Viêm Tiểu Phế Quản Bội Nhiễm

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm đề cập đến tình trạng ống dẫn khí nhỏ viêm nhiễm do vi khuẩn và virus gây ra. Bệnh lý nếu không được khắc phục kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật, xẹp phổi và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh phổi tắc nghẽn. Viêm tiểu phế quản ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì?

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi. Các triệu chứng bệnh lý xảy ra do viêm nhiễm virus dẫn đến tổn thương phế quản nhỏ. Từ đó bùng phát các biểu hiện điển hình như thở khò khè, thở nhanh, ho, sốt,...

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là gì? Biểu hiện, cách điều trị
Viêm tiểu phế quản bội nhiễm đề cập đến tình trạng ống dẫn khí nhỏ viêm nhiễm do vi khuẩn và virus gây ra

Các triệu chứng bệnh lý có xu hướng tiến triển dai dẳng có thể khiến đờm ứ đọng trong cơ quan hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập. Tình trạng này được gọi là viêm tiểu phế quản bội nhiễm. So với bệnh viêm tiểu phế quản đơn thuần, hiện tượng bội nhiễm gây ra các triệu chứng nặng nề, có khả năng chuyển biến nghiêm trọng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo đó, bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm cũng được xếp vào biến chứng của viêm tiểu phế quản.

Ở Việt Nam, viêm tiểu phế quản thường bùng phát vào mùa mưa (miền Nam) và tháng 3, 9 (đối với miền Bắc). Trong đó, bệnh lý ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi (chiếm khoảng 80%). Thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết, có khoảng 64 triệu trẻ em mắc bệnh viêm tiểu phế quản thì và có đến 160.000 ca tử vong mỗi năm.

Vì vậy, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường ở trẻ, ba mẹ cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh viêm tiểu phế quản và viêm tiểu phế quản bội nhiễm nói riêng đều đáp ứng tốt các biện pháp điều trị nếu được can thiệp sớm.

Nguyên nhân viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Như đã đề cập, các triệu chứng bệnh viêm phế quản thường xảy ra do virus. Trong đó, phổ biến nhất là virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm khoảng 50 - 75%. Sau đó là Adenovirus (10%), Parainfluenza, Rhinovirus, Coronavirus, Bocavirus, Influenza,... Những tác nhân gây bệnh này có khả năng lây lan cao. Do đó, các triệu chứng bệnh lý có xu hướng bùng phát thành dịch vào một số thời điểm cụ thể trong năm.

Nguyên nhân khởi phát bệnh lý
Phế cầu được xem là tác nhân phổ biến gây bội nhiễm ở người bị viêm tiểu phế quản

Sau khi tấn công vào cơ thể, virus gây ra tình trạng viêm cấp, phù nề, hoại tử niêm mạc của tiểu phế quản (các đường dẫn khí nhỏ), từ đó gây ra tình trạng co thắt phế quản, tăng sản xuất dịch nhầy. Hậu quả là cơ thể phải gia tăng công hô hấp và phát sinh các triệu chứng lâm sàng.

Viêm tiểu phế quản có thể được kiểm soát hoàn toàn sau vài tuần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ có thể bị bội nhiễm do vi khuẩn phế cầu, liên cầu và Haemophilus influenzae. Những vi khuẩn này có thể lây lan từ người trưởng thành sang trẻ nhỏ khiến tiểu phế quản viêm nhiễm, phù nề nặng hơn so với giai đoạn đầu.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát viêm tiểu phế quản bội nhiễm:

  • Trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi (cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh)
  • Trong gia đình có người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
  • Sông trong môi trường ô nhiễm
  • Tiếp xúc với những trẻ bị viêm tiểu phế quản

Triệu chứng viêm tiểu phế quản bội nhiễm

Thực tế cho thấy, các trường hợp bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra nhiều biểu hiện lâm sàng. Trong đó, một số triệu chứng thường gặp nhất, bao gồm:

  • Sau khi nhiễm bệnh, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, chảy nước mũi và ho
  • Sau 1 - 2 ngày sẽ xuất hiện một số triệu chứng như ho nhiều, thở khò khè, co lõm ngực, thở nhanh và sốt cao
  • Dẫn đến bùng phát các triệu chứng thứ phát như trẻ bú ít, nôn mửa, khó chịu
  • Nếu không được kiểm soát kịp thời, trẻ có thể bị tím tái do suy hô hấp
  • Bệnh có thể đi kèm với dấu hiệu mất nước (tiêu chảy, buồn nôn, sốt, khô môi,...)
  • Cánh mũi phập phồng, li bì

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia đầu ngành, viêm tiểu phế quản cấp tính có thể kiểm soát hoàn toàn sau 2 - 3 tuần điều trị, chăm sóc và không để lại di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu xảy ra tình trạng bội nhiễm sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm nguy hiểm không?
Suy hô hấp một trong những biến chứng thường gặp nhất do viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra

Trường hợp chủ quan, không đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, vi khuẩn viêm nhiễm có thể phát triển mạnh và tấn công đến các cơ quan hô hấp khác và gây ra nhiều biến chứng nặng nề như:

  • Suy hô hấp: Đây được xem là một trong những biến chứng thường gặp nhất do viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra. Suy hô hấp xảy ra do vi khuẩn và virus tấn công vào đường dẫn khí nhỏ. Trẻ em bị suy hô hấp gây ra một số triệu chứng như thở không đều, thở nhanh, có lúc ngưng thở, rên rỉ, co lõm ngực nặng, tím tái.
  • Co giật: Co giật do bệnh lý gây ra không xuất phát do tình trạng sốt cao như những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khác. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do chức năng hô hấp kém khiến chức năng tưới máu giảm đi. Hiện tượng này kéo dài có thể dẫn đến thiếu oxy não và co giật. Co giật do viêm tiểu phế quản bội nhiễm nếu không được xử lý sớm có thể gây tổn thương não bộ cũng như hệ thần kinh trung ương vĩnh viễn.
  • Tràn khí màng phổi: Tràn khí màng phổi đề cập đến tình trạng khí thoát vào trong màng phổi khiến 1 hoặc 2 phổi bị xẹp. Tuy nhiên, biến chứng này thường ít xảy ra, chỉ gặp khoảng 1% bệnh nhi.
  • Xẹp phổi: Đây được xem là biến chứng nặng nề do bệnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm gây ra. Biến chứng này khởi phát do lượng dịch nhầy trong đường dẫn khí tăng lên khiến thể tích phổi bị xẹp và thu nhỏ lại. Xẹp phổi tác động nghiêm trọng đến quá trình trao đổi CO2, oxy và làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng như thiếu oxy não, viêm phổi, suy hô hấp và hình thành sẹo phổi.
  • Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn: Biến chứng viêm tiểu phế quản tắc nghẽn thường khởi phát do nhiễm Adenovirus. Nguyên do là virus gây viêm đường dẫn khí gây chít hẹp đường thở và tắc nghẽn.

Các biến chứng ít gặp hơn:

  • Viêm tai giữa cấp tính
  • Suy tim (1%)
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Tăng nguy cơ hen suyễn
  • Các bệnh lý về não (1.8%)
  • Rối loạn điện giải

Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh đường hô hấp dưới phổ biến ở trẻ em từ 0 - 24 tháng tuổi. Các triệu chứng bệnh lý thường đáp ứng tốt các biện pháp chăm sóc và điều trị sau vài tuần. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bội nhiễm, thời gian điều trị có thể kéo dài và nguy cơ mắc phải các biến chứng có thể tăng cao. Thực tế cho thấy, có khoảng 160.000 trẻ tử vong/ năm do bệnh lý này gây ra. Do đó, ba mẹ không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường của trẻ.

Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản bội nhiễm hiệu quả

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm là một trong những bệnh lý viêm nhiễm đường hô thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các triệu chứng bệnh lý không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh mà còn tăng gánh nặng lên kinh tế của gia đình cũng như xã hội.

Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản bội nhiễm hiệu quả
Nên cho trẻ tiêm vaccine ngừa HIB, phế cầu,... để phòng ngừa bội nhiễm khi bị viêm tiểu phế quản

Do đó, ba mẹ cần chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh lý:

  • Hiện nay vẫn chưa có vaccine đặc hiệu để phòng ngừa RSV - tác nhân chủ yếu gây khởi phát bệnh viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, ba mẹ có thể chủ động cho trẻ tiêm vaccine phòng HIB (Haemophilus influenza), vaccine ngừa phế cầu,... Các loại vi khuẩn này là tác nhân gây bội nhiễm. Do đó, việc chủ động tiêm vaccine hạn chế nguy cơ bội nhiễm, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm.
  • Vào những mùa cao điểm của virus hợp bào hô hấp (RSV), ba mẹ nên cho trẻ tiêm kháng thể đơn dòng RSV – IVIG giúp tạo miễn dịch thụ động với những tác nhân gây bệnh. Thực tế cho thấy, việc tiêm miễn dịch thụ động có thể làm giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với những người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, nhất là vào những tháng cao điểm (mùa mưa).
  • Tăng cường sức đề kháng cho trẻ em thông qua chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho trẻ bú mẹ đều đặn, không nên tự ý thay thế bằng các loại sữa công thức nếu không có chỉ định. Bên cạnh các vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn cung cấp kháng thể giúp bảo vệ cơ thể trẻ trước những tác nhân gây bệnh.
  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường như thở khò khè, khó thở, ho, sốt. Tránh tình trạng chủ quan, tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa được thăm khám, chẩn đoán.

Viêm tiểu phế quản bội nhiễm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tác động tiêu cực đến chức năng hô hấp cũng như sức khoẻ tổng thể của trẻ. Do đó, ba mẹ cần chú ý các biểu hiện bất thường và nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc đúng cách.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0974 026 239

Tin mới

Phụ Nữ Bị Bệnh U Xơ Tử Cung Có Uống Được Tảo Xoắn Không? 

Phụ Nữ Bị Bệnh U Xơ Tử Cung Có Uống Được Tảo Xoắn Không? 

U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến ở phụ nữ,...
Viện Y Dược thăm khám, xét nghiệm mỡ máu miễn phí tại Hậu Giang

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Thăm Khám, Xét Nghiệm Mỡ Máu MIỄN PHÍ Tại Hậu Giang

Ngày 28/8/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc đã phối hợp cùng Trung tâm...
Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Tư Vấn Sức Khỏe Cho Người Dân Phường Xuân Đỉnh

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Tư Vấn Sức Khỏe Cho Người Dân Phường Xuân Đỉnh

Vào ngày 28/8 vừa qua, Viện Y dược cổ truyền dân tộc đã tổ chức...