Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây huyết dụ được sử dụng làm thuốc chữa trị các vấn đề liên quan đến máu huyết, chẳng hạn như giúp cầm máu, bồi bổ khí huyết, tiêu ứ,… và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đặc điểm hình thái nổi bật nên hiện cây cũng được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh.
Thông tin về cây huyết dụ
Cây huyết dụ được biết đến là một loại cây trồng làm cảnh, bên cạnh đó nó còn có giá trị tốt cho sức khỏe được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh lý. Ngoài tên gọi này, người ta còn gọi cây huyết dụ là phát dụ, thiết dụ, huyết dụ lá đỏ, co trướng lậu, long huyết,…
Huyết dụ tên khoa học là Cordyline Terminalis, họ Huyết Dụ (Dracaena Terminalis). Trong tự nhiên có hai loại chính là cây có một mặt lá đỏ, một mặt lá xanh và cây có hai mặt lá màu đỏ.
Đặc điểm hình thái
Những đặt điểm hình thái của cây huyết dụ như:
- Cây huyết dụ thân nhỏ, chiều cao từ 1m – 2m, có thân mảnh và ít phân nhánh hơn nhiều loại thực vật khác. Bề ngoài vỏ cây có nhiều sẹo sần sùi. Cây thường mọc thành từng đám.
- Lá cây mọc từ dưới gốc lên trên ngọn, phần lá mọc thành cụm, xếp thành 2 dãy. Phiến lá có hình lưỡi mác, phần ngọn thuôn dài, chiều dài trung bình mỗi lá từ 20cm đến 50cm, chiều rộng từ 5cm – 10cm. Mép lá nguyên vẹn không có răng cưa, không xẻ thùy, cuống lá dài.
- Cây huyết dụ cũng có hoa, hoa thường ra vào tháng 12 hàng năm. Hoa mọc ra từ thân, mọc thành cụm hoặc phân thành nhiều nhánh nhỏ, cụm hoa nhỏ. Chiều dài từ 30cm – 40cm. Mỗi bông hoa có mày trắng, bên ngoài có màu tía, 3 lá đài, thuôn nhọn. Hoa có 2 cánh và thắt lại ở phần giữa.
- Quả cây dược liệu đậu vào khoảng tháng 1, hình dạng tròn và là dạng quả mọng.
Phân bố
Cây huyết dụ là loại cây có sức sống khỏe, chịu được khô hạn nên có thể sinh trưởng tốt dù ở bất kỳ môi trường nào. Do đó, bạn có thể tìm thấy loại cây này ở nhiều nơi trên nước ta.
Hiện nay nhiều gia đình đã trồng cây huyết dụ làm cảnh bởi hình dáng bên ngoài và màu sắc của cây đẹp, nhiều người thích. Bên cạnh đó, với những giá trị dược tính mà cây mang lại nên huyết dụ ngày càng được trồng rộng rãi ở nhiều nơi.
Phân loại
Như đã đề cập, dựa vào hình thái bên ngoài của cây, huyết dụ được phân thành 2 loại chính là loại có hai mặt màu đỏ tím và loại có một mặt đỏ tím, mặt màu xanh. Ngoài màu sắc, người ta còn dựa vào kích cỡ lá để phân biệt.
Thường cây huyết dụ lá đỏ sẽ có phần lá nhỏ hơn, đồng thời công dụng chữ bệnh cũng cao hơn. Bạn có thể sử dụng cả hai loại để chữa bệnh. Tuy nhiên loại huyết dụ có cả hai mặt màu đỏ sẽ chứa nhiều dưỡng chất nên được dùng làm thuốc phổ biến hơn loại màu xanh.
Bộ phận dùng
Sử dụng lá cây huyết dụ làm thuốc chữa bệnh.
Thu hái
Thu hái quanh năm.
Sơ chế và bảo quản
Lá cây huyết dụ sau khi đã được thu hái mang đi rửa sạch, cắt thành nhiều khúc nhỏ phơi hoặc sấy khô sử dụng dần. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng lá cây tươi hoặc rễ để làm thuốc chữa trị nhiều bệnh lý.
Thành phần hóa học
Hiện tại chưa có nghiên cứu đầy đủ về các thành phần hóa học có trong dược liệu. Tuy nhiên một số chuyên gia chỉ ra trong loại cây này chứa chủ yếu sắc tố anthoxyanozit, cùng với đường, phenol, acid amin,…
Tính vị và quy kinh
Cây huyết dụ có tính mát, vị nhạt, không chứa độc.
Quy vào kinh Can, Thận.
Công dụng của cây huyết dụ
Cây huyết dụ được nhiều người biết đến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh đường huyết, kháng khuẩn,… Dưới đây là những công dụng chủ yếu:
Theo y học cổ truyền: Như đã đề cập, huyết dụ có tính mát, quy vào hai kinh Can, Thận. Do đó, dược liệu có hiệu quả trong việc hỗ trợ cải thiện tình trạng ứ huyết, giúp bổ máu, thông ứ, cầm máu,… Hiện nay cây dược liệu được chỉ định cho đối tượng người gặp phải các vấn đề như:
- Người bị bệnh lao phổi có thổ huyết, trẻ em bị bệnh ho gà.
- Chữa vấn đề phụ khoa cho chị em phụ nữ như rong kinh, băng huyết, kéo dài kinh nguyệt bất thường gây mất máu.
- Điều trị kiết lỵ ra máu, viêm ruột, tình trạng xích bạch đới.
- Hỗ trợ cải thiện các vấn đề xương khớp như đau nhức, phong thấp, chấn thương.
Theo y học hiện đại: Cây huyết dị có chứa thành phần như phenol, acid amin, anthocyanin, chất chống oxy hóa,… Những chất này có tác dụng kháng viêm, ức chế hoạt động và loại bỏ một số lọi hại khuẩn. Do đó, cây dược liệu được dùng hỗ trợ các bệnh lý về viêm nhiễm, bệnh xương khớp, bệnh phụ khoa và các bệnh lý ho, sốt xuất huyết,…
Liều dùng và cách sử dụng
Tùy vào dạng bệnh lý, mức độ tổn thương ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh thang thuốc sẽ được chỉ định riêng. Người bệnh không nên lạm dụng dược liệu để tránh gây ra các phản ứng không mong muốn.
Theo thầy thuốc Đông y, người bệnh dùng loại dược liệu tươi chỉ dùng từ 20g – 30g, dạng khô khoảng 8g – 16g. Tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để đạt được kết quả điều trị hiệu quả và an toàn nhất.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây huyết dụ
Tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh từ cây huyết dụ dưới đây:
Bài thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết
- Chuẩn bị: 10g -16g lá huyết dụ, kết hợp thêm một vài dược liệu khác như hoàng bá, huyền sâm, hạt muồng đã sao, đơn bì, ngưu tất, đan sâm, cỏ nhọ nồi, sịnh địa, xích thược, trắc bá.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống đến khi khỏi, ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa bệnh trĩ, lỡ loét hậu môn
- Chuẩn bị: 30g lá huyết dụ tươi, 20g mỗi vị như lá sống đời, xích đồng sam.
- Thực hiện: Sắc lấy nước chia thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày. Dùng mỗi ngày một thang để giảm triệu chứng
Bài thuốc chữa ho ra máu
- Chuẩn bị: 10g lá huyết dụ, 8g cây rẻ quạt, 4g mỗi vị gồm thài lài tía, trắc bách diệp.
- Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch, sao đen rồi phơi khô. Sắc nấu nước uống mỗi ngày 1 thang, chia nước thuốc thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc cầm máu cam, chữa chảy máu dưới da
- Chuẩn bị: 30g lá huyết dụ, 20g mỗi loại cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp.
- Thực hiện: Nguyên liệu sao cháy rồi đem sắc nấy nước uống đến khi ngừng chảy máu.
Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều
- Chuẩn bị: 30g mỗi vị gồm lá huyết dụ, vỏ rễ cây dâm bụt.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống đến khi kinh nguyệt không đều cải thiện.
Bài thuốc trị tiểu ra máu
- Chuẩn bị: 20g lá huyết dụ tươi, 10g mỗi vị gồm rễ cây rang, lá lẩu, lá muối, lá tiết dê.
- Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch, tráng qua nước sôi rồi để ráo nước, giã nát vắt lấy nước cốt uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa băng huyết, rong kinh
- Chuẩn bị: 20g lá huyết dụ tươi, 10g mỗi vị gồm rễ cỏ tranh, đài tồn của quả mướp, rễ cỏ rừng.
- Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch nấu với 300ml nước đến khi cạn còn 1/3, chia nước thuốc thành 2 lần uống hết trong ngày.
Ngoài ra bạn cũng có thể nấu 20g huyết dụ tươi với 10g các vị như cành tử tô, hoa cau đực, một ít tóc đốt thành than lấy nước uống.
Bài thuốc chữa bệnh á sừng
- Chuẩn bị: Nắm lá huyết dụ tươi và nắm lá đinh lăng.
- Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch nấu cùng với 600ml nước đến khi cạn còn 1 nửa. Thêm một ít cam thảo vào, đun sôi, chia nước thuốc thành nhiều lần uống hết trong ngày. Kiên trì trong 5 – 7 ngày liên tục.
Bài thuốc chữa đại tiện ra máu
- Chuẩn bị: 20g lá huyết dụ, 15g mỗi vị gồm cỏ nhọ nồi, rau má khô, 10g khổ sâm.
- Thực hiện: Nguyên liệu rửa sạch rồi nấu cùng với 700ml nước, đun đến khi nước cạn còn khoảng 300ml, chia thành 2 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa bệnh kiết lỵ
- Chuẩn bị: 20g mỗi vị gồm lá huyết dụ, rau má tươi, 12g cỏ nhọ nồi.
- Thực hiện: Rửa sạch rồi để ráo, giã nát lấy nước uống mỗi ngày 2 lần đến khi bệnh thuyên giảm.
Bài thuốc chữa đau nhức do phong thấp
- Chuẩn bị: 30g lá rễ lá huyết dụ, 15g huyết giác.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia thuốc thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc trị trĩ nhẹ
- Chuẩn bị: 20g lá huyết dụ tươi.
- Thực hiện: Rửa lá huyết dụ rồi đun với 200ml nước cho đến khi cạn còn 1 nửa, chia thành nhiều lần uống hết trong ngày.
Bài thuốc chữa chảy máu tử cung
Chuẩn bị: 40g – 50g huyết dụ tươi.
Thực hiện: Sắc nấu nước uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa bạch đới, khí hư
- Chuẩn bị: 20g mỗi vị gồm lá căn, lá bỏng, 40g lá huyết dụ tươi.
- Thực hiện: Sắc lấy nước thuốc chia thành 2 – 3 lần uống hết trong ngày, ngày uống 1 thang.
Lưu ý khi chữa bệnh bằng cây huyết dụ
Sử dụng cây huyết dụ chữa bệnh là phương pháp được nhiều người quan tâm, áp dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bạn đọc nên lưu ý một số vấn đề như sau:
- Thận trọng khi sử dụng cho đối tượng phụ nữ có thai, người cao tuổi và trẻ em. Tốt hơn hết nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Tùy cơ địa, mức độ bệnh lý, sức khỏe của mỗi người mà thời gian phát huy tác dụng nhanh hay chậm, người dùng nên kiên trì thực hiện.
- Không nên lạm dụng sử dụng nhiều cây huyết dụ làm thuốc. Người bệnh chỉ nên dùng với liều dùng vừa phải để hạn chế nguy cơ gặp phải rủi ro không mong muốn.
- Lựa chọn nguồn dược liệu sạch, không nhiễm hóa chất độc hại. Sơ chế cẩn thận trước khi dùng.
- Kết hợp điều trị bằng các bài thuốc từ huyết dụ, bạn nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt, ăn uống cho hợp lý hơn. Đồng thời, loại bỏ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa biến chứng.
- Tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe, trường hợp gặp phải vấn đề không mong muốn, bác sĩ sẽ kịp thời xử lý khi cần thiết.
Hy vọng các thông tin về cây huyết dụ trên đây đã giúp ích được cho bạn đọc. Để điều trị hiệu quả và phòng tránh rủi ro, bạn nên thăm khám khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền trước khi áp dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!