Viêm Mũi Dị Ứng Thời Tiết
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm mũi dị ứng thời tiết đề cập đến tình trạng viêm mũi dị ứng khi tiếp xúc với các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, chất dị ứng tồn tại trong không khí. Bệnh lý có xu hướng bùng phát mạnh vào một số thời điểm trong năm, nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh.
Viêm mũi dị ứng thời tiết là gì?
Viêm mũi dị ứng thời tiết là một trường hợp của bệnh viêm mũi dị ứng, phổ biến ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng sổ mũi, hắt hơi, sưng tấy mũi, ngứa ngáy, khó chịu. Thực tế nhận thấy, viêm mũi dị ứng ảnh hưởng nhiều ở người cơ địa nhạy cảm, mẫn cảm với sự thay đổi thời tiết đột ngột, độ ẩm, nhiệt độ,…
Theo nhận định của các chuyên gia, các biểu hiện bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết có xu hướng bùng phát mạnh vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết chuyển lạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác nhân từ môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc, phấn hoa, gió lạnh,...) gây kích ứng, dị ứng niêm mạc hô hấp dẫn đến tổn thương và viêm nhiễm.
Tương tự như các trường hợp viêm mũi thông thường, bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết xảy ra khi hệ miễn dịch "nhạy cảm" trước các tác nhân gây dị ứng, kích ứng. Từ đó, kích thích hoạt động phóng thích histamin - chất trung gian đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng vào da và niêm mạc hô hấp và gây bùng phát các triệu chứng bệnh lý.
Viêm mũi dị ứng thời tiết mặc dù không đe dọa đến sức khoẻ, tuy nhiên bệnh có tính chất mãn tính, kéo dài dai dẳng, dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Tình trạng bệnh tiến tiền dai dẳng không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ, hiệu suất lao động mà có thể làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân viêm mũi dị ứng thời tiết
Theo các chuyên gia đầu ngành, các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết bùng phát khi tiếp xúc với sự thay đổi của thời tiết (độ ẩm, nhiệt độ, gió,...). Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân và yếu tố sau:
- Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch suy giảm là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng. Lúc này, hệ miễn dịch thường có xu hướng phản ứng quá mức với những yếu tố thời tiết và gây bùng phát các triệu chứng bệnh lý.
- Cơ địa dị ứng: Thực tế nhận thấy, người có cơ địa dị ứng thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên (viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen phế quản,...) cao hơn so với người bình thường. Yếu tố này được xác định là nguyên nhân gây ra các phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên.
- Yếu tố di truyền: Trường hợp có ba mẹ bị viêm mũi dị ứng thời tiết hoặc các bệnh lý có cơ chế dị ứng (mề đay mãn tính, viêm da cơ địa, viêm kết mạc dị ứng) thường có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn có với người bình thường.
- Dị nguyên trong không khí: Phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn, lông động vật,… lẫn trong không khí được xem là một trong những nguyên nhân gây khởi phát các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết.
- Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân và yếu tố trên, bệnh lý có thể xảy ra hoặc khiến các triệu chứng diễn tiến nghiêm trọng hơn bởi một số yếu tố như sống và làm việc trong môi trường có nhiệt độ thấp, mắc các bệnh nền (hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi, nổi mề đay mẩn ngứa,...)
Triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết
Các triệu chứng do bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết gây ra thường giống với bệnh cảm cúm hoặc viêm xoang thông thường. Điều này khiến người bệnh chủ quan, điều trị và chăm sóc không đúng cách khiến các triệu chứng bệnh tiến triển nặng nề, dễ tái phát và gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh lý:
- Khi tiếp xúc với sự thay đổi của thời tiết và các yếu tố môi trường, niêm mạc hô hấp sẽ bị kích thích và gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
- Người bệnh thường có biểu hiện hắt hơi liên tục. Đây là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các tác nhân vừa xâm nhập.
- Đau đầu, nghẹt mũi, ngứa đau họng, ho khan có thể kèm theo sốt nhẹ, giảm khứu giác.
- Chảy nước mũi loãng, nhầy, có màu trắng trong suốt và thường bị nhầm lẫn với bệnh sổ mũi thông thường
- Chảy nước mắt, ngứa mắt, đau hốc mắt
- Cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ, mất tập trung, ngủ không ngon,...
Viêm mũi dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh lý khá lành tính. Bệnh hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà chỉ tác động đến sinh hoạt, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Các biểu hiện của bệnh lý thực chất là hệ quả từ phản ứng bảo vệ có thể của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng (thời tiết).
Tuy nhiên, nếu bệnh lý kéo dài và tái phát thường xuyên có thể gây ra một số biến chứng như:
- Rối loạn giấc ngủ: Các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường bùng phát mạnh vào ban đêm (do nhiệt độ thấp). Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động não bộ, thể trạng và tâm lý người bệnh.
- Hen suyễn: Hen suyễn hay hen phế quản là biến chứng thường gặp ở người bị viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, các triệu chứng bệnh lý tái phát nhiều lần, kéo dài dai dẳng có thể khiến phế quản nhạy cảm và co thắt mạnh hơn khi tiếp xúc với các dị nguyên.
- Viêm xoang: Về cấu tạo, các mô xoang và mũi có mối liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, hiện tượng sưng viêm, phù nề niêm mạc mũi kéo dài có thể gây gián đoạn hoạt động dẫn lưu dịch tiết, dẫn đến ứ đọng dịch và sưng viêm ở các mô xoang. Từ đó bùng phát các triệu chứng bệnh viêm xoang, bệnh nếu không được kiểm soát kịp thời có thể phát sinh các biến chứng ở mắt, tai, họng, thần kinh,,..
- Viêm mũi dị ứng bội nhiễm: Viêm mũi dị ứng thời tiết nếu không được kiểm soát và chăm sóc đúng cách có thể gây viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Biến chứng xảy ra do dịch nhầy ứ đọng trong khoang mũi thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus, nấm phát triển và gây bội nhiễm. Không giống với bệnh viêm mũi thông thường, viêm mũi dị ứng bội nhiễm có mức độ nghiêm trọng và cần được điều trị trong thời gian sớm nhất.
- Tăng nguy cơ phát sinh các bệnh hô hấp khác: Thực tế, những cơ quan hô hấp đều có tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, tình trạng sưng viêm niêm mạc mũi kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác như viêm thanh quản, viêm họng, viêm tai giữa, viêm VA,...
Ngoài ra, bệnh lý nếu không được kiểm soát và chăm sóc đúng cách còn có thể dẫn đến phì đại mũi gây thoái hoá mũi, phù nề. Điều này có thể khiến người bệnh bị ngạt mũi/ ngưng thở khi ngủ. Một vài trường hợp có thể xuất hiện polyp mũi do tình trạng viêm ở niêm mạc mũi kéo dài.
Kiểm soát và phòng ngừa viêm mũi dị ứng thời tiết hiệu quả
Viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng đều có tính chất dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Mặc dù không đe dọa nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng tình trạng tái phát thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, suy giảm chất lượng cuộc sống và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp khác.
Do đó, song song áp dụng các phương pháp điều trị và cải thiện, người bệnh cần chủ động trọng việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lý như:
- Chú ý giữ ấm cơ thể vào thời điểm chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm môi trường thay đổi đột ngột. Giữ niêm mạc mũi không bị khô, tránh ngồi trước máy điều hoà hoặc máy quạt quá lâu.
- Không tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, hoá chất, nấm mốc,... Đeo khẩu trang và che chắn cẩn thận khi di chuyển ngoài trời hoặc đến nơi đông người.
- Cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để giúp loại bỏ các chất dị ứng trong không khí. Bên cạnh đó, thiết bị lọc không khí còn giúp làm dịu niêm mạc mũi và tạo độ ẩm cần thiết.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa để loại bỏ các vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng tồn đọng. Giặt vỏ bọc nệm, mền gối định kỳ 3 tháng/ lần.
- Các triệu chứng bệnh lý thường bùng phát khi thời tiết thay đổi đột ngột. Do đó, người bệnh nên hạn chế di chuyển ngoài trời khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh.
- Vệ sinh răng miệng đều đặn, thường xuyên vệ sinh tai, mũi, họng với nước muối sinh lý để làm sạch niêm mạc hô hấp, loại bỏ các tác nhân gây hại.
- Tích cực trồng nhiều cây xanh để giúp thanh lọc không khí, đồng thời giúp loại bỏ các dị nguyên.
- Thực tế nhận thấy, nâng cao hệ miễn dịch có thể làm giảm nhẹ mức độ các triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng, đồng thời làm giảm tần suất tái phát. Do đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và tăng cường tập luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng, tăng cường đề kháng.
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh hô hấp phổ biến. Mặc dù không gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng các triệu chứng bệnh tác động tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, người bệnh cần chủ động thăm khám, điều trị và áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách để kiểm soát bệnh lý.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!