Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Chè dung là thảo dược được dùng để pha uống như chè xanh, lá trà. Nhờ vào dược tính và công năng đa dạng nên vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, dạ dày, viêm đại tràng, hỗ trợ tiêu hoá,…
Mô tả dược liệu chè dung
1. Tên gọi, phân nhóm
- Tên gọi khác: Chè dại, chè lang, duối gia
- Tên khoa học: Syplocos racemosa Roxb
- Họ: Dung – Symplocaceae
2. Đặc điểm thực vật
Chè dung là loại cây thân nhỏ, chiều cao trung bình từ 1.5 – 2m, một số cây có thể cao tới 3 – 4m. Lá mọc so le, cuống ngắn, hình thuôn dài, chiều rộng của phiến lá tầm 3 – 6cm, dài từ 9 – 15cm. Mép lá có răng cưa, xếp thưa nhau, bề mặt nhẵn.
Hoa của cây chè dung có màu trắng hoặc vàng ngả xanh, mọc thành chùm ở đầu cành hoặc từ nách lá. Cuống hoa ngắn, trên bề mặt có phủ lớp lông mịn. Hoa có mùi thơm dịu nên dễ thu hút ong bướm.
Quả hình thuôn dài từ 6 – 10mm, ăn được, trên đỉnh quả có phiến đài, ở trong thịt quả có màu tím, hạt đơn, màu nâu. Khi ăn có vị ngọt bùi.
3. Phân bố
Chè dung được tìm thấy ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia (có tên là: thvet, luot), Lào (có tên: kho mươt he, kho meut, mot, dam krong),… Tại nước ta, dược liệu phân bố nhiều ở các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Hải Phòng,…
Trong đó, huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An là nơi xuất hiện loài cây này nhiều nhất. Cây chè dung mọc và sinh trưởng tốt trong rừng sâu, có ít cây cổ thụ và nhiều ánh sáng.
4. Bộ phận dùng
Các bộ phận vỏ rễ, vỏ thân và lá của cây chè dại đều có chứa dược tính nên được thu hoạch để làm thuốc chữa bệnh. Trong đó, lá chè được sử dụng phổ biến hơn.
5. Thu hoạch – sơ chế
Dược liệu được thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10. Đây là thời điểm cây không quá non cũng không quá già và chứa nhiều dược tính có lợi cho sức khoẻ và chữa bệnh.
Dược liệu sau khi thu hái sẽ được bào chế theo cách sau:
- Lá chè: Sau khi ngâm rửa sạch thì có thể dùng tươi hoặc mang đi phơi/ sấy khô để dùng dần
- Thân cây: Dùng dao tách lấy phần vỏ cây. Rửa sạch rồi mang đi phơi khô hoặc sấy khô.
- Rễ cây: Đào cả cây và lấy phần rễ. Rễ chè dại sau khi ngâm rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đất cát thì đem đi phơi/ sấy khô và để dùng dần.
6. Bảo quản
Dược liệu sau khi bào chế thì cho vào túi nilong hoặc bình thuỷ tinh, bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu dùng lâu, thỉnh thoảng nên mang ra phơi để tránh ẩm mốc, mối mọt.
7. Thành phần hoá học
Các nghiên cứu khoa học nhận thấy, trong dược liệu chè dung chứa các thành phần hoá học đa dạng như hợp chất flavonozit, saponin, steroid, terpen, tanin, glucosid 3 – momone gluco furanoid, loturidin, loturin, coloturin,…
Vị thuốc chè dung
`1. Tính vị
- Lá dược liệu có vị chua ngọt
- Phần rễ có tính mát, vị ngọt, nhạt
2. Quy kinh
Chưa có nghiên cứu
3. Công dụng của dược liệu
Theo y học cổ truyền:
- Lá của cây chè dại được dùng chữa khó tiêu, giảm đầy bụng, giúp tiêu cơm, chữa đau bụng, tiêu chảy
- Vỏ thân hoặc vỏ rễ cây có tác dụng chữa đau dạ dày, bệnh đại tràng và giúp tiêu hoá tốt.
- Bên cạnh đó, dược liệu này còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp và tiêu mỡ.
- Ngoài công dụng chữa bệnh, vị thuốc này còn được dùng trong một số công thức làm đẹp của chị em. Theo kinh nghiệm dân gian, dùng lá chè dung nấu nước để gội đầu sẽ giúp tóc óng mượt và chữa nấm da đầu rất tốt.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Trị đau dạ dày: Thành phần trong dược liệu có tác dụng làm giảm tiết acid quá mức trong dạ dày, hỗ trợ tiêu diệt các vi khuẩn gây hại và viêm loét, cải thiện tình trạng ợ chua, ợ nóng, đau dạ dày hiệu quả.
- Kháng khuẩn, chống viêm: Một số nghiên cứu nhận thấy, cây chè dại có tác dụng tốt trong chống viêm, kháng khuẩn. Một số bệnh lý như viêm gan, cơ thể nóng trong, viêm nhiễm da, viêm dạ dày,… nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình đào thải độc tố và khiến các vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng. Việc sử dụng dược liệu này có thể giúp làm lành vết thương nhanh chóng và kháng viêm hiệu quả.
- Chữa đau khớp: Ngoài các hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm, dược liệu chè dung còn chứa muối khoáng cùng các nguyên tố vi lượng tốt cho xương khớp, ngăn ngừa đau nhức. Nhất là khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa.
- Giúp an thần, ngủ ngon: Thực tế nhận thấy, dùng dược liệu pha trà uống hàng ngày có thể giúp làm giảm mất ngủ, khó ngủ, căng thẳng thần kinh,… Bởi một số hoạt chất trong vị thuốc này có tác dụng an thần nhẹ và giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
- Ngăn ngừa thiếu máu và bổ huyết: Thảo dược có tác dụng bổ huyết, tăng cường lượng máu lưu thông trong cơ thể. Trường hợp mới ốm dậy, cơ thể mệt mỏi do thiếu máu có thể dùng chè dung để bồi bổ, phục hồi sức khoẻ. Đồng thời, phòng ngừa các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi.
- Giảm đau, cảm giác khó chịu ở phụ nữ trong thời kỳ hành kinh: Đây được xem là vị thuốc giúp làm dịu cơn đau bụng âm ỉ, do chịu ở phụ nữ trong thời kỳ hành kinh. Bên cạnh đó, dùng vị thuốc chè dung còn giúp thanh lọc, đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn.
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Một số nghiên cứu nhận thấy, trọng vị thuốc chè dại chứa nhiều glycosid khi thuỷ phân sẽ tạo ra pelargonidin, glucose giúp làm giảm lượng đường huyết trong máu. Điều này mang lại lợi ích trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
- Hỗ trợ thải độc gan: Do có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể nên vị thuốc này giúp cải thiện tình trạng nóng trong, nổi mụn nhọt do uống nhiều tân dược và hỗ trợ đào thải các độc tố ở gan hiệu quả.
4. Cách dùng – liều lượng
Dược liệu thường được dùng dạng sắc uống hoặc hoàn, tán bột để chữa bệnh. Liều lượng trung bình mỗi ngày từ 20 – 50g. Việc dùng quá liều có thể gây ra tác dụng phụ.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu
Trong Đông y, cây chè dung là thảo dược mang lại nhiều công dụng chữa bệnh và rất tốt cho sức khỏe. Không chữa hỗ trợ điều trị bệnh, dược liệu này còn có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng.
Bài thuốc hỗ trợ tiêu hoá:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị 1 nắm lá chè tươi hoặc chè khô đều được. Đun sôi 1 lít nước rồi cho lá chè vào, tắt bếp và ủ trong vòng 15 phút. Dùng nước này uống hàng ngày để hỗ trợ tiêu hoá.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 1 nắm dược liệu khô, sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với 2 lít nước và đun trên lửa nhỏ. Chia lượng nước sắc được thành 2 – 3 lần uống trong ngày, không để qua đêm.
Bài thuốc chữa đau dạ dày:
- Chuẩn bị: Nam mộc hương, mai mực mỗi vị 40g, lá chè dung 120g, kê nội kim 20g, hương phụ tử 60g
- Thực hiện: Các dược liệu đem đi sao vàng rồi tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g uống cùng với nước ấm. Mỗi ngày uống 2 lần trước bữa ăn khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Bài thuốc giúp vết thương liền nhanh:
- Chuẩn bị: Lá chè dại 20g
- Thực hiện: Dược liệu cho vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ. Đun trên lửa nhỏ đến khi cạn còn 100ml thì tắt bếp. Chắt lấy phần nước uống, phần bã dùng để vệ sinh vết thương.
Bài thuốc chữa đau mắt:
- Chuẩn bị: Lá chè phơi khô 20g
- Thực hiện: Đem dược liệu sắc với 200ml nước đến khi cạn còn 100g thì tắt bếp. Chia lượng nước thuốc thành 2 lần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc giúp giảm đau bụng kinh kèm rong kinh:
- Chuẩn bị: Lá chè dung 20
- Thực hiện: Dược liệu sau khi rửa sạch thì cho vào ấm cùng với 500ml sắc đến khi cạn còn 300ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc thành 2 lần và uống lúc còn ấm.
Bài thuốc thải độc gan:
- Chuẩn bị: Vỏ thân cây chè dung 40g, mật ong nguyên chất
- Thực hiện: Dược liệu đem nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng trộn 8g bột cùng với 2g mật ong và ăn trực tiếp. Mỗi ngày dùng 2 lần.
Một số lưu ý khi dùng dược liệu chè dung chữa bệnh
Trong quá trình áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
- Trong thời gian áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây chè dung, người bệnh nên hạn chế các thực phẩm như măng chua, rau muống, cà pháo, đậu xanh,… Những thực phẩm này có thể làm giảm tác dụng của dược liệu.
- Không nên sử dụng dược liệu vào lúc sáng sớm khi chưa ăn gì.
- Không để nước chè qua đêm vì có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khoẻ
Chè dung là dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cũng như kết quả điều trị bệnh tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện các bài thuốc từ dược liệu này.
Có thể bạn quan tâm:
- Nấm lim xanh: Công dụng, cách dùng và những lưu ý quan trọng
- Thăng Ma: Tác Dụng Của Vị Thuốc và Cách Dùng Chữa Bệnh
- Đan Sâm: Tác Dụng Chữa Bệnh, Cách Nhận Biết và Sử Dụng Vị Thuốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!