Cách Chữa Đau Đầu
Phương pháp Tây y
1. Sử dụng thuốc
- Thuốc giảm đau không kê toa: Paracetamol, NSAID, có thể dùng mà không cần toa nhưng nên dùng ngắn hạn để tránh tác dụng phụ.
- Thuốc điều trị đau nửa đầu: Các thuốc như triptans hoặc dihydroergotamine, dùng khi cần thiết.
- Thuốc chống trầm cảm: Dùng cho đau đầu mãn tính khi các thuốc thông thường không hiệu quả.
- Thuốc bổ thần kinh: Dùng bổ sung canxi, magie, vitamin D, kẽm để ngăn ngừa đau đầu.
2. Liệu pháp tâm lý
Dùng cho đau đầu do căng thẳng, lo âu, trầm cảm. Thay đổi suy nghĩ và hành vi để giảm đau đầu và triệu chứng kèm theo. Thường cần thực hiện lâu dài (khoảng 12 tuần).
Phương pháp y học cổ truyền
1. Sử dụng bài thuốc
- Đau đầu do can dương vượng: Dùng các vị như thiên ma, hoàng cầm, đỗ trọng,...
- Đau đầu do đờm trọc: Dùng trần bì, bán hạ, thổ phục linh,...
- Đau đầu do huyết ứ: Sử dụng ngưu tất, xuyên khung, diên hồ,...
- Đau đầu do khí hư: Bài thuốc bổ khí với tế tân, trần bì, cam thảo,...
2. Xoa bóp bấm huyệt
Thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau bằng xoa bóp và bấm huyệt các điểm như Bách hội, Thái dương, Phong trì,...
3. Châm cứu
Giảm đau nhanh chóng và hiệu quả bằng kim châm vào huyệt vị, cân bằng âm dương, thúc đẩy lưu thông khí huyết.
4. Cấy chỉ
Kết hợp châm cứu với chỉ tự tiêu để tạo tác động lâu dài hơn, giúp giảm đau đầu hiệu quả.
Cách chữa từ thảo dược tự nhiên
- Trà gừng: Kháng viêm, giãn mạch máu, giảm đau đầu do stress.
- Trà hoa cúc: Thư giãn đầu óc, tăng serotonin, giảm căng thẳng.
- Lá bạc hà: Giảm đau đầu, buồn nôn, có tác dụng kháng viêm.
- Ngải cứu: Giảm đau đầu do huyết ứ, có tác dụng an thần.
- Tỏi ngâm mật ong: Giãn mạch, tăng tuần hoàn, giảm đau đầu do suy nhược thần kinh.
Các biện pháp trị đau đầu tại nhà
- Ngồi thiền: Giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và giảm đau đầu.
- Tắm nước ấm: Giãn nở mạch máu, cải thiện tuần hoàn máu.
- Liệu pháp mùi hương: Thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Giúp não bộ thư giãn và giảm đau đầu.
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Cân đối thời gian làm việc - nghỉ ngơi, hạn chế chất kích thích.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng: Ăn uống khoa học, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng cần thiết.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Có rất nhiều cách chữa đau đầu bao gồm sử dụng thuốc Tây, bài thuốc cổ truyền, trị liệu tâm lý, xoa bóp bấm huyệt,… Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, cần lựa chọn phương pháp phù hợp với nguyên nhân và tình trạng sức khỏe. Đau đầu (nhức đầu) là triệu chứng rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ – đặc biệt là người phải làm việc và học tập với cường độ cao trong thời gian dài. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến khả năng tập trung và chất lượng giấc ngủ.
Tổng quan bệnh đau đầu
Đau đầu (nhức đầu) là tình trạng cơn đau xuất hiện ở đầu hoặc vùng cổ trên. Cơn đau thường xảy ra ở cấu trúc bao quanh hộp sọ vì bản thân não bộ không chứa các dây thần kinh có khả năng thụ cảm cơn đau. Tùy theo nguyên nhân, có thể có mức độ nhẹ đến nặng, đau âm ỉ, đau nhói, đau dai dẳng hoặc đau ngắt quãng từng cơn.
Có thể nói, bệnh lý này là triệu chứng thể chất thường gặp nhất ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong hầu hết các trường hợp, nhức đầu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và có thể dễ dàng kiểm soát thông qua sử dụng thuốc. Tuy nhiên, bệnh xảy ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Mặc dù có điểm chung là đau nhức ở vùng đầu và cổ trên nhưng có biểu hiện khác biệt tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể:
- Đau do căng thẳng: dai dẳng, âm ỉ, đau toàn bộ vùng đầu và thường lan xuống bùng cổ vai gáy. Các triệu chứng này xảy ra khi làm việc, học tập với cường độ cao hoặc khi đối mặt với những tình huống căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
- Đau nửa đầu: đặc trưng bởi cơn đau xảy ra ở một bên đầu nhưng cũng có thể thay đổi vị trí. Cơn đau thường đi kèm với cảm giác nhói và rung nhẹ ở vùng đầu, lâng lâng, nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, buồn nôn, nôn mửa,... Các triệu chứng đau nửa đầu thường xảy ra từ vài giờ đến vài ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
- Đau do thuốc: Đặc trưng bởi tình trạng đau kèm theo cảm giác bồn chồn, mệt mỏi, nghẹt mũi và giảm chất lượng giấc ngủ. Đặc điểm mức độ cơn đau và biểu hiện lâm sàng có thể thay đổi theo từng ngày.
- Đau đầu cụm: là tình trạng nhức đầu bùng phát theo đợt và diễn ra liên tục, mỗi đợt có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Mỗi lần khởi phát kéo dài khoảng vài phút đến vài giờ. Đặc điểm là xuất hiện cơn đau nghiêm trọng nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đỏ mắt, sụp mí, đau một bên mắt, nghẹt mũi, chảy nước mũi,...
- Đau đầu từng cơn: Thông thường, mỗi cơn đau chỉ kéo dài dưới 1 phút và đa phần đều không quá 5 phút nhưng có mức độ rất nghiêm trọng, liên quan đến những vấn đề sức khỏe đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Ngoài ra, đau đầu còn có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như nhức mắt, nặng vùng mặt, ù tai, khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, ăn uống kém, sốt cao,... tùy theo nguyên nhân cụ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau đầu. Trong đó được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính là nguyên phát, thứ phát và các dạng đau khác.
1. Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát đề cập đến các dạng có liên quan đến cấu trúc và hoạt động quá mức ở não bộ, đầu và cổ (không có tổn thương thực thể). Kết quả là làm thay đổi các chất hóa học bên trong não dẫn đến cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đau đầu nguyên phát bao gồm đau do căng thẳng, đau nửa đầu (chưa rõ nguyên nhân) và đau từng cụm.
Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu nguyên phát:
- Bất thường hoạt động của các khu vực, cơ quan bên trong não
- Mạch máu, dây thần kinh và cơ bắp ở vùng cổ hoặc xung quanh não bộ hoạt động quá mức
- Giảm chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ (chủ yếu là serotonin)
Nguyên nhân sâu xa thường có liên quan đến di truyền, stress quá mức gây rối loạn chức năng của mạch máu, cơ bắp và dây thần kinh xung quanh não bộ. Ngoài ra, lối sống thiếu khoa học và học tập, làm việc căng thẳng cũng góp phần gây ra chứng bệnh này.
2. Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát xảy ra do các bệnh lý thực tổn hoặc do cấu trúc của não bộ bị tổn thương (áp xe não, u não, xuất huyết, viêm màng não,...), lạm dụng thuốc, ngộ độc và nhiễm trùng. So với nguyên phát, đau đầu thứ phát có nguyên nhân đa dạng nhưng tỷ lệ người mắc ít hơn.
Các nguyên nhân gây đau đầu thứ phát:
- Bệnh lý nội sọ: Viêm màng não, ung thư não, nhiễm trùng não, tăng áp lực nội sọ nguyên phát, xuất huyết não, rò dịch não, u não, bệnh lý mạch máu (huyết khối xoang tĩnh mạch, dị dạng mạch máu,...).
- Bệnh lý ngoài sọ: Bao gồm các bệnh về răng như rối loạn cơ năng khớp thái dương hàm, viêm xoang, glaucoma,...
- Các bệnh hệ thống: Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn, tăng CO2 trong máu, viêm động mạch tế bào khổng lồ, sốt, nhiễm khuẩn huyết, thiếu oxy, tăng huyết áp cấp tính nặng,...
- Do thuốc và chất: Các loại thuốc chứa hormone estrogen, sử dụng thuốc giảm đau quá mức, carbon monoxide, nitrat, thuốc ức chế bơm proton (PPI), lạm dụng chất kích thích, rượu bia,... đều có thể gây ra tình trạng nhức đầu, mệt mỏi.
3. Các chứng đau đầu khác
Ngoài hai nhóm nguyên nhân chính là nguyên phát và thứ phát, còn có thể xảy ra do đau dây thần kinh. Ví dụ, đau dây thần kinh sinh ba có thể mang đến tín hiệu đau gây ra cảm giác đau ở vùng mặt và đầu. Dạng đau này ít gặp hơn so với các loại đau được đề cập ở trên.
Cách chữa đau đầu theo Tây y
Chữa đau đầu theo Tây y bao gồm 2 phương pháp chính là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý trong trường hợp nhức đầu do căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, một số trường hợp đau đầu có tổn thương thực thể ở não bộ cũng có thể phải phẫu thuật nhưng thường không phổ biến.
1. Sử dụng thuốc
Hầu hết các trường hợp đau đầu đều có thể cải thiện khi dùng thuốc giảm đau không kê toa. Tuy nhiên đối với những trường hợp đau nửa đầu và đau đầu có mức độ nặng, bác sĩ có thể cân nhắc dùng các loại thuốc có hoạt tính mạnh hơn.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau đầu:
- Thuốc giảm đau không kê toa: Các loại thuốc giảm đau không kê toa như Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),... là các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị đau đầu. Các loại thuốc này có thể sử dụng mà không cần kê toa nên tương đối an toàn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn với liều lượng khuyến cáo để phòng ngừa tác dụng phụ.
- Các loại thuốc điều trị đau nửa đầu: Đối với những trường hợp đau nửa đầu, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống nôn đối vận với dopamine cùng với triptans hoặc dihydroergotamine. Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng xịt hoặc dạng tiêm tùy theo từng trường hợp.
- Thuốc chống trầm cảm: Đối với những trường hợp đau đầu mãn tính và cơn đau không có đáp ứng với các loại thuốc thông thường, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm. Nhóm thuốc này giúp làm tăng chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, từ đó giảm nhức đầu cùng với một số triệu chứng đi kèm.
- Các viên uống, thuốc bổ thần kinh: Đau đầu thường có liên quan đến tình trạng suy nhược thần kinh, thiếu hụt khoáng chất và vitamin cần thiết. Do đó ngoài các loại thuốc giảm triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm viên uống chứa canxi, magie, vitamin D, kẽm và các loại thuốc bồi bổ thần kinh để cải thiện và phòng ngừa đau đầu tái phát.
Các loại thuốc điều trị đau đầu cho tác dụng nhanh chóng nhưng đều là thuốc giảm triệu chứng. Do đó sau khi ngưng sử dụng, đau đầu cùng với một số triệu chứng đi kèm có thể tái phát trở lại. Chính vì vậy, cần phải kết hợp dùng thuốc với các phương pháp khác để kiểm soát tình trạng triệt để.
2. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý được áp dụng song song với sử dụng thuốc trong điều trị đau đầu do căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các yếu tố tâm lý khác. Liệu pháp này sử dụng hình thức giao tiếp để thay đổi suy nghĩ, tâm trạng và hành vi. Đối với người bị đau đầu, bác sĩ sẽ tập trung thay đổi cảm xúc và cải thiện tình trạng suy nghĩ, lo lắng quá nhiều.
Ngoài tác dụng giảm đau đầu, trị liệu tâm lý cũng giúp cải thiện các triệu chứng đi kèm như nhức mắt, mệt mỏi, chán nản, uể oải, ăn uống kém, mất ngủ,... Tuy nhiên, liệu pháp tâm lý cần phải thực hiện trong thời gian dài (khoảng 12 tuần) mới có thể cho tác dụng đầy đủ.
Cách điều trị nhức đầu theo y học cổ truyền
Ngoài các phương pháp điều trị từ Tây y, nhiều người lựa chọn chữa đau đầu theo y học cổ truyền. Y học cổ truyền cho rằng chứng đau đầu thuộc phạm trù “đầu thống” với căn nguyên được chia thành 2 nhóm là nội thương và ngoại cảm. Tùy theo thể bệnh, y học cổ truyền áp dụng bài thuốc cùng với các liệu pháp điều trị phù hợp để cải thiện.
1. Sử dụng bài thuốc
Đau đầu rất ít khi khởi phát đơn độc mà thường đi kèm với các triệu chứng khác. Dựa vào biểu hiện lâm sàng, y học cổ truyền chia chứng đau đầu thành nhiều thể khác nhau. Để chữa chứng đau đầu hiệu quả, cần lựa chọn bài thuốc phù hợp với thể bệnh.
- Đau đầu do can dương vượng: Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng đầu đau, váng, ngủ không yên, khô miệng, đỏ mặt,... Đối với đau đầu do can dương vượng, cần dùng thiên ma, hoàng cầm, đỗ trọng, phục thần, dạ giao đằng, thạch quyết minh, tang ký sinh, ích mẫu và sơn chi mỗi thứ 9g, ngưu tất và câu đằng mỗi thứ 12g. Sắc mỗi ngày 1 thang dùng liên tục trong vòng 7 ngày.
- Đau đầu do đờm trọc: Đau đầu do đờm trọc đặc trưng bởi tình trạng ngực bụng đầy tức, buồn nôn, nôn mửa, đầu đầu và căng. Với thể bệnh này, cần dùng bài thuốc bao gồm trần bì, bán hạ và thổ phục linh mỗi thứ 12g, gừng sống 8g, hậu phác 16g và bạch chỉ 10g. Đem sắc uống ngày 1 thang, dùng đều đặn trong vòng 7 ngày.
- Đầu đau do huyết ứ: Thể huyết ứ đặc trưng bởi tình trạng đau đầu lâu ngày không khỏi, lưỡi tím, chỗ đau bất định, không di chuyển, mạch tế sác, rêu lưỡi trắng mỏng,... Để giải thể bệnh này, cần dùng ngưu tất, xuyên khung, diên hồ và cát căn mỗi thứ 30g, tế tân 4g, bạch chỉ 9g và địa long 15g. Đem sắc uống ngày 1 thang, dùng liên tục trong 7 ngày.
- Đau đầu do khí hư: Đau đầu do khí hư có đặc điểm là người mệt, ăn uống kém, mức độ đau tăng lên khi làm việc, đau âm ỉ và liên miên. Đối với thể khí hư, cần dùng bài thuốc có tác dụng bổ khí bao gồm tế tân, trần bì và cam thảo mỗi thứ 6g, thăng ma, sài hồ, mạn kinh tử và nhân sâm mỗi thứ 10g, hoàng kỳ 20g, bạch chỉ và xuyên khung mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang và dùng đều đặn trong 7 ngày.
Với những trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ điều chỉnh dược liệu phù hợp để cải thiện bệnh một cách toàn diện. Ưu điểm của các bài thuốc từ y học cổ truyền là độ an toàn cao, lành tính và ít khi xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng. Tuy nhiên, cần phải dùng liên tục trong 7 ngày để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
2. Xoa bóp bấm huyệt
Ngoài sử dụng thuốc, y học cổ truyền còn ứng dụng xoa bóp bấm huyệt để cải thiện tình trạng đau đầu. Phương pháp này sử dụng tác động vật lý từ ngón tay, bàn tay để thúc đẩy tuần hoàn máu lên não và kích thích sản sinh các yếu tố nội sinh. Hiện nay, xoa bóp bấm huyệt đã được chứng minh có tác dụng giảm đau, giải tỏa lo âu, căng thẳng và cải thiện tình trạng mất ngủ rõ rệt.
Để giảm đau đầu, có thể xoa bóp vùng đầu và cổ vai gáy bằng các kỹ thuật như miết, xoa, xát, day và lăn. Sau đó, chuyển sang bấm huyệt để tác động sâu hơn đến các huyệt vị. Đối với chứng “đầu thống”, cần tác động đến những huyệt vị như:
- Bách hội
- Thái dương
- Thượng tinh
- Phong trì
- Hợp cốc
- Tứ thần thông
Đối với thể khí hư, nên day thêm huyệt Túc tam lý, Khí hải, Đản trung và Quan nguyên. Trường hợp do nhiệt hỏa, bấm thêm huyệt Đại chùy và Khúc trí, day thêm huyệt Tam âm giao, Can du, Huyết hải và Cách du nếu đau đầu xảy ra do huyết hư. Mỗi ngày nên xoa bóp bấm huyệt 30 phút và thực hiện đều đặn 1 lần/ này trong thời gian dài để cải thiện tình trạng đau đầu triệt để.
3. Châm cứu
Đối với những trường hợp đau đầu nặng và dai dẳng, nên châm cứu thay vì bấm huyệt. Châm cứu dùng kim châm tác động sâu vào huyệt vị nên có tác dụng giảm đau hiệu quả và nhanh chóng hơn. Theo lý luận của y học cổ truyền, liệu pháp này giúp cân bằng âm dương, đuổi tà khí và thúc đẩy khí huyết lưu thông. Châm cứu giúp giảm đau đầu, căng cơ vùng vai gáy và mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái.
Hiện nay, tác dụng của châm cứu cũng đã được nghiên cứu và chứng minh. Các nghiên cứu cho thấy, tác động từ kim lên huyệt vị làm thay đổi nội tiết tố và các yếu tố trong máu, nhờ vậy có thể giảm đau nhức và tăng cường sức đề kháng. Chính vì vậy, châm cứu được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm cả đau đầu.
4. Cấy chỉ chữa đau đầu
Cấy chỉ thực chất là kỹ thuật được phát triển từ châm cứu. Kỹ thuật này không chỉ sử dụng kim châm mà kết hợp với chỉ tự tiêu (catgut) để tạo ra kích thích trong thời gian dài lên huyệt vị. Chỉ tự tiêu có thể tồn tại từ 15 - 20 ngày nên sẽ tạo ra tác động lâu dài hơn so với châm cứu thông thường.
Tương tự như châm cứu, tác động từ cấy chỉ giúp giảm đau đầu, chống co thắt cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và nuôi dưỡng các cơ quan bị tổn thương. Vì tạo ra kích thích cơ học liên tục nên phương pháp này không cần phải thực hiện hằng ngày như châm cứu. Thông thường, cấy chỉ chữa đau đầu sẽ được thực hiện theo liệu trình và khoảng cách giữa 2 lần cấy sẽ dao động từ 15 - 20 ngày.
Cách chữa đau đầu từ thảo dược tự nhiên
Bên cạnh 2 phương pháp chính là Tây y và y học cổ truyền, bạn cũng có thể kết hợp với một số mẹo chữa từ thảo dược tự nhiên. Các mẹo chữa này tận dụng dược tính tự nhiên của thảo dược để giảm đau đầu, an dịu thần kinh, cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ cùng với các triệu chứng đi kèm.
Dưới đây là một số cách chữa đau đầu từ thảo dược tự nhiên bạn có thể áp dụng:
1. Uống trà gừng
Gừng không chỉ là loại gia vị đơn thuần mà còn là vị thuốc quý. Gừng có tính ấm, vị cay, đắng, tác dụng tiêu viêm, chỉ khái, trừ phong hàn và tiêu đờm. Ngoài ra, củ gừng còn chứa các chất chống oxy hóa như Gingerol và Zingerone có tác dụng kháng viêm và giãn mạch máu. Do đó, sử dụng trà gừng có thể tăng tuần hoàn máu lên não và giảm đau đầu rõ rệt.
Mùi thơm từ gừng tươi còn có tác dụng thư giãn, giải tỏa căng thẳng và lo âu. Vì vậy, uống trà gừng có thể cải thiện tình trạng đau đầu do stress. Chỉ với 1 tách trà gừng ấm, bạn có thể giảm tình trạng đau đầu và lấy lại tinh thần, sự tập trung khi làm việc.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 - 2 củ gừng tươi, đem rửa sạch và xắt nhỏ
- Cho gừng vào tách và hãm với 200ml nước sôi trong 5 - 7 phút
- Đến khi trà nguội bớt, thêm mật ong hoặc đường phèn vào khuấy đều và dùng khi trà còn ấm
2. Trà hoa cúc giảm đau đầu công hiệu
Trà gừng có tính nhiệt và có thể gây tăng huyết áp khi dùng dài ngày nên không thích hợp với một số đối tượng. Nếu không thể dùng trà gừng, bạn có thể thay thế bằng trà hoa cúc. Loại trà này có hương thơm nhẹ dịu giúp thư giãn đầu óc, giảm đau đầu và mang lại cảm giác thư thái.
Ngoài ra, hoạt chất apigenin trong hoa cúc còn giúp bảo vệ tế bào thần kinh và tiêu trừ gốc tự do. Một số nghiên cứu còn cho thấy, apigenin giúp giảm các bất thường trong não bộ và tăng nồng độ serotonin. Chính vì vậy, sử dụng trà hoa cúc lâu dài có thể cải thiện tình trạng lo lắng, trầm cảm và căng thẳng quá mức. Đây đều là những nguyên nhân và yếu tố gia tăng nguy cơ đau đầu, chóng mặt.
Cách pha trà hoa cúc cải thiện tình trạng đau đầu:
- Dùng trà hoa cúc túi lọc pha với 200ml nước sôi, đợi khoảng 5 - 7 phút và dùng uống khi trà còn ấm
- Hoặc có thể dùng hoa cúc khô hãm với nước sôi, sau đó thêm mật ong vào khuấy đều và dùng uống ngày 1 ly
3. Chữa đau đầu theo dân gian bằng lá bạc hà
Bạc hà thường được sử dụng để chữa ho, đau rát họng và sốt cao do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Ngoài ra, thảo dược này còn có tác dụng giảm đau đầu, buồn nôn và nôn mửa. Do đó nếu tình trạng đau đầu đi kèm với những biểu hiện kể trên, bạn có thể sử dụng trà bạc hà để cải thiện.
Không chỉ được sử dụng rộng rãi trong dân gian, lá bạc hà cũng đã được công nhận hiệu quả qua nhiều nghiên cứu. Các nghiên cứu cho thấy, methyl esters, limonene, acetaldehyde, dimethyl sulphide, cadinene, phellandrene,... có tác dụng kháng viêm và giảm đau hiệu quả - đặc biệt là cơn đau liên quan đến dây thần kinh. Vì vậy bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cũng có thể dùng trà bạc hà để cải thiện tình trạng đau đầu kèm theo buồn nôn và nôn mửa.
Cách pha trà bạc hà hỗ trợ chữa đau đầu:
- Có thể sử dụng trà bạc hà túi lọc để tiết kiệm thời gian. Với trà túi lọc, chỉ cần hãm với 200ml nước sôi trong 3 - 5 phút là có thể sử dụng.
- Hoặc dùng lá bạc hà tươi, đem rửa sạch và vò xát. Sau đó, thêm 200ml nước sôi vào hãm trong 5 phút là có thể dùng được. Để tăng hương vị, bạn có thể thêm vào một ít đường phèn.
4. Ngải cứu giảm đau đầu theo kinh nghiệm dân gian
Ngải cứu vừa là loại rau ăn vừa là vị thuốc quý được sử dụng rộng rãi trong dân gian. Thảo dược này có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, tác dụng phá huyết ứ, điều hòa kinh nguyệt và an thai. Với đặc tính phá huyết ứ, ngải cứu thường được sử dụng để cải thiện tình trạng đại tiện ra máu, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh và đau đầu do huyết ứ.
Bên cạnh những tác dụng được lưu truyền trong dân gian, y học hiện đại cũng nhận thấy chất umbelliferone và herniarin trong lá ngải cứu có tác dung cầm máu, kháng khuẩn và an thần. Vì vậy, bạn có thể tận dụng ngải cứu để giảm đau đầu và cải thiện các triệu chứng đi kèm.
Cách dùng ngải cứu giảm đau đầu:
- Dùng ngải cứu khô hãm uống như các loại trà thông thường.
- Hoặc có thể chế biến các món ăn từ ngải cứu để cải thiện tình trạng đau đầu như ngải cứu chiên trứng, óc heo chưng ngải cứu, ngải cứu hột vịt lộn,...
5. Chữa đau đầu bằng tỏi ngâm mật ong
Tỏi ngâm mật ong là mẹo chữa bệnh được áp dụng rộng rãi trong dân gian. Cả hai nguyên liệu này đều có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm mạnh, đồng thời cung cấp nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Bằng cách nâng cao sức khỏe thể chất, dùng tỏi ngâm mật ong có thể giảm đau đầu, mệt mỏi và tăng khả năng tập trung khi làm việc.
Đặc biệt, hoạt chất allicin trong tỏi còn giúp giãn mạch và tăng tuần hoàn máu đến tim, não bộ. Do đó, dùng tỏi ngâm mật ong cũng có thể cải thiện tình trạng đau đầu. Mẹo dân gian này thích hợp với những người bị đau đầu do suy nhược thần kinh, cơ thể mệt mỏi, uể oải và sức đề kháng kém.
Cách thực hiện tỏi ngâm mật ong hỗ trợ chữa đau đầu:
- Chuẩn bị khoảng 150g tỏi và 100ml mật ong nguyên chất
- Bóc vỏ tỏi và cho vào lọ thủy tinh
- Sau đó thêm mật ong vào, đậy kín và ngâm từ 30 - 45 ngày là có thể dùng được
- Mỗi ngày dùng 1 thìa tỏi mật ong ăn để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ giảm tình trạng đau đầu
Các biện pháp trị đau đầu ngay tại nhà
Bên cạnh các mẹo dân gian, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp cải thiện đau đầu ngay tại nhà. Các mẹo tại nhà có thể giảm đau đầu tức thì và cải thiện nhanh các triệu chứng khó chịu đi kèm.
1. Ngồi thiền - Cách chữa đau đầu công hiệu
Ngồi thiền là kỹ thuật luyện tập có nguồn gốc từ Ấn Độ. Điểm đặc biệt của kỹ thuật này là người tập không phải thực hiện nhiều tư thế mà chỉ duy trì ở tư thế ngồi thẳng lưng, thả lỏng, mắt nhắm hờ và thở đều đặn. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, phải gạt bỏ hết mọi phiền muộn và suy nghĩ trong tâm trí, chỉ tập trung duy nhất vào hơi thở của bản thân. Thiền định giúp hòa hợp tâm trí và thân thể, đồng thời điều hòa nhịp thở, giảm căng thẳng và lo âu.
Khi những phiền muộn được gạt bỏ, não bộ sẽ được giải phóng khỏi căng thẳng và áp lực. Nhờ vậy, ngồi thiền có thể giảm đau đầu do stress, đau nửa đầu, đau đầu do rối loạn lo âu, trầm cảm và rối loạn tiền đình. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn giúp điều hòa nhịp tim, mang đến tâm trạng vui vẻ, lạc quan, cải thiện giấc ngủ và giảm đau nhức cơ. Chính vì vậy, nếu thường gặp tình trạng đau đầu, bạn nên tập ngồi thiền để cải thiện và nâng cao sức khỏe một cách toàn diện.
2. Tắm nước ấm - Cách chữa đau đầu tại nhà đơn giản
Tắm nước ấm là cách chữa đau đầu tại nhà an toàn và dễ thực hiện. Khi tắm nước ấm, mạch máu ở não bộ và da sẽ giãn nở, tạo điều kiện cho quá trình lưu thông máu. Chính vì vậy, áp lực bên trong não bộ sẽ được giải phóng, qua đó cải thiện tình trạng nhức đầu, hoa mắt, buồn nôn và khó chịu.
Ngoài ra khi tiếp xúc với nước ấm, da sẽ tăng thải độc tố và loại bỏ tế bào chết. Để tuần hoàn máu đến da và não bộ, tim mạch cũng sẽ tăng hoạt động khi tắm nước ấm. Nhờ vậy, biện pháp này có thể tăng cường chức năng tim mạch và cải thiện tình trạng loạn nhịp tim, hồi hộp, bất an. Một số nghiên cứu mới nhất còn cho thấy, tắm nước ấm giúp thư giãn cơ, giảm đau nhức và nâng cao chất lượng giấc ngủ rõ rệt.
3. Liệu pháp mùi hương
Sau khi tắm nước ấm, bạn có thể áp dụng liệu pháp mùi hương để giải tỏa căng thẳng và đau đầu. Mặc dù mũi là cơ quan cảm thụ mùi hương nhưng não bộ giúp cơ thể cảm nhận rõ rệt các tầng hương trong không khí. Khi ngửi hương thơm từ các loại thảo mộc, hệ thần kinh trung ương sẽ được thư giãn, an dịu, cải thiện tình trạng căng thẳng và phiền muộn.
Ngoài ra khi hít thở sâu mùi hương, huyết áp sẽ giảm đi đáng kể, nhịp thở được điều hòa và trở nên ổn định. Do đó khi áp dụng liệu pháp mùi hương, tình trạng đau đầu, chóng mặt và phiền muộn sẽ được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, mùi hương còn giúp tạo cảm giác an dịu và góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Để chữa đau đầu, bạn nên dùng các loại tinh dầu có mùi hương nhẹ dịu như hoa cúc, hoa nhài, hoa hồng, hoa oải hương, vỏ quế, hương táo, bạc hà,... Thông qua mùi hương, những cảm xúc tích cực sẽ được “đánh thức” và góp phần gạt bỏ các cảm xúc tiêu cực như buồn chán, phiền muộn và tức giận. Nếu có thể, bạn nên duy trì liệu pháp này để phòng ngừa đau đầu tái phát và hạn chế nguy cơ bị mất ngủ, khó ngủ.
4. Dành thời gian nghỉ ngơi
Một cách đơn giản khác để giảm đau đầu ngay tại nhà là dành thời gian nghỉ ngơi. Khi bị đau đầu, nên nằm nghỉ trong phòng ít ánh sáng, nhắm mắt và kê chân cao hơn đầu để tăng lưu lượng máu tuần hoàn lên não. Chỉ sau khoảng 30 - 60 phút, tình trạng đau đầu sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Nếu bị nhức đầu do thiếu ngủ và căng thẳng, bạn nên ngủ một giấc ngắn để não bộ được thư giãn và cung cấp năng lượng dồi dào. Giấc ngủ ngon sẽ giúp xoa dịu các triệu chứng khó chịu và góp phần cải thiện tình trạng đau đầu rõ rệt.
5. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt không điều độ là yếu tố gia tăng nguy cơ bị đau đầu, đồng thời khiến triệu chứng kéo dài dai dẳng và tăng mức độ theo thời gian. Do đó ngoài những biện pháp giảm đau đầu tạm thời, bạn cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt để cải thiện triệu chứng triệt để.
Cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt giúp kiểm soát tình trạng đau đầu:
- Hạn chế làm việc và học tập với cường độ cao trong thời gian dài. Thay vào đó, chỉ nên làm việc trong 7 - 8 giờ và đảm bảo ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm. Cân đối thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi sẽ giúp não bộ được thư giãn, tái tạo tế bào và tránh tình trạng rối loạn thần kinh dẫn đến nhức đầu.
- Kê gối thấp và tránh cột tóc quá chặt để đảm bảo quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi. Trong khi đó, nằm gối quá cao có thể làm gián đoạn tuần hoàn máu và hệ quả là gây đau đầu, đau nửa đầu kéo dài.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử nếu không cần thiết. Ngoài ra, nên tránh đến những nơi quá ồn ào và náo nhiệt vì đây đều là những thói quen có thể gây đau đầu, choáng váng và mệt mỏi.
- Luôn dành ít nhất 1 - 2 giờ mỗi ngày để thư giãn và chăm sóc bản thân. Các hoạt động như nghe nhạc, đọc sách, chăm sóc da, móng tay, tóc, chăm sóc thú cưng, trang trí lại nhà cửa,... đều có tác dụng giảm căng thẳng và hỗ trợ cải thiện tình trạng đau đầu.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và hạn chế dùng quá nhiều caffeine. Các chất kích thích đều gây chít hẹp mạch máu và tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu não và đau đầu, choáng váng, giảm trí nhớ và khả năng tập trung khi làm việc.
- Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần. Hoạt động thể chất giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn não bộ, giảm đau đầu và giải tỏa lo âu. Khi tuần hoàn máu được cải thiện, tình trạng đau đầu, mất ngủ, choáng váng và trí nhớ kém sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
6. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng đau đầu và một số triệu chứng đi kèm. Chính vì vậy bên cạnh thói quen sinh hoạt lành mạnh và một số cách chữa đau đầu tại nhà, bạn nên lên kế hoạch ăn uống khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị. Hơn nữa, thực đơn ăn uống hợp lý không chỉ giúp giảm đau đầu mà còn cải thiện trí nhớ và nâng cao sức đề kháng hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bị đau đầu:
- Hạn chế một số loại thực phẩm có thể gây đau đầu như rượu bia, các loại thức uống chứa caffeine, món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và gia vị. Do đó để cải thiện triệu chứng này, bạn nên tránh dùng các loại thực phẩm kể trên.
- Uống đủ nước để đảm bảo quá trình tuần hoàn máu lên não diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, cung cấp đủ 2 lít nước mỗi ngày còn giúp hạn chế tình trạng căng cơ ở vùng cổ dẫn đến đau mỏi và nhức đầu.
- Tăng cường bổ sung trái cây và rau xanh vào chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy, khoáng chất, vitamin và chất xơ có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn có hiệu quả chống viêm và tiêu trừ gốc tự do gây hại đến não bộ.
- Thêm các loại thực phẩm giàu Omega 3, magie và vitamin E để phòng ngừa và cải thiện tình trạng đau đầu. Bên cạnh tác dụng giảm cơn đau, các thực phẩm này còn giúp tái tạo hệ thần kinh trung ương và cải thiện trí nhớ.
- Với những người bị suy nhược, nên dùng các món ăn có tác dụng bổ não như óc heo chưng gừng, súp gà nấm đông cô, chè hạt sen, bào ngư hầm đông trùng hạ thảo,... để cải thiện mất ngủ, đau đầu và choáng váng.
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa/ ngày với thực đơn cân đối, phù hợp, tránh để cơ thể thiếu chất và suy nhược. Bởi tình trạng này sẽ làm nghiêm trọng hơn tình trạng đau đầu và các triệu chứng đi kèm.
Đau đầu có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, bạn đọc nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để áp dụng cách chữa đau đầu phù hợp nhất. Bên cạnh các phương pháp chuyên sâu, nên kết hợp thêm với một số mẹo tại nhà nhằm tác động toàn diện đến quá trình điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!