Huyết Sâm Có Tác Dụng Gì? Hướng Dẫn Dùng Đúng Cách Nhất

Huyết sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh ho, bệnh tim mạch,… và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Dược liệu chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, tại nước ta được trồng ở một số vùng. Tìm hiểu thêm thông tin huyết sâm và cách sử dụng qua bài viết sau.

Thông tin về cây huyết sâm

Cây huyết sâm là tên của loại dược liệu được dùng làm thuốc. Ngoài tên gọi này, người ta còn gọi nó là cây huyết căn, tử đan sâm, sơn sâm, hồng sâm, xích sâm, đan sâm,… Cây có tên khoa học là Salvia Mitiorrhiza Bunge, họ Lamiaceae (Hoa môi).

Thông tin về cây huyết sâm
Huyết sâm được thu hái rễ làm thuốc chữa bệnh

Mô tả dược liệu

Nhận diện dược liệu thông qua các đặc điểm thực vật như sau:

  • Cây huyết sâm là loại cây thân thảo, sống lâu năm với chiều cao trung bình từ 40cm – 80cm, rễ nhỏ dài hình trụ. Đường kính rễ từ 0,5cm – 1,5cm, có màu đỏ nâu. Do đặc điểm này mà người ta gọi dược liệu là huyết sâm, hồng căn, xích sâm.
  • Cây có lá kép, mọc đối xứng, có từ 3 – 7 lá chét, lá chét ở giữa thường lớn hơn các lá còn lại. Mép lá có răng cưa tù, bề mặt lá có màu xanh tro và có lông.
  • Cây ra hoa ở đầu cành, dài từ 10cm – 15cm, có khoảng 6 vòng hoa, mỗi vòng có từ 3 – 10 bông nhỏ. Hoa có 3 thùy, môi trên cong như hình lưỡi liềm, hoa có 2 nhụy ở môi dưới, có phần bầu vòi dài.
  • Cây ra quả vào khoảng tháng 7 – tháng 9, quả nhỏ, chiều dài khoảng 3mm và rộng khoảng 1,5mm.

Phân bố

Cây đan sâm hay còn gọi là huyết sâm thuộc họ Hoa môi. Cây được trồng nhiều ở Trung Quốc, các tỉnh như An Huy, Sơn Đông, Giang Tô, Hà Bắc,… Ở nước ta cây dược liệu cũng được trồng ở một số địa phương.

Thu hoạch và bào chế

Thu hoạch rễ cây làm thuốc, thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân và mùa thu. Sau khi thu hoạch, rễ được rửa sạch, bỏ các bộ phận khác, cắt nhỏ và phơi khô để sử dụng. Để sử dụng được lâu hơn, thông thường huyết sâm sẽ được phơi khô bảo quản dùng dần.

Thông tin về cây huyết sâm
Rễ sau khi được thu hái có thể dùng tươi hoặc bào chế sử dụng trong thời gian dài

Các cách bào chế thường áp dụng như:

  • Thái lát: Sau khi thu hái, dược liệu được làm sạch, sau đó ủ mềm rồi thái thành nhiều lát mỏng. Tiếp đến mang dược liệu phơi khô ở những nơi thông thoáng khoảng 2 – 3 ngày, hoặc cũng có thể mang sấy khô để làm thuốc.
  • Cắt khúc: Rễ được làm sạch, sau đó được cắt khúc, phơi héo rồi ngâm rượu để sử dụng dần.
  • Xay nhuyễn: Dược liệu được làm sạch, xay nhuyễn dùng bào chế thành viên hoàn để sử dụng.
  • Dạng cao: Dược liệu được nấu thành cao.

Bảo quản

Bảo quản dược liệu nơi khô ráo thoáng mát, tránh mối mọt, côn trùng.

Thành phần hóa học

Huyết sâm chứa 49 quynon diterpenoid, 36 axit phenolic ưa nước, cùng với khoảng 23 thành phần tinh dầu. Ngoài ra còn có acid salvianolic, chất chống oxy hóa, hợp chất danshensu, tanshinon, cryptotanshinon,…

Tác dụng của huyết sâm

Theo Y học cổ truyền, huyết sâm có vị đắng, tính hơi hàn. Dược liệu quy vào kinh Tâm, Tâm bào, Can. Tác dụng hoạt huyết, làm tan máu tụ, tiêu mủ, điều hòa kinh nguyệt, đau thắt cơ tim, mất ngủ, vết thương lở loét, mưng mủ,…

Do đó, dược liệu thường được chỉ định dùng cho người bị rối loạn kinh nguyệt, mất ngủ, hồi hộp, phụ nữ bị bế kinh, kinh nguyệt không đều, sưng đau khớp, mụn nhọt sưng tấy,…

Theo Y học hiện đại, huyết sâm chứa nhiều hoạt chất hóa học, từ đó mang lại các tác dụng như:

  • Các chất có trong dược liệu giúp hỗ trợ điều trị các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp, xơ vừa động mạch, tăng lipid máu,…
  • Chiết xuất methanol có trong huyết sâm có tác dụng ức chế di chuyển của tế bào cơ trơn, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa xơ vữa động mạch.
  • Chống đông máu, ổn định hồng cầu, giúp tăng đề kháng cho cơ thể, điều trị huyết khối,…
  • Chữa trị rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ bị đau bụng kinh, tắc kinh, bồn chồn, các vấn đề viêm nhiễm ngoài da, đau thắt ngực,…
  • Chất chống oxy hóa có trong dược liệu giúp ngăn chặn các gốc tự do gây hại, phòng ngừa bệnh ung thư.

Bên cạnh các tác dụng kể trên, huyết sâm còn được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh da dạng. Người bệnh dựa vào tình trạng đang gặp phải để lựa chọn cách sử dụng dược liệu phù hợp.

Cách dùng và liều lượng

Người sử dụng có thể dùng riêng huyết sâm hoặc kết hợp với dược liệu khác theo hướng dẫn của thầy thuốc, giúp điều trị các bệnh tim mạch, phụ khoa,… Liều dùng từ 6g – 12g, sắc lấy nước uống hoặc tán bột vo thành viên hoàn.

Cách dùng và liều lượng
Tham khảo thầy thuốc trước khi dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe

Bên cạnh đó, theo Y học hiện đại, dược liệu còn được chế cao để sử dụng. Cần dựa vào tình trạng sức khỏe để lựa chọn cách dùng phù hợp. Đồng thời người bệnh nên tuân thủ liều dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Cách ngâm rượu huyết sâm

Sử dụng huyết sâm ngâm rượu là cách được nhiều người lựa chọn. Rượu thuốc mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Người bệnh có thể sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp huyết sâm cùng với các dược liệu khác. Cách ngâm đơn giản như sau:

  • Rửa dược liệu qua nước ấm, sau đó để ráo nước.
  • Cho dược liệu vào bình thủy tinh, sử dụng 1kg huyết sâm khô dùng 7 – 10 lít rượu.
  • Người dùng có thể dùng loại sâm tươi hoặc khô đều được.
  • Sau đó đổ ngập rượu, ngâm vài ngày cho rượu ngấm rồi đổ thêm rượu vào.
  • Ngâm trong khoảng 3 – 4 tuần có thể sử dụng. Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần dùng 30ml uống trước khi ăn.

Với huyết sâm tươi có thể chế rượu bằng cách thái mỏng, trộn rượu vào, ủ trong khoảng 60 phút, sau đó sao trên lửa nhỏ đến khi dược liệu khô, lấy ra và để nguội. Tỷ lệ dùng là 1kg huyết sâm ngâm với khoảng 5 lít rượu.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ huyết sâm

Dược liệu được sử dụng hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe. Tham khảo các bài thuốc chữa bệnh dưới đây:

Một số bài thuốc chữa bệnh từ huyết sâm
Các bài thuốc điều trị bệnh từ huyết sâm

Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, đau xương khớp, động thai, phụ nữ sau sinh bị máu hôi không ra hết

  • Chuẩn bị: Huyết sâm.
  • Thực hiện: Rửa sạch dược liệu sau đó phơi khô, tán nhỏ. Mỗi lần dùng khoảng 8g, chia thành 3 lần, chiêu với nước nóng uống trong ngày.

Bài thuốc chữa viêm gan mãn tính, đau vùng gan

  • Chuẩn bị: 20g huyết sâm, 20g cỏ nọc sởi.
  • Thực hiện: Dược liệu sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc trị sưng đau, tâm thần hoảng loạn

  • Chuẩn bị: 20g huyết sâm, 20g mạch môn, 20 ngưu tất, 20g sinh địa, 8g tâm sen sao, 8g hoàng liên.
  • Thực hiện: Sắc nấu nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa ghẻ lở, phong nhiệt

  • Chuẩn bị: 20g huyết sâm, 16g thổ sâm, 16g hạt xà sàng.
  • Thực hiện: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa viêm gan

  • Chuẩn bị: 15g mỗi vị huyết sâm, uất kim, bản lam căn, 25g nhân trần.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước thuốc chia thành 2 lần uống hết trong ngày.

Bài thuốc trị nhức mỏi sau sinh, đau thắt lưng, đau gót chân, bứt rưt toàn thân

  • Chuẩn bị: 15g huyết sâm, 12g mỗi vị đương quy, xuyên khung, địa hoàng, 24g đỗ trọng, 12g độc hoạt.
  • Thực hiện: Nguyên liệu cho vào túi vải, ngâm với rượu, mỗi ngày uống 3 lần, kiên trì áp dụng, mỗi ngày lần uống từ 10ml – 15ml.

Bài thuốc chữa sa đì, sưng đau

  • Chuẩn bị: 30g mỗi vị gồm huyết sâm, cau quả, 15g thanh bì.
  • Thực hiện: Tán dược liệu thành bột, mỗi lần dùng 5g, uống ngày 2 lần.

Bài thuốc chữa tắt kinh, đau bụng kinh, tụ máu

  • Chuẩn bị: 100g huyết sâm, 100ml mật ong trắng.
  • Thực hiện: Sắc dược liệu với 500ml đến khi cạn còn 400ml, cho mật ong vào nấu thành cao. Dùng mỗi lần 20ml, mỗi ngày uống 2 lần.

Bài thuốc chữa loét dạ dày, hành tá tràng

  • Chuẩn bị: 15g huyết sâm, 3g cam thảo sao, 9g đàn hương, 30g mật ong.
  • Thực hiện: Dược liệu sắc 2 nước, trộn đều rồi cho mật ong vào đun sôi, uống ngày 3 lần, mỗi lần dùng khoảng 20ml.

Bài thuốc chữa đau lưng, nhức hai bên đùi

  • Chuẩn bị: 30g mỗi vị gồm huyết sâm, đỗ trọng, 20g xuyên khung, 750ml giang mễ tửu (rượu gạo nếp).
  • Thực hiện: Dược liệu tán bột rồi ngâm rượu khoảng 5 ngày, bỏ bả, uống rượu thuốc.

Bài thuốc chữa thiếu máu, giảm bạch cầu

  • Chuẩn bị: 10g mỗi vị gồm huyết sâm, hoàng tinh, 5g chè khô.
  • Thực hiện: Nghiền dược liệu thành bột, sau đó hãm với nước sôi trong khoảng 10 phút, uống nước thuốc trong ngày.

Bài thuốc cho người mắc bệnh cơ tim

  • Chuẩn bị: 15g mỗi vị gồm xích thược, xuyên khung, hồng hoa, 30g huyết sâm.
  • Thực hiện: Dược liệu sắc 2 lần nước, sau đó trộn đều, chia thành 2 lần uống hết trong ngày.

Lưu ý khi sử dụng huyết sâm

Huyết sâm được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh lý. Tuy nhiên trước khi sử dụng bạn nên lưu ý một vài vấn đề sau đây:

Lưu ý khi sử dụng huyết sâm
Không lạm dụng dược liệu, chỉ sử dụng theo liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe
  • Không sử dụng dược liệu chung với giấm, lê lô để tránh phản ứng phụ không mong muốn. Đồng thời, người bệnh không nên tự ý kết hợp nhiều dược liệu với nhau khi chưa được thầy thuốc hướng dẫn.
  • Không dùng dược liệu cho phụ nữ đang mang thai, bởi thành phần trong dược liệu có thể gây sảy thai hoặc sinh non.
  • Không sử dụng cho phụ nữ đang hành kinh, bởi dược liệu có thể làm tăng áp lực tử cung, kéo dài kỳ kinh hơn so với bình thường.
  • Không lạm dụng, chỉ dùng dược liệu theo liều lượng được thầy thuốc chỉ định để phòng tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Không sử dụng huyết sâm cho người bị huyết áp thấp để tránh nguy cơ gây tụt huyết áp nguy hiểm.

Hy vọng thông tin về huyết sâm trong bài viết đã giúp ích được cho bạn đọc. Trước khi dùng, người bệnh nên thăm khám và nhờ bác sĩ, thầy thuốc tư vấn hướng điều trị bệnh phù hợp, đảm bảo an toàn và sớm đạt được kết quả tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0961716466

Tin mới

chương trình tư vấn sức khỏe thị trấn ngã sáu

Viện Y Dược Cổ truyền dân tộc Khám Sức Khỏe Đẩy Lùi Mỡ Máu Tại Hậu Giang

Ngày 27/10/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc và Trung tâm Thuốc dân tộc...

Nghiên Cứu Bệnh Vảy Nến Và Cách Xử Lý Chuyên Sâu Từ Y Học Cổ Truyền

Vảy nến là bệnh lý mãn tính dai dẳng, bùng phát từng đợt với nhiều...
Các chế phẩm bài thuốc Sơ can Bình vị tán

Phác Đồ Trào Ngược Dạ Dày – Nghiên Cứu Bởi Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc

Trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng dai dẳng, gây...