Lá Khôi: Tổng Quan Về Dược Liệu Và Gợi Ý 10 bài Thuốc Hay

Lá khôi là loại dược liệu quý và được sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay. Vị thuốc nam này có nhiều ưu điểm cũng như được ứng dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau.

Thông tin tổng quan về cây lá khôi

Tên khoa học của loại dược liệu này là Ardisia Sylvestris Pitard. Ngoài ra, chúng còn được biết tới với nhiều tên gọi khác như: Cây khôi nhung, cây đơn tướng quân, cây xăng sê, cây khôi tía, cây khôi đốm,…

Một trong những chức năng phổ biến, được nhiều người biết tới nhất của cây lá khôi là chữa những bệnh về đường tiêu hóa và dạ dày. Mặt khác, trong nhiều bài thuốc chữa bệnh da liễu, cây lá khôi cũng được sử dụng triệt để.

Lá khôi được sử dụng trong nhiều bài thuốc
Lá khôi được sử dụng trong nhiều bài thuốc

Đặc điểm và hình dạng cơ bản giúp nhận biết cây khôi

Cây lá khôi thường có chiều cao trung bình từ 1.5m đến 2m. Đây là loại cây thân mọc thẳng, không phân nhánh. Lá của cây khôi thường mọc tập trung ở ngọn cây so le nhau, dài từ 25cm đến 40 cm.

Hoa của cây khôi thường mọc thành chùm với kích thước tương đối nhỏ. Chùm hoa thường dài từ 10cm đến 15cm. Khi chín, quả của cây sẽ có màu đỏ mọng. Có 2 loại cây khôi là cây khôi trắng và cây khôi tía. Để phân biệt hai loại cây này, chúng ta dựa vào đặc điểm của lá cây, cụ thể:

  • Cây khôi trắng: Lá cây màu xanh, cả 2 mặt lá đều nhẵn và không có lông.
  • Cây khôi tía: Mặt trên của lá màu xanh, mặt dưới của lá màu tím và có lông, sờ vào tương đối mịn.

Về công dụng, cả hai loại lá này của cây khôi đều được đánh giá có tác dụng như nhau khi áp dụng vào các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ưa thích sử dụng loại cây khôi có lá tía hơn.

Cây khôi được phân bố chủ yếu ở đâu?

Cây lá khôi là loại cây ưa chuộng bóng mát và mọc trong các rừng rậm. Đặc biệt, cây có thể phát triển tốt nếu được trồng hoặc mọc trên các lớp đất mùn của các khu rừng nguyên sinh có độ cao từ 400m đến 1200m.

Ở Việt Nam, cây khôi thường được tìm thấy trong các rừng rậm tại các tỉnh phía Bắc như: Ba Vì, Ninh Bình, Lào Cai. Lạng Sơn,… Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền Trung cũng có tìm thấy cây lá khôi như: Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,…

Hình ảnh cây khôi mọc trong tự nhiên
Hình ảnh cây khôi mọc trong tự nhiên

Xem thêm: Cây Mần Tưới: Tác Dụng Chữa Bệnh Và Cách Sử Dụng Đúng

Kinh nghiệm thu hoạch và sơ chế dược liệu lá khôi

Theo kinh nghiệm dân gian, bộ phận lá của cây khôi sẽ thường được sử dụng nhiều nhất để bào chế thuốc. Trong lá của cây khôi có chứa hoạt chất tanin giúp điều trị nhiều chứng bệnh của cơ thể. So với nhiều loại thảo dược khác, lá cây khôi có thể thu hoạch được quanh năm.

Cây lá khôi sẽ ra hoa vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 và ra quả từ mùa tháng 7 đến tháng 9. Theo kinh nghiệm của những người nuôi trồng và bào chế thuốc từ cây lá khôi, việc thu hoạch lá cây vào thời điểm mùa hè sẽ cho ra hiệu quả tốt nhất.

Lá khôi sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, rửa sạch, phơi khô. Ngoài ra, cũng như nhiều loại dược liệu khác, chúng ta cũng có thể chọn cách sao vàng lá khôi nhằm mục đích sử dụng lâu dài. Một số trường hợp, người ta cũng sử dụng lá khôi tươi để chữa bệnh và đạt hiệu quả rất tốt. Lá khôi cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc để đảm bảo dược tính của lá.

Tuy nhiên, vì là loại dược liệu quý, nhu cầu sử dụng cao nên hiện nay, cây khôi nhung được xếp vào mức độ đe dọa bậc V – Sẽ nguy cấp tại Việt Nam. Hiện tại, Nhà nước khuyến nghị chỉ khai thác ở mức độ vừa phải cũng như giữ lại các cây con chưa đến kỳ thu hái. Ngoài ra, cây khôi tái sinh bằng hạt nên cần phải bảo vệ nguồn hạt để gây trồng, lấy nguồn nguyên liệu bào chế thuốc chữa bệnh.

Thành phần hóa học nổi bật của lá khôi

Lá khôi được đánh giá cao bởi dược tính mạnh và có thể ứng dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau. Ngoài các loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, thành phần hoạt chất chính trong lá cây khôi gồm có:

  • Glycosid: Đây là hoạt chất có tác dụng nổi bật trong việc bảo vệ cũng như đảm bảo sức khỏe cho tim mạch và hệ tuần hoàn. Mặt khác, chúng cũng tham gia hỗ trợ triệt để cho quá trình điều trị các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ, tăng tuần hoàn máu não và chức năng của hệ thần kinh.
  • Tanin: Đây là hoạt chất thuộc nhóm chất Polyphenol thường được tìm thấy trong nhiều loại thực vật. Tác dụng chính của Tanin là làm chất quá trình oxy hóa của tế bào, góp phần chữa trị các bệnh về ung thư. Bên cạnh đó, Tanin cũng có khả năng loại bỏ các cholesterol xấu, ngăn chặn một số các bệnh lý liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch máu, tai biến mạch máu hay đông máu. Mặt khác, Tanin còn là hoạt chất có thể loại trừ và tiêu diệt vi khuẩn HP – một trong những loại vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra các chứng bệnh về dạ dày.
Trong lá khôi có nhiều vitamin, khoáng chất cùng một số dược chất khác
Trong lá khôi có nhiều vitamin, khoáng chất cùng một số dược chất khác

Công dụng của dược liệu lá cây khôi trong y học

Lá khôi được sử dụng rộng rãi ở cả trong các bài thuốc y học cổ truyền lẫn trong các phương pháp điều trị bệnh hiện đại. Tùy theo từng mục đích, lá và ngọn cành của cây khôi sẽ được ứng dụng và bào chế theo những cách khác nhau.

Trong y học cổ truyền

Theo các ghi chép từ xưa, lá khôi là loại dược liệu có tính hàn, vị chua. Chúng được quy vào kinh Tỳ và kinh Vị. Những tác dụng chính của lá khôi được biết đến là:

  • Giúp làm mát, thanh lọc cơ thể đồng thời có thể loại bỏ các độc tố tích tụ. Qua đó, chúng giúp làm mát cơ thể nhanh chóng.
  • Chữa trị các chứng bệnh về đau dạ dày, viêm loét dạ dày và đầy hơi ở vùng thượng vị.
  • Chữa trị các chứng bệnh ngoài da, kích thích các vết thương hở ngoài da nhanh lành sẹo và lên da non.
  • Điều trị các chứng đau rát họng cho cả người lớn và trẻ em. Hầu hết bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng được.

Trong y khoa hiện đại

Không chỉ trong Y học cổ truyền mà trong Y khoa hiện đại, lá cây khôi còn được sử dụng rộng rãi để bào chế thuốc. Tiếp nối các nghiên cứu và ghi chép từ tài liệu Y học cổ truyền, nhiều thí nghiệm trên động vật, cụ thể là chuột bạch và thỏ đã cho thấy lá của cây khôi có nhiều tác dụng vượt trội như:

  • Điều chỉnh và làm giảm việc tiết axit trong dạ dày, giảm được chứng đau do viêm loét dạ dày và tá tràng.
  • Ức chế và tiêu diệt khuẩn HP – nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư dạ dày.
  • Cải thiện các triệu chứng ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
  • Hỗ trợ hệ thần kinh, có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện trí nhớ, giấc ngủ sâu hơn.
  • Chữa trị các vết thương ngoài da, giảm viêm loét, nhiễm trùng ở các vết thương hở.
Sử dụng lá của cây khôi chữa dạ dày rất hiệu quả
Sử dụng lá của cây khôi chữa dạ dày rất hiệu quả

TOP 10 bài thuốc hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả từ lá cây khôi

Với nhiều tác dụng cũng như hàm lượng dược tính cao, cây khôi được sử dụng trong nhiều bài thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng liều lượng lá khôi phù hợp cho việc sử dụng để chữa trị bệnh là từ 40 gram đến 80 gram mỗi ngày. Do đó, chúng ta cần chú ý khi tìm hiểu cũng như áp dụng các bài thuốc có chứa lá cây khôi để việc chữa bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.

1. Bài thuốc dùng lá khôi chữa trị bệnh viêm loét dạ dày

Cây khôi thường được dùng phổ biến nhất để chữa trị các bệnh liên quan đến dạ dày nhờ hàm lượng Tanin cao. Để chữa trị chứng viêm loét dạ dày, bạn cần chuẩn bị:

  • Bồ công anh: 12g.
  • Nhân trần: 12g.
  • Lá khổ sâm: 12g.
  • Lá khôi tía: 10g.
  • Chút chít: 10g.

Sau khi đã có đầy đủ các nguyên liệu, bạn tán chúng ra thành bột mịn, trộn lẫn.  Mỗi lần sử dụng, bạn chỉ nên dùng hàm lượng một thìa cà phê bột và mỗi ngày dùng từ 3 đến 4 lần với nước đã đun sôi để nguội nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng.

2. Hỗ trợ chữa bệnh dạ dày kèm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng

Cũng tương tự với bài thuốc chữa bệnh viêm loét dạ dày, tuy nhiên, bài thuốc này có hiệu quả chấm dứt các triệu chứng khó chịu đi kèm. Các nguyên liệu mà bạn cần chuẩn bị sẽ gồm:

  • Lá khôi tía: 20g.
  • Khổ sâm: 16g.
  • Uất kim: 8g.
  • Hương phụ: 8g.
  • Bồ công anh: 20g.
  • Hậu phác: 8g.
  • Cam thảo nam: 16g.

Với những nguyên liệu này, các bạn sắc thành thuốc. Mỗi ngày dùng 1 thang thuốc theo chỉ định.

3. Cải thiện tình trạng đau vùng thượng vị có lan sang hai bên xương sườn

Với những bệnh nhân mắc chứng bệnh về dạ dày và bị lan sang hai bên sườn, cơ thể thường sẽ đi kèm với nhiều biểu hiện mệt mỏi, sa sút, vùng thượng vị cũng bị đau theo.

Lúc này, bạn có thể tham khảo bài thuốc sau:

  • Lá khôi: 80g.
  • Lá bồ công anh: 40g.
  • Lá khổ sâm: 12g.
  • Cam thảo: 10g.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, bạn đem tất cả đi thái nhỏ, phơi khô và sắc với 400ml nước. Khi nước cạn còn khoảng 100ml, bạn chia ra uống làm hai lần mỗi ngày. Khuyến nghị nên uống trước bữa ăn, khi bụng còn đói để đảm bảo được hiệu quả sử dụng của thuốc.

Thuốc sắc từ lá khôi chữa được nhiều loại bệnh
Thuốc sắc từ lá khôi chữa được nhiều loại bệnh

4. Bài thuốc chữa đau dạ dày đi kèm theo thể hỏa uất

Người bệnh đau dạ dày kèm thể hỏa uất thường xuất hiện những triệu chứng như: Rêu lưỡi vàng, đau vùng thượng vị, đắng miệng, khô miệng,… Với trường hợp bệnh lý này, bạn cần chuẩn bị:

  • Lá khôi nhung: 20g.
  • Bố chính sâm: 12g.
  • Sa nhân: 10g.
  • Nam mộc hương: 10g.
  • Bán hạ: 8g.
  • Trần bì: 6g.
  • Gừng: 4g.

Tất cả những nguyên liệu này, bạn làm sạch, sắc thành thuốc để uống. Mỗi ngày sử dụng một thang để cải thiện và điều trị tình trạng bệnh.

5. Hỗ trợ chữa mẩn ngứa

Ngoài các bệnh về dạ dày, bạn cũng có thể tham khảo những bài thuốc chữa bệnh ngoài da như mề đay, mẩn ngứa có sử dụng lá khôi. Thậm chí, với cả những vết thương hở, lá khôi cũng có tác dụng giúp nhanh liền sẹo.

Về nguyên liệu, bạn chuẩn bị 10g lá khôi tía, đem đi thái nhỏ, sắc với 400ml nước. Đến khi nước cạn còn 100ml thì bạn chia làm 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

6. Lá khôi chữa mẩn ngứa do dị ứng

Mẩn ngứa, nổi mẩn đỏ trên da do dị ứng là một chứng bệnh tương đối phổ biến. Khi gặp phải vấn đề này, bạn có thể áp dụng bài thuốc sau:

  • Lá khôi: 15g.
  • Cây đơn kim: 15g.
  • Đơn lá đỏ: 15g.
  • Đơn nem: 10g.

Đem tất cả những nguyên liệu này sắc thành thuốc để uống. Mỗi ngày uống một thang.

Có thể dùng vị dược này để chữa mẩn ngứa và một số bệnh ngoài da khác
Có thể dùng vị dược này để chữa mẩn ngứa và một số bệnh ngoài da khác

7. Bài thuốc dùng lá cây khôi chữa bệnh ghẻ, lở

Ghẻ, lở là chứng bệnh ngoài da khá thường gặp. Lúc nào, bạn chỉ cần chuẩn bị lá khôi để sử dụng. Các bước thực hiện bao gồm:

  • Bước 1: Làm sạch và đun lá khôi với một lượng nước vừa đủ. Khi nước đã sôi thì điều chỉnh nhỏ lửa, để thêm khoảng chừng 10 phút rồi tắt.
  • Bước 2: Tách bỏ phần bã thuốc và phần nước để riêng với nhau.
  • Bước 3: Pha loãng nước thuốc với nước thông thường, rồi bôi lên vùng da bị ghẻ lở. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng loại nước lá này để tắm.
  • Bước 4: Với phần bã thuốc, bạn dùng chúng để chà nhẹ lên vùng da bị ghẻ lở.

Bài thuốc này cần kiên trì sử dụng trong vòng 7 ngày để thấy được hiệu quả. Trong quá trình sử dụng thuốc cũng nên chú ý ăn uống thanh đạm để hiệu quả thuốc được phát huy tốt hơn.

8. Giúp chữa trị bệnh phát ban đỏ

Lá khôi cũng thường được sử dụng trong việc chữa trị chứng phát ban đỏ. Những nguyên liệu chính các bạn cần chuẩn bị sẽ bao gồm:

  • Lá khôi tía: 20g.
  • Thương nhĩ tử: 20g.
  • Nhẫn đông đằng: 20g.
  • Thổ phục linh: 20g.

Đầu tiên, bạn làm sạch các nguyên liệu đã được chuẩn bị rồi đun với 900ml nước. Thời gian đun từ 25 cho đến 30 phút. Chia thuốc thành 3 lần và sử dụng trong ngày và kiên trì sử dụng đến khi hết triệu chứng phát ban đỏ.

9. Sử dụng lá khôi để chữa trị bệnh thấp khớp

Tuy lá khôi không được dùng quá nhiều trong việc điều trị những vấn đề liên quan đến xương khớp, nhưng có những bài thuốc rất hiệu nghiệm được lưu truyền và sử dụng trong việc này. Đầu tiên, các bạn cần lựa chọn và chuẩn bị:

  • Rễ gối hạc: 16g.
  • Ké đầu ngựa: 16g.
  • Lá khôi: 12g.
  • Lá đơn mặt trời: 12g.
  • Lá bạc thau: 12g.
  • Dây kim ngân: 10g.
  • Lá thông: 8g.

Sau khi đã chuẩn bị các nguyên liệu, bạn làm sạch, sơ chế rồi đem chúng đi đun ngập trong một lượng nước vừa đủ khoảng 25 phút thì tắt. Chia thuốc đã sắc thành 3 phần và cần sử dụng luôn trong ngày.

Đây là một bài thuốc hỗ trợ chữa viêm đau do thấp khớp hiệu quả
Đây là một bài thuốc hỗ trợ chữa viêm đau do thấp khớp hiệu quả

10. Bài thuốc chữa bệnh viêm phế quản và viêm họng

Một trong những bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất là viêm phế quản và viêm họng. Có khá nhiều các bài thuốc sử dụng lá khôi để chữa chứng bệnh này. Trong đó, bài thuốc được sử dụng phổ biến nhất là:

  • Lá khôi tía: 100g.
  • Bột nếp và mật ong: Lượng vừa đủ.

Đầu tiên, bạn băm nhỏ lá khôi tía đã chuẩn bị rồi bỏ bã vào đun đến khi thành dung dịch sền sệt thì bỏ bột nếp và mật ong vào trộn đều. Tiếp đó, bạn để hỗn hợp nguội rồi vo viên, sau đó chia thành 20 viên nhỏ. Số lượng thuốc này dùng liên tục trong 3 đến 4 ngày thì triệu chứng ho cũng như bệnh viêm họng, viêm phế quản sẽ giảm sút và được cải thiện.

Một số câu hỏi liên quan đến dược liệu

Dưới đây, Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc giải đáp một số thắc mắc phổ biến từ nhiều người quan tâm đến vị thuốc này:

Lá cây khôi nên dùng với liều như thế nào?

Dược liệu lá khôi có thể dùng sắc nước uống hoặc bào chế để thoa, đắp ngoài da. Liều dùng cụ thể cần được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn, dựa trên căn nguyên gây bệnh, tình trạng sức khỏe và cơ địa của bệnh nhân. Tuy nhiên, liều tham khảo thường từ khoảng 40 – 80g/ngày, không quá 250g/ngày với dạng dược liệu khô. 

Cây lá khôi có độc không? Có tác dụng phụ không?

Lá khôi chứa Tanin – một loại hợp chất tự nhiên có khả năng tạo phức với protein và tác động đến quá trình tiêu hoá cũng như hấp thu sắt.

Về khả năng tạo phức với protein, Tanin có thể kết tủa protein và ức chế một số enzym tiêu hoá. Điều này có thể gây ra cảm giác khó tiêu và khó tiêu hóa thức ăn. Một số người có thể trải qua rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, tiêu chảy hoặc khó tiêu khi tiêu thụ lá khôi hoặc các sản phẩm chứa tanin với hàm lượng lớn.

Ngoài ra, Tanin cũng có khả năng tạo phức với sắt và làm cho cơ thể khó hấp thu sắt vô cơ. Tác dụng này có thể gây ra khó khăn trong việc cung cấp sắt cho cơ thể, đồng thời thiếu sắt có thể dẫn đến bệnh thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược và các triệu chứng khác.

Chất Tamin trong thành phần có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt tạo máu cho cơ thể
Chất Tamin trong thành phần có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt tạo máu cho cơ thể

Như vậy, lá khôi có thể gây tác dụng phụ như sau khi sử dụng không đúng cách hoặc vượt quá liều lượng an toàn được bác sĩ, thầy thuốc chỉ định:

  • Rối loạn tiêu hóa: Sử dụng lá khôi trong liều lượng cao hoặc kéo dài có thể gây kích thích dạ dày và ruột, kết tủa protein và ức chế hoạt động của một số enzym tiêu hoá dẫn đến tình trạng tiêu chảy, táo bón, khó tiêu hoặc tăng áp lực lên hệ tiêu hóa.
  • Thiếu sắt: Dùng khôi nhung quá liều dùng an toàn có thể khiến cơ thể không thể hấp thụ sắt vô cơ, dẫn đến thiếu sắt tạo máu, từ đó cơ thể trở nên suy nhược, mệt mỏi.
  • Mất chất điện giải: Khôi nhung có thể làm mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, như kali, natri và nước, đặc biệt khi sử dụng trong liều lượng cao hoặc kéo dài.
  • Tương tác thuốc: Lá khôi nhung có thể tương tác với một số loại thuốc khác, gây ảnh hưởng đến tác dụng của chúng hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Để tránh tác dụng phụ không mong muốn, quan trọng để tuân thủ hướng dẫn của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ khi sử dụng cây khôi nhung.

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú có dùng cây khôi nhung được không?

Việc sử dụng lá khôi cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không được khuyến nghị, nếu cần sử dụng sẽ chỉ được phép thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có chuyên môn. Một số thành phần có trong lá của cây khôi nhung, đặc biệt là Tanin có thể gây nên tình trạng thiếu máu ở cơ thể mẹ bầu, từ đó có thể có tác động tiềm ẩn đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.

Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả mẹ và bé trong giai đoạn mang thai và sau sinh, các mẹ bầu không nên tự ý sử dụng lá khôi hoặc bất kỳ loại thuốc truyền thống nào trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú mà không có sự tư vấn và giám sát của bác sĩ.

Lá khôi giá bao nhiêu? Có thể mua ở đâu?

Giá bán dược liệu lá khôi đã sơ chế và đóng gói sẵn có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn gốc, nhà cung cấp, nhà sản xuất, hình thức bào chế,… Giá của dược liệu khô tại các nhà thuốc và thị trường khác nhau sẽ khác nhau, song thông thường sẽ dao động từ 300.000 – 450.000 VNĐ/kg.

Để biết giá chính xác của lá khôi và nơi mua uy tín, bạn nên tham khảo một số gợi ý để lựa chọn và mua dược liệu y học cổ truyền chất lượng sau đây:

  • Tìm hiểu và tìm đến các nhà thuốc uy tín: Hãy tìm những nhà thuốc truyền thống, cửa hàng dược liệu hoặc cửa hàng y học cổ truyền có uy tín trong khu vực của bạn. Những cơ sở này thường được biết đến với việc cung cấp sản phẩm chất lượng và tuân thủ các quy định về an toàn và vệ sinh.
  • Xác định nguồn gốc và chất lượng: Hãy tìm hiểu về nguồn gốc của cây khôi nhung và phương pháp thu hoạch, chế biến. Lá khôi chất lượng thường được thu hoạch từ các nguồn tự nhiên đáng tin cậy và được chế biến cẩn thận để đảm bảo sự tươi ngon và chất lượng.
  • Kiểm tra bên ngoài và hạn sử dụng: Trước khi mua, hãy kiểm tra dược liệu để đảm bảo rằng nó không bị ẩm ướt, mốc hay bị hỏng. Hạn sử dụng cũng là một yếu tố quan trọng để lựa chọn cây khôi tươi ngon và hiệu quả.
  • Tìm đến các vườn dược liệu đáng tin cậy: Nếu có thể, bạn có thể tìm đến các vườn dược liệu đáng tin cậy hoặc trang trại dược liệu nơi cây khôi nhung được trồng và thu hoạch trực tiếp. Điều này giúp đảm bảo nguồn gốc và chất lượng của lá dược liệu.
  • Tham khảo ý kiến ​​chuyên gia: Nếu bạn còn băn khoăn và thắc mắc về việc tìm mua nguồn dược liệu chất lượng, hãy tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học cổ truyền để được cung cấp thông tin và hướng dẫn cách lựa chọn lá khôi nhung chất lượng.
Cần tìm mua dược liệu tại địa chỉ cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng
Cần tìm mua dược liệu tại địa chỉ cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng

Những lưu ý cần biết khi sử dụng lá cây khôi để chữa bệnh

Từ lâu, việc sử dụng các loại dược liệu quý vẫn được nhiều người ưa chuộng vì sự lành tính cũng như công hiệu trong và sau quá trình sử dụng. Tuy nhiên, để dược liệu cũng như các bài thuốc đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh cần tham khảo những lưu ý được khuyến cáo sau:

  • Liều lượng phù hợp để sử dụng cho dược liệu là vấn đề rất quan trọng. Việc dùng quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho quá trình điều trị bệnh cũng như cho cơ thể của bệnh nhân. Với lá của cây khôi, liều lượng được các bác sĩ khuyến nghị sử dụng mỗi ngày là từ 40g đến 80g tùy theo từng chứng bệnh.
  • Việc sử dụng thuốc hay các bài thuốc điều trị sẽ cần kết hợp với cả chế độ ăn uống để đạt được hiệu quả cao nhất. Tùy theo các chứng bệnh mà bạn nên tìm hiểu những loại đồ ăn cần kiêng trong thời gian điều trị.
  • Khi đun thuốc, bạn nên lưu ý chọn lựa những loại ấm bằng sứ hoặc nồi đất. Đặc biệt, những loại ấm bằng kim loại cần phải tránh sử dụng để không làm ảnh hưởng đến dược tính của thuốc.
  • Trong quá trình sử dụng các bài thuốc có lá cây khôi nói riêng và các bài thuốc khác nói chung để điều trị bệnh, bạn nên tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn hoặc các loại chất kích thích.
  • Lá cây khôi vốn có tính hàn. Do đó, người bệnh nên cân nhắc về thể trạng của bản thân trước khi sử dụng. Ngoài ra, khi muốn áp dụng bài thuốc để trị bệnh cho trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, bạn nên cân nhắc và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Trên đây là những thông tin về lá khôi cũng như cách sử dụng chúng trong việc điều trị bệnh. Mong rằng bài viết này có thể giải đáp được những thắc mắc của các bạn về loại dược liệu này.

Xem thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0961716466

Tin mới

Mỡ máu cao là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm

Máu Nhiễm Mỡ Có Nguy Hiểm Không? Căn Bệnh “Thời Đại Mới” Tiềm Ẩn Nguy Cơ Đột Quỵ

Hệ quả của cuộc sống hiện đại, với lối sống thiếu vận động và chế...
chương trình tư vấn sức khỏe thị trấn ngã sáu

Viện Y Dược Cổ truyền dân tộc Khám Sức Khỏe Đẩy Lùi Mỡ Máu Tại Hậu Giang

Ngày 27/10/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc và Trung tâm Thuốc dân tộc...

Nghiên Cứu Bệnh Vảy Nến Và Cách Xử Lý Chuyên Sâu Từ Y Học Cổ Truyền

Vảy nến là bệnh lý mãn tính dai dẳng, bùng phát từng đợt với nhiều...