Cơ Thể Lúc Nào Cũng Buồn Ngủ Mệt Mỏi Là Bệnh Gì?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Lúc nào cũng buồn ngủ mệt mỏi là bệnh gì? Đây không phải tình trạng xảy ra thường xuyên. Nó chỉ xuất hiện khi chúng ta quá mệt mỏi, thiếu ngủ vào ban đêm hoặc chịu áp lực trong công việc, học tập. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp khắc phục kịp thời sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và hình thành các bệnh lý nguy hiểm khó lường.
Lúc nào cũng buồn ngủ mệt mỏi là bệnh gì?
Theo các chuyên gia, việc bạn thiếu ngủ, mất ngủ vào ban đêm có thể gây ra cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi, thậm chí ngủ gật liên tục vào ban ngày. Đây là tình trạng hết sức bình thường và không cần điều trị thì giấc ngủ của bạn cũng sẽ nhanh chóng quay trở lại. Tuy nhiên, nếu bạn đã ngủ đủ và ngủ ngon vào ban đêm nhưng cảm giác buồn ngủ vẫn đeo bám cả ngày lẫn đêm thì rất có thể đây là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nguy hiểm sau:
1. Stress, trầm cảm
Những người phải thường xuyên đối mặt với những điều áp lực, stress trong thời gian dài sẽ dần khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Điều này còn kích thích cơ thể sản sinh ra hormone cortisol nhiều hơn so với bình thường, dẫn đến tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi. Thậm chí, đây là còn biểu hiện sớm của bệnh trầm cảm, tinh thần suy sụp, tâm trạng thay đổi đột ngột kéo dài trên 2 tuần.
Khi bị trầm cảm, không chỉ gây ra cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi kéo dài mà nó còn làm thay đổi mọi thói quen sinh hoạt, nghỉ ngơi, suy giảm trí nhớ và sự tập trung của người bệnh, thậm chí xuất hiện ý nghĩ tự sát.
2. Suy nhược thần kinh
Nếu cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi thì rất có thể bạn đang bị suy nhược thần kinh. Vì dù đã bồi bổ, ăn uống đủ chất nhưng cơ thể vẫn liên tục mệt mỏi, không phục hồi, thậm chí càng ngày càng suy yếu, kiệt sức, không có năng lượng, kèm theo trạng thái tinh thần tiêu cực, hồi hộp, đứng ngồi không yên, suy nghĩ nhiều một cách không tự chủ và hậu quả là dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ liên tục.
3. Chứng ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ được hiểu đơn giản là tình trạng nhịp thở của bạn bị gián đoạn, tắc nghẽn trong lúc ngủ. Lúc này, quá trình lưu thông không khí có thể bị tạm dừng trong khoảng 10 giây hoặc nhiều hơn và quá trình này có thể xảy ra lặp đi lặp lại liên tục rất nhiều lần trong một đêm. Đi kèm theo sau mỗi lần ngưng thở là tiếng ngáy hoặc khịt mũi rất lớn khiến bạn giật mình tỉnh giấc. Khi đã tỉnh giấc khiến bạn khó ngủ lại, giấc ngủ bị gián đoạn và dẫn đến thiếu ngủ vào sáng hôm sau, thậm chí kéo dài cả ngày hôm đó.
4. Chứng ngủ rũ
Theo các nghiên cứu khoa học, chứng ngủ rũ là một dạng rối loạn thần kinh xảy ra do não bộ bị mất cân bằng hóa học, từ đó ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát giấc ngủ cũng như sự tỉnh táo của con người. Biểu hiện đặc trưng nhất của những người mắc chứng ngủ rũ là luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ quá mức cả ngày lẫn đêm và không thể tự chủ được mà ngủ gật. Đi kèm với đó là một số triệu chứng khác như thường xuyên gặp ảo giấc, bị bóng đè, cơ thể suy yếu và bị tê liệt cơ bắp tạm thời.
Căn bệnh này không thể điều trị dứt điểm, nó đeo bám người bệnh gần như trong cả cuộc đời. Bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh, vì cảm giác buồn ngủ mệt mỏi liên tục dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn, giảm chất lượng công việc… Thường thì để khắc phục phần nào căn bệnh này, bắt buộc phải sử dụng một vài loại thuốc đặc biệt như armodafinil, modafinil và methylphenidate để giữ cho tinh thần luôn tỉnh táo.
5. Hội chứng tay chân bồn chồn không yên
Tên khoa học của hội chứng này là Restless legs syndrome – RLS, có thể hiểu đơn giản tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi là một cách để ứng lại với cảm giác kỳ lạ của đôi chân diễn ra trong lúc ngủ. Cảm giác này được diễn tả là khó chịu như kiến bò, ngứa ngáy râm ran bắt buộc người bệnh phải cựa quậy chân. Tình trạng này có thể xảy ra liên tục hàng trăm lần trong đêm khiến bạn khó có được giấc ngủ ngon vào ban đêm, dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ liên tục vào ban ngày.
Các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này nhưng có ý kiến cho rằng hội chứng này xảy ra do bạn đã từng sử dụng các loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc các loại thuốc đặc trị bệnh trầm cảm. Bệnh cũng có liên quan đến yếu tố di truyền hoặc sự thay đổi đột ngột về nội tiết tố.
6. Hội chứng Kleine-Levin
Đây là hội chứng khá hiếm gặp hay còn được gọi với cái tên khác là Hội chứng người đẹp ngủ. Những người mắc phải hội chứng này luôn có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ cực độ cả ngày lẫn đêm. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở nam giới, họ có thể ngủ liên tục 20 tiếng/ ngày. Ngoài ra, những người bị bệnh này còn có một số biểu hiện khác như thèm ăn quá mức, hay cáu gắt và tăng ham muốn tình dục.
Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tháng, thậm chí vài năm nếu người bệnh không tự ý thức thay đổi. Hội chứng này có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng thuốc Tây kết hợp với việc thay đổi lối sống lành mạnh.
7. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Nếu cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi trên 2 tuần, dù đã tăng cường bồi bổ sức khỏe nhưng vẫn không phục hồi rất có thể bạn đã mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính. Cũng tương tự như những hội chứng khác, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân cụ thể nào gây ra tình trang này. Tuy nhiên, hậu quả của nó là rất rõ ràng, gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số trường hợp mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính do rối loạn tâm lý cần phải can thiệp điều trị bằng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và kết hợp điều trị tâm lý và thay đổi thói quen sống sao cho lành mạnh, khoa học.
8. Rối loạn nhịp sinh học
Rối loạn nhịp sinh học được định nghĩa là một loại đồng hồ tự nhiên của cơ thể, có khả năng điều phối những hoạt động của bạn phụ thuộc vào thời gian của ánh sáng và bóng tối. Tức là não bộ sẽ tự hiểu nếu là ban đêm phải tiết ra nhiều hormone melatonin để kích thích cơn buồn ngủ, nếu là ban ngày thì hạn chế tiết ra để duy trì trạng thái tỉnh táo. Và một khi nhịp sinh học bị rối loạn, melatonin tiết ra không đúng thời điểm sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày và khó ngủ vào ban đêm.
Tình trạng rối loạn này thường xảy ra với những người có đặc thù công việc phải thức xuyên đêm như bác sĩ, y tá, công nhân… Hiện nay, một trong những cách phổ biến để khắc phục nhịp sinh học đó là sử dụng liệu pháp ánh sáng và bổ sung melatonin thông qua các loại thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
9. Thiểu năng tuần hoàn não
Căn bệnh này còn được gọi là thiếu máu não. Đây là một trong những bệnh lý về thần kinh phổ biến nhất hiện nay, xảy ra khi lượng máu lên não thấp hơn so với bình thường làm cho vùng não bị tổn thương. Từ đó gây ra hàng loạt các triệu chứng như thiếu ngủ mệt mỏi chóng mặt, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngáp liên tục, buồn ngủ cả ngày lẫn đêm…
Các chuyên gia cho biết, bệnh lý này thường xảy ra với những người đã từng có tiền sử bị thoái hóa cột sống cổ, xơ vữa động mạch, huyết áp thấp hoặc một số bệnh lý mãn tính, tổn thương thực thể như u não, chấn thương sọ não, tiểu đường, béo phì…
Căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị được bằng nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là dùng các loại thuốc ức chế men chuyển như Lisinipril, Valsartan hoặc thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, thuốc kháng lập tiểu cầu… hoặc phẫu thuật tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể.
10. Bệnh suy tuyến giáp
Tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi mặc dù bạn đã ngủ nhiều hơn so với bình thường rất có thể liên quan đến các bệnh lý về tuyến giáp, cụ thể là bệnh suy tuyến giáp. Khác với bệnh cường giáp khiến bạn bị mất ngủ, khó ngủ, bệnh suy tuyến giáp chủ yếu tạo cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi và cũng không có quá nhiều biểu hiện nên rất dễ bị nhầm lẫn gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Lúc này, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để thăm khám, tìm ra nguyên nhân cụ thể và có hướng điều trị kịp thời. Vì nếu thật sự tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi là do bệnh suy tuyến giáp sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ gây biến chứng cao, tổn thương hệ thần kinh, suy giảm chức năng tim mạch, rối loạn nội tiết tố nếu không điều trị kịp thời.
11. Bệnh thiếu máu
Bị thiếu máu khiến cho quá trình trao đổi chất, cung cấp oxy và các dưỡng chất đến các tế bào bị suy giảm. Từ đó, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải, không có năng lượng… Không những vậy, do không đủ máu để cung cấp cho não bộ khiến bạn thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, ngất xỉu, da dẻ nhợt nhạt, tái xanh… Lúc này, người bệnh cần đi khám ngay để được xét nghiệm và được bác sĩ hướng dẫn cách khắc phục nhanh chóng, hiệu quả.
12. Bệnh về huyết áp
Các bệnh về huyết áp chủ yếu là huyết áp cao và huyết áp thấp, cả hai bệnh lý này đều có đặc điểm triệu chứng chung là gây ra mệt mỏi, buồn ngủ liên tục. Nguyên nhân là do chức năng lọc thải của thận gặp trục trặc khiến huyết áp thay đổi theo, có thể cao hoặc thấp và gây ra mệt mỏi, chóng mặt, thiếu năng lượng, lờ đờ buồn ngủ…
13. Bệnh về tai – mũi – họng
Một số bệnh lý về tai – mũi – họng như viêm mũi mãn tính, sưng viêm amidan, viêm xoang… đều là những căn bệnh hết sức phổ biến với tỷ lệ mắc cao. Bên cạnh các triệu chứng đặc trưng của từng cơ quan thì các bệnh lý này đều có điểm chung là gây rối loạn giấc ngủ, giảm thấp lượng oxy cung cấp cho tế bào, từ đó dẫn đến tình trạng mệt mỏi, khó chịu, dễ cáu gắt và buồn ngủ.
14. Bệnh liên quan đến viêm nhiễm, sốt
Thông thường, những bệnh lý về viêm nhiễm sẽ kèm theo sốt và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, kiệt sức và buồn ngủ hơn so với bình thường. Thậm chí, nếu tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các cơ quan nội tạng như tim, tủy, phổi, xương… thì trạng thái mệt mỏi sẽ càng nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần.
15. Bệnh lao
Theo các nghiên cứu khoa học, bệnh lao thường xảy ra do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, chúng tấn công và phá hủy các mô tế bào trong cơ thể. Lúc này, cơ thể sẽ dần dần yếu đi, gầy ốm, sụt cân nhanh chóng… Nếu có sự thay đổi về trạng thái tâm lý như căng thẳng quá mức, buồn bã trong thời gian dài sẽ kéo theo tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi, không muốn ăn uống.
16. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là căn bệnh thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đang chống lại chính nó và tấn công đến các khớp đang khỏe mạnh khiến cho các xương sụn không thể phục hồi lại bình thường. Những cơn đau do viêm khớp dạng thấp gây ra khiến bạn ngủ khó ngủ, ngủ không ngon gây ra mệt mỏi, buồn ngủ liên tục vào ban ngày.
17. Bệnh lý về gan
Việc ngủ nhiều và đủ giấc vào ban đêm nhưng vẫn khiến bạn có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày. Nguyên nhân là do gan bị tổn thương khiến mọi chức năng của nó đều bị giảm sút, chẳng hạn như khả năng dự trữ vitamin khoáng chất, quá trình sản xuất protein mới cho cơ thể, phục hồi và tái tạo năng lượng… Lúc này, bạn cần tham vấn hướng điều trị của bác sĩ để có cách khắc phục phù hợp nhất.
Một số nguyên nhân khác khiến cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi
Bên cạnh những bệnh lý vừa kể trên, tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi còn là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải một số vấn đề khác như:
- Thiếu ngủ: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất với những người thường xuyên bị mệt mỏi, buồn ngủ. Theo các chuyên gia, tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà thời gian ngủ sẽ khác nhau, nhưng cơ bản những người từ 18 – 60 tuổi cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ ngày để phục hồi năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo. Tuy nhiên, khi bị thiếu ngủ các cơ quan không đủ thời gian nghỉ ngơi dẫn đến mệt mỏi, ngáp liên tục vì buồn ngủ, ngủ gật, xanh xao, mắt thâm quầng…
- Thiếu hụt dưỡng chất: Những người có thói quen ăn uống không lành mạnh, kém khoa học, dư thừa chất béo và thiếu hụt các vitamin khoáng chất thiết yếu như vitamin D, canxi, sắt, kẽm, magie, vitamin nhóm B… sẽ gây ra mệt mỏi, buồn ngủ, uể oải… ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Sau khi sử dụng một số loại thuốc như cảm cúm, thuốc tiểu đường, huyết áp, mỡ trong máu… rất dễ gây ra tác dụng phụ là cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ ngay không phân biệt ngày đêm. Vì vậy, để tránh tình trạng buồn ngủ vào ban ngày, bạn nên chủ động tìm hiểu về tác dụng phụ và thay đổi thời gian uống thuốc cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến công việc.
- Thay đổi nội tiết tố: Một số đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, đang trong giai đoạn hành kinh hay bước vào độ tuổi mãn kinh… chắc chắn sẽ biết được cảm giác mệt mỏi, khó chịu và muốn ngủ nhiều mặc dù đã ngủ đủ giấc ban đêm. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone trong cơ thể, đây là vấn đề hết sức bình thường và sẽ sớm bình thường lại sau một thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất.
Một số triệu chứng đi kèm với tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi kéo dài
Cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi là tình trạng cơ thể luôn trong trạng thái thiếu năng lượng, không có sức sống, kiệt quệ tinh thần và buồn ngủ liên tục cả ngày lẫn đêm. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh là gì mà tình trạng này còn có một số triệu chứng đi kèm khác như:
- Cảm giác buồn ngủ luôn đeo bám, có thể ngủ bất kỳ lúc nào và bất kỳ địa điểm nảo.
- Khi ngủ ngáy khá to và luôn có cảm giác khó thở trong lúc ngủ.
- Mất kiểm soát tay chân trong lúc ngủ, chúng thường xuyên cử động, giật hoặc run nhẹ.
- Khi ngủ thường gặp ác mộng, ảo giác giống thật hoặc có cảm giác bị bóng đè.
- Ngủ dậy rất mệt mỏi, đau đầu, không nhấc tay, chân lên nổi.
- Mệt mỏi đến mức khi bộc lộ cảm xúc vui mừng hay tức giận sẽ gây ra những cơn yếu cơ đột ngột.
Cần làm gì để thoát khỏi tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi?
Đầu tiên, để có thể thoát khỏi dứt điểm tình trạng này bạn cần phải tìm ra chính xác nguyên nhân gây ra là gì. Nếu nghi ngờ triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ liên tục là do các bệnh lý, hội chứng gây ra, tốt nhất hãy đến các cơ sở y tế có chuyên môn thăm khám và được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân cũng như được tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Chẳng hạn như nếu bị trầm cảm bắt buộc phải được điều trị kết hợp bằng thuốc hoặc trị liệu tâm lý cùng với sự thay đổi về tư tưởng, thói quen sống hằng ngày. Tương tự như vậy, với các bệnh lý mãn tính khác gây ra mệt mỏi, buồn ngủ thường xuyên, bạn cũng nên thông báo điều này cho bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng này.
Tuy nhiên, với một số hội chứng liên quan đến việc buồn ngủ thì gần như không có cách để điều trị triệt để. Vì vậy, bạn chỉ có thể kiên trì dùng thuốc kết hợp với điều chỉnh lối sống để kiểm soát phần nào các triệu chứng liên quan, ức chế diễn tiến của bệnh cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Các chuyên gia, bác sĩ thường khuyến khích người bệnh thực hiện một số mẹo sau đây để cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi và giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, tỉnh táo:
- Tạo thói quen ngủ nghỉ khoa học
Luôn luôn tuân thủ thói quen ngủ đúng giờ, đúng giấc vào tất cả các ngày trong tuần. Tạo thói quen ngủ trưa vừa đủ khoảng 15 – 30 phút để tránh gây mệt mỏi, buồn ngủ và tỉnh táo hơn vào buổi chiều. Thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ giúp phục hồi nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể, giúp đầu óc luôn tỉnh táo vào ban ngày.
- Ăn uống lành mạnh
Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho não bộ như omega-3, protein, canxi, sắt, kẽm, magie, vitamin B12… Một lưu ý dành cho những người thường xuyên bị mệt mỏi, buồn ngủ đó là tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng và chỉ ăn nhẹ vào buổi trưa. Ăn nhiều vào buổi sáng sẽ tạo ra nhiều năng lượng cho cơ thể, còn ăn nhẹ vào buổi trưa sẽ hạn chế được cảm giác buồn ngủ.
Ngoài ra, tránh sử dụng quá nhiều loại thực phẩm chứa đường và cacao vì chúng sẽ càng khiến cho bạn cảm thấy buồn ngủ hơn sau một khoảng thời gian ngắn tràn đầy sinh lực.
- Vận động thường xuyên
Hình thành thói quen tập luyện, vận động tay chân để các cơ khớp được hoạt động thường xuyên. Từ đó nâng cao sức khỏe toàn tiện, tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật, giúp bạn vui vẻ, lạc quan, ngủ ngon hơn vào ban đêm và tỉnh táo đầy năng lượng vào ban ngày. Một số bộ môn thể thao nhẹ nhàng bạn có thể tập thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, tập aerobic, yoga… Tuy nhiên, lưu ý về thời gian và sức bền của cơ thể trong quá trình tập để tránh gây kích thích hệ thần kinh quá mức khiến bạn mệt mỏi hơn.
- Nghỉ ngơi đúng cách
Nếu cơn buồn ngủ đến đột ngột hãy dành khoảng 5 – 10 phút nghỉ ngơi, thả lỏng. Tuy nhiên không nên ngủ mà hãy đi dạo để thư giãn đầu óc hoặc ăn một món ăn vặt nào đó để kích thích não bộ hoạt động năng suất trở lại, giảm cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ.
Một giấc ngủ đủ giấc thường kéo dài 7 – 8 tiếng, trong đó chỉ cần 3 tiếng ngủ sâu, ngủ ngon, không bị tình trạng chập chờn, ngủ nông… Thời điểm tốt nhất là bạn nên ngủ từ 22 – 23 giờ tối và thức dậy vào lúc 6h sáng. Ban đầu, sẽ rất khó để bạn làm quen với điều này nhưng chỉ cần kiên trì trong một thời gian dài sẽ giúp bạn dần quen với nhịp sinh học ngủ sớm.
- Tạo môi trường ngủ phù hợp
Tuy vào giấc ngủ vào ban ngày hay ban đêm mà bạn cần chuẩn bị không gian ngủ phù hợp. Nếu ngủ vào buổi trưa tại nơi làm việc, bạn chỉ cần chọn một mặt phẳng, có gối và chiếc đệm mỏng, nên chọn nơi có ít ánh sáng và ít tiếng ồn để nhanh chóng đi vào giấc ngủ, ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Một giấc ngủ ngon vào ban đêm sẽ giúp bạn tránh được việc mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày. Để dễ ngủ và ngủ ngon hơn, bạn cần tắm rửa bằng nước ấm, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, điều chỉnh nhiệt độ mát mẻ, tắt hết đèn và đảm bảo thật yên tĩnh để cơ thể thả lỏng, thư giãn, nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
- Sử dụng các loại thức uống giúp tỉnh táo
Ban ngày, có thể sử dụng các loại thức uống như nước tăng lực, cà phê, trà xanh… để kích thích sự tỉnh táo của não bộ. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng chúng quá mức, nhất là gần giờ đi ngủ để tránh gây khó ngủ, mất ngủ vào ban đêm.
Tình trạng cơ thể lúc nào cũng buồn ngủ và mệt mỏi không quá hiếm gặp và cũng không quá khó để khắc phục. Chỉ cần bạn tuân thủ theo lịch sinh hoạt khoa học hoặc điều trị theo đúng phác đồ mà bác sĩ hướng dẫn sẽ nhanh chóng phục hồi nhịp sinh học và điều trị triệt để bệnh lý đang mắc phải.
Tìm Hiểu Ngay:
- 10 Bí Quyết Ngủ Ngon Dù Căng Thẳng Cực Hiệu Quả
- 10 Cách Ngủ Nhanh và Sâu Khắc Phục Chứng Khó Ngủ Mất Ngủ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!