Viêm Phế Quản Phổi
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm phế quản phổi xảy ra bởi tình trạng viêm nhiễm, phù nề ở phế quản và phế nang. Các triệu chứng bệnh lý thường diễn biến phức tạp và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách.
Viêm phế quản phổi là gì?
Viêm phế quản phổi đề cập đến tình trạng tổn thương cấp, lan rộng đến phế nang, các mô kẽ lẫn phế quản. Bệnh lý có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng cả phế quản và phế nang phổi. Thực tế cho thấy, các triệu chứng viêm phế quản phổi thường khởi phát do virus và sau đó dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai.
Tương tự như những trường hợp viêm phế quản khác, bệnh viêm phế quản phổi tác động không nhỏ đến chức năng hô hấp cũng như chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Theo các chuyên gia đầu ngành, bệnh lý có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách, nhất là những trường hợp bị suy giảm miễn dịch, sức đề kháng như trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Theo đó, bệnh viêm phế quản phổi nếu không được kiểm soát và chăm sóc đúng cách có thể phát sinh một số biến chứng nghiêm trọng liên quan mật thiết đến hô hấp và nhiễm trùng như:
- Suy hô hấp: Suy hô hấp được xem là biến chứng phổ biến của bệnh viêm phế quản phổi. Tình trạng này xảy ra do vi khuẩn và virus tấn công vào đường dẫn khí gây bít tắc đường thở, từ đó làm giảm khả năng trao đổi CO2, oxy trong phổi. Trường hợp bị suy hô hấp có các biểu hiện như thở không đều, thở nhanh, rên rỉ, tím tái, co lõm ngực nặng.
- Nhiễm trùng huyết: Biến chứng này xảy ra do vi khuẩn và virus từ các ô nhiễm lây lan đến máu. Từ đó gây ra tình trạng nhiễm trùng đa tạng và đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát kịp thời.
- Áp xe phổi: Tình trạng viêm nhiễm ở phế quản và phế nang lâu ngày có thể hình thành những túi mủ bên trong phổi và gây ra áp xe phổi.
Thực tế cho thấy, bệnh viêm phế quản phổi có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và độ tuổi nào. Tuy nhiên, bệnh lý thường xuất hiện nhiều ở trẻ em, nguyên do là hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Viêm phế quản phổi cũng được xem là nguyên nhân nhiễm trùng hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Có thể thấy, bệnh lý khá nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Nguyên nhân viêm phế quản phổi
Theo các chuyên gia đầu ngành, nguyên nhân chính gây viêm phế quản phổi được xác định là do virus và vi khuẩn. Trong đó, tác nhân phổ biến nhất gây bùng phát là Haemophilus influenzae type B (Hib) và phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae). Các vi khuẩn này tấn cống vào phế nang, phế quản và bắt đầu gây bệnh.
Ngoài ra, nhiễm trùng do virus, nấm, điển hình là virus cúm cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây bùng phát các triệu chứng viêm phế quản phổi. Theo đó, nhiễm trùng do virus gây ra có thể dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, khiến bệnh lý diễn biến phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Viêm phế quản và viêm phế quản phổi là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, có thể khởi phát ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những nhóm đối tượng có nguy có mắc bệnh cao như:
- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi
- Người có thói quen hút thuốc lá và nghiện bia rượu
- Người trên 65 tuổi
- Trường hợp mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trong thời gian gần
- Người vừa phẫu thuật chấn thương hoặc ghép tạng
- Trường hợp có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, giãn phế quản, xơ nang, hen suyễn
- Bệnh mãn tính đi kèm như bệnh gan, tiểu đường, suy tim
- Người mắc các bệnh tự miễn hoặc suy giảm hệ miễn dịch HIV,...
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư, thuốc chống thải ghép, sử dụng corticoid trong thời gian dài
Triệu chứng viêm phế quản phổi
Các triệu chứng do bệnh viêm phế quản phổi gây ra thường diễn tiến từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát, bệnh lý nên kèm theo, thể trạng, độ tuổi,... Theo đó, khi mới khởi phát, bệnh xuất hiện những triệu chứng tương tự như cúm và có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn sau vài ngày.
Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết bệnh viêm phế quản phổi:
Triệu chứng chung:
- Sốt
- Ho nhiều và khạc đờm nhầy
- Đau thắt ngực, nhất là khi ho và khó thở
- Ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi
- Cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, mỏi cơ
- Mê sảng, nhầm lẫn
Với những trường hợp có hệ miễn dịch và sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch,... Các biểu hiện thường có mức độ nặng hơn và dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng nhận biết viêm phế quản phổi ở trẻ sơ sinh:
- Ho, sốt, tiết dịch đờm
- Thở gấp, thở nhanh, thở khò khè, rên rỉ
- Nôn trớ
- Trẻ có cảm giác ớn lạnh
- Đau tức ngực, đau bụng
- Cơ thể mệt mỏi, lười ăn, ít hoạt động, li bì
- Móng tay, môi, da tím tái hoặc có màu xanh xám do thiếu oxy
Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ mắc bệnh, trong đó có viêm tiểu phế quản bội nhiễm và viêm phế quản phổi. Nguyên nhân là do sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên không đủ khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Đây cũng được xem là lý do khiến các triệu chứng bệnh lý bùng phát ở trẻ tiến triển nhanh và nặng hơn so với người trưởng thành. Do đó, nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Phòng ngừa viêm phế quản phổi hiệu quả
Viêm phế quản phổi là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến, bệnh có nguy cơ tái phát cao nếu gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, sau khi điều trị, người bệnh cần chủ động thực hiện biện pháp ngăn ngừa như:
- Mang khẩu trang, che chắn khi di chuyển ngoài trời, nhất là đến những nơi công cộng như bệnh viện, sân vận động, trường học, sân bay,...
- Vào thời điểm bệnh lý bùng phát (mùa đông - xuân), bạn nên thường xuyên mang khẩu trang, giữ ấm cơ thể và rửa tay với xà phòng sát khuẩn sau khi tiếp xúc với những vật dụng công cộng.
- Vệ sinh răng miệng đều đặn 2 lần/ ngày và súc miệng với nước muối sinh lý để loại bỏ vi khuẩn, virus thường trú trong khoang miệng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc các bệnh đường hô hấp và viêm phế quản phổi
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giặt giữ quần áo, chăn màn để tránh vi khuẩn, nấm, virus tích tụ
- Theo các chuyên gia, virus cúm là một trong những tác nhân gây viêm phế quản phổi. Do đó, bạn cần chủ động trong việc tiêm ngừa vaccine cúm A1 để phòng bệnh.
- Tích cực điều trị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, tránh để các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh gây tổn thương ống dẫn khí
- Không hút thuốc và hít khói thuốc thụ động
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt và tập luyện giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao thể trạng.
Viêm phế quản phổi thường diễn biến phức tạp và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe doạ đến tính mạng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!