Viêm Tái Tạo Cổ Tử Cung: Biểu Hiện, Cách Điều Trị Phù Hợp
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm tái tạo cổ tử cung là gì, có biến chứng nguy hiểm không? Đây là bệnh lý rất thường gặp ở nữ giới từ ngoài tuổi 25 trở ra. Bệnh nhân cần sớm đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời và tuân thủ theo những chỉ dẫn điều trị của các bác sĩ. Sau đây sẽ là các thông tin chi tiết từ Viện Y Dược Dân Tộc.
Viêm cổ tử cung tái tạo là gì?
Viêm tái tạo cổ tử cung là một loại biến chứng ở những bệnh nhân mắc viêm cổ tử cung. Theo đó, cổ tử cung có cấu trúc lớp cơ ngang và cơ dọc bao bọc. Khi tới thời điểm rụng trứng và hành kinh, cổ tử cung sẽ mở ra.
Tuy nhiên, nếu khu vực này xảy ra viêm nhiễm bởi các loại vi khuẩn sẽ xuất hiện nhiều dạng tổn thương khác nhau. Bệnh được gọi là viêm cổ tử cung và sẽ dẫn tới viêm tái tạo cổ tử cung khi bệnh kéo dài, không có những cách điều trị thích hợp, bệnh nhân không chăm sóc sức khỏe đúng cách. Bởi khi cổ tử cung đang tiến hành các hoạt động tái tạo, phục hồi sẽ có thể gặp nhiều tác động tiêu cực khiến diễn biến ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Các nguyên nhân dẫn tới viêm tái tạo cổ tử cung
Các chuyên gia chia sẻ rằng, tình trạng viêm tái tạo cổ tử cung sẽ chịu sự ảnh hưởng từ không ít nguyên nhân. Đặc biệt, những người bị nhiễm khuẩn, nấm sẽ rất dễ gặp phải vấn đề này. Theo đó, việc xác định được nguyên nhân khởi phát cụ thể sẽ giúp quá trình chữa trị đạt kết quả tốt hơn.
Dưới đây là những yếu tố dẫn tới viêm tái tạo cổ tử cung:
- Quan hệ tình dục sai cách: Những người thường xuyên quan hệ tình dục với những tư thế quá mạnh bạo, lạm dụng quan hệ hoặc thân mật với nhiều người đều dễ bị viêm cổ tử cung, viêm tái tạo cổ tử cung.
- Nội tiết tố: Với những trường hợp bị mất cân bằng nội tiết tố, môi trường trong âm đạo cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Khi này, viêm nhiễm có thể xảy ra bởi sự tấn công của các loại vi khuẩn, nấm gây hại.
- Cách vệ sinh vùng kín: Viêm tái tạo cổ tử cung cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo thông qua việc vệ sinh thụt rửa quá sâu, dùng nhiều chất tẩy rửa mạnh, ít vệ sinh vùng kín,… Đây đều là những vấn đề rất nhiều chị em đang gặp phải.
- Bị dị ứng: Một số người bị viêm cổ tử cung tái tạo do dị ứng với các thành phần trong dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh, chất cấu tạo trong bao cao su hoặc dị ứng với tinh dịch.
Biểu hiện cho thấy bệnh nhân mắc viêm tái tạo cổ tử cung
Nếu nhận biết được các triệu chứng của viêm tái tạo cổ tử cung từ sớm, bệnh nhân sẽ đạt được hiệu quả điều trị cao hơn, nhanh chóng phục hồi, hạn chế được nguy cơ xảy ra các biến chứng khác. Theo đó, các bác sĩ phân chia tình trạng này thành 3 mức độ với các dấu hiệu cụ thể sau:
- Mức độ 1: Bệnh nhân bị viêm nhiễm khoảng 30% bề mặt cổ tử cung. Khi này xuất hiện các dấu hiệu ngứa rát ở âm đạo, khí hư tiết ra có mùi hôi, vón cục và lượng dịch cũng nhiều hơn.
- Mức độ 2: Bệnh nhân thấy dịch nhầy tiết ra đặc dính hơn. Khi quan hệ tình dục sẽ dễ bị chảy máu bất thường, ngoài ra còn có cảm giác đau và ngứa nặng hơn.
- Mức độ 3: Ở giai đoạn này, các triệu chứng đã trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Mức độ viêm nhiễm đã chiếm tới hơn 70% diện tích ở cổ tử cung. Từ đó gây ra cảm giác đau rát, mệt mỏi. Bệnh nhân ngay cả khi đi tiểu cũng cảm thấy vô cùng khó chịu.
Viêm tái tạo cổ tử cung có nguy hiểm không?
Cổ tử cung tái tạo cổ nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Được biết, nếu không được phát hiện sớm, điều trị tích cực và hiệu quả, cổ tử cung tái tạo bị viêm có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sau:
- Giảm chất lượng cuộc sống: Do tình trạng cổ tử cung tái tạo bị viêm thường dẫn tới hiện tượng ngứa ngáy, khó chịu, khiến chị em thiếu tự tin. Từ đó làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt, chất lượng cuộc sống cũng như đời sống tình dục của nhiều cặp đôi.
- Giảm ham muốn tình dục: Viêm nhiễm phụ khoa có thể gây đau rát, chảy máu khi quan hệ tình dục. Vấn đề này gây trở ngại và khiến nhiều chị em không muốn hoặc ngại gần gũi chồng, người yêu. Lâu ngày sẽ trở nên lãnh cảm, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình, lứa đôi.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: Khi mắc bệnh viêm cổ tử cung tái tạo sẽ khiến dịch tiết bên trong âm đạo tăng. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển và bùng phát bệnh lý. Đây cũng chính là nguyên nhân làm xuất hiện nhiều bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung,…
- Bị vô sinh – hiếm muộn: Theo nghiên cứu có khoảng 50% trường hợp bị bệnh nằm trong nhóm phụ nữ từ 20 – 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ đã có con chiếm tới 90 – 95%, trong đó có khoảng 5% có nguy cơ bị vô sinh – hiếm muộn.
- Sảy thai, sinh non: Nếu mắc bệnh viêm cổ tử cung trong lúc đang mang thai, những tế bào thai này có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu, làm tăng khả năng sảy thai hoặc sinh non.
- Ung thư cổ tử cung: Trong trường hợp các biện pháp điều trị không đạt hiệu quả, áp dụng sai cách điều trị, bệnh tái diễn nhiều lần có thể gây ung thư cổ tử cung. Cho những ai chưa biết, ung thư cổ tử cung là một trong 3 căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng.
Vậy người bị viêm cổ tử cung có quan hệ được không? Theo các chuyên gia, mọi người cần kiêng quan hệ tình dục nếu đang bị bệnh lý này. Bởi quá trình quan hệ có thể khiến tình trạng tổn thương âm đạo trở nên nghiêm trọng, làm kéo dài thời gian điều trị. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không an toàn còn khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây viêm nhiễm ở cả bộ phận sinh dục của nam.
Các phương pháp điều trị viêm tái tạo cổ tử cung
Hiện nay, các phương pháp điều trị viêm tái tạo cổ tử cung chỉ áp dụng trong những trường hợp bị nhiễm trùng. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng lâm sàng, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, đồng thời dự phòng biến chứng nguy hiểm.
1. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Sử dụng thuốc Tây là một trong những phương pháp thường được dùng trong điều trị viêm cổ tử cung và viêm cổ tử cung tái tạo. Các loại thuốc được chỉ định có tác dụng ức chế, loại bỏ vi khuẩn, nấm, virus gây bệnh, từ đó cải thiện các biểu hiện lâm sàng nhanh chóng.
Tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát, mức độ triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc phù hợp:
- Trường hợp khởi phát do lậu cầu: Bác sĩ thường chỉ định kháng sinh với một liều dùng duy nhất để kiểm soát tác nhân gây bệnh. Một số loại thuốc thường được chỉ định, bao gồm Ofloxacin, Cefixime, Levofloxacin… Trường hợp phụ nữ mang thai, các chuyên gia có thể cân nhắc tiêm thêm Ceftriaxone (một liều duy nhất).
- Đối với trường hợp do Chlamydia: Doxycycline, Azithromycin, Tetracyclin… thường được dùng trong trường hợp bị viêm cổ tử cung tái tạo do Chlamydia gây ra. Trong đó, người bệnh chỉ dùng Azithromycin với 1 liều duy nhất. Các loại kháng sinh còn lại có thể dùng liên tục trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, có thể kê đơn cho đối tác thuốc Metronidazol (liều duy nhất) để hạn chế nguy cơ tái nhiễm. Trong trường hợp đi kèm
- các biểu hiện mệt mỏi, nóng sốt, đau nhức, bác sĩ có thể kết hợp với Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không Steroid.
- Trường hợp do trùng roi, nấm, virus: Mặc dù những trường hợp này không phổ biến nhưng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng sinh sản của người bệnh. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như Metronidazol, Ornidazole (chống nấm), Acyclovir, Isoprinosine (chống virus),… để kiểm soát.
Các loại thuốc điều trị thường mang lại tác dụng nhanh trong việc kiểm soát các biểu hiện lâm sàng, giảm viêm. Tuy nhiên, phương pháp này không thể khắc phục căn nguyên gây khởi phát tình trạng viêm cổ tử cung tái tạo. Do đó, sau khi dùng thuốc vẫn có nguy cơ tái phát cao khi gặp điều kiện thuận lợi.
2. Tận dụng các thảo dược tự nhiên
Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị viêm cổ tử cung, người bệnh có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để cải thiện các biểu hiện khó chịu. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ phù hợp với những trường hợp bị bệnh ở cấp độ 1.
Dưới đây là một số mẹo dân gian từ các thảo dược tự nhiên thường được áp dụng trong chữa bệnh lý:
- Lá bàng: Chuẩn bị vài lá bàng bánh tẻ, ngâm rửa sạch với nước muối pha loãng và để ráo. Đun sôi 2 lít nước rồi cho thảo dược vào đun thêm vài phút nữa thì tắt bếp. Sau đó cho thêm 2 muỗng muối vào khuấy đều. Dùng nước này để xông vùng kín khoảng 5 – 7 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất.
- Cây khổ sâm: Cây khổ sâm sau khi ngâm rửa sạch thì cắt nhỏ và sao vàng. Tán dược liệu thành bột mịn và cho vào lọ thủy tinh bảo quản. Mỗi lần lấy một ít bột thuốc pha với với ấm và uống trực tiếp. Mỗi ngày uống 2 lần trước các bữa ăn. Ngoài ra, bạn có thể xông, ngâm rửa vùng kín bằng nước khổ sâm.
- Lá lốt: Chuẩn bị lá lốt, nghệ vàng và phèn chua. Các nguyên liệu sau khi ngâm rửa sạch thì cho vào nồi cùng với 2 lít nước. Đun sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp. Dùng nước này để xông và ngâm rửa vùng kín. Áp dụng đều đặn mỗi ngày để đạt được kết quả tốt nhất.
Lưu ý: Các mẹo chữa dân gian từ các thảo dược tự nhiên không áp dụng trong những trường hợp bệnh cấp độ 2 và 3. Trường hợp các biểu hiện lâm sàng tiến triển nặng, người bệnh nên tuân thủ các biện pháp y tế theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát tốt.
3. Can thiệp điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp viêm cổ tử cung tái tạo không đáp ứng tốt các biện pháp điều trị trên. Lúc này bác sĩ có thể cân nhắc can thiệp điều trị ngoại khoa để kiểm soát tình trạng viêm, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nặng nề phát sinh.
Dưới đây là một số thủ thuật ngoại khoa thường được chỉ định trong điều trị bệnh:
- Nhiệt trị liệu: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách dùng mỏ vịt mở rộng âm đạo rồi sử dụng thiết bị tỏa nhiệt tác động đến các mô và phá hủy các tế bào bị viêm. Thông thường, thời gian phá hủy mô là 4 tuần. Người bệnh có thể nhận thấy dịch tiết âm đạo lẫn máu sau khi thực hiện nhiệt trị liệu. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể tự biến mất sau vài ngày.
- Laser: Để kiểm soát tình trạng viêm cổ tử cung tái tạo, bác sĩ sẽ chiếu tia laser có cường độ cao vào mô bệnh và phá hủy chúng. Sau 2 – 3 tuần phẫu thuật, bạn có thể nhận thấy máu lẫn trong huyết trắng. Liệu pháp này chỉ áp dụng trong những trường hợp tình trạng viêm nhiễm kéo dài và tiến triển nặng nề.
- Điều trị bằng áp lạnh: Phương pháp này được tiến hành bằng cách sử dụng khí nito hóa lỏng để phá hủy những tế bào bị tổn thương. Điều trị bằng áp lạnh thường có thời gian phục hồi nhanh, đồng thời hạn chế các cơn đau khó chịu.
Các biện pháp ngoại khoa giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh lý nhanh chóng nhưng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về rủi ro cũng như lợi ích trước khi quyết định thực hiện phương pháp điều trị này.
Phòng ngừa bệnh lý bằng cách nào?
Có thể nhận thấy, viêm tái tạo cổ tử cung có thể được kiểm soát tốt nếu được can thiệp điều trị đúng cách. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi và gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Do đó, sau điều trị người bệnh cần chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa như:
- Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh. Bởi hoạt động tình dục có thể khiến tình trạng viêm và các biểu hiện bệnh lý tiến triển nặng nề hơn.
- Giữ vệ sinh cá nhân và vùng kín sạch sẽ và đều đặn là một trong những cách giúp phòng ngừa viêm cổ tử cung tái tạo cũng như các bệnh phụ khoa hiệu quả.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin như rau xanh, sữa chua, trái cây tươi,… giúp tăng cường sức khỏe và phòng bệnh hiệu quả.
- Kiêng sử dụng bia rượu, thức uống chứa cồn, thuốc lá, các chất kích thích,… ảnh hưởng trực tiếp để quá trình tái tạo.
- Cân chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi khoa học. Tăng cường tập thể dục để nâng cao thể trạng, đồng thời ngăn ngừa tác nhân gây bệnh.
- Trong trường hợp có ý định mang thai khi bị viêm cổ tử cung, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, lên kế hoạch rõ ràng. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 2 lần/ năm để sớm phát hiện các vấn đề bất thường và khắc phục nhanh chóng.
Viêm tái tạo cổ tử cung là tình trạng cần phải điều trị từ sớm, không thể chủ quan chậm trễ sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp ích cho bạn đọc khi tìm hiểu về biến chứng này, từ đó có cách chăm sóc, bảo vệ cơ thể thật hiệu quả.
Đọc Thêm:
- Viêm Cổ Tử Cung Có Kiêng Quan Hệ Không? Cần Bao Lâu?
- Viêm Cổ Tử Cung Nên Ăn Gì, Kiêng Gì? Các món ăn tốt nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!