Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Sâm cau đen là cây thuốc Nam được y học cổ truyền sử dụng trong nhiều pháp trị, đặc biệt nổi tiếng với công dụng bổ thận tráng dương, bổ khí và nâng cao sức đề kháng. Vậy vị dược này khác biệt gì với loại sâm cau đỏ và công dụng, cách sử dụng chính xác như thế nào?
Tổng quan về sâm cau đen
Sâm cau nổi tiếng là vị dược Đông y có tên gọi là tiên mao, thường được dùng sâm cau đen ngâm rượu thuốc, sắc uống hoặc một số bài thuốc khác để hỗ trợ trị bệnh. Trên thị trường hiện nay có hai loại rễ củ sâm cau là màu đen và màu đỏ khiến nhiều người hoang mang. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về loại sâm cau đen này.
Sâm cau đen là gì? Có gì khác với sâm cau đỏ?
Cây sâm cau còn được gọi là cây tiên mao, ngải cau, cồ nốc lan, nam sáng ton, tiên mao, soọng ca, thài léng,… là một loại cây thuộc họ Hypoxidaceae với danh pháp khoa học là Curculigo orchioides Gaertn. Rễ cây sâm cau có hai loại là màu đỏ và màu đen được sử dụng làm dược liệu.
Từ lâu, Đông y đã dùng phần của của cây sâm cau làm dược liệu gọi tiên mao với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Các ghi chép trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi hoặc sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1” đều mô tác những đặc điểm cơ bản của cây sâm cau như sau:
- Là cây thảo thấp, chiều cao trung bình từ 20 – 30cm. Thân cây hình trụ dài, không phân nhánh nhiều.
- Lá thảo, hẹp, dài khoảng 20 – 30cm, xếp nếp giống lá cau. Phiến lá rộng từ 3cm trở lại, có hệ thống gân lá sắp xếp song song.
- Hoa sâm gai mọc thành cụm trên một cán ngắn giữa kẽ lá. Mỗi cụm có 3 – 5 hoa màu vàng, nhỏ, hình trái xoan.
- Rễ chính có dạng củ, không phân nhánh, phình to và cắm sâu xuống đất. Có các rễ con nhỏ bám quanh rễ chính, phát triển ngang.
Tuy nhiên, vẻ ngoài phần củ rễ có sự khác biệt giữa loại màu đen và đỏ. Sâm cau đen có rễ có vỏ màu nâu sẫm, nhìn qua hơi đen, trong khi sâm cau đỏ có vỏ màu đỏ và thịt bên trong cũng có màu trắng. Phần thịt bên trong có màu trắng ngà, được lộ ra sau khi cạo vỏ, nên một số người còn gọi là sâm cau trắng.
Hiện nay vẫn đang có nhiều tranh cãi về việc hai loại này thuộc cùng một loài hay không, song các nhà khoa học đã khẳng định vị dược tiên mao trong các tài liệu cổ chắc chắn là phần củ của sâm cau trăng. Một số nghiên cứu về dược chất vẫn cho thấy sự tương đồng của hai loại củ màu đỏ và đen, từ đó đưa ra quan điểm sự khác biệt giữa chúng đến từ môi trường sống. Tuy nhiên, vẫn cần các nguyên cứu chuyên sâu hơn để xác định và có sự phân loại chính xác.
Sâm cau đỏ có vị nhạt hơn, dễ dùng, ít độc hơn và an toàn hơn khi sử dụng nên thường phổ biến hơn. Trong khi đó, sâm cau đen có dược tính cao hơn, đi kèm theo tính độc mạnh hơn nên nếu không được chế biến đúng cách sẽ gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, do sâm cau đen khan hiếm hơn nên có giá thành cao hơn. Theo nhiều bài thuốc y học cổ truyền có thể sử dụng thay thế giữa hai loại này, nhưng cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc, bác sĩ.
Đặc điểm phân bố tự nhiên
Cây sâm cau đen phân bố rộng khắp nhiều nước Đông Nam Á. Cây phát triển mạnh mẽ trong môi trường ẩm ướt và đất phong phú dưỡng chất, tìm thấy nhiều nhất ở những vùng đất màu mỡ ven nương rẫy, chân núi đá vôi. Loài cây này thích ánh sáng, nhưng vẫn có thể sinh trưởng trong điều kiện bóng râm dù sự phát triển của cây có thể kém hơn.
Tại Việt Nam, loài cây này được tìm thấy ở một số vùng núi phía Bắc. Trước đây, cả cây sâm cau đen và đỏ mọc hoang trong rừng đã từng bị khai thác quá mức, dẫn đến sự giảm số lượng và thậm chí có nguy cơ khan hiếm.
Tuy nhiên, nhận thức về giá trị dược liệu cao của loại cây này đã thúc đẩy việc tạo ra các vườn ươm và khu vực trồng trọt cây sâm cau đen và đỏ tại các tỉnh thành như Lai Châu, Tuyên Quang và Cao Bằng,… Điều này giúp bảo tồn và cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cho nhu cầu sử dụng. Hiện nay, sản lượng nuôi trồng ở nước ta cho cây sâm cau đen ít hơn cây sâm cau đỏ.
Bộ phận dùng làm thuốc và cách thu hái tiên mao
Bộ phận chính của cây sâm cau đen được sử dụng trong thuốc là củ rễ, tên khoa học được liệu là Rhizoma Curculiginis và y học cổ truyền gọi là tiên mao. Người dân thu hái củ sâm cau quanh năm, nhưng đặc biệt nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, khi củ sâm cau có chất lượng tốt nhất.
Khi thu hái, người ta sẽ đào cả cây, sau đó cắt lấy phần rễ, dùng dao nhỏ để bỏ bớt các rễ nhỏ quanh củ.
Cách chế biến sâm cau đen loại bỏ độc tố và bảo quản
Hãy nhớ rằng sâm cau đen có tính độc không nhỏ, vì vậy việc sơ chế để loại bỏ độc tố và bảo quản đúng cách rất quan trọng để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Để chế biến dược liệu sâm cau đen, bạn có thể tuân theo các bước sau:
- Rửa sạch cây sâm cau tươi bằng cách sử dụng bàn chải đánh răng để loại bỏ đất và cát. Sau đó, ngâm cây trong nước trong khoảng 30 phút để làm sạch thêm, sau đó rửa lại một lần nữa và để ráo. Điều này giúp loại bỏ bụi bẩn và các chất bẩn khác trên bề mặt của cây.
- Khử độc sâm cau bằng cách ngâm củ với nước vo gạo. Thực hiện ngâm cây ba lần, với các lần ngâm đầu tiên kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng. Lần cuối cùng, ngâm cây qua đêm trong khoảng từ 8 đến 10 tiếng. Sau khi ngâm qua đêm, tráng cây qua nước lã và sau đó tráng qua rượu (sử dụng cùng loại rượu sẽ được sử dụng để ngâm cây). Điều này giúp loại bỏ độc tố trong cây sâm cau đen.
- Tiếp theo, củ sâm cau đen được cắt mỏng, cắt khúc hoặc để nguyên củ và tiến hành phơi hoặc sấy khô. Khi lưu trữ sâm cau đen khô, hãy bảo quản nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước và ẩm mốc. Bạn có thể sử dụng bao nilon kín hoặc hũ thủy tinh kín, lưu trữ nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng củ sâm cau tươi để ngâm trong rượu hoặc chế biến ngay. Tuy nhiên, củ tươi chỉ có thể được bảo quản trong khoảng 1 tuần nếu được giữ lạnh trong túi kín và hút chân không.
Thành phần hóa học
Rễ sâm cau đen (Rhizoma Curculiginis) chứa chất nhầy, tinh chột, chất béo 25-hydroxy-33-methylpentatricontan-6-one và một số thành phần hóa học quan trọng như: Glycoside, Phenolic, Saponin, các hợp chất Curculigosides (A, B, C, D), Lignans, các chất chống oxy hóa Flavonoid, dược chất Triterpenoids, 13 loại Saponin – Triterpene – Cycloartane (Curculigosaponins từ A đến M, 2 Triterpen, Curculigol và axit 31-metyl-3-oxo-20-ursen-28-oic,…) cùng nhiều hoạt chất khác.
Công dụng sâm cau đen đối với cơ thể và sức khỏe
Sâm cau đen hay tiên mao trong y học cổ truyền được nhiều tài liệu ghi lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nguyên cứu y học hiện đại về tác dụng chính các của cây thuốc này. Song, một số nghiên cứu về thành phần hóa học và dược tính của sâm cau đã chứng minh phần nào tính ứng dụng tiềm năng của cây thuốc đối với y học.
Theo y học cổ truyền
Y học cổ truyền đã sử dụng vị dược tiên mao từ xưa để cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe và điều trị một số bệnh lý khác nhau. Vị dược sâm cau đen trong các tài liệu y học cổ truyền có các đặc tính sau:
- Tính vị: Cay đắng, hơi mặn, hương thơm nhẹ, tính ấm.
- Quy kinh: Thận, Can, Phế và Tỳ.
- Công dụng: Ôn bổ thận khí, tráng dương, mạnh gân cốt, ôn trung, táo thấp, tán ứ, trừ hàn thấp, điều hòa tiêu hóa,…
- Chủ trị: Liệt dương, yếu sinh lý ở nam, thận yếu, gan nhiễm mỡ, chân tay và lưng lạnh, lạnh tử cung và kinh nguyệt không đều ở nữ, suy nhược thần kinh, phong thấp, nhức mỏi xương khớp, hen suyễn, tiêu chảy, sưng tấy ngoài da,…
Dựa trên thông tin từ y học cổ truyền và nghiên cứu, sâm cau đen có những công dụng sau:
- Bồi bổ sinh lực, tăng cường sức khỏe tình dục: Sâm cau đen được sử dụng để hỗ trợ điều trị liệt dương, yếu sinh lý, tinh lạnh và đồng thời giúp củng cố gân cốt, giảm đau nhức cơ xương và mỏi lưng gối.
- Bổ gan và thận: Sâm cau đen có tác dụng cung cấp năng lượng cho gan, thận và cải thiện chức năng của chúng, giúp tăng cường sức khỏe toàn diện.
- Hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch cơ thể: Thảo dược này có tác dụng cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón, đầy hơi, tiêu chảy và giúp cơ thể loại bỏ chất cặn bã.
- Giảm triệu chứng lạnh và viêm: Với tính ôn, sâm cau đen được sử dụng để giảm triệu chứng lạnh, tê bì tay chân, lạnh tử cung, lạnh bụng và giảm cảm giác rét trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn có khả năng giảm nhức mỏi xương khớp và chống viêm.
- Tăng cường thần kinh và giấc ngủ: Sâm cau đen giúp cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi và hỗ trợ giấc ngủ.
- Tăng tuần hoàn máu và giảm sưng tấy: Thảo dược này có tác dụng tăng lưu thông máu, giảm đau và sưng tấy.
- Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh: Sâm cau đen được sử dụng để điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ, giảm chu kỳ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh và cải thiện tình trạng khí huyết yếu. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ điều trị tình trạng tử cung lạnh và hỗ trợ quá trình mang thai.
- Giảm ngứa và làm dịu da: Sâm cau đen có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giảm ngứa, sưng tấy và kích ứng da.
Liều dùng sâm cau đen tham khảo theo pháp trị Đông y thường từ 10 – 15g dược liệu khô/ngày. Có nhiều cách ứng dụng vị dược này vào các pháp trị như sắc thuốc uống, chế hoàn, đắp ngoài da với dược liệu tươi giã nhuyễn hoặc thuốc mỡ đã chế biến, ngâm rượu uống,…
Theo y học hiện đại
Hiện nay, y học hiện đại chỉ mới có một số nghiên cứu riêng lẻ về công dụng của các thành phần dược chất có trong cây thuốc sâm cau đen có thể mang đến các tác dụng khác nhau đối với cơ thể con người. Sẽ cần nhiều nghiên cứu chính xác về các công dụng của sâm cau đen đối với sức khỏe và cách sử dụng chiết xuất để hỗ trợ chữa bệnh.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện đại vẫn liệt kê một số công dụng quan trọng dựa trên thành phần hóa học có trong sâm cau đen như:
- Tăng cường sinh lý nam: Nhiều hoạt chất trong thảo dược này được biết đến với khả năng kích thích hoạt động của tế bào Leydig, tạo ra một hiệu ứng tương tự như “Viagra” tự nhiên. Do đó, việc sử dụng sâm cau có thể giúp tăng ham muốn tình dục, cải thiện hiệu suất và chất lượng tinh trùng ở nam giới.
- Bảo vệ gan và thận: Sâm cau đen chứa các chất chống oxy hóa và chống viêm như Flavonoid, Saponin và Alkaloid. Những hoạt chất này có tác dụng giúp bảo vệ gan và thận khỏi tổn thương, đồng thời hỗ trợ quá trình thải độc.
- Tăng cường sức khỏe và đề kháng: Các chất Curculigosaponin C và F có khả năng kích thích sản sinh tế bào Lympho lách, trong khi hoạt chất Curculigosaponin G có khả năng tăng khối lượng tuyến ức, từ đó giúp tăng cường hoạt động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, chất Peptid curculin C trong vị dược cũng giúp tăng khả năng thích nghi của cơ thể với các hoạt động bảo vệ tế bào, tăng cường sức đề kháng tổng thể.
- Ức chế khối u, điều hòa thuốc ung thư: Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ sâm cau đen có khả năng ức chế phát triển khối u, sử dụng như một chất bổ trợ tự nhiên trong việc hạ thấp độc tính của thuốc chống ung thư Cyclophosphamide để hỗ trợ quá trình điều trị.
- Hỗ trợ lành xương: Một số dược chất trong sâm cau đen đã được nghiên cứu và cho thấy khả năng tăng cường mật độ xương và thúc đẩy quá trình hình thành xương mới.
- Bảo vệ thần kinh: Các chất Phytochemical có trong tiên mao cho thấy tác dụng bảo vệ hệ thần kinh thông qua khả năng giảm ức chế tế bào thần kinh, tạo hiệu quả dịu nhẹ và thư giãn.
- Chống viêm và giảm sưng tấy: Sâm cau đen cũng được xác nhận có khả năng kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên, giảm hoạt chật có các chất gây viêm trung gian, từ đó giảm sưng tấy cũng như các triệu chứng viêm trong cơ thể.
Gợi ý 5 bài thuốc y học cổ truyền hay từ sâm cau đen
Sâm cau đen là vị thuốc có mặt trong nhiều bài thuốc, pháp trị y học cổ truyền theo nhiều tài liệu cổ. Vị dược tiên mao này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp các dược liệu khác để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc mang tính tham khảo được Viện y dược cổ truyền dân tộc sưu tầm và tổng hợp:
1. Hướng dẫn cách ngâm rượu sâm cau đen tươi
Rượu thuốc ngâm từ sâm cau đen có vị cay đắng nên không dễ uống như một số loại khác hoặc khi ngâm với dược liệu khô. Đồng thời, do độc tính sâm cau tươi sẽ cao hơn nên cần sơ chế kỹ trước khi ngâm, lượng dùng mỗi lần cũng cần kiểm soát chặt. Tuy nhiên, đây vẫn là công thức sâm cau đen ngâm rượu được nhiều quý ông ưa chuộng vì dược tính mạnh, giúp tăng cường sinh lực nam, tăng lưu thông máu hiệu quả.
Chuẩn bị: 1kg sâm cau đen tươi đã được sơ chế loại bỏ độc tố kỹ, 3l rượu 45 độ, 1 bình thủy tinh hoặc sành sứ đã được làm sạch.
Cách ngâm:
- Củ sâm cau sau khi sơ chế đúng cách thì để ráo, có thể để nguyên củ hoặc cắt khúc, tráng qua rượu một lần rồi cho vào bình.
- Cho rượu vào bình, loại rượu cần dùng nên có độ cao (45 độ) để loại bỏ thêm độc tố của dược liệu.
- Đậy kín bình, ngâm trên 1 tháng, tốt nhất là 3 – 6 tháng là có thể dùng.
- Mỗi lần dùng không quá 30ml, dùng trong bữa ăn, ngày không quá 2 lần.
2. Cường gân cốt, trị phong thấp và đau lưng
Đây là bài thuốc có tác dụng hỗ trợ trị phong thức, đau lưng, đau mỏi gối và xương khớp, đồng thời còn có tác dụng cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh. Bài thuốc được chỉ định nhiều cho bệnh nhân trung niên, cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh,..
Chuẩn bị: Tiên mao khô 50g, 650ml rượu trắng trên 40 độ, bình thủy tinh hoặc sành sứ.
Cách thực hiện:
- Sao vàng hạ thổ sâm cau đen đã chuẩn bị, thái lát hoặc xay thành bột, sau đó cho vào bình.
- Thêm rượu vào bình ngâm, đậy kín để ngâm trong ít nhất 7 ngày.
- Mỗi lần dùng khoảng 20ml để uống trong bữa ăn, 2 lần/ngày.
- Ngoài cách uống có thể dùng rượu để thoa lên vùng xương khớp đau mỏi, kết hợp massage và bấm huyệt để tăng hiệu quả.
3. Cải thiện chứng hen suyễn hoặc tiêu chảy
Đây vẫn là bài thuốc sử dụng rễ cây sâm cau đen đã được sơ chế và phơi khô nhưng theo cách sắc uống. Bài thuốc ngoài tác dụng cải thiện hen suyễn còn có tác dụng điều trị tiêu chảy, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Chuẩn bị: Rễ sâm cau đen khô 12g, 200ml nước sạch và ấm/nồi đất.
Cách thực hiện:
- Rễ tiên mao khô cần được thái lát mỏng, sau đó sao vàng hạ thổ rồi cho vào ấm/nồi.
- Thêm nước vào sắc cho đến khi cạn còn 500ml thì dùng uống trước bữa ăn trong 1 lần/ngày.
4. Rượu thuốc bổ thận, tăng cường sinh lực nam
Đây là một bài thuốc giúp bổ thận tráng dương, nâng cao khả năng chốn phòng the của nam giới, hỗ trợ trị chứng di tinh, tinh yếu, liệt dương,…
Chuẩn bị: Sâm cau đen khô 125g, dâm dương hoắc 125g, ngũ gia bì 125g, long nhãn 100 quả, 2l rượu trắng 40 độ và bình ngâm.
Cách thực hiện:
- Thái nhỏ các dược liệu rồi cho vào bình, thêm rượu vào ngâm ủ sau 1 tháng là có thể dùng.
- Mỗi lần uống 20 – 30ml rượu, ngày 2 lần trong bữa ăn.
5. Cách ngâm rượu sâm cau đen khô
Rượu sâm cau đen hay tiên mao ngâm từ dược liệu khô có tác dụng trừ phong thấp, tăng cường khí huyết, bổ gan và thận, điều kinh, trị lạnh bụng và suy nhược thần kinh. Do đó, bài thuốc này có thể dùng cho cả nam và nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đồng thời, sử dụng sâm cau đen khô mang đến vị rượu dễ uống và ít độc tố hơn so với loại tươi.
Chuẩn bị: Tiên mao đã được sơ chế và phơi sấy đúng cách 50g, rượu nếp trắng (trên 40 độ) 0.5l, bình ngâm từ thủy tinh hoặc sành sứ.
Cách ngâm:
- Xắt lát mỏng rồi sao vàng sâm cau, sau đó cho vào bình.
- Thêm rượu vào bình, ngâm ít nhất 20 ngày, mỗi ngày nên lắc nhẹ bình 1 – 2 lần.
- Mỗi lần uống khoảng 25 – 30ml, dùng 2 lần/ngày vào các bữa ăn chính.
Chống chỉ định và tác dụng phụ của dược liệu
Sâm cau đen không nên được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ đang mang thai.
- Mẹ sau sinh đang cho con bú.
- Trẻ em dưới 12 tuổi.
- Bệnh nhân suy gan hoặc thận cấp.
- Người mắc viêm dạ dày cấp.
- Có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong sâm cau đen.
Ngoài ra, một số đối tượng sau đây cũng cần cẩn trọng khi dùng vị dược này:
- Trẻ trên 12 tuổi.
- Bệnh nhân đang sử dụng thuốc hoặc mắc các bệnh mãn tính.
- Người đang rối loạn tiêu hóa.
Trước khi sử dụng sâm cau đen, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng không có tương tác thuốc xảy ra và cơ địa phù hợp để dùng dược liệu này mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Mặt khác, việc sơ chế sâm cau đen không đúng cách dẫn đến chưa loại bỏ hết độc tố hoặc sử dụng quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ như: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, dị ứng da, khó thở, mất ngủ và đau đầu,… Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng sâm cau đen, hãy ngừng sử dụng và tìm kiếm ý kiến từ bác sĩ.
Lưu ý cần biết khi mua và sử dụng sâm cau đen
Dưới đây là một số lưu ý cần biết khi mua và sử dụng dược liệu sâm cau đen:
- Chọn nguồn cung cấp đáng tin cậy: Mua sâm cau đen từ các nguồn cung cấp uy tín và có chất lượng được kiểm định, đặc biệt đối với những sản phẩm chế biến sẵn hay rượu ngâm. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn đang sử dụng dược phẩm chất lượng và an toàn.
- Tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng: Trước khi sử dụng, hãy tham khảo kỹ thông tin và hướng dẫn để đảm bảo bạn hiểu rõ cách sử dụng, liều lượng, và các hạn chế sử dụng. Hãy liên hệ bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn về y học cổ truyền để xin ý kiến và chỉ dẫn, đặc biệt về các tác dụng phụ, tương tác thuốc và đối tượng dùng.
- Tuân thủ liều lượng: Sử dụng sâm cau đen theo hướng dẫn và liều lượng được ghi trên bao bì chế phẩm hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, thầy thuốc. Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự tư vấn từ chuyên gia y tế.
- Lưu trữ đúng cách: Để dược liệu khô ở nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp. Đảm bảo bảo quản các chế phẩm đúng cách để duy trì chất lượng và dược tính của sâm cau.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe: Khi sử dụng dược liệu này để hỗ trợ điều trị bệnh, cần chú ý theo dõi các phản ứng của cơ thể cũng như tình trạng điều trị. Đối với bất kỳ tác dụng phụ nào xuất hiện sau khi sử dụng hoặc sức khỏe giảm sút bất thường, bệnh nhân cần ngừng dùng và khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
- Không thể thay thế cho thuốc và phương pháp y tế chuyên khoa: Các bài thuốc, pháp trị ứng dụng sâm cau đen theo y học cổ truyền hiện vẫn chỉ có tác dụng hỗ trợ cho một số tình trạng nhất định, không thể thay thế cho thuốc đặc trị hay các pháp trị y khoa chuyên nghiệp cho các bệnh lý cụ thể. Do đó, khi có dấu hiệu bệnh, bạn cần liên hệ cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị đúng cách, sau đó có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị phối hợp Đông y.
Sâm cau đen là một vị thuốc Nam được lưu truyền trong nhiều bài thuốc, hỗ trợ điều trị nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người đã và đang thần thành hóa công dụng của vị dược này hoặc chưa nắm rõ cách sử dụng hiệu quả, an toàn. Đây sẽ là dược liệu bổ và tốt cho sức khỏe nếu được ứng dụng đúng phương pháp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!