Liệt Dây Thần Kinh Số 7

Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng rối loạn cảm giác, vận động và bài tiết ở vùng mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 ở trung ương hoặc ngoại vi. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ 11/1000 người. Nguyên nhân gây bệnh rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là liệt nửa mặt nguyên phát (liệt Bell) do nhiễm lạnh.

Liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Dây thần kinh số 7 (VII) là dây thần kinh hỗn hợp có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi như chức năng phản xạ, dinh dưỡng, thực vật, cảm giác và vận động. Nhân dây thần kinh nằm ở bên trong sọ, sau đó đi qua lỗ tai trong, ống tai trong, phân nhánh cho tuyến lệ, trước lưỡi và tuyến nước bọt mang tai. Nói một cách đơn giản, dây thần kinh số 7 là cơ quan chi phối vận động và cảm giác ở vùng mặt. Mỗi người có hai dây thần kinh số 7, mỗi dây chi phối cho 1 bên mặt.

Liệt dây thần kinh số VII là tình trạng dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến mất vận động một phần hoặc toàn bộ 1 bên mặt. Bệnh lý này được chia thành 2 nhóm với căn nguyên và biểu hiện khác nhau bao gồm liệt nửa mặt trung ương và liệt nửa mặt ngoại vi.

Bệnh liệt dây thần kinh số VII đặc trưng bởi tình trạng méo mặt và hai bên mặt không cân đối. Tuy nhiên về lâu dài, bệnh còn gây ra nhiều biến chứng khác. Do đó, trang bị những thông tin cần thiết về bệnh lý này sẽ giúp mỗi người biết cách phòng ngừa, phát hiện sớm và chủ động hơn khi thăm khám – điều trị.

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 7

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 được chia thành 2 nhóm là liệt mặt trung ương và liệt nửa mặt ngoại vi. Trong đó, phần lớn bệnh nhân gặp phải tình trạng liệt nửa mặt ngoại vi hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.

1. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 trung ương

Như tên gọi, liệt mặt trung ương bắt nguồn từ tổn thương ở vùng bán cầu đại não. Tổn thương ở cơ quan này có thể xảy ra do chấn thương (tụ máu trong não, chấn thương sọ não gây dập não) hoặc do áp xe não, đột qụy não.

Liệt dây thần kinh số 7 ở trung ương biểu hiện là liệt 1/4 ở mặt cùng bên (phần mặt ở phía dưới như má, cằm và miệng). Ngoài ra, tình trạng tổn thương bán cầu đại não còn gây liệt nửa người cùng bên. Trên thực tế, rất ít trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII trung ương và tình trạng này chủ yếu xảy ra do đột quỵ.

2. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII ngoại vi

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi là tình trạng phổ biến hơn. Tình trạng này xảy ra khi tổn thương từ nhân dây thần kinh số VII trở ra. Vì phạm vi tổn thương dây thần kinh nhiều hơn nên tình trạng liệt mặt ngoại vi thường biểu hiện bởi hiện tượng liệt toàn bộ nửa mặt cùng bên.

Zona hạch gối là một trong những nguyên nhân phổ biến gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi
Zona hạch gối là một trong những nguyên nhân phổ biến gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi

Đối với trường hợp này, nguyên nhân thường đa dạng hơn bao gồm:

  • Tổn thương trong xương đá như u trong xương đá, viêm tai xương chũm, zona hạch gối,…
  • Tổn thương cầu não như di căn ung thư, u thần kinh đệm, viêm tủy xám ở trẻ em, lao màng não, bệnh xơ não tủy rải rác, hội chứng Millard – Gubler, viêm màng não mủ, u góc cầu tiểu não, viêm màng nhện vùng góc cầu – tiểu não, hội chứng Foville cầu não dưới,…
  • Chấn thương sợ não như tụ máu ở hõm nhĩ, vỡ xương đá,…
  • Tổn thương dây thần kinh số VII ngoài sọ thường do các bệnh lý như bệnh hủi (Lepra), u tuyến mang tai, hội chứng Guillain – Barre, bệnh uốn ván, liệt dây số VII do thai nghén, tiểu đường, bệnh Kahler, viêm quanh động mạch dạng nút, viêm nhiều dây thần kinh sọ não, ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, rối loạn chuyển hóa vitamin,…
  • Ngoài những nguyên nhân trên, một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng liệt dây thần kinh số 7 nguyên phát như liệt nửa mặt do lạnh (liệt Bell). Nếu xảy ra do nguyên nhân này, tình trạng thường tiến triển cấp tính khi có gió lạnh.

Vì xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nên triệu chứng của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên khá đa dạng. Các biểu hiện đặc trưng có vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân cụ thể.

Triệu chứng liệt dây thần kinh số 7

Thực tế, liệt dây thần kinh số VII phần lớn là hệ quả do ảnh hưởng của chấn thương, một số bệnh lý hoặc xảy ra nguyên phát do liệt Bell (liệt mặt do lạnh). Do đó ngoài liệt mặt, tình trạng này còn đi kèm với khá nhiều triệu chứng khác nhau.

Tương tự như căn nguyên, biểu hiện của liệt dây thần kinh số 7 cũng có sự khác biệt tùy thuộc vào liệt nửa mặt trung ương hay liệt nửa mặt ngoại vi.

1. Triệu chứng nhận biết liệt nửa mặt trung ương

Liệt nửa mặt trung ương xảy ra khi tổn thương xuất hiện ở vỏ não đến phần nhân dây thần kinh số VII. Tình trạng này đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

Liệt mặt trung ương chỉ gây lệch 1/4 nửa mặt và biểu hiện mờ nhạt hơn so với liệt mặt ngoại vi
Liệt mặt trung ương chỉ gây lệch 1/4 nửa mặt và biểu hiện mờ nhạt hơn so với liệt mặt ngoại vi
  • Liệt 1/4 phía dưới của mặt
  • Cảm giác của 1/3 lưỡi trước, thính lực, bài tiết nước mắt và nước bọt bình thường.
  • Âm tính với dấu hiệu Souque và dấu hiệu Charles Bell
  • Thường đi kèm với liệt nửa người cùng bên

Biểu hiện của liệt dây thần kinh số VII trung ương tương đối hạn chế. Tình trạng này có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc để lại di chứng nhưng hầu như không tiến triển thành co cứng cơ ở phần nửa bên mặt bị liệt.

2. Biểu hiện nhận biết liệt dây thần số VII ngoại vi

Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi có biểu hiện điển hình hơn so với liệt dây thần kinh số VII trung ương. Ngoài ra, triệu chứng cũng có sự khác biệt tùy theo nguyên nhân cụ thể.

  • Có thể nhận thấy sự mất cân đối rõ rệt ở hai bên mặt, các cơ mặt bị kéo về phần nửa mặt bình thường, má hơi xệ, lông mày sụp xuống, mất nếp nhăn ở khóe mắt, trán, nhân trung bị kéo lệch về phía nửa mặt bình thường.
  • Phần mặt bị liệt có hiện tượng bất động và nhão do giảm trương lực, góc miệng xệ và tai có xu hướng hạ thấp xuống.

Tình trạng mất cân đối trở nên rõ rệt hơn khi cử động phần mặt và mắt. Lúc này, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như:

Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi khiến bệnh nhân không thể nhe răng, mím môi, chau mày hay phồng má
Liệt dây thần kinh số VII ngoại vi khiến bệnh nhân không thể nhe răng, mím môi, chau mày hay phồng má
  • Mắt không thể nhắm kín, bị hở mi, không nhăn trán được và không thể thực hiện các hoạt động như chau mày, thổi lửa, huyết sáo, phồng má, mím môi, nhe răng.
  • Dấu hiệu Negro (đồng tử bên mắt tổn thương cao hơn bên lành khi ngước lên trên)
  • Dấu hiệu Charles Bell (khi nhắm mắt, mắt bên tổn thương không thể nhắm chặt, nhãn cầu vận động ra ngoài và lên trên)
  • Dấu hiệu Souques (không nhắm chặt được mắt và lông mi bên mắt tổn thương thò ra ngoài dài hơn bên mắt còn lại)
  • Dấu hiệu Pierre Marie – Foix (được áp dụng trong trường hợp liệt mặt khi hôn mê. Dấu hiệu Pierre Marie – Foix sẽ xuất hiện khi bác sĩ giật tóc mai hoặc ấn mạnh vào hai góc hàm. Dấu hiệu này có biểu hiện là nhăn mặt và co lại ở nửa mặt lành còn bên mặt bị liệt gần như không có phản ứng gì).
  • Ngoài ra, liệt dây thần kinh số VII ngoại vi còn có thể gây liệt nửa người như liệt nửa mặt trung ương. Tuy nhiên, trường hợp liệt dây thần kinh số VII trung ương thường âm tính với các dấu hiệu Charles Bell và Souques.

Đối với liệt dây thần kinh số VII ngoại vi, tiên lượng tương tự như dạng trung ương là có thể chữa khỏi hoặc để lại di chứng. Tuy nhiên với dạng này, trường hợp nặng có thể gây co cứng cơ khiến mặt bị liệt vĩnh viễn.

Ngoài ra tùy theo nguyên nhân cụ thể, liệt dây thần kinh số VII ngoại vi còn có các triệu chứng như:

  • Hội chứng Millard – Gubler (tổn thương ở cầu não trước): Liệt mặt kèm theo liệt nửa người ở bên đối diện.
  • Tình trạng tổn thương liệt dây thần kinh số 7 do hội chứng Foville có biểu hiện là liệt nửa người trừ mặt và liệt mặt ngoại vi cùng bên tổn thương.
  • Tổn thương dây số VII ở góc cầu tiểu não có biểu hiện là khô mặt, liệt nửa người bên đối diện, thất điều, điếc và rối loạn vị giác 2/3 trước lưỡi.
  • Tổn thương dây thần kinh số 7 trong màng não có biểu hiện là thất điều, điếc, rối loạn vị giác 2/3 trước lưỡi, khô mắt và liệt nửa người bên đối diện. Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương màng não và tổn thương các dây thần kinh sọ não khác đi kèm.
  • Trường hợp liệt mặt do tổn thương dây số 7 đoạn trong xương đá có những biểu hiện như hội chứng ống tai trong, khô miệng, khô mắt, giảm vị giác 2/3 trước lưỡi, thính lực hơi giảm, ù tai và triệu chứng zona (xuất hiện mụn nước nhỏ mọc theo chùm).

Liệt dây thần kinh số 7 có nguy hiểm không?

Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh lý khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này. Đối với liệt nửa mặt trung ương, tình trạng này có thể điều trị hoàn toàn hoặc để lại di chứng nhưng rất hiếm khi gây co cứng cơ nửa mặt. Các di chứng nặng nề khác cũng có thể xảy ra nhưng thường liên quan đến nguyên nhân, hoàn toàn không do tình trạng liệt nửa mặt gây ra.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên ít nguy hiểm hơn do không đe dọa đến tính mạng. Nếu điều trị sớm, tình trạng này hoàn toàn có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, hiện tượng liệt mặt có thể chuyển sang thể liệt cứng.

Liệt dây thần kinh số 7 không được điều trị có thể gây co cứng cơ khiến mặt bị liệt vĩnh viễn
Liệt dây thần kinh số 7 không được điều trị có thể gây co cứng cơ khiến mặt bị liệt vĩnh viễn

Một số di chứng, biến chứng có thể gặp phải khi bị liệt dây thần kinh số 7:

  • Các biến chứng ở mắt như lộn mí, loét giác mạc, viêm giác mạc và viêm kết mạc. Mặc dù có thể khắc phục bằng cách đeo kính, nhỏ mắt và khâu sụn mí nhưng các biến chứng này ít nhiều đều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
  • Không tự chủ phối hợp các hoạt động như nhắm mắt, mép bị kéo lên,…
  • Co thắt nửa bên mặt
  • Hội chứng nước mắt cá sấu với đặc điểm là chảy nước mắt trong quá trình ăn uống.

Nếu được điều trị sớm, liệt dây thần kinh số 7 có thể khỏi sau 2 – 6 tuần và 2 – 3 tháng với những trường hợp bệnh nặng. Đối với những bệnh nhân gặp phải di chứng, cần duy trì các biện pháp phục hồi chức năng lâu dài để cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 tái phát

Liệt dây thần kinh số 7 rất dễ tái phát – nhất là trong trường liệt nửa mặt nguyên phát và mắc các chứng bệnh về tai mãn tính. Do đó sau khi điều trị, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như:

Cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 tái phát
Cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông để phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 tái phát
  • Vào buổi tối, nên đóng kín cửa sổ để tránh gió lùa vào. Ngoài ra, nên giữ ấm cơ thể – đặc biệt là vùng cổ và mặt vào mùa đông để tránh tình trạng liệt mặt tái phát.
  • Tích cực điều trị các bệnh lý nguyên nhân như viêm tai xương chũm, viêm tai giữa,…
  • Đối với người cao tuổi, cần tiêm lại vaccine ngừa thủy đậu và thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng để phòng ngừa zona. Nếu nhận thấy các nốt mụn nước nhỏ, mọc thành chùm, cần tìm gặp bác sĩ sớm để tránh virus tấn công vào dây thần kinh số 7 dẫn đến liệt mặt.

Liệt dây thần kinh số 7 là bệnh lý khá phổ biến (chiếm khoảng 11/1000 người). Do đó, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Trong trường hợp nhận thấy mặt bị lệch, khó cử động và mất cảm giác, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tin mới

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc (Tradimec) Trao Tặng Bằng Khen Cho Lương Y Đỗ Minh Tuấn “Đạt Thành Tích Xuất Sắc Nghiên Cứu Phát Triển Các Đề Tài Thuốc Nam Giai Đoạn 2020 – 2024” 

Vừa qua, ngày 21/12/2024, Viện Y Dược Cổ Truyền Dân tộc (Tradimec) đã trao tặng...
Chuyên gia Đỗ Minh Đường

Điểm Sáng Ghi Dấu Giúp Đỗ Minh Đường Đứng Vững Trong Suốt 155 Năm Qua

Trải qua 155 năm thăng trầm, Nhà thuốc Đỗ Minh Đường đã vững vàng vượt...
viện y dược cổ truyền dân tộc

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc: Tổng Kết Hoạt Động 2024, Định Hướng Phát Triển Năm 2025

Tháng cuối năm, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc đã thực hiện tổng kết...