Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây cốt khí là cây dược liệu mọc hoang hoặc được trồng lấy củ làm thuốc chữa bệnh. Rễ củ của loại cây này chứa các hoạt chất giúp kháng khuẩn, kháng virus, chống u xơ, huyết khối,… hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Tìm hiểu rõ hơn về tác dụng cũng như các bài thuốc chữa bệnh từ cây cốt khí qua bài viết dưới đây.
Thông tin về cây cốt khí
Cây cốt khí hay còn được gọi là hổ trượng căn, cây điền thất, hoạt huyết đan hoặc ban trượng căn. Tên khoa học là Polygonum reynoutria thuộc họ Polygonaceae.
Đặc điểm hình dạng
Cây cốt khí mọc hoang tại nhiều nơi, đặc biệt là những khu vực đồi núi. Cây có thân gỗ bán rỗng và nhiều hạch to. Lá cây mọc so le, chiều dài lá khoảng 15cm, rộng từ 7cm – 10cm, hình trứng. Hoa cây cốt khí thường nở vào cuối hè, hình dáng nhỏ, có màu trắng mọc theo chùy dài từ nách lá, hoa đơn tính. Có thể trồng cây bằng củ hoặc hạt, khả năng thích nghi và sinh trưởng nhanh.
Phân bố
Cây thường được tìm thấy ở những khu vực đồi núi, mọc hoang hoặc được trồng làm thuốc. Phổ biến tại các vùng như Sa Pa, Cao Bằng, Hà Giang,…
Bộ phận dùng
Sử dụng rễ củ làm thuốc.
Cách thu hái và sơ chế
Cây được thu hoạch từ tháng 9 trở đi, thường tầm giai đoạn nắng ráo khi lá cây bắt đầu héo. Dùng cuốc xẻng đào lấy rễ củ, rửa sạch rồi cắt lát để phơi hoặc sấy khô dùng làm thuốc. Vị thuốc có mặt ngoài màu nâu vàng, cắt ngang cũng có màu vàng, không rõ mùi và có vị đắng.
Trước khi sử dụng cốt khí củ, người dùng phải ngâm mềm và rửa sạch, thái phiến sau đó phơi khô và sao vàng. Do dễ bị nấm mốc làm hư hỏng nên sau khi thu hoạch cần chế biến sạch sẽ để bảo quản sử dụng được lâu hơn.
Bảo quản
Bảo quản dược liệu trong túi buộc kín, để nơi khô ráo, thoáng mát.
Thành phần hóa học
Dược liệu chứa các thành phần hóa học chính như tannin, polygonin, antraglucozit.
Tác dụng của cây cốt khí
Cây cốt khí đã được sử dụng làm thuốc hỗ trợ trị bệnh từ nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, đã có các nghiên cứu Y học hiện đại chỉ ra các lợi ích từ loại dược liệu này đối với sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng chính:
– Theo Y học cổ truyền:
Cốt khí củ có vị đắng, tính ấm, tác dụng vào kinh Can và Tâm Bào, giúp hoạt huyết, thông kinh, chỉ thống, trừ phong thấp, tiêu viêm, sát khuẩn,… Chính vì thế, dân gian đã sử dụng củ của cây dược liệu làm thuốc chữa các vấn đề về xương khớp như tình trạng mỏi lưng, nhức mỏi, tê bì chân tay, phong thấp và nhiều vấn đề khác.
– Theo Y học hiện đại:
Như đã đề cập, củ cây cốt khí có chứa các thành phần hóa học như tannin, polygon in, antraglucozit. Nhờ đó, dược liệu có khả năng kháng viêm, chống u xơ phát triển, ức chế đột biến. Ngoài ra, dịch chiết từ củ cây cốt khí còn chứa stiben, resveratrol giúp cầm máu, trị ho, giảm cholesterol, chống oxy hóa và chống lại các trực khuẩn gây hại cho cơ thể.
Bên cạnh đó, cốt khí củ còn mang lại hiệu quả giảm viêm, giúp an thần, cầm máu, kích thích tiểu tiện, ổn định đường huyết, và ngăn chặn sự phát triển tấn công gây hại của nhiều loại hại khuẩn. Chính vì thế, hiện nay nhiều người đã tin tưởng và sử dụng củ của cây cốt khí làm thuốc điều trị bệnh.
Củ cây cốt khí khá lành tính, do đó người bệnh ở mọi độ tuổi đều có thể sử dụng. Dùng được cho phụ nữ sau sinh bị ứ huyết, phụ nữ hành kinh bị đau bụng, ra nhiều máu, người bị bệnh gan, gặp vấn đề về xương khớp,… Thăm khám thầy thuốc để được hướng dẫn cách sử dụng và liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây cốt khí
Sử dụng củ cây cốt khí làm thuốc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp, ứ huyết,… Dưới đây là một số bài thuốc thường được sử dụng:
1. Bài thuốc chữa phong thấp, viêm khớp
- Chuẩn bị: 15 gram cốt khí củ, 15 gram cây gối hạc, 10 gram mỗi loại mộc thông và bìm bìm.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống với 4 chén cạn còn 2 chén, chia thành 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc giúp giảm đau xương khớp, đồng thời giúp giãn cơ xương, giảm sưng tấy đỏ tay chân.
2. Bài thuốc chữa sưng vú
- Chuẩn bị: 12 gram mỗi vị cốt khí củ, hạt muồng, kết hợp với 10 gram mỗi vị rễ cây lá lốt, rễ bồ công anh và 8 gram bạch truật.
- Thực hiện: Sắc nước thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm sưng và đau vú.
3. Bài thuốc chữa chấn thương gây tụ máu bầm
- Chuẩn bị: 30 gram củ cây cốt khí, 20 gram mỗi vị bìm bìm, gối hạc, mộc thông.
- Thực hiện: Sắc cùng với 2 lít nước đến khi cạn còn một nửa, chắc lấy nước thuốc chia 2 phần uống sáng, chiều.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng 10 gram củ cốt khí sắc cùng với 10 gram huyết giác uống hoặc ngâm rượu chữa đau xương khớp, tiêu viêm và tan máu bầm.
4. Bài thuốc chữa bệnh viêm gan
- Chuẩn bị: 17 gram mỗi vị như củ cốt khí, lá móng, chút chít.
- Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang, áp dụng liên tục 3 – 4 tuần giúp giảm triệu chứng viêm gan.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp thêm kim tiền thảo, xa tiền tử, tỳ giải để điều trị tình trạng viêm túi mật, viêm gan hoặc các vấn đề về sỏi mật, sỏi tiết niệu. Ngoài ra bài thuốc còn có tác dụng cải thiện tình trạng vàng da, mụn nhọt khi gan gặp vấn đề, độc tố không được đào thải.
5. Bài thuốc chữa đau bụng ứ huyết
- Chuẩn bị: 10 gram mỗi vị gồm củ cốt khí, lá móng.
- Thực hiện: Sắc với chút rượu, đun trong khoảng 15 phút rồi chia thành 2 lần uống. Dùng thuốc trong 2 – 3 ngày giúp cải thiện triệu chứng đau bụng ứ huyết.
6. Bài thuốc chữa vàng da do nhiễm virus
- Chuẩn bị: Dùng 30 gram cốt khí củ tươi, 15 gram lá liễu tươi, 20 gram rễ cam thảo tươi.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống mỗi ngày 1 thang, chia nước thuốc thành 2 – 3 lần uống. Bài thuốc giúp chữa trị các vấn đề về viêm gan do virus gây ra, trong đó có tình trạng vàng da.
7. Bài thuốc ổn định huyết áp
- Chuẩn bị: Sử dụng mỗi vị 5 gram gồm cốt khí củ, trục diệp, lá tre, củ gừng tươi, thổ phục linh.
- Thực hiện: Sắc lấy nước thuốc uống hàng ngày. Bài thuốc có tác dụng giúp cải thiện huyết áp, ổn định đường huyết trong cơ thể. Từ đó làm giảm các triệu chứng như choáng, nhức đầu, mệt mỏi cơ thể, buồn ngủ,…
8. Bài thuốc trị thấp nhiệt dẫn đến viêm gan
- Chuẩn bị: 20 gram các vị như cốt khí củ, bán chi liên, hồng táo, nhân trần, đan sâm, bạch hoa xà, thiệt thảo, hy thiêm, kim tiền thảo, 10 gram phục linh, 10 gram hoạt thạch, 6 gram hoắc hương, 6 gram cam thảo, 5 gram đại hoàng.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống mỗi ngày.
9. Bài thuốc chữa đau khớp tụ máu
- Chuẩn bị: Sử dụng các vị thuốc gồm cốt khí củ, xuyên ngưu tất, phòng phong, ích mẫu thảo, tang ký sinh, tần giao với liều lượng phù hợp.
- Thực hiện: Sắc nấu nước uống mỗi ngày 2 lần sáng và tối.
10. Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt, chữa đau bụng, tắc kinh
- Chuẩn bị: Dùng cốt khí củ, đương quy, đơn sâm kết hợp xuyên khung, ích mẫu thảo.
- Thực hiện: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, kiên trì mỗi ngày 2 lần uống.
11. Bài thuốc trị rắn cắn, ung nhọt
- Chuẩn bị: Dùng các vị thuốc gồm cốt khí củ, bổ công anh kết hợp với liên kiều, kim ngân hoa.
- Thực hiện: Rửa sạch nguyên liệu tươi, sau đó để ráo, giã nát rồi đắp lên vị trí cần điều trị.
12. Bài thuốc chữa viêm họng ho
- Chuẩn bị: Thang thuốc gồm các vị như cốt khí củ, hoàng cầm tỳ bà diệp và kim ngân hoa.
- Thực hiện: Nấu nước uống mỗi ngày 1 thang đến khi tình trạng viêm họng ho cải thiện.
13. Bài thuốc chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
- Chuẩn bị: Thang thuốc gồm các vị như cốt khí củ, lá lốt, nấu cùng với cỏ xước, dây đau xương, mỗi vị khoảng 15 gram.
- Thực hiện: Nấu cùng với 1 lít nước đến khi cạn còn 200ml, tắt bếp chắt nước chia thành 2 lần uống trong ngày.
Lưu ý khi dùng cây cốt khí chữa bệnh
Thảo dược giúp hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý, tuy nhiên tránh lạm dụng. Một số lưu ý cho bạn đọc khi dùng cây cốt khí chữa bệnh như sau:
- Không dùng dược liệu cho đối tượng phụ nữ đang mang thai, bởi tác dụng hoạt huyết của dược liệu khá mạnh có thể làm tử cung co bóp, gây ảnh hưởng cho thai nhi.
- Tránh lạm dụng, đặc biệt lưu ý khi dùng cho phụ nữ bị bế kinh, đau bụng kinh hay các vấn đề liên quan khác. Dược tính có khả năng gây mẫn cảm cao khiến phụ nữ gặp khó khăn trong việc thụ thai nếu dùng quá nhiều.
- Không tự ý kết hợp thuốc với các loại thuốc tân dược khác bởi có thể gây tương tác thuốc nguy hiểm.
- Không sử dụng chung với thuốc chống đông máu, thuốc co mạch. Không dùng cho người bị rong kinh. Thận trọng khi dùng cho trẻ em dưới 13 tuổi. Tốt hơn hết nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thầy thuốc trước khi dùng.
- Trước khi sử dụng cần sao kỹ dược liệu để làm giảm bớt thành phần anthranoid, thận trọng tránh dùng sống có nguy cơ gây đi ngoài phân lỏng.
- Thời gian thích hợp sử dụng thuốc là sau khi ăn từ 20 – 30 phút, dùng thuốc tốt nhất khi còn ấm. Không sử dụng nước thuốc đã để qua đêm để tránh các vấn đề không mong muốn ảnh hưởng sức khỏe.
- Kiêng một số thực phẩm có mùi tanh, đỗ xanh, đồ cay nóng, các thức uống chứa cồn, chất kích thích để tránh làm suy giảm hiệu quả của dược liệu.
Cây cốt khí được dùng lấy củ làm thuốc chữa trị nhiều bệnh lý. Mặc dù mang lại các giá trị tuyệt vời đối với sức khỏe tuy nhiên trước khi dùng bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc và những người có chuyên môn để sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!