Xét Nghiệm Máu Nổi Mề Đay Là Gì? Quy Trình Và Bảng Giá
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Xét nghiệm máu nổi mề đay là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản, phổ biến trong quá trình thăm khám, điều trị mề đay cấp và mãn tính. Kết quả thu được giúp bác sĩ xác định máu của bệnh nhân có kháng thể IgE hay không, qua đó đưa ra kết luận dương tính hoặc âm tính với bệnh mề đay. Để hiểu rõ hơn về hình thức xét nghiệm này cũng như quy trình và bảng giá chi tiết, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Mục đích của xét nghiệm máu nổi mề đay
Mề đay (mày đay) là một trong những dị ứng, phát ban da khá phổ biến với đặc trưng là các nốt sưng phù gây ngứa ngáy. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên (xà phòng, hoá chất, nọc độc côn trùng, lông động vật…), sau khi nhận được tín hiệu hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể có tên Immunoglobulin E (IgE). Các IgE này tạo ra lớp phòng thủ, chống lại sự xâm nhập sâu hơn của dị nguyên.
Xét nghiệm máu nổi mề đay là một trong những xét nghiệm máu IgE phổ biến giúp xác định và loại trừ các nguyên nhân gây phát ban, nổi mề đay. Thông qua kết quả thu được, bác sĩ có thể kết luận bệnh nhân có bị nổi mề đay không và bệnh ở mức độ nào, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Các trường hợp chỉ định:
Bệnh nhân nghi ngờ nổi mề đay cần xét nghiệm máu trong các trường hợp sau đây:
- Người đang sử dụng thuốc nhưng không thể tạm ngưng trong vài ngày. Điển hình là thuốc trầm cảm, Histamine, Steroid…
- Trên da có nhiều vết trầy xước do kim châm không thể thực hiện test lẩy da (Prick test).
- Bệnh nhân gặp vấn đề về tim mạch, hen suyễn hoặc bệnh lý viêm da tự miễn như vảy nến, chàm – Eczema…
- Đối tượng có tiền sử sốc phản vệ hoặc nguy cơ phản ứng cực đoan nếu thực hiện xét nghiệm da.
Ưu điểm:
- Có thể thực hiện ở mọi thời điểm, cả khi da nổi mề đay hoặc không.
- Hạn chế xâm lấn tối đa.
- Phản ánh chính xác kết quả, cho biết tình trạng sức khoẻ/bệnh lý khác (nếu có).
Hạn chế:
- Chi phí cao hơn test lẩy da.
- Độ nhạy thấp hơn Prick test.
- Thời gian trả kết quả lâu hơn.
Phân loại xét nghiệm máu mề đay
Xét nghiệm máu nổi mề đay có thể được thực hiện thông qua 2 phương pháp là ELISA và RAST. Mỗi hình thức sẽ có mục đích riêng và thường được chỉ định cho từng trường hợp cụ thể.
Xét nghiệm ELISA
Phương pháp này có tên đầy đủ là “Xét nghiệm hấp thụ dịch liên kết Enzyme ELISA”. Đây là kỹ thuật phân tử sinh học được ứng dụng tính đặc hiệu của kháng thể, độ nhạy của Enzyme, từ đó giúp phát hiện và định lượng các phân tử như Hormone, Peptide, kháng thể cùng Protein trong máu.
Ở những bệnh nhân bị mề đay mãn tính, nồng độ IgE trong huyết thanh sẽ tăng cao. Tình trạng này có mối liên hệ mật thiết với mức độ nghiêm trọng cũng như thời gian, tần suất nổi mề đay. Vì vậy, ELISA thường được chỉ định cho bệnh nhân nghi ngờ dị ứng thực phẩm.
Xét nghiệm ELISA được thực hiện bằng việc lấy mẫu máu của bệnh nhân và xét nghiệm kháng nguyên chứa trong chất nghi ngờ gây dị ứng. Trường hợp mẫu xét nghiệm có phản ứng dị ứng, kháng thể IgE tự động liên kết với Enzyme và tạo thành phức hợp với kháng nguyên để chống lại chất gây dị ứng.
Xét nghiệm RAST
Tên gọi đầy đủ của RAST là “Xét nghiệm chất hấp thụ phóng xạ RAST chẩn đoán mề đay”. Bằng việc sử dụng xét nghiệm miễn dịch phóng xạ, bác sĩ sẽ tìm ra kháng thể IgE cùng chất gây dị ứng.
Thông thường các chất gây dị ứng bị nghi ngờ sẽ có liên kết với chất không hòa tan trong huyết thanh. Nếu phát hiện chất gây dị ứng, huyết thanh sẽ gắn nhãn phóng xạ vào vị trí mà kháng thể liên kết với chất không hòa tan. Lượng phóng xạ tỷ lệ thuận với lượng kháng thể IgE cần để phản ứng với chất gây dị ứng.
Tuy nhiên, do có nhiều hạn chế nhất là về độ chính xác nên RAST ít được sử dụng hơn ELISA. Hiện nay, tại các cơ sở chuyên khoa da liễu ELISA cũng là chỉ định thường được bác sĩ đưa ra cho bệnh nhân nổi mề đay xét nghiệm máu.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm máu nổi mề đay
Bệnh nổi mề đay có thể được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh của bệnh nhân. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm máu nổi mề đay sẽ khẳng định chính xác tình trạng bệnh, mức độ bệnh, loại dị nguyên gây dị ứng.
Kết quả của xét nghiệm máu mề đay được chia làm 2 trường hợp:
- Trường hợp 1 – Dương tính: Kết quả xét nghiệm CÓ tìm thấy kháng thể gây dị ứng trong mẫu máu của bệnh nhân. Từ đây bác sĩ xác định được nguyên nhân gây phát ban, nổi mề đay. Không ít trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với những chất mà trước đây chưa từng có tiền sử dị ứng.
- Trường hợp 2 – Âm tính: Kết quả xét nghiệm KHÔNG tìm thấy kháng thể gây dị ứng trong mẫu máu. Nếu thuộc trường hợp này, việc bệnh nhân bị kích ứng có thể không liên quan đến tình trạng dị ứng, nổi mề đay. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy cơ thể người bệnh không phản ứng với chất được thử nghiệm.
Lưu ý: Bên cạnh kết quả xét nghiệm máu, trong quá trình thăm khám bệnh nhân cần cung cấp rõ ràng, đầy đủ triệu chứng đang gặp phải, tiền sử bệnh để bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra kết luận cuối cùng một cách chính xác.
Quy trình thực hiện
Về cơ bản, quá trình xét nghiệm máu nổi mề đay sẽ được thực hiện như những xét nghiệm máu thông thường khi bắt đầu bằng việc lấy mẫu máu từ bệnh nhân để gửi đến phòng xét nghiệm. Để đảm bảo có kết quả chính xác, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Trước khi xét nghiệm:
Người bệnh có thể được yêu cầu nhịn ăn 8-12 giờ trước khi lấy mẫu máu. Một số trường hợp có thể phải dừng loại thuốc đang sử dụng trong 1 tuần để đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có chỉ định giống nhau, điều này còn phụ thuộc vào thông tin bệnh sử bác sĩ thu thập được khi thăm khám lâm sàng.
- Trường hợp lỡ ăn/uống trong thời gian được yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ. Căn cứ vào tình hình thực tế bác sĩ có thể chỉ định dời lịch lấy máu xét nghiệm sang ngày khác hoặc vẫn tiến hành như bình thường.
- Nếu đang mang thai, việc nhịn đói quá lâu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Vì vậy nếu có bầu, bệnh nhân cần thông báo trước với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Các bước lấy máu xét nghiệm:
- Bước 1: Điều dưỡng/y tá/kỹ thuật viên quấn một vòng dây trên cánh tay của bệnh nhân nhằm làm máu chảy chậm, giúp tĩnh mạch nổi rõ thuận lợi cho việc lấy máu.
- Bước 2: Sử dụng bông y tế thấm cồn sát trùng nhẹ nhàng vùng da lấy máu.
- Bước 3: Nhẹ nhàng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch, lấy lượng máu từ 2-6ml đủ để xét nghiệm.
- Bước 3: Rút kim tiêm, áp bông y tế lên vị trí vừa lấy máu rồi dán băng cá nhân.
- Bước 4: Mẫu máu được cất trữ trong ống chứa, bên ngoài đã ghi đủ thông tin bệnh nhân. Sau đó ống này được gửi đến phòng xét nghiệm để tiến hành kiểm tra, phân tích, đo mức độ kháng thể IgE.
Sau khi xét nghiệm, trả kết quả:
Sau khoảng 2 giờ kể từ khi nhận mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm máu nổi mề đay được trả về. Lúc này bệnh nhân sẽ được bác sĩ đọc kết quả, giải thích chỉ số mà xét nghiệm thu được, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp (nếu kết quả dương tính với nổi mề đay).
Xét nghiệm máu nổi mề đay giá bao nhiêu, ở đâu uy tín?
Với câu hỏi xét nghiệm máu nổi mề đay giá bao nhiêu tiền, có đắt không rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Bởi chi phí thực hiện xét nghiệm này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Cơ sở y tế, gói dịch vụ, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế hay không, loại hình xét nghiệm,… Trong đó, bảng giá xét nghiệm máu nổi mề đay tại các cơ sở công lập thường thấp hơn so với đơn vị y tế tư nhân.
Giá xét nghiệm máu nổi mề đay thường dao động từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng/lần. Tùy thuộc vào nhu cầu kiểm tra dị nguyên, tình trạng mề đay mà người bệnh có thể lựa chọn gói dịch vụ phù hợp. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải thực hiện xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, để có được kết luận chính xác về tình trạng nổi mề đay, loại dị nguyên mà cơ thể dễ gặp kích ứng người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Đơn vị phải đảm bảo được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn gia liễu…
Cần tránh việc cả tin, tham khảo những nội dung quảng cáo sai sự thật mà tìm đến địa chỉ thiếu chuyên nghiệp, kém chất lượng… Bởi điều này rất dễ dẫn đến tình trạng tốn thời gian, lãng phí tiền bạc nhưng không được chẩn đoán chính xác bệnh, thậm chí bỏ lỡ “giai đoạn vàng” trị bệnh.
Dưới đây là bảng giá xét nghiệm máu IgE trong chẩn đoán mề đay tại một số bệnh viện lớn bệnh nhân có thể tham khảo:
STT | Tên cơ sở | Giá tham khảo |
1 | Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội | 562.000 đồng |
2 | Bệnh viện Da liễu TP.HCM | 562.000 đồng |
3 | Bệnh viện Chợ Rẫy | 64.000 đồng (chỉ làm định lượng IgE) |
4 | Bệnh viện Da Liễu Trung Ương |
– Gói test 36 dị nguyên: 1.000.000 đồng. – Gói test 52 dị nguyên: 1.800.000 đồng. |
Lưu ý: Mức giá trong bảng trên chỉ mang tính tham khảo, không phải bệnh nhân nào cũng phải chi trả khoản phí giống nhau bởi chỉ định xét nghiệm thường do bác sĩ đưa ra. Đồng thời giá xét nghiệm cũng có thể thay đổi theo thời gian. Để biết được giá tiền chính xác, người bệnh nên liên hệ với cơ sở y tế hoặc đến trực tiếp đơn vị làm xét nghiệm để được tư vấn, tham khảo bảng giá chi tiết.
Những lưu ý quan trọng
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu là chính xác, đáp ứng tốt mục đích điều trị người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Đây đồng thời là yêu cầu đối với mọi hình thức xét nghiệm, không chỉ riêng với tình trạng nổi mề đay.
Trước và trong khi thực hiện chẩn đoán cận lâm sàng là xét nghiệm máu nổi mề đay bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ nhịn ăn: Trước khi tiến hành làm xét nghiệm máu, bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nhịn ăn 8-12 tiếng trước đó. Bởi việc ăn uống, dung nạp một số thực phẩm có thể làm biến đổi chỉ số máu cần phân tích dẫn đến sai lệch kết quả. Vì vậy nếu có kế hoạch làm xét nghiệm IgE nổi mề đay, hãy dùng bữa tối trước 20 giờ ngày hôm trước và không ăn thêm bất cứ thực phẩm nào.
- Không dùng chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá, cà phê… và chất kích thích nói chung có thể gây nhiễu loạn kết quả xét nghiệm. Vì vậy để có được chẩn đoán chính xác nhất người bệnh cần tránh xa những tác nhân kể trên trước khi thực hiện xét nghiệm máu.
- Luôn uống đủ nước: Việc bổ sung đủ nước giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra ổn định, từ đó cho kết quả có độ chính xác cao. Vì vậy mọi bệnh nhân đều được khuyến khích bổ sung đủ lượng nước cần thiết trước khi lấy mẫu máu xét nghiệm và với bệnh lý nổi mề đay không là ngoại lệ.
- Cung cấp đầy đủ thông tin bệnh sử, thuốc đang sử dụng: Kết quả xét nghiệm nổi mề đay thông qua mẫu máu không phụ thuộc quá nhiều vào tiền sử bệnh, loại thuốc người bệnh đang sử dụng. Tuy nhiên đây lại là căn cứ quan trọng để bác sĩ đưa ra chỉ định xét nghiệm khác tương đương, tránh ảnh hưởng sức khỏe bệnh nhân, đồng thời có được kết luận chính xác.
Có thể thấy, xét nghiệm máu nổi mề đay là phương pháp chẩn đoán quan trọng trong việc xác định dị nguyên, giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh phục vụ quá trình điều trị. Để có được kết quả nhanh và chính xác, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu uy tín với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt hãy tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình thăm khám, lấy mẫu.
Xem Thêm:
- Bệnh Mề Đay Có Lây Không? Lây Như Thế Nào?
- Bị Nổi Mề Đay Liên Tục Là Do Đâu? Cách Khắc Phục Và Ngăn Tái Phát
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!