Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Hy thiêm còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như cỏ đĩ, chó đẻ hoa vàng, hy tiên, hy kiểm thảo, cứt lợn hoa vàng,… Đây là loại dược liệu quen thuộc, được sử dụng làm thuốc phổ biến nhờ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Thông tin về hy thiêm
Hy thiêm là một loại thảo dược mọc hoang, có sức sống mạnh mẽ, được tìm thấy ở nhiều nơi trên nước ta. Ngoài tên gọi này, người ta còn gọi nó là cây hy kiểm thảo, lưỡi đồng, cây cỏ đĩ, nụ áo rìa, dương thỉ thái,… và nhiều cái tên khác tùy thuộc mỗi địa phương.
Cây hy thiêm thuộc họ Cúc (Asteraceae), có tên khoa học là Siegesbeckia Orientalis Lin Asterraceae.
Đặc điểm thực vật
Cây hy thiêm là cây thân thảo, có chiều cao trung bình từ 30cm – 40cm, một số cây phát triển mạnh lên đến 1m. Thân cây có màu xanh lục, phân thành nhiều nhánh nhỏ, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp lông tuyến mịn. Cây có mùi hôi khó chịu như phân lợn, vì thế người ta còn gọi loại cây này là cứt lợn hoa vàng.
Lá cây hy thiêm mọc đối xứng, dài từ 4cm – 10cm, rộng khoảng 3cm – 6cm. Lá có hình như quả trám, một số có hình tam giác hoặc hình mũi mác. Cuống lá ngắn, phần đầu nhọn, ngoài mép có răng cưa nhưng không đều. Trên mặt lá có 3 gân chính lớn nổi rõ, mặt dưới có một lớp lông mịn.
Hy thiêm có hoa màu vàng, mọc thành từng cụm. Trên cuống hoa cũng có lông, khi chạm vào sẽ dính vào người. Vì đặc điểm này mà nhiều người còn gọi dược liệu là cây cỏ đĩ. Hoa thường nở vào tháng 4, 5 đến tháng 8,9. Từ tháng 6 – tháng 10 là thời gian cây đậu quả, quả có màu đen, hình trứng, thuôn, dài tầm 3mm, rộng khoảng 1mm.
Phân bố
Dược liệu mọc hoang ở nhiều nơi, nhất là tại các khu đất ẩm, ven đường, bờ ruộng, bờ sông,… Chúng thường mọc theo đám, phát triển mạnh mẽ vào mùa xuân và mùa hè. Bạn có thể tìm thấy hy thiêm ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Trong đó, dược liệu được tìm thấy nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc, chẳng hạn như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái,… Vì nhiều lợi ích mà hy thiêm mang lại nên hiện nay tại một số vườn thảo dược trong nước đã triển khai nuôi trồng và khai thác làm thuốc.
Bộ phận dùng
Toàn bộ thân cây được sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Thu hoạch, sơ chế, bảo quản
Tùy khí hậu từng nơi mà thời gian thu hoạch hy thiêm sẽ thay đổi linh hoạt. Theo đó, thời điểm tốt nhất thường vào tháng 4 – tháng 6, trước khi chúng bị tàn lụi khi mùa đông đến. Cây lúc này sẽ ra ít hoa hoặc chưa ra hoa. Thu hái phần lá, thân, không dùng phần gốc và rễ cây.
Sau khi thu hái, dược liệu được rửa sạch, loại bỏ các phần bị úa, sâu bệnh. Để dược liệu ráo nước rồi cắt thành các đoạn từ 3cm – 5cm. Để bảo quản dùng lâu hơn, bạn có thể phơi nắng 4 – 5 ngày hoặc sấy khô với nhiệt độ từ 50 độ C đến 60 độ C.
Thành phẩm thu được có màu nâu tro hoặc màu đen, thân cây hình ống tròn và lá nhăn khô như trà. Bảo quản dược liệu trong lọ hoặc túi kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, côn trùng làm hư hại dược liệu.
Thành phần hóa học
Hy thiêm có chứa các thành phần hóa học chính như daturosid, orientin, darutigenol, alkaloid, melampolid, darutin,…
Tính vị
Tính hàn, vị đắng, cay và có chứa lượng độc tính nhỏ.
Quy kinh
Quy vào hai kinh Can và Thận.
Tác dụng của hy thiêm
Từ xưa người ta đã sử dụng cây hy thiêm làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, y học ngày nay cũng tìm ra được nhiều lợi ích mà dược liệu này mang lại. Cụ thể như sau:
- Theo Y học cổ truyền: Hy thiêm có tính hơi hàn, vị đắng, cay đặc trưng, có tác dụng trong trừ phong thấp, mạnh gân cốt, giảm đau, an thần,… Tuy nhiên do dược liệu có chứa lượng độc tố nhỏ nên cần thận trọng, không lạm dụng hoặc kết hợp thuốc bừa bãi.
- Theo Y học hiện đại: Dược liệu chứa nhiều thành phần hóa học, có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó có thể kể đến các chất như axit salicylic, darutin, daturosid, orientin,…
Từ các lợi ích trong Y học cổ truyền lẫn Y học hiện đại, hy thiêm được sử dụng làm dược liệu trong Đông y và là thành phần trong một số thuốc Tây y. Công dụng nổi bật nhất là giúp hỗ trợ điều trị bệnh xương khớp, thoái hóa cột sống, đau mỏi vai gáy, bảo vệ dịch khớp, giảm phù nề chân, chữa mụn nhọt, nóng trong, giảm khàn ho, mất giọng,…
Cách sử dụng hy thiêm làm thuốc chữa bệnh
Như đã đề cập, hy thiêm là dược liệu mọc hoang ở nhiều nơi, được sử dụng làm thuốc điều trị bệnh. Tham khảo ngay một số bài thuốc thường được áp dụng dưới đây:
Bài thuốc trị sưng đau, đinh nhọt
- Chuẩn bị: Hy thiêm khô.
- Thực hiện: Dược liệu tán thành bột, mỗi lần dùng một lương nhỏ uống cùng với rượu ấm. Bài thuốc kích thích ra nhiều mồ hôi, giảm sưng đau, đinh nhọt khá hiệu quả.
Bài thuốc chữa cảm mạo, phong hàn gây tiêu chảy
- Chuẩn bị: Hy thiêm khô.
- Thực hiện: Tán thành bột, trộn cùng với hồ giấm để vo thành viên hoàn, kích thước bằng hạt bắp. Mỗi lần uống 30 viên với nước đun sôi để nguội.
Bài thuốc chữa phong thấp
- Chuẩn bị: 100g hy thiêm, 50g thiên niên kiện, 1 lít rượu, đường.
- Thực hiện: Nguyên liệu cho vào nồi nấu thành cao, mỗi lần dùng uống một ly nhỏ trước bữa chính, dùng kiên trì ngày 2 lần.
Bài thuốc trị ngứa lở loét, ung nhọt sưng độc
- Chuẩn bị: Hy thiêm, nhũ hương lượng vừa đủ, kết hợp với nửa lượng bạch phàn phi.
- Thực hiện: Dược liệu tán bột, dùng mỗi lần 2 chỉ, uống cùng với rượu nóng để giảm lở loét, sưng ngứa, làm độc.
Bài thuốc chữa hễ ăn vào là nôn mửa
- Chuẩn bị: Hy thiêm khô.
- Thực hiện: Tán bột, sau đó trộn thêm một ít mật ong, vo thành viên hoàn bằng hạt bắp, uống cùng với nước ấm.
Bài thuốc phong tê thấp, đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: 3 chỉ mỗi vị gồm hy thiêm, bạch mao đằng 5 chỉ ngưu tất.
- Thực hiện: Sắc thuốc uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc chữa phong thấp, miệng méo mắt xiên
- Chuẩn bị: 4 lượng hy thiêm.
- Thực hiện: Tán bột, chưng dược liệu qua 9 lần, sau đó trộn với mật ong vo thành viên hoàn. Dùng mỗi lần 2 chỉ thuốc uống với rượu nóng, sử dụng kiên trì ngày 3 lần để sớm đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc giúp mạnh gân cốt, đen tóc, đen râu, chữa méo miệng, sùi bọt mép
- Chuẩn bị: Hy thiêm.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi hong khô 9 lần, sao đó sao thơm rồi tán bột. Trộn bột cùng với một ít mật ong vừa đủ để kết dính vo thành viên hoàn to bằng hạt bắp. Uống mỗi lần 40 viên cùng với nước cơm hoặc rượu ấm.
Bài thuốc chữa phong hàn, cảm mạo
- Chuẩn bị: 3 chỉ mỗi vị gồm tử tô và hy thiêm, 5 chỉ lục nguyệt sương, 2 chỉ thông bạch.
- Thực hiện: Thang thuốc sắc uống mỗi ngày.
Bài thuốc chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh
- Chuẩn bị: 5 chỉ mỗi loại cỏ đĩ, hoa hòe.
- Thực hiện: Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp
- Chuẩn bị: 4 lượng hy thiêm.
- Thực hiện: Sắc lấy nước cốt, sau đó thêm đường đen vào chế thành cao. Sử dụng mỗi lần 1 chén nhỏ, kiên trì mỗi ngày dùng 2 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc trị rắn cắn, đinh nhọt sưng tất, xuất huyết
- Chuẩn bị: Hy thiêm.
- Thực hiện: Dược liệu giã nát rồi đắp trực tiếp lên vết thương.
Bài thuốc chữa tê mỏi và đau nhức xương khớp, tay chân
- Chuẩn bị: 10 lượng bột hy thêm kết hợp với 9 lượng cao mềm, 2 lượng xuyên khung, 3 lượng bột thiên niên kiện.
- Thực hiện: Trộn các nguyên liệu lại với nhau, thêm mật ong rồi vo thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống 4 – 5 viên.
Bài thuốc chữa đau nhức xương cốt, phong thấp
- Chuẩn bị: 3 chỉ mỗi vị gồm hy thiêm, bạch mao đằng, kết hợp với 5 chỉ ngưu tất.
- Thực hiện: Dược liệu sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa cảm mạo
- Chuẩn bị: 12g mỗi vị gồm hy thiêm, tía tô, 8g hành.
- Thực hiện: Nguyên liệu sắc với 550ml nước đến khi cạn còn khoảng 250ml, chia nước thuốc thành 2 lần uống hết trong ngày. Kiên trì áp dụng bài thuốc liên tục trong 5 ngày để dứt cơn cảm mạo.
Bài thuốc chữa đau lưng mỏi gối
- Chuẩn bị: 50g hy thiêm, 20g mỗi vị thổ phục linh, ngưu tất, 10g lá lốt.
- Thực hiện: Dược liệu sao vàng rồi tán bột, mỗi lần dùng 10g hỗn hợp uống với nước ấm. Dùng kiên trì ngày 3 lần.
Bài thuốc chữa ung nhọt phát bối
- Chuẩn bị: Hy thiêm, ngũ diệp thảo, dã hồng hoa, đại toán mỗi vị lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Dược liệu giã nát rồi vắt lấy nước cốt để dùng.
Bài thuốc chữa bán thân bất toại
- Chuẩn bị: Cành lá hu thiêm non.
- Thực hiện: Sao vàng rồi tán bột, sau đó trộn bột với mật ong nguyên chất lượng vừa đủ, vo thành viên. Dùng mỗi ngày 3 – 6 viên, uống sau khi ăn.
Bài thuốc ổn định huyết áp, trị huyết áp cao
- Chuẩn bị: 8g hy thiêm, 6g mỗi vị gồm thảo quyết minh, ngưu tất, hoàng cầm và trạch tả, kết hợp 4g long đởm thảo.
- Thực hiện: Dược liệu sắc với 700ml nước, sau đó chia nước thuốc thành 2 lần uống hết trong ngày. Dùng liên tục mỗi ngày 1 thang trong 10 ngày.
Bài thuốc chữa mất giọng do nhiễm gió
- Chuẩn bị: Hy thiêm.
- Thực hiện: Dược liệu phơi khô rồi sao vàng, tán bột. Trộn với mật ong, vo viên, mỗi lần dùng 3g – 6g uống với nước đun sôi để nguội, kiên trì dùng mỗi ngày, uống sau khi ăn.
Bài thuốc chữa mụn đầu đinh sưng đau, phát bổi ở lưng
- Chuẩn bị: 4g mỗi vị hy thiêm, tiểu kế, đại toán, ngũ long trảo.
- Thực hiện: Dược liệu giã nát, thêm 1 chén rượu nóng vào vắt lấy nước, uống trực tiếp.
Một số lưu ý khi dùng hy thiêm
Hy thiêm là dược liệu quen thuộc, được sử dụng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên dược liệu có chứa một lượng độc tố nhỏ, khi dùng cần thận trọng. Tốt nhất trước khi sử dụng bạn đọc nên lưu ý các vấn đề như sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Đặc biệt là trường hợp phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ.
- Không tự ý kết hợp bừa bãi các dược liệu, loại thuốc với nhau để tránh gây tương tác thuốc nguy hại. Không lạm dụng, chỉ sử dụng dược liệu với liều dùng phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Tùy cơ địa của mỗi người mà hiệu lực của vị thuốc sẽ nhanh hay chậm không giống nhau. Điều này đòi hỏi người bệnh phải kiên trì sử dụng trong thời gian nhất định, không nên quá nóng vội.
- Không nên dùng hy thiêm cùng với các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung sắt.
- Cần phân biệt và lựa chọn đúng loại dược liệu để sử dụng, tránh trường hợp sử dụng sai thuốc khiến tình trạng sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn.
Hy thiêm là tên gọi của vị dược liệu được sử dụng rộng rãi từ xưa cho đến nay. Với nhiều lợi ích đối với sức khỏe, dược liệu có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh và là thành phần của thuốc tân dược. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe, nếu bạn có nhu cầu sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc trước khi dùng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!