Long Nhãn – Vị Thuốc An Thần, Bổ Máu, Tốt Cho Sức Khỏe

Long nhãn được biết đến là dược liệu quý trong Đông y với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như an thần, bổ máu, chữa mất ngủ,… hiệu quả. Đặc biệt, khi được dùng chung với các dược liệu thích hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị. Trong bài viết dưới đây, Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc chia sẻ chi tiết về đặc điểm, công dụng, cách dùng và 10 bài thuốc từ dược liệu này.

Tổng quan dược liệu long nhãn

Long nhãn còn được gọi với nhiều tên khác như Long nhãn nhục, Long mục, Ích trí, Mật tỳ, Á lệ chi, Nguyên nhục,… Tên khoa học của dược liệu là Euphoria longan (Lour.) Steud, họ Bồ hòn (Sapindaceae).

Đặc điểm hình dạng

Có nhiều giống nhãn khác nhau như nhãn lồng, nhãn xuồng, nhãn tiêu da bò, nhãn miền thiết,…. Nhưng các loại nhãn thường có đặc điểm hình dạng giống nhau.

  • Thân cây: Cây nhãn là cây thân gỗ lâu năm, mọc đứng, chiều cao trung bình của cây từ 5 – 10m. Cây có nhiều cành nhánh um tùm, tán lá rộng. Vỏ cây có màu nâu sâm, hơi sần sùi.
  • Lá cây: Lá nhãn mọc so le, thuộc dạng lá kép chân chim, có từ 5 – 9 lá chét. Phiến lá dài từ 5 – 7cm. Lá có màu xanh đậm, 2 mặt nổi gân.
  • Hoa: Hoa nhãn màu vàng nhạt, mọc thành các chùm ở đầu cành. Trung bình mỗi hoa sẽ có 5 cánh rời, nhiều nhụy.
  • Quả nhãn: Quả có hình tròn, lớp vỏ quả nhẵn màu vàng sẫm. Sau khi bóc lớp vỏ ra sẽ đến lớp cùi dày màu trắng, đây chính là phần được sử dụng làm dược liệu long nhãn. Hạt nhãn đen, cứng và mỗi quả có duy nhất 1 hạt. Long nhãn có độ dày mỏng tùy thuộc vào nhiệt độ sấy, thường có màu vàng đậm hoặc màu nâu sẫm, mặt ngoài nhăn nheo còn mặt trong nhẵn bóng hơn. Long nhãn có đặc trưng với vị ngọt đậm, mềm dẻo, thơm nhẹ.
Cây nhãn là cây thân gỗ lâu năm, mọc đứng, chiều cao trung bình từ 5 - 10m
Cây nhãn là cây thân gỗ lâu năm, mọc đứng, chiều cao trung bình từ 5 – 10m

Phân bố

Cây nhãn dễ sống, không kén đất và có khả năng chịu giá rét tốt. Trên thế giới, cây nhãn được tìm thấy ở các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc, Indonesia,…

Tại Việt Nam, nhãn được trồng ở nhiều vùng miền nhưng tập trung chủ yếu ở Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Sơn La,…

Thu hoạch và sơ chế

Ngoài cùi nhãn, các bộ phận khác của cây như lá, rễ hoặc hạt cũng được sử dụng làm dược liệu chữa bệnh trong Y học cổ truyền. Trong đó, lá và rễ cây có thể thu hái quanh năm, riêng phần hạt và cùi nhãn sẽ được thu hoạch vào mùa quả chín, trong khoảng thời gian tháng 7 – tháng 8 hằng năm.

Quả nhãn sau khi được thu hoạch sẽ đem phơi nắng hoặc cho vào hầm sấy khô ở mức nhiệt từ 40 – 50 độ C. Sau đó, những quả đạt độ khô thích hợp khi lắc nghe tiếng lóc cóc là có thể bóc vỏ, lột lấy cùi bên trong. Cùi nhãn tiếp tục được đem sấy ở mức nhiệt 50 – 60 độ đến khi sờ vào không cảm thấy mật dính tay là được.

Dược liệu sau khi được sấy khô cần bảo quản trong túi hoặc lọ kín, nên để nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ẩm mốc, tránh ánh sáng mặt trời rọi trực tiếp.

Quả nhãn sau khi được thu hoạch sẽ đem phơi nắng hoặc cho vào hầm sấy khô
Quả nhãn sau khi được thu hoạch sẽ đem phơi nắng hoặc cho vào hầm sấy khô

Thành phần hóa học

Sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu về thành phần hóa học trong nhãn, chuyên gia phát hiện trong mỗi bộ phận của cây sẽ có thành phần hoạt chất khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Cùi nhãn tươi: Trong cùi nhãn còn tươi có chứa đến 77,15% nước; 1,47% protid; 0,13% chất béo, vitamin A, vitamin B, vitamin C, sắt, đường sacarose cùng một số hợp chất chứa nito có thể tan trong nước.
  • Long nhãn: Sau khi cùi được đem sấy khô, thành phần hóa học có nhiều sự biến đội. Trong đó có độ tro khoảng 3,36%, 0,85% nước và các chất khác như sắt, vitamin C, acid taetric, glucose, sacarose và một số chất không hòa tan trong nước.
  • Lá nhãn: Trong lá nhãn có chứa các hoạt chất gồm quexitin, 16-hentriacontanol, b-sitosterol, tanin và quexitrin.
  • Hạt nhãn: Thành phần hạt nhãn chứa saponin, tanin, acid xyclopropanoid, acid dihydrosterculic và 1 lượng tinh.

Công dụng của long nhãn đối với sức khỏe

“Long nhãn có tác dụng gì?” Với câu hỏi này, các thầy thuốc, bác sĩ đã phân tích lời giải đáp theo cả trường phái Y học cổ truyền và Y học hiện đại, cụ thể như sau:

Y học cổ truyền

Long nhãn sở hữu vị ngọt, tính ấm, không chứa độc, được quy vào kinh Tâm và kinh Tỳ. Vậy nên, dược liệu này chuyên chủ trị các chứng bệnh gồm:

  • Trị tỳ hư, phế kém, tân dịch tiêu hao, tiêu chảy, bụng dạ chướng, khó tiêu.
  • Ngũ tạng tà khí, suy nhược cơ thể, chán ăn,…
  • Lao thương Tâm Tỳ, suy nghĩ quá mức, hay quên, hồi hộp, giật mình lo sợ,…

Y học hiện đại

Phân tích theo khía cạnh Y học hiện đại, các công dụng của dược liệu được bắt nguồn từ hàm lượng thành phần hóa học đa dạng. Đặc biệt phải kể đến 5 tác dụng của long nhãn như:

  • Tăng cường miễn dịch: Lượng vitamin C lớn trong dược liệu có khả năng tăng cường miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hiệu quả.
  • Giảm nguy cơ mắc đục thủy tinh thể: Một nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu hụt riboflavin. Trong khi đó, long nhãn có chứa lượng lớn hoạt chất này. Vậy nên, khi sử dụng dược liệu cũng đồng nghĩa cung cấp 1 lượng riboflavin cho cơ thể, giảm tỉ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể và một số bệnh lý về mắt khác.
  • Chống lão hóa da: Long nhãn sở hữu lượng lớn vitamin A và vitamin C có khả năng tái tạo collagen, ngăn ngừa lão hóa, dưỡng ẩm và phục hồi cấu trúc da. Nhờ đó, giúp da giảm nếp nhăn, sáng mịn và đều màu hơn.
  • Cải thiện tim mạch, ổn định huyết áp: Vitamin C trong long nhãn có khả năng tăng cường tính đàn hồi cho mạch máu, giúp bền mạch máu, ổn định dòng chảy khí huyết, ổn định huyết áp, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như xơ vữa động mạch, đột quỵ, đau tim,…
  • Ngăn ngừa loãng xương: Các hoạt chất trong long nhãn có tác dụng hỗ trợ tăng cường mật độ xương sụn, giúp xương khớp chắc khỏe, ngăn ngừa thoái hóa, loãng xương, đặc biệt ở độ tuổi trung niên.
Long nhãn mang đến nhiều tác dụng cho sức khỏe
Long nhãn mang đến nhiều tác dụng cho sức khỏe

Xem thêm: Khổ Sâm Có Tác Dụng Gì? Hướng Dẫn 6 Bài Thuốc Trị Bệnh Chuẩn Y Khoa 

Bài thuốc sử dụng long nhãn chữa bệnh

Các bài thuốc từ long nhãn kết hợp cùng một số dược liệu, thảo dược khác mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết từ bước chuẩn bị định lượng nguyên liệu đến từng bước thực hiện chuẩn xác nhất.

1. Bài thuốc trị chứng thiếu máu

Thiếu máu khiến cơ thể xanh xao, mệt mỏi, mất tập trung. Để trị tình trạng này, người bệnh thực hiện bài thuốc dưới đây:

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn (10g), lạc (15g)
  • Cách thực hiện: Lạc rửa sạch, để nguyên vỏ, đem đập dập rồi nấu chung với long nhãn trong 500ml nước. Sau khi sôi, thêm 1 ít muối ăn vào rồi rót ra bát uống mỗi ngày.

2. Bài thuốc cải thiện trí nhớ, trị mất ngủ

Sử dụng long nhãn kết hợp cùng một số dược liệu khác như phục thần, đảng sâm, đương quy,… theo định lượng phù hợp sẽ giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện giấc ngủ hiệu quả.

  • Chuẩn bị dược liệu: Hoàng kỳ, toan táo nhân, phục thần, đảng sâm, đương quy, long nhãn, bạch truật mỗi vị 12g; Mộc hương  và chích thảo mỗi vị 4g; Đương quy 8g; Viễn Chí 6g.
  • Cách thực hiện: Cho tất cả dược liệu trên vào ấm, sắc cùng với 500ml nước. Đợi đến khi nước thuốc sôi thì chắt ra cốc, chia làm 2 – 3 cốc đều để uống trong ngày.
Sử dụng long nhãn giúp điều trị mất ngủ hiệu quả
Sử dụng long nhãn giúp điều trị mất ngủ hiệu quả

3. Bài thuốc an thần, bổ máu, kiện tỳ

Cháo long nhãn đại táo có tác dụng an thần, kiện tỳ và bổ máu. Theo khảo sát thực tế cho thấy, người bệnh sau khi ăn liên tục trong 3 tuần sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn 16g, đại táo 15g, gạo tẻ 100g.
  • Cách thực hiện: Cho gạo vào nấu cháo, đến khi nhuyễn thì thêm long nhãn và đại táo vào> Tiếp tục ninh trong 15 phút để dược liệu chín hoàn toàn, múc cháo ra bát và ăn khi còn ấm nóng.

4. Bài thuốc trị hồi hộp, lo âu

Đối với tình trạng thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo âu, người bệnh sử dụng ngay bài thuốc với long nhãn cùng một số dược liệu khác như sau:

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn, đại táo mỗi loại 250g, một thìa mật ong, một ít nước cốt gừng.
  • Cách thực hiện: Cho long nhãn và đại ráo vào nấu chung với 500ml nước, đợi khi sôi thì cho nhỏ bếp, thêm nước gừng và mật ong vào khuấy đều, đợi đến khi hỗn hợp sôi sẽ tắt bếp và rót ra cốc uống.

5. Bài thuốc chữa đoản hơi, mệt mỏi, suy nhược

Long nhãn, thục địa, đương quy, hoàng kỳ,… đều là những dược liệu có tác dụng cải thiện sức khỏe, trị đoản hơi, mệt mỏi, suy nhược. Khi được kết hợp một cách phù hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả trị bệnh.

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn và thục địa mỗi vị 16g, đương quy và hoàng kỳ mỗi vị 12g.
  • Cách thực hiện: Sắc các dược liệu trên với 600ml nước, đợi khi sôi, nước cạn còn 300ml nước thì tắt bếp, chắt ra cốc và uống trong ngày. Nên uống khi nước thuốc còn ấm để hiệu quả đạt được tốt nhất.

6. Chữa suy giảm trí nhớ

Tình trạng suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người thường xuyên gặp căng thẳng, stress. Để bồi bổ trí não, thúc đẩy tăng cường trí nhớ, thầy thuốc khuyến nghị nên sử dụng bài thuốc sau:

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn 16g, thục địa 16g, toan táo nhân 10g, câu đằng 12g.
  • Cách sử dụng: Sắc lượng dược liệu trên với 400ml nước, đợi sôi thì chắt ra cốc uống. Mỗi ngày uống 1 thang, sau 3 – 4 tuần sẽ thấy hiệu quả cải thiện trí não.

7. Bài thuốc trị lở ngứa khe ngón chân

Dùng bột tán từ long nhãn có tác dụng điều trị lở ngứa ở khe ngón chân rất hiệu quả. Thông thường, tình trạng này sẽ được cải thiện rõ rệt sau 7 – 10 ngày áp dụng.

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn.
  • Cách thực hiện: Phơi khô long nhãn, sau đó đem tán thành bột mịn và rắc vào khu vực cần điều trị.

8. Bài thuốc chữa tiêu chảy, tỳ hư

Ngoài sử dụng thuốc tây, người bệnh tiêu chảy, tỳ hư có thể áp dụng ngay bài thuốc dưới đây để tăng hiệu quả chữa trị.

  • Chuẩn bị dược liệu: Long nhãn khô 14 quả, sinh khương 3 lát.
  • Cách thực hiện: Cho dược liệu đã chuẩn bị đúng theo định lượng trên vào 400ml nước, sắc đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp và rót ra uống khi còn ấm.
Tiêu chảy, tỳ hư có thể áp dụng ngay bài thuốc với long nhãn
Tiêu chảy, tỳ hư có thể áp dụng ngay bài thuốc với long nhãn

Một số câu hỏi liên quan đến long nhãn

Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến long nhãn:

  • Tác dụng phụ của long nhãn khi sử dụng sai cách là gì?

Không thể phủ nhận tác dụng điều trị nhiều bệnh lý của long nhãn, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người gặp một số tác dụng phụ sau khi sử dụng long nhãn như: Nóng trong, nổi mụn, tăng cân, tăng đường trong máu, đau bụng, táo bón,… Nguyên nhân bởi ăn quá lượng cho phép, hoặc cơ thể mẫn cảm với thành phần trong dược liệu.

  • Nên ăn bao nhiêu long nhãn mỗi ngày?

Như đã chia sẻ, ăn sai cách sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Liệu lượng long nhãn sấy được khuyến nghị mỗi ngày là 50g. Ngoài ra, người dùng có thể kết hợp với một số thực phẩm hoặc dược liệu khác để giảm bớt tính nóng của long nhãn. Tuy nhiên cần chú ý, mọi sự kết hợp đều phải tham khảo hướng dẫn của thầy thuốc.

  • Bầu ăn long nhãn được không?

Thầy thuốc cho biết, long nhãn có tính ấm, dễ gây nóng trong nên phụ nữ đang mang bầu không nên sử dụng để tránh gây đau bụng, động thai, thậm chí sảy thai. Ngoài ra, người có cơ địa nóng trong, người có chỉ số đường huyết cao, đang bị tiểu đường không nên sử dụng dược liệu.

Giá bán long nhãn bao nhiêu? Mua ở đâu đảm bảo chất lượng?

Với hương vị thơm ngon cùng tác dụng tốt cho sức khỏe, long nhãn trở thành món ăn, vị thuốc được sử dụng phổ biến. Vậy nên, nhu cầu mua bán và sử dụng dược liệu cũng ngày càng tăng. Hiện nay, mức giá bán long nhãn dao động trong khoảng từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Mức chênh lệch này sẽ phụ thuộc vào từng đơn vị cung cấp.

Khách hàng có thể mua long nhãn tại các nhà thuốc Đông y, các siêu thị, cửa hàng nông sản hoặc cửa hàng cung cấp trái cây. Ngoài ra, nhiều cơ sở nhà vườn cũng cung cấp nhãn tươi và nhãn khô,… Nhưng dù là mua ở đâu, bạn cũng cần đảm bảo lựa chọn đơn vị uy tín, cung cấp dược phẩm sạch, không hóa chất phẩm màu, không chất bảo quản hay tồn dư thuốc trừ sâu,… để đảm bảo sức khỏe trong quá trình sử dụng.

Mức giá bán dao động trong khoảng từ 250.000 - 300.000 đồng/kg
Mức giá bán dao động trong khoảng từ 250.000 – 300.000 đồng/kg

Lưu ý khi sử dụng long nhãn

Long nhãn tốt nhưng nếu dùng sai cách có thể phản tác dụng. Chuyên gia Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc cho biết, người dùng cần lưu ý một số vấn đề sau đây trong quá trình sử dụng long nhãn và các bài thuốc liên quan đến dược liệu này.

  • Thời điểm ăn long nhãn được khuyến nghị là sau bữa ăn từ 1 – 2 tiếng. Tránh dùng khi bụng đang trống rỗng vì lượng vitamin C khá cao trong dược liệu sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, khiến người dùng có cảm giác cồn cào, xót ruột.
  • Các bài thuốc trị bệnh từ long nhãn không thể hoàn toàn thay thế phương pháp điều trị chuyên sâu. Vậy nên, người bệnh không lạm dụng hoặc phụ thuộc hoàn toàn, cần đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra và xây dựng phác đồ chữa trị bệnh phù hợp.
  • Sử dụng dược liệu theo liều lượng cho phép, đồng thời nếu nằm trong nhóm đối tượng được khuyến nghị không nên sử dụng long nhãn, bạn tuyệt đối không sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Ngoài ra, để nhanh chóng cải thiện sức khỏe, người bệnh cần kết hợp chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, đảm bảo thực đơn đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường tập luyện thể dục gia tăng đề kháng cho cơ thể.

Trên đây là thông tin chi tiết về đặc điểm tổng quan, công dụng và cách sử dụng long nhãn. Các bài thuốc từ dược liệu cho hiệu quả cao, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe, cần tham khảo kỹ càng ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Xem thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0961716466

Tin mới

7 Mẹo Chữa Đau Dạ Dày Bằng Hạt Sen Hiệu Quả An Toàn Tại Nhà

7 Mẹo Chữa Đau Dạ Dày Bằng Hạt Sen Hiệu Quả An Toàn Tại Nhà

Hạt sen không chỉ là một thực phẩm bổ dưỡng mà còn được biết đến...
Phụ Nữ Bị Bệnh U Xơ Tử Cung Có Uống Được Tảo Xoắn Không? 

Phụ Nữ Bị Bệnh U Xơ Tử Cung Có Uống Được Tảo Xoắn Không? 

U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến ở phụ nữ,...
Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Tư Vấn Sức Khỏe Cho Người Dân Phường Xuân Đỉnh

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Tư Vấn Sức Khỏe Cho Người Dân Phường Xuân Đỉnh

Vào ngày 28/8 vừa qua, Viện Y dược cổ truyền dân tộc đã tổ chức...