Căng Cơ Thắt Lưng
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Căng cơ thắt lưng là tình trạng các cơ tại vùng lưng bị kéo căng quá mức và tạo thành những vết rách bên trong, phổ biến ở vùng lưng dưới. Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương, uốn cong lưng quá tầm, lao động nặng nhọc, sai tư thế hoặc mắc một số bệnh lý liên quan.
Căng cơ thắt lưng là gì?
Căng cơ thắt lưng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng các cơ lưng có xu hướng bị kéo căng quá mức và gây rách một phần mô. Từ đó gây ra triệu chứng đau mỏi vùng lưng và đi kèm với một số biểu hiện khó chịu như co thắt, sưng nóng, hạn chế khả năng vận động.
Rách cơ có thể khiến cấu trúc của cột sống bị suy yếu, dễ bị tổn thương và mất vững. Bên cạnh đó, khả năng linh hoạt cũng như các chuyển động tại vùng lưng cũng có xu hướng thuyên giảm. Căng cơ thắt lưng ảnh hưởng nhiều tại vùng thắt lưng (lưng dưới). Thực tế nhận thấy, hội chứng này ảnh hưởng nhiều đến người lao động tay chân, vận động viên.
Nguyên nhân căng cơ thắt lưng
Thực tế nhận thấy, tình trạng có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo đó, triệu chứng có thể là hệ quả của việc vận động quá sức, chấn thương, sai tư thế trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp triệu chứng là dấu hiệu nhận biết của các bệnh lý tiềm ẩn.
Một số nguyên nhân phổ biến gây căng cơ ở lưng
- Sai tư thế: Ngồi khom lưng, ngồi vẹo lưng hoặc ngồi thụp xuống ghế trong thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên các khối cơ dọc cột sống. Từ đó gây ra tình trạng co thắt, cứng và đau lưng.
- Chuyển động đột ngột: Uốn cong cột sống quá tầm hoặc đột ngột vặn mình có thể làm tăng áp lực lên các cơ và dẫn đến tổn thương. Tình trạng này có thể khiến người bệnh đau đớn và cứng cơ lưng dưới, giảm khả năng vận động và làm tăng nguy cơ bị rách cơ.
- Vận động quá sức: Thực tế nhận thấy, hội chứng căng cơ thắt lưng thường xảy ra ở những vận động viên nhảy xa, cử tạ, người lao động thường xuyên mang vác, bê vác vật nặng. Bởi việc vận động quá mức có thể làm tăng áp lực tại các cơ xung quanh cột sống. Từ đó bùng phát cơn đau lưng do căng cơ.
- Chấn thương: Chấn thương do tai nạn giao thông, té ngã, chơi những môn thể thao tiếp xúc hay một cú đánh mạnh lên vùng lưng có thể gây căng tức cơ và dẫn đến rách cơ. Thông thường, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức, gặp khó khăn khi vận động, vùng lưng bị tổn thương sưng đỏ, bầm tím.
- Căng thẳng quá mức: Số liệu thống kê nhận thấy, căng cơ thắt lưng thường xảy ra ở người có tâm lý bất ổn, thường xuyên căng thẳng và lo lắng. Bởi căng thẳng kéo dài có thể khiến não bộ phát ra tín hiệu giải phóng epinephrine và hormone cortisol. Điều này có thể khiến các cơ bị thắt chặt, tăng nhịp tim và huyết áp.
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý: Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng căng cơ thắt lưng cũng có thể ảnh hưởng bởi một số bệnh cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hoá xương khớp, trượt cột sống,…
Triệu chứng căng cơ thắt lưng
Trường hợp bị căng cơ thắt lưng có thể nhận biết thông qua các biểu hiện sau:
- Đau vùng thắt lưng (lưng dưới). Cơn đau tiến triển nặng nề hơn khi cử động lưng, ho, hắt hơi hoặc tác động vào vị trí có cơ bị rách. Và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, bất động.
- Có cảm giác co cứng khối cơ cạnh cột sống
- Cột sống mất vững, lệch vẹo dẫn đến mất đường cong sinh lý
- Sưng, bầm tím tại vùng có cơ bị tổn thương
Căng cơ thắt lưng có nguy hiểm không?
Trường hợp bị căng cơ thắt lưng do các nguyên nhân thông thường và không rách cơ, các biểu hiện lâm sàng có thể thuyên giảm sau vài ngày nếu được chăm sóc và nghỉ ngơi đúng cách. Thực tế nhận thấy, những trường hợp này đáp ứng tốt các biện pháp cải thiện và chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, các trường hợp bị căng cơ ở thắt lưng tiến triển nặng nề, đi kèm tổn thương cơ (rách cơ), người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế để kiểm soát triệu chứng nhanh chóng, phòng ngừa rủi ro. Nếu không được điều trị đúng cách, hội chứng có thể gây ra các biến chứng nặng nề sau:
- Giảm hoặc mất khả năng cử động lưng
- Rách cơ hoàn toàn
- Biến dạng lưng (vẹo cột sống) do mất vững
- Teo cơ
Để kiểm soát các biểu hiện lâm sàng và phòng ngừa biến chứng phát sinh, người bệnh cần chủ động đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Biện pháp giúp phòng ngừa căng cơ thắt lưng
Căng cơ thắt lưng có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này có thể được kiểm soát tốt nếu được thăm khám và điều trị sớm. Tuy nhiên thực tế nhận thấy, các triệu chứng lâm sàng có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Do đó, người bệnh cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lý. Cụ thể:
- Tránh vận động quá sức, hạn chế mang vác nặng. Bên cạnh đó, nên thường xuyên vận động, đi lại nhẹ nhàng nếu làm công việc ngồi/ đứng nhiều.
- Nếu có cảm giác đau lưng dưới hoặc căng cơ đột ngột, cần ngưng ngay các hoạt động đang thực hiện và dành thời gian nghỉ ngơi.
- Đảm bảo thực hiện các tư thế đúng trong khi làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Tránh tình trạng ngồi khom lưng, vẹo lưng, ngồi nghiêng một bên,… trong thời gian dài. Cần giữ thẳng lưng khi đi đứng và ngồi làm việc.
- Kiểm soát cân nặng phù hợp là một trong những biện pháp phòng ngừa căng cơ thắt lưng hiệu quả. Trường hợp bị thừa cân – béo phì cần áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học thông qua chế độ tập luyện và ăn uống điều độ.
- Nên thực hiện các thao tác massage sau một ngày làm việc mệt mỏi để giúp các cơ được thư giãn. Từ đó hạn chế căng thẳng và cơn đau nhức, co thắt quá mức ở thắt lưng.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, hạn chế sử dụng bia rượu, hút thuốc lá, các loại thức uống chứa cồn.
- Thận trọng trong các hoạt động hàng ngày, chơi thể thao, tham gia giao thông nhằm hạn chế tối đa các chấn thương ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống cũng như sức khoẻ tổng thể.
Căng cơ thắt lưng có thể được khắc phục nếu được phát hiện sớm, điều trị và chăm sóc đúng cách. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến triệu chứng tiến triển nặng nề và gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!