Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Ý dĩ là loại cây quen thuộc được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn và thuốc chữa bệnh. Trong y học cổ truyền, ý dĩ là dược liệu được dùng điều trị các bệnh lý như ho, ung thư, sỏi,… ngoài ra còn giúp giảm cân và làm đẹp da.
Thông tin về ý dĩ
Ý dĩ là tên một loại cây thuốc được tìm thấy trên nhiều tỉnh thành ở nước ta. Mặc dù vậy không phải ai cũng biết thông tin và công dụng của cây ý dĩ.
Ngoài tên gọi này, nhiều người còn hay gọi dược liệu là cây dĩ thực, giải lễ, mễ châu, ngọc mễ, khởi mục, ý thử, hồi hồi mễ,… và các tên gọi khác. Ý dĩ có tên khoa học là Coix Lachryma Jobi L, thuộc họ Lúa Poaceae.
Đặc điểm thực vật
Nhận dạng cây ý dĩ thông qua các đặc điểm sau:
- Cây dược liệu sống lâu năm, có thân thảo, chiều cao của cây trưởng thành trung bình từ 1m – 1,5m. Thân cây có các vạch dọc, nhẵn bóng.
- Cây ra lá có hình như mũi mác, dài từ 10cm – 40cm, rộng khoảng 1,5cm – 3cm. Trên lá có các đường gân nổi rõ, đặc biệt đường gân ở giữa lá to.
- Dược liệu ra hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá. Hoa có 3 nhị, hoa đực thường mọc ở trên, hoa cái mọc ở dưới.
- Cây đậu quả có màng cứng bên ngoài, bao bọc phần hạt. Hạt ý dĩ hình trứng, dài khoảng 5mm – 8mm, đường kính 2mm – 5mm. Bên ngoài hạt có màu trắng, bên trong có hình rãnh máng sâu. Hạt dược liệu cứng có vị ngọt nhưng không có mùi.
Bên cạnh đó, còn một loại hạt ý dĩ khác tương tự, loại này có lớp lụa bên ngoài bao bọc màu đỏ nâu. Vì thế người ta hay gọi nó là ý dĩ lứt hay ý dĩ đỏ. Phân biệt hai loại hạt để sử dụng phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Phân bố
Cây ý dĩ theo ghi chép có nguồn gốc từ Đông Á và bán đảo Malaysia. Đặc biệt, cây được tìm thấy nhiều nhất ở Trung Quốc. Tại nước ta, cây ý dĩ ưa những nơi đất ẩm, khí hậu mát, do đó có thể tìm thấu chúng nhiều ở các tỉnh như Lai Châu, Nghệ An, Tây Nguyên, Thanh Hóa,…
Do nhu cầu sử dụng cây dược liệu ngày càng nhiều nên ngoài thu hái hoang dã, hiện nay người ta đã nhân giống, nuôi trồng ý dĩ tại các trung tâm dược liệu trong nước.
Bộ phần dùng
Sử dụng chủ yếu phần hạt làm thuốc. Bên cạnh đó, nhiều người còn sử dụng rễ cây kết hợp với các dược liệu khác phù hợp để điều trị bệnh.
Thu hoạch, chế biến, bảo quản
Hạt được thu hoạch vào tháng 8 – tháng 10 hàng năm. Người thu hái sẽ cắt toàn bộ cây, sau đó phơi khô rồi đập cho hạt rụng để thu gom. Phần vỏ được loại bỏ, chỉ sử dụng phần lõi bên trong. Người sử dụng có thể dùng dược liệu tươi hoặc hạt được bào chế.
Cách bào chế cũng khá đơn giản. Theo đó, người ta sẽ sử dụng 1kg cám đun đến khi khói bóc lên, sau đó cho 10kg hạt ý dĩ vào chảo sao đều tay. Đến khi thấy dược liệu ngả vàng là đạt. Cho hỗn hợp cám, ý dĩ ra ngoài, đợi khi nguội sẽ loại bỏ phần cám, chỉ giữ lại hạt dược liệu.
Bảo quản hạt nơi khô ráo, thoáng mát, cho hạt vào trong lọ hoặc túi kín. Tránh để dược liệu ở những nơi ẩm ướt, có côn trùng để tránh làm hư hại dược liệu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả điều trị bệnh.
Thành phần hóa học
Trong hạt ý dĩ chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe. Có thể kể đến như lipid, protit, cacbonhydrat, axit amin, lysin, leucin, sitosterol, coixoil, dimethy glucozit,…
Tác dụng của ý dĩ
Tính vị
Tính bình, hơi hàn, vị ngọt.
Quy kinh
Quy vào các kinh Phế, Tỳ, Can, Vị.
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền, ý dĩ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Như đã đề cập, dược liệu có tính bình, hơi hàn, vị ngọt, quy vào 4 kinh. Do đó, dược liệu thường được chủ trị các trường hợp như phong thấp tý, hạ khí, ích khí, chủ phế nuy, nôn ra mủ máu, phá ngũ tạng kết độc, đờm nghịch lên, trừ tà khí bất nhân,…
Theo Y học hiện đại, ý dĩ chứa nhiều hoạt chất hóa học tốt cho sức khỏe. Do đó, hạt của loại cây này mang đến các tác dụng điển hình như giúp ức chế khối u ác tính phát triển, phù hợp cho người mắc bệnh ung thư, đồng thời còn giúp chống viêm, ức chế giải phóng histamin, tốt cho hệ hô hấp,…
Liều dùng
Người dùng có thể sử dụng dược liệu ở dạng tươi hoặc đã qua sao vàng. Tùy tình trạng sức khỏe của mỗi người, liều lượng dược liệu sẽ được thầy thuốc chỉ định phù hợp. Không dùng quá 80g dược liệu mỗi ngày để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Cách sử dụng hạt, cây ý dĩ
Sử dụng ý dĩ làm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, giúp bồi bổ cơ thể, dưỡng da, làm đẹp. Dưới đây là cách sử dụng tương ứng với các bài thuốc được nhiều người áp dụng hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo:
Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp do phong thấp
- Chuẩn bị: 40g ý dĩ, 30g hạt hạnh nhân kết hợp với 40g cam thảo và 120g ma hoàng.
- Thực hiện: Dược liệu nấu với 4 chén nước đến khi nước thuốc cạn còn khoảng 1 chén, chắt lấy nước thuốc để riêng. Tiếp tục cho 3 chén nước vào đun lên còn 1 chén, trộn 2 nước thuốc của hai lần nấu, sắc còn 1 chén. Chắt ấy nước thuốc chia thành 3 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa ho có đờm
- Chuẩn bị: 120g ý dĩ, kết hợp 40g cát cánh, 80g cam thảo.
- Thực hiện: Dược liệu tán thành bột, sử dụng mỗi lần 20g hỗn hợp bột uống với nước ấm sau bữa ăn.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư phổi, dạ dày, đại tràng
- Chuẩn bị: 100g hạt ý dĩ đã sao vàng.
- Thực hiện: Nấu nước thuốc uống thay nước lọc, dùng mỗi ngày kiên trì để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa tiểu có sỏi
- Chuẩn bị: 40g ý dĩ.
- Thực hiện: Nấu dược liệu với nửa lít nước đến khi cạn còn 250ml, chắt nước thuốc chia thành nhiều lần uống hết trong ngày, áp dụng kiên trì liên tục 7 ngày để cải thiện bệnh.
Bài thuốc chữa tiêu hóa kém, tỳ hư
- Chuẩn bị: 40g mỗi vị gồm ý dĩ, hoài sơn, bạch biển đậu, kết hợp với 30g mỗi vị liên nhục, sơn tra, sử quân tử, 16g thần khúc, 200g đương quy, gạo nếp 100g.
- Thực hiện: Nguyên liệu cho vào chảo sao vàng, sau đó tán thành bột mịn. Trộn đều, mỗi lần dùng 15g hỗn hộp bột sắc với nước, uống khi còn ấm.
Bài thuốc bồi bổ cơ thể
- Chuẩn bị: 10g ý dĩ, 4g mỗi vị mạch môn, thiên môn, bách bộ và 5g tang bạch bì.
- Thực hiện: Dược liệu sắc với 1 lít nước đến khi nước cạn còn 300ml, chắt nước thuốc chia thành 3 lần uống. Uống thuốc sau khi ăn 20 phút để thu được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc giảm đau răng, sâu răng
- Chuẩn bị: Ý dĩ và cát cánh lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Dược liệu tán bột, sau đó nhét vào trong chỗ răng bị sâu.
Bài thuốc chữa chứng tiểu buốt
- Chuẩn bị: 20g ý dĩ.
- Thực hiện: Sắc dược liệu với 2 chén nước đến khi cạn còn 1 nửa. Uống dược liệu khi còn ấm. Để dễ uống hơn bạn có thể cho thêm vào 16g cam thảo.
Bài thuốc điều trị phong tê thấp
- Chuẩn bị: 40g ý dĩ, 20g thổ phục linh.
- Thực hiện: Nguyên liệu cho vào nồi sắc cùng với 800ml nước đến khi cạn còn một nửa. Chắt nước thuốc chia thành nhiều lần uống trong ngày, uống sau khi ăn 15 phút.
Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt, giảm khí hư
- Chuẩn bị: 12g ý dĩ khô.
- Thực hiện: Sắc lấy nước thuốc uống trước khi tới kỳ hành kinh 3 – 5 ngày.
Ngoài ra, bạn có thể dùng 12g hồng táo kết hợp với 30g ý dĩ sắc nước thuốc chia thành 2 lần uống, dùng để giảm khí hư bất thường.
Bài thuốc trị vàng da
- Chuẩn bị: 40g rễ cây ý dĩ.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống mỗi ngày.
Bài thuốc kích thích tiết sữa
- Chuẩn bị: 30g ý dĩ sao vàng.
- Thực hiện: Dùng dược liệu hầm với móng giò, lá sung, gạo nếp thành cháo, ăn mỗi ngày giúp sữa tiết ra nhiều hơn.
Bài thuốc chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cho trẻ em
- Chuẩn bị: 12g ý dĩ, 10g hoài sơn.
- Thực hiện: Sao vàng dược liệu rồi tán thành bột. Trộn 6g hỗn hợp bột với cơm cho bé ăn.
Bài thuốc hỗ trợ ổn định cân nặng, giảm béo
- Chuẩn bị: 10g mỗi vị gồm hạt ý dĩ, lá sen và táo mèo.
- Thực hiện: Nấu cùng với 1 lít nước trong 15 phút, dùng nước thuốc mỗi ngày.
Bài thuốc trị tàn nhang, dưỡng da
- Chuẩn bị: Dùng 1 muỗng bột ý dĩ, 2 muỗng mật ong nguyên chất.
- Thực hiện: Trộn đều hỗn hợp, vệ sinh da mặt, sau đó đắp hỗn hợp lên da. Áp dụng mỗi tuần 2 – 3 lần giúp cải thiện làn da.
Lưu ý khi sử dụng ý dĩ
Ý dĩ là tên gọi của dược liệu được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, làm đẹp và còn là nguyên liệu chế biến món ăn. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên trong thời gian sử dụng bạn nên lưu ý một vài vấn đề:
- Không sử dụng dược liệu cho phụ nữ đang mang thai, bởi các chất có trong dược liệu không phù hợp cho thai kỳ, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Không tự ý kết hợp dược liệu với bất kỳ thuốc hoặc thảo dược khác khi chưa có sự hướng dẫn của thầy thuốc để phòng tránh các tương tác không mong muốn.
- Không nên lạm dụng ý dĩ, chỉ sử dụng dược liệu theo liều lượng phù hợp. Việc dùng quá nhiều có nguy cơ gây ra các phản ứng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả chữa bệnh.
- Tùy cơ địa của mỗi người mà thời gian dược liệu phát huy tác dụng sẽ khác nhau. Đòi hỏi người dùng phải kiên trì áp dụng, đồng thời theo dõi sức khỏe để phòng tránh các rủi ro không mong muốn.
- Kết hợp dùng dược liệu và chăm sóc, bồi bổ cơ thể, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe. Loại bỏ các thói quen có hại như thức khuya, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt,…
Ý dĩ là dược liệu quen thuộc được sử dụng làm thuốc chữa nhiều bệnh lý. Ngoài ra dược liệu còn được dùng làm nguyên liệu chế biến món ăn, làm đẹp. Trước khi dùng dược liệu làm thuốc trị bệnh, bạn đọc nên thăm khám và nhờ bác sĩ, thầy thuốc tư vấn để điều trị đúng bệnh, sử dụng đúng thuốc.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!