khuẩn sẽ xuất hiện đờm màu xanh hoặc vàng.
- Ho nhiều ngày khiến bệnh nhân mất ngủ, ăn uống kém, mệt mỏi và suy nhược. Với người cao tuổi, viêm phế quản mạn tính còn gây giảm trí nhớ do mất ngủ kéo dài.
- Đôi khi bệnh có gây sốt nhẹ nhưng không phổ biến, kèm theo thở khò khè và khó thở
Trong một số giai đoạn, các triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có xu hướng thuyên giảm với biểu hiện nghèo nàn như ho húng hắng và ứ đờm nhẹ ở cổ họng. Tuy nhiên, xen kẽ với các giai đoạn mãn tính là viêm phế quản cấp tính (chủ yếu là mùa đông xuân). Trong giai đoạn cấp, triệu chứng có mức độ nặng hơn, bùng phát đột ngột nhưng thuyên giảm nhanh sau 1 - 2 tuần.
Viêm phế quản mãn tính có ảnh hưởng gì không?
Viêm phế quản mãn tính có đặc điểm dai dẳng, kéo dài và dễ tái phát. Do đó, dù triệu chứng có mức độ nhẹ nhưng bệnh lý này gây ảnh hưởng nhiều hơn so với viêm phế quản cấp. Thông thường, bệnh ở giai đoạn cấp có thể được kiểm soát chỉ sau 10 - 14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên với viêm phế quản mãn tính, bệnh có thể tái phát ngay sau khi được điều trị.
Chính vì hay tái phát nên bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, quá trình học tập, làm việc và sinh hoạt. Ngoài ho dai dẳng, viêm phế quản mãn tính còn làm tăng tiết đờm. Với những người có thể trạng kém, đờm có thể ứ trong ống dẫn khí lâu ngày dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tái đi tái lại cũng gia tăng nguy cơ bị hen phế quản, suy hô hấp, giãn phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - nhất là trong trường hợp hút thuốc lá lâu năm.
Chăm sóc, phòng ngừa viêm phế quản mạn tính tái phát
Viêm phế quản mạn tính có đặc điểm dai dẳng, kéo dài và dễ tái phát. Chính vì vậy ngoài các phương pháp điều trị và cải thiện, bệnh nhân cũng cần có chế độ chăm sóc hợp lý để giảm triệu chứng và nâng đỡ thể trạng. Chế độ chăm sóc khoa học có thể rút ngắn thời gian bệnh tiến triển và giảm thiểu tần suất tái phát.
Cách phòng ngừa tái phát và chăm sóc trong thời gian điều trị viêm phế quản mãn tính:
- Ăn uống điều độ, nên dùng thức ăn ấm, mềm, lỏng và ít gia vị. Tránh dùng đồ ăn khô, cay nóng và nhiều chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần hạn chế thức ăn lạnh, đồ uống chứa cồn và caffeine.
- Uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm và giảm mệt mỏi. Ngoài nước lọc, có thể dùng các loại trà thảo mộc và nước ép trái cây để giảm tình trạng ngứa họng, ho và ứ đờm.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách và chú ý làm sạch tai, mũi 2 - 3 lần/ tuần bằng nước muối sinh lý.
- Thay đổi các thói quen xấu như hút thuốc lá, dùng rượu bia, thức khuya,... Các thói quen này đều ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và khiến viêm phế quản mạn tính tiến triển dai dẳng, dễ tái phát.
- Không tiếp xúc với những người bị viêm nhiễm đường hô hấp. Vào thời điểm chuyển mùa, nên giữ ấm cơ thể để tránh các đợt cấp tính của bệnh.
- Tiêm vaccine ngừa virus cúm và viêm phổi để giảm thiểu các đợt cấp tính khi mắc viêm phế quản mạn tính.
- Tăng cường tập thể dục, tránh căng thẳng quá mức và ngủ đủ giấc để nâng cao hệ miễn dịch. Thể trạng được cải thiện có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh hô hấp thường gặp khác.
Viêm phế quản mạn tính ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, bệnh nhân cần tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách để kiểm soát bệnh, tránh tình trạng bệnh tái phát và tiến triển dai dẳng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!