Viêm Tiểu Phế Quản
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm tiểu phế quản xảy ra bởi tình trạng ống dẫn khí nhỏ bị viêm, phù nề bởi vi khuẩn và virus. Bệnh lý ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em dưới 2 tuổi và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như co giật, suy hô hấp, xẹp phổi, phổi tắc nghẽn nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là một trong những bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh khởi phát do nhiễm virus và vi khuẩn gây tổn thương phế quản nhỏ và bùng phát các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, ho và sốt cao. Các triệu chứng bệnh lý kéo dài có thể dẫn đến đờm nhầy ứ đọng ở cơ quan hô hấp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại xâm nhập và bội nhiễm.
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh viêm tiểu phế quản thường bùng phát mạnh vào mùa mưa ở miền nam và khoảng tháng 3, 9 ở miền Bắc. Trong đó, bệnh ảnh hưởng nhiều ở trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết, có khoảng 64 triệu trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản và có đến 160.000 trường hợp tử vong/ năm.
Viêm tiểu phế quản có mức độ nguy hiểm cao và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được kiểm soát kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm. Hầu hết các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản đều đáp ứng tốt biện pháp chăm sóc và điều trị nếu can thiệp sớm.
Nguyên nhân viêm tiểu phế quản
Nguyên nhân chính gây ra viêm tiểu phế quản là do virus và vi khuẩn. Trong đó, thường gặp nhất là RSV (virus hợp bào hô hấp) chiếm đến 75%. Kế đến là Rhinovirus, Adenovirus, Bocavirus, Influenza, Coronavirus, Parainfluenza,... Những chủng virus có khả năng lây lan rất cao. Vì vậy, bệnh viêm tiểu phế quản có xu hướng bùng phát thành dịch vào một số thời điểm cụ thể trong năm.
Sau khi tấn công vào cơ thể, tác nhân gây bệnh sẽ gây ra tình trạng viêm cấp, sưng nề và hoại tử niêm mạc của các đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản), từ đó gây co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy. Hệ quả là cơ thể người bệnh gia tăng cơ hô hấp và phát sinh các biểu hiện lâm sàng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, các triệu chứng bệnh lý có thể kiểm soát sau vài tuần điều trị và chăm sóc đúng cách. Ngược lại, trường hợp chủ quan, để bệnh tiến triển nặng nề có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae. Tình trạng viêm nhiễm này có thể khiến tiểu phế quản phù nề, viêm nặng hơn so với giai đoạn đầu.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản:
- Trẻ sinh non
- Trẻ từ 2 - 6 tháng tuổi do hệ miễn dịch và cơ quan hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh
- Người mắc bệnh mô liên kết tự miễn
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp
- Tiếp xúc với người đang bị viêm tiểu phế quản
- Sống trong môi trường ô nhiễm
Triệu chứng viêm tiểu phế quản
Khi mới khởi phát, các triệu chứng bệnh lý thường không điển hình và dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường hô hấp khác như cúm mùa, cảm lạnh,... Việc nhận biết biểu hiện bệnh lý sẽ hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị cũng như chăm sóc và phòng ngừa tái phát.
Dưới đây là một số triệu chứng lâm sàng do bệnh viêm tiểu phế quản gây ra:
- Trẻ thường thở khò khè, thở nhanh, hụt hơi
- Cơ thể mệt mỏi, sốt nhẹ
- Ho và chảy nước mũi
- Trẻ có thể xuất hiện triệu chứng thứ phát như bú ít, nôn ói, khó chịu
- Nếu không được kiểm soát kịp thời có thể khiến cơ thể bị tím tái do suy hô hấp
- Cánh mũi phập phồng, li bì
- Một số biểu hiện đi kèm như tiêu chảy, buồn nôn, môi khô, dính lại,...
Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?
Thông thường, các triệu chứng viêm tiểu phế quản có thể thuyên giảm nhanh sau 2 - 3 tuần điều trị và chăm sóc đúng cách và gần như không để lại di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trường hợp xuất hiện bội nhiễm, thời gian chữa trị có thể gặp nhiều khó khăn và kéo dài hơn.
Trường hợp phụ huynh chủ quan, không đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm, vi khuẩn và virus có thể phát triển mạnh, tấn công những cơ quan hô hấp lân cận và phát sinh các biến chứng ảnh hưởng đến chức năng hô hấp cũng như sức khoẻ của trẻ như:
- Suy hô hấp: Đây là một trong những biến chứng phổ biến của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ. Tình trạng này xảy ra do vi khuẩn và virus tấn công vào đường dẫn khí gây bít tắc đường thở, từ đó làm giảm khả năng trao đổi CO2, oxy trong phổi. Suy hô hấp điển hình bởi các triệu chứng như thở không đều, rên rỉ, tím tái, thở nhanh, co lõm ngực nặng.
- Xẹp phổi: Xẹp phổi xảy ra khi lượng dịch nhầy trong các đường dẫn khí tăng lên và khiến thể tích phổi bị xẹp và thu nhỏ lại. Biến chứng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi CO2, oxy và gây viêm phổi, hình thành sẹo, thiếu oxy não và suy hô hấp.
- Co giật: Viêm tiểu phế quản nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây co giật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chức năng hô hấp kém làm giảm khả năng tưới máu. Điều này gây ra hiện tượng thiếu oxy lên não và co giật. Biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây tổn thương não bộ và hệ thần kinh trung ương.
- Tràn khí màng phổi: Tình trạng này xảy ra do khí thoát vào bên trong màng phổi khiến 1 hoặc 2 phổi bị xẹp. Tuy nhiên, tràn khí màng phổi thường ít gặp và chỉ xuất hiện khoảng 1% bệnh nhi.
- Viêm tiểu phế quản bội nhiễm: Các triệu chứng viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị đúng cách, viêm kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công và gây ra viêm tiểu phế quản bội nhiễm.
- Viêm tiểu phế quản tắc nghẽn: Biến chứng này thường xảy ra do nhiễm Adenovirus. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng viêm đường dẫn khí gây chích hợp đường thở và tắc nghẽn.
Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường xảy ra ở trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi. Bệnh lý thường đáp ứng tốt các biện pháp điều trị, chăm sóc và có thể thuyên giảm sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu chủ quan trước những biểu hiện bất thường của trẻ, bệnh có thể diễn tiến nặng nề, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ hiệu quả
Số liệu thống kê cho thấy viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Bệnh lý không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế của gia đình, xã hội.
Vì vậy, ba mẹ cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cho trẻ để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, cụ thể:
- Mặc dù chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa RSV - tác nhân chính gây bệnh viêm tiểu phế quản. Nhưng bạn có thể cho trẻ tiêm các loại vaccine phòng HIB (Haemophilus influenza), vaccine ngừa phế cầu,... nhằm giảm thiểu các biến chứng do bệnh lý gây ra.
- Vào thời điểm RSV (virus hợp bào hô hấp) bùng phát mạnh, ba mẹ nên cho trẻ tiêm kháng thể đơn dòng RSV – IVIG nhằm tạo ra miễn dịch thụ động với tác nhân gây bệnh. Thực tế nhận thấy, miễn dịch thụ động có thể làm giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cần cho trẻ bú đều đặn, không nên tự ý thay thế các loại sữa công thức nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài cung cấp vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn bổ sung kháng thể giúp bảo vệ cơ thể non nớt của trẻ trước những tác nhân gây bệnh.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, đặc biệt là vào những tháng cao điểm (mùa mưa).
- Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường như sốt cao, khó thở, thở khò khè, ho. Tuyệt đối không chủ quan và tự ý cho trẻ sử dụng thuốc điều trị mà chưa chẩn đoán, thăm khám.
Viêm tiểu phế quản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan, cần chú ý những biểu hiện bất thường và đưa trẻ đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!