Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Củ của cây bình vôi được biết đến như một dược liệu được công nhận nhiều công dụng trong Y học cổ truyền, đồng thời dược tính từ các thành phần cũng được Y học hiện đại ứng dụng trong bào chế thuốc trị bệnh.
Tổng quan về dược liệu cây bình vôi
Cây bình vôi (tên tiếng Anh: Stephania glabra Roxb. Miers, tên tiếng Hán: Hán phòng kỷ) là loài thực vật thuộc chi Bình vôi hay chi Thiên kim đằng (Stephania) thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae). Cái tên “bình vôi” xuất phát từ phần củ được dùng làm dược liệu của cây có hình dạng phình to như bình đựng vôi thường dùng để tôi vôi ăn trầu trong văn hóa người Việt.
Đặc điểm nhận dạng cây bình vôi
Để nhận dạng cây bình vôi, ta có thể chú ý đến một số đặc điểm hình dạng của từng bộ phận của cây như sau:
- Thân cây: Thân của cây bình vôi là dạng dây leo, khá cao và có chiều dài khoảng 6m. Thân cây có màu xanh, nhẵn và có xu hướng hơi xoắn vào nhau. Đây là đặc điểm nhận dạng rất dễ nhận biết của cây bình vôi.
- Lá cây: Lá của cây bình vôi mọc xen kẽ trên thân cây. Các lá có hình trái tim, mép lá có răng cưa nhỏ. Lá cây có màu xanh và có kích thước khá lớn so với nhiều loài cây khác. Lá cây bình vôi cũng có tính chất thơm, dùng để trị các bệnh về da liễu.
- Hoa: Hoa cây bình vôi khá nhỏ và mọc thành từng cụm nhỏ, màu xanh nhạt và có mùi thơm nhẹ. Hoa thường nở vào mùa xuân.
- Quả hạch: Quả hạch của cây bình vôi có hình dạng tròn, dẹt và có kích thước nhỏ. Quả có màu sắc hơi ngả đỏ và chứa nhiều hạt nhỏ có hình dạng giống như móng ngựa.
- Phần củ: Đây là phần chính của cây bình vôi được sử dụng để làm thuốc. Phần củ nằm gần gốc, màu nâu đen bên ngoài, màu trắng xám bên trong, có vị đắng và mọng nước. Khi cắt đôi, phần củ sẽ có mùi thơm nhẹ. Đây là đặc điểm nhận dạng rất đặc trưng của cây bình vôi.
Sinh trưởng và phân bố
Bình vôi là một loài thực vật có đặc tính ưa sáng, thường được trồng ở những vị trí có ánh sáng tốt. Cây có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất khác nhau nhưng thường phát triển nhiều ở những vùng rậm cây bụi ở rừng núi đá vôi.
Chi thực vật Stephania có nguồn gốc bản địa từ vùng Đông, Nam và Đông Nam của châu Á, trong đó bao gồm Việt Nam. Tại nước ta, bình vôi mọc dại tại nhiều tại các tỉnh có núi đá vôi như Ninh Bình, Lai Châu, Hòa Bình,… Hầu hết tập trung tại miền núi phía Bắc.
Bộ phận làm dược liệu – Thu hái, sơ chế và bảo quản
Bộ phận dùng của cây bình vôi là phần rễ, các củ. Thời điểm thu hoạch có thể thực hiện quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tốt nhất, nên thu hoạch củ vào mùa thu hoặc đông, khi cây đã ra hoa và trái đã chín.
Sau khi thu hái về, củ bình vôi sẽ được sơ chế. Quá trình sơ chế bao gồm rửa sạch củ, cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, thái mỏng và phơi hoặc sấy khô. Do củ bình vôi mọng nước, nên khi phơi khô 5kg củ tươi mới chỉ đạt được 1kg củ khô. Để bảo quản dạng dược liệu đã phơi hay sấy khô, bình vôi cần đặt trong hũ thủy tinh hoặc bì nilon để tránh bị ẩm mốc.
Xem thêm: Nghệ Đen: Thần Dược Với 17 Bài Thuốc Chữa Bệnh Hiệu Quả
Ngoài ra, một số phương pháp sẽ dùng củ bình vôi tươi, khi sơ chế chỉ cần rửa sạch, cạo vỏ. Loại dược liệu tươi sẽ không bảo quản được lâu mà cần dùng ngay trong vòng 5 – 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nên bảo quản lạnh để được tươi.
Nếu không muốn sấy khô nhưng vẫn có thể dùng củ bình vôi trong thời gian dài thì còn có cách sơ chế – bảo quản khác là ngâm củ trong rượu.
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong phần củ bình vôi là 1% Alcaloid – hợp chất chất Alcaloid – hữu cơ chứa Azot mang đến khả năng tác động trực tiếp đến thần kinh và các cơ quan của cơ thể. Các thành phần tạo nên hợp chất này bao gồm: L-tetrahydropalmatin, Cepha lanolin, Cephradine…
Trong củ bình vôi cũng chứa lượng tinh bột cao, chiếm tới 50 – 60% trọng lượng khô của củ. Ngoài ra, phần rễ này còn chứa nhiều loại acid hữu cơ như Succinic, Malic, Citric, Tartaric, Oxalic,… cùng một hàm lượng đường không thấp.
Công dụng củ cây bình vôi trong chữa bệnh
Củ bình vôi có tác dụng gì? Không chỉ được biết đến là một trong 50 vị thuốc cơ bản được sử dụng phổ biến trong Đông y từ xưa đến nay, củ bình vôi còn được Y học hiện đại phát hiện dược tính mạnh, sử dụng chiết xuất để điều chế nhiều loại thuốc tân dược chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền
Củ bình vôi đã được sử dụng trong Y học cổ truyền từ hàng trăm năm trước, được coi là một vị thuốc quý trong việc chữa trị nhiều bệnh lý. Vị dược này được y học cổ truyền áp dụng như sau:
- Tính vị: Khổ, cam, lương (vị đắng và mát).
- Quy kinh: Can, tỳ (gan và lá lách).
- Công năng: An thần và tuyên phế.
- Chủ trị: Chữa mất ngủ, hạ sốt, giảm đau nhức đầu, chống viêm dạ dày, giảm ho nhiều đờm, trị hen suyễn khó thở,…
- Liều dùng tham khảo: 6 – 12g dạng khô/ngày.
- Dạng bào chế: Thuốc sắc uống, thuốc bột, rượu thuốc.
Cây bình vôi có tác dụng gì? Dưới đây là một số công dụng cụ thể của vị dược liệu này trong Đông y:
- An thần: Củ bình vôi có tính hơi cam và khổ, giúp làm dịu và an thần, làm giảm cảm giác lo âu và hồi hộp. Do đó, nó được sử dụng để chữa trị mất ngủ và các rối loạn về thần kinh.
- Bổ phế: Dược liệu cũng có tính khí phế, giúp làm thông phế và giảm các triệu chứng như hen suyễn, khó thở và ho nhiều đờm.
- Giảm đau: Củ bình vôi có tính hơi lạnh và vị hăng, giúp giảm đau và sưng tấy. Đông y Trung Quốc sử dụng vị thuốc này để giảm đau các bệnh viêm dây thần kinh, cứng vai, gút và các thương tổn cột sống.
- Điều trị các bệnh liên quan đến tiểu tiện: Lợi tiểu và được sử dụng để chữa trị các bệnh về bàng quang và thận.
- Cải thiện các bệnh về dạ dày: Có tính chống viêm và làm dịu, do đó cũng được sử dụng để chữa trị đau dạ dày và các vấn đề về tiêu hóa.
- Trị mụn nhọt ngoài da: Khi sử dụng linh hoạt với các vị thuốc khác, củ bình vôi có thể giúp trị mụn nhọt ngoài da.
Theo y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu của Y học hiện đại đã phát hiện công dụng trong điều trị nhiều bệnh khác nhau đến từ các thành phần hóa học có trong củ bình vôi. Dưới đây là một số công dụng chính của củ bình vôi trong y học hiện đại:
- An thần, cải thiện chứng mất ngủ:
Nhiều nghiên cứu y khoa, trong đó có bài báo cáo được đăng trên tạp chí Y học Anh (2006) đã chỉ ra rằng củ bình vôi có chứa hoạt chất L – tetrahydropalmatin được chứng minh có khả năng kích thích an thần. Sử dụng L – tetrahydropalmatin với liều cao có thể dùng trong điều trị chống co giật do Strychnin, Corasol và sốc điện gây nên.
Các nhà khoa học Nhật Bản cũng phát hiện thành phần Cepharanthin có thể làm giãn mạch nhẹ trên những mạch vi tuần hoàn, từ đó hỗ trợ điều hòa hệ tuần hoàn của cơ thể. Đồng thời, hoạt chất này cũng tăng sinh một số kháng thể có lợi cho người bệnh thường xuyên bị mất ngủ đi kèm chứng suy nhược cơ thể.
Ngoài ra, chất Roemerin cũng có được phát hiện có tính đối kháng với sự tăng co bóp ruột gây nên bởi Acetylcholin. Liều thấp Roemerin sẽ mang đến tác dụng an thần đối với hệ thần kinh trung ương để gây ngủ. Hoạt chất này còn có tác dụng giãn mạch máu, giúp hạ huyết áp.
Nhờ đó, chiết xuất hoạt chất này từ củ bình vôi có tác dụng duy trì giấc ngủ, hạ huyết áp, giảm nhiệt độ cơ thể, chữa suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần, giúp giảm stress và lo âu.
- Giảm đau bụng, cải thiện chứng rối loạn tiêu hóa:
Củ bình vôi có hàm lượng dược tính khá cao, cho nên được sử dụng để khắc phục triệu chứng nôn, chướng khí, đau bụng,… và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiêu hóa hoặc do ngộ độc thực phẩm.
- Hỗ trợ điều trị bệnh gout:
Thành phần L-tetrahydropalmatin trong củ bình vôi còn được phát hiện có tác dụng hỗ trợ cải thiện các triệu chứng của bệnh gout – một bệnh lý do cơ thể tích tụ axit uric gây ra ở các ổ khớp.
- Giảm tình trạng bệnh bạch cầu:
Nghiên cứu từ Nhật Bản cũng phát hiện Cepharanthin có tác dụng tăng cường sinh sản kháng thể để mang đến ảnh hưởng với bệnh giảm bạch cầu ở những đối tượng chiếu tia phóng xạ hóa trị hoặc dùng thuốc trong phác đồ điều trị ung thư. Trong khi đó, hoạt chất này không gây ảnh hưởng đến lượng hồng cầu hoặc sắc tố máu tự nhiên của bệnh nhân.
Tác dụng phụ và kiêng kị
Củ bình vôi là một loại dược liệu được sử dụng để chữa nhiều bệnh trong cả Y học hiện đại và cổ truyền, tuy nhiên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm. Sau đây là danh sách các tác dụng phụ khi sử dụng vị thuốc này:
- Quá liều nhẹ (trên 10g/ngày) có thể gây ngộ độc với các triệu chứng: Buồn ngủ, nôn nao và nôn, hoa mắt chóng mặt, bủn rủn chân tay,…
- Quá liều mạnh (trên 30g) có thể gây các triệu chứng: Hưng phấn, vật vã, rối loạn nhịp tim, mất ý thức và hôn mê,…
- Làm tê niêm mạc và giảm nhịp đập tim do hoạt chất ancaloit A (Roemerin) có trong thành phần của củ bình vôi. Thành phần này mang độc tố nhẹ nhưng liều mạnh có thể gây kích thích thần kinh trung ương, co giật, dẫn đến tim ếch ngừng đập ở thời kỳ tâm trương làm rối loạn nhịp tim và thậm chí là hôn mê. Các nhà khoa học đã thử nghiệm liều Rotundin LD50 trên chuột 0.125g/kg sẽ gây ra tác dụng ngang với liều độc của Cocain hydroclorid.
Ngoài ra, dưới đây là những đối tượng không nên sử dụng vị dược này:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời kỳ đang cho con nhỏ bú.
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- Các bệnh nhân có tiền sử biến cố tim mạch, động kinh hoặc rối loạn nhịp tim,…
Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra khi sử dụng củ bình vôi, người bệnh cần ngay lập tức tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Gợi ý 6 bài thuốc chữa bệnh hay từ củ cây bình vôi
Dưới đây là một số bài thuốc y học cổ truyền sử dụng phần củ cây bình vôi để chữa bệnh, cải thiện các vấn đề sức khỏe do Viện y dược cổ truyền dân tộc tổng hợp để bạn đọc tham khảo:
Giảm suy nhược thần kinh, nâng cao sức khỏe
Đây là bài thuốc hỗ trợ an thần, giảm lo âu, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và thể chất.
- Nguyên liệu: Củ bình vôi, thiên ma, câu đằng, viễn chí mỗi loại 12g và 500ml nước.
- Cách thực hiện: Cho tất cả vào nồi sắc, khi nào còn 200ml nước thuốc thì tắt bếp, lọc nước uống 2 lần/ngày.
Trị mất ngủ do căng thẳng
Các tình trạng rối loạn lo âu, stress gây khó ngủ, mất ngủ về đêm có thể sử dụng bài thuốc này.
- Nguyên liệu: Củ bình vôi, lạc tiên, vông nem mỗi loại 12g, thêm cam thảo và liên tâm mỗi loại 6g, 500ml nước.
- Cách thực hiện: Cho tất cả các dược liệu và nước vào nồi ninh, khi nào cạn còn khoảng 1/2 thì tắt bếp, lọc lấy nước thuốc để chia uống 2 lần/ngày.
Hỗ trợ điều trị bệnh gout
Đây là cách áp dụng để cải thiện triệu chứng viêm khớp, đau nhức ổ khớp do bệnh gout gây ra:
- Nguyên liệu: Củ bình vôi khô đã được sơ chế thành dạng lát hoặc thuốc bột.
- Cách thực hiện: Mỗi lần sử dụng khoảng từ 3 – 6g bột bình vôi đem hãm với nước sôi 40 – 60 độ C trong khoảng 5 phút để uống.
Cải thiện viêm loét dạ dày tá tràng, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa
Nếu trẻ nhỏ hoặc người lớn đau bụng hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa có thể áp dụng bài thuốc Đông y này. Ngoài ra, pháp trị này còn có thể cải thiện triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng gây ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau co thắt.
- Nguyên liệu: Củ bình vôi dạng khô hoặc bột.
- Cách thực hiện: Đem củ bình vôi 3 – 6g/ngày sắc với nước để uống có thể giúp ngăn ngừa hội chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Đối với trẻ nhỏ thì dùng dạng bột khô khoảng 0.02 – 0.03g/ngày hòa với nước, sữa hoặc cháo.
Chữa viêm phế quản, viêm nhiễm đường hô hấp, hen suyễn
Đây là bài thuốc cải thiện triệu chứng viêm nhiễm đường hô hấp, ho, viêm phế quản, hen suyễn cho trẻ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành:
- Nguyên liệu: Củ bình vôi, dạ cẩm, huyền sâm, cát cánh, khổ sâm, sa tiền tử mỗi loại 12g, nước 500ml.
- Cách thực hiện: Cho các vị dược vào ấm, thêm nước và đun cho đến khi cạn còn khoảng 200 – 300ml thì tắt bếp. Lọc lấy phần nước uống, chia làm 2 lần/ngày.
Rượu thuốc nâng cao sức khỏe tổng thể và tinh thần
Củ của cây bình vôi cũng có thể dùng ngâm rượu thuốc. Loại rượu này có tác dụng an thần, nâng cao sức khỏe, chống suy nhược nếu được sử dụng đúng cách.
- Nguyên liệu: Củ bình vôi dạng tươi hoặc khô và rượu trắng 40 độ C với tỉ lệ 1:5 (loại tươi) và 1:10 (loại khô).
- Cách thực hiện: Sau khi sơ chế sạch dược liệu, cho vào bình thủy tinh hoặc gốm để ngâm ủ cùng rượu trong khoảng 1 tháng có thể dùng. Mỗi ngày uống khoảng 5 – 15ml khi đang ăn.
Liều dùng tham khảo thuốc Tây y chứa chiết xuất từ cây bình vôi
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng dược phẩm, thuốc ngủ, thuốc đặc trị chứa chiết xuất từ củ cây bình vôi, phổ biến nhất nhất là Rotudin. Dưới đây là liều dùng an toàn cho những loại thuốc này, tuy nhiên bệnh nhân chỉ nên tham khảo, khi dùng cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
- Người lớn: Uống ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 1 viên có hàm lượng Rotudin 0.03g.
- Trẻ em 13 tháng tuổi trở lên: Ngày uống không quá 2mg Rotudin/kg thể trọng, chia làm 2 – 3 lần.
- Bệnh nhân đau nhức đầu, tăng huyết áp: Có thể tăng gấp đôi so với liều Rotudin của người trưởng thành nhưng cần dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa.
- Liều dùng thuốc dạng tiêm cho người lớn: Ngày 1 – 2 lần, mỗi lần tiêm 1 ống 2ml (60mg) Rotudin.
Lưu ý cần biết khi sử dụng cây bình vôi
Khi sử dụng dược liệu hay thuốc từ cây bình vôi, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau đây:
- Chú ý tác dụng phụ, kiêng kỵ và đối tượng cần cẩn trọng khi dùng dược liệu này.
- Khi sử dụng cây bình vôi, cần dùng theo đúng liều lượng và cách sử dụng để tránh các tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị. Tất cả đều cần có sự tham khám, tư vấn và giám sát của thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên khoa.
- Dược liệu cần được thu hoạch, sơ chế đúng cách. Đồng thời, củ bình vôi nên được bảo quản trong nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.
- Các phương pháp sử dụng trực tiếu cây bình vôi là các pháp trị, bài thuốc dân gian, không nên sử dụng thay thế thuốc kê đơn hoặc tự ý sử dụng khi chưa được tư vấn bởi bác sĩ.
- Cần kiểm tra và đảm bảo cơ thể không có tác dụng quá mẫn đối với cây bình vôi hoặc các chiết xuất thành phần.
- Trong trường hợp bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc lo lắng nào liên quan đến sử dụng cây bình vôi, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Là một dược liệu có nhiều công dụng theo y học cổ truyền, đồng thi được ứng dụng trong y học hiện đại, tuy nhiên việc sử dụng cây bình vôi trong chữa bệnh cần hết sức cẩn trọng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!