Nổi Mẩn Đỏ Không Ngứa Và 9 Bệnh Lý Liên Quan Cần Biết
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Nổi mẩn đỏ không ngứa thường xảy ra do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng, tác dụng phụ của thuốc điều trị, căng thẳng quá mức,… Ngoài ra, tình trạng này có thể là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý tiềm ẩn cần được tiến hành thăm khám, điều trị và chăm sóc đúng cách.
Nổi mẩn đỏ không ngứa và 9 bệnh lý liên quan cần biết
Tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa có thể là phản ứng dị ứng với một số nhóm thực phẩm và hóa chất. Biểu hiện này thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể nhưng tác động đến chức năng thẩm mỹ, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, trường hợp triệu chứng khởi phát do một số bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được khắc phục kịp thời.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây nổi mẩn đỏ không ngứa phổ biến:
1. Viêm da tiếp xúc kích ứng
Viêm da tiếp xúc xảy ra khi vùng da tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên và gây nổi mẩn đỏ ngứa ngáy hoặc không ngứa. Một số tác nhân gây kích thích phản ứng viêm da như hóa chất, chất tẩy rửa, phấn hoa, mỹ phẩm,… Số liệu thống kê cho thấy, tổn thương da do bệnh viêm da tiếp xúc gây ra thường tập trung ở những vùng da hở, dễ bị tổn thương như mặt, cổ, tay, chân,…
Viêm da tiếp xúc là bệnh ngoài da phổ biến ở nhiều đối tượng và khá lành tính. Các triệu chứng của bệnh lý phụ thuộc vào tác nhân kích ứng và cơ địa của mỗi người. Theo đó, người bệnh có thể cải thiện vùng da bị tổn thương và khắc phục các biểu hiện lâm sàng bằng cách loại bỏ dị nguyên và cách ly tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, có thể tham khảo dược sĩ/ bác sĩ một số loại thuốc không kê đơn trong trường hợp cần thiết.
2. Dị ứng thuốc
Nổi mẩn đỏ không ngứa thường là dấu hiệu của dị ứng thuốc điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh,… Những trường hợp nổi mẩn đỏ do dị ứng thuốc thường không gây ngứa ngáy, đau rát khó chịu. Tại vùng da bị tổn thương có xu hướng nổi sẩn/ mảng đỏ và có xu hướng lan rộng khắp cơ thể.
Trường hợp nhận thấy biểu hiện phát ban, nổi mề đay sau khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và thay đổi loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý. Tránh tình trạng ngưng dùng thuốc đột ngột hoặc tự ý thay đổi thuốc điều trị. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh lý, đồng thời phát sinh rủi ro không mong muốn.
3. Bệnh viêm bì cơ
Viêm bì cơ là phản ứng viêm da và những mô cơ dưới da. Tình trạng này thường có mối liên hệ mật thiết với quá trình thoái hóa của Collagen – đây là protein dạng sợi không hòa tan của động vật có xương sống. Ở một số trường hợp, viêm bì cơ có thể gây nổi mẩn đỏ, phát ban không ngứa, sưng da và đi kèm biểu hiện viêm.
Đa số những trường hợp bị viêm bì cơ có liên quan đến những điều kiện y tế tự miễn dịch. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh lý có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường trên da, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
4. Bị hăm da
Hăm da là một trong những vấn đề da liễu phổ biến, xảy ra do ma sát. Tổn thương do bệnh lý gây ra thường xuất hiện ở những vùng da ẩm ướt, đổ nhiều mồ hôi và ấm áp như vùng háng, ngực, lưng, nếp gấp da bụng, nách, kẽ ngón tay, ngón chân,…
Hăm da điển hình bởi biểu hiện nổi mẩn đỏ, phát ban không ngứa, một số trường hợp có thể gây đau nhẹ ở vùng da bị tổn thương. Với những trường hợp tiến triển nặng nề, hăm da có thể gây lở loét, chảy máu và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Để cải thiện và kiểm soát các triệu chứng bệnh lý, người bệnh cần giữ cơ thể sạch sẽ, khô ráo. Bên cạnh đó, chọn mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, thấm hút tốt để tránh ma sát với vùng da bị tổn thương.
5. Nổi mẩn không ngứa do thời tiết nóng
Nổi mẩn không ngứa do thời tiết nóng là tình trạng da liễu phổ biến và thường không nghiêm trọng. Tình trạng này đặc trưng bởi các biểu hiện như xuất hiện các sẩn/ mảng da đỏ hoặc trắng, thường không gây ngứa ngáy.
Phát ban không ngứa do nhiệt thường khởi phát ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Mặc dù không hiếm gặp nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng ở người trưởng thành khi hoạt động thể chất quá mức gây tăng thân nhiệt, đổ nhiều mồ hôi hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu. Ở người trưởng thành, tổn thương do bệnh lý gây ra tạo thành những mảng da sưng và sâu hơn dưới tầng biểu bì. Trong một số trường hợp, người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt,…
Để kiểm soát tình trạng nổi mẩn ngứa và một số triệu chứng đi kèm do thời tiết nóng gây ra, người bệnh có thể chườm/ tắm nước mát, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, tránh các hoạt động thể chất đổ nhiều mồ hôi, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, tránh dùng những sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng da, kem chống nắng, kem nền nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông. Đồng thời, không sử dụng những loại xà phòng chứa nhiều hương liệu, chất gây dị ứng hoặc gây khô da.
Trường hợp nhận thấy các biểu hiện toàn thân như ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa hoặc nổi mề đay kèm sốt cao, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.
6. Bệnh vẩy phấn hồng
Vẩy phấn hồng (Pityriasis Rosea) là một trong những bệnh da liễu phổ biến. Tổn thương do bệnh lý gây ra khiến da bị khô ráp, nổi mẩn/mảng đỏ không gây ngứa. Kích thước của vùng da bị bệnh lớn khoảng 4 inch và thường khu trú ở vùng ngực, lưng, bụng.
Bên cạnh đó, vẩy phấn hồng còn có thể gây ra một số biểu hiện đi kèm như:
- Đau đầu
- Sốt
- Viêm họng
- Cơ thể mệt mỏi
Đa số các trường hợp mắc bệnh có xu hướng tự cải thiện sau 6 – 10 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp bị vẩy phấn hồng gây ngứa ngáy, đau rát, lở loét da có thể tiến triển nặng nề và làm tăng nguy cơ bội nhiễm. Lúc này, người bệnh cần gặp bác sĩ Da liễu để được thăm khám và điều trị đúng cách.
7. Nhiễm giun sán
Nhiễm giun sán, nhất là giun đũa có thể gây ra tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa. Những biểu hiện này có thể khởi phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Đôi khi bạn có thể nhìn thấy giun sán di chuyển thành đường dài bên trong da.
Hiện tượng nổi mẩn đỏ không ngứa do nhiễm giun sán chỉ được khắc phục sau khi tẩy giun. Do đó, bạn cần tẩy giun sán định kỳ mỗi năm để ngăn ngừa tình trạng này. Bên cạnh đó, trường hợp nhận thấy những biểu hiện nhiễm giun sán, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
8. Ung thư da
Ung thư da là bệnh lý gây tổn thương ở mức nghiêm trọng. Theo đó, các dấu hiệu của bệnh ung thư da ở giai đoạn đầu thường xuất hiện những mẩn đỏ không ngứa hoặc nốt ruồi son, mảng vảy không đau rát.
Tổn thương da do bệnh lý gây ra không thể tự cải thiện, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Các biểu hiện của bệnh lý có xu hướng tiến triển nặng nề, mẩn đỏ lan rộng sang những vùng da xung quanh. Do đó, khi nhận thấy tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa kéo dài, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
9. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những bệnh lý trên, tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân và yếu tố khác như:
- Bị nhiễm virus sởi, thủy đậu, zona thần kinh có thể gây nổi mẩn đỏ không ngứa trên da
- Trường hợp bị sốt phát ban có thể xuất hiện các mẩn đỏ như muỗi đốt, viêm nhẹ và sốt cao trên 39 độ C. Bệnh lý thường xuất hiện ở trẻ nhỏ.
- Nhiễm trùng do tã lót, phát ban đỏ do dị ứng, viêm da dầu,… có thể gây khởi phát triệu chứng, nhất là ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Trong một số trường hợp nổi mụn trứng cá xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể, tương tự như tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa.
Nổi mẩn đỏ không ngứa nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp bị nổi mẩn đỏ không ngứa đều do một số vấn đề da liễu gây ra như viêm da tiếp xúc kích ứng, hăm da, vẩy phấn hồng,… Những bệnh lý này thường lành tính, không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh và có thể thuyên giảm sau khi được chăm sóc đúng cách.
Số liệu thống kê cho thấy, có ít trường hợp triệu chứng bùng phát do các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư da, nhiễm virus sởi, zona thần kinh, sốt phát ban. Nếu khởi phát do những bệnh lý này, mức độ tổn thương da thường nặng nề hơn và đi kèm với một số biểu hiện bất thường so với các bệnh da liễu thông thường.
Do đó, bạn cần chủ động đến bệnh viện khi nhận thấy tình trạng nổi mẩn không ngứa tiến triển nghiêm trọng hoặc đi kèm với một số biểu hiện sau:
- Mẩn đỏ không tự cải thiện sau và ngày mà có xu hướng tiến triển nặng nề
- Triệu chứng bùng phát đột ngột và lan rộng nhanh chóng
- Phát ban da trên diện rộng và thường lây lan sang những vùng da khác
- Triệu chứng nổi mề đay kèm theo sốt cao trên 39 độ
- Vùng da bị tổn thương bị đau rát dữ dội
- Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, rò rỉ mủ hoặc dịch
Các biện pháp khắc phục nổi mẩn đỏ không ngứa
Việc điều trị nổi mẩn đỏ không ngứa phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát và mức độ triệu chứng. Do đó, người bệnh nên chủ động đến bệnh viện để được chẩn đoán, xác định căn nguyên và áp dụng biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp.
Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa hiệu quả:
1. Áp dụng một số mẹo cải thiện tại nhà
Với những trường hợp bị nổi mẩn đỏ không ngứa do các bệnh ngoài da gây ra, có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà để làm dịu vùng da bị tổn thương, ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả.
Dưới đây là một số cách cải thiện tình trạng tổn thương da do triệu chứng gây ra được nhiều người bệnh áp dụng:
- Tắm/ chườm mát là một trong những cách giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả và an toàn. Với nhiệt độ lạnh sẽ giúp làm dịu vùng da bị nổi mẩn đỏ và ngăn ngừa viêm nhiễm hiệu quả.
- Tránh tiếp xúc với những tác nhân có nguy cơ gây kích ứng, dị ứng cao như hóa mỹ phẩm, xà phòng có độ pH cao, mủ thực vật, phấn hoa, dung môi công nghiệp,…
- Chọn mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút tốt để hạn chế ma sát lên vùng da bị tổn thương
- Tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên như lá trầu không, chè xanh, lá khế,… nấu nước tắm để cải thiện tình trạng nổi mẩn đỏ và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Người bị nổi mẩn đỏ không ngứa cũng có thể dùng gel nha đam thoa đều lên vùng da bị tổn thương để cải thiện tình trạng sưng đỏ, viêm da. Với hàm lượng khoáng chất, nước và vitamin dồi dào, nguyên liệu này sẽ cung cấp độ ẩm cần thiết cho da và hỗ trợ kháng viêm, làm dịu vùng da bị kích ứng.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Trường hợp nổi mẩn đỏ không ngứa không cải thiện sau khi áp dụng các biện pháp cải thiện tại nhà, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sử dụng một số loại thuốc chống dị ứng để kiểm soát triệu chứng.
Các loại thuốc chống dị ứng thường được sử dụng phổ biến trong điều trị nổi mẩn đỏ không ngứa:
- Các loại thuốc uống kháng histamine H1 thường được dùng trong điều trị các bệnh ngoài da, trong đó có tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa. Các thành phần hoạt chất này có tác dụng kiểm soát phát ban, nổi sẩn đỏ và ngăn ngừa viêm nhiễm. Trong trường hợp dùng thuốc không kê đơn, người bệnh chỉ sử dụng tối đa trong vòng 7 ngày.
- Một số loại kem bôi và thuốc mỡ điều trị tại chỗ có tác dụng giảm sưng, chống viêm và ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Bên cạnh đó, một số hoạt chất trong thuốc có tác dụng làm giảm nóng rát, khó chịu trên da.
- Kem Hydrocortisone thường được dùng trong trường hợp bị viêm da kích ứng và cải thiện tổn thương da do chàm hoặc viêm da cơ địa gây ra.
- Kem dưỡng da Calamine có công dụng kiểm soát tổn thương và làm dịu da.
Trường hợp nổi mẩn đỏ, phát ban không ngứa đi kèm với các biểu hiện sốc phản vệ như sưng mí mắt, khó thở, sưng môi,… bạn cần đến bệnh viện để được xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng ngừa nổi mẩn đỏ không ngứa tái phát
Tình trạng phát ban, nổi mẩn đỏ không ngứa là tình trạng da liễu phổ biến, khởi phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng có xu hướng tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi, nhất là trường hợp có cơ địa nhạy cảm, tiền sử mắc các bệnh ngoài da.
Để phòng ngừa tình trạng này tái phát thường xuyên, bạn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Cách ly với những yếu tố gây kích thích tình trạng nổi mẩn không ngứa tái phát như nhiệt độ nóng ẩm, thực vật, động vật, ánh nắng cường độ cao,…
- Khi thời tiết nóng ẩm, bạn chọn mặc những trang phục thoáng mát, rộng rãi, thấm hút tốt để hạn chế ma sát lên vùng da bị tổn thương. Đồng thời hạn chế hoạt động tăng thân nhiệt, tiết nhiều mồ hôi.
- Vệ sinh da đúng cách, mỗi ngày tắm 2 lần và thường xuyên dùng kem dưỡng ẩm để duy trì độ ẩm cho da, tránh tình trạng da bị khô ráp, bong tróc và nổi mẩn đỏ.
- Cân chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức, áp lực trong thời gian dài.
- Thông báo với bác sĩ chuyên khoa nếu có tiền sử nổi mề đay, phù mạch, cơn hen cấp khi dùng thuốc để tránh những nhóm thuốc gây dị ứng cao.
- Chủ động phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp. Bởi điều này sẽ hạn chế tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban toàn thân, nhất là ở trẻ nhỏ.
- Tích cực điều trị những căn bệnh tiềm ẩn có nguy cơ gây bùng phát triệu chứng.
- Tẩy giun sán định kỳ mỗi năm 2 lần.
Nổi mẩn đỏ không ngứa có thể khởi phát bởi nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, đa số người bệnh ở mức độ nhẹ và thường đáp ứng tốt các biện pháp chăm sóc, điều trị đúng cách. Trong trường hợp triệu chứng đi kèm với một số biểu hiện bất thường, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Xem Thêm:
- Nổi Mẩn Ngứa Thành Mảng: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
- Uống Bia Bị Nổi Mẩn Đỏ Không Ngứa: Nguyên Nhân, Cách Xử Lý
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!