Cách Vệ Sinh Tai Khi Bị Viêm Tai Giữa An Toàn và Đúng Cách
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cách vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa được nhiều người bệnh quan tâm. Bởi việc vệ sinh tai đúng cách có thể làm giảm dịch tiết và các vảy bong ứ đọng. Kết hợp chăm sóc tại nhà và các biện pháp chuyên sâu có thể kiểm soát các triệu chứng, đồng thời ức chế tình trạng nhiễm trùng ở ống tai giữa.
Hướng dẫn cách vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa
Viêm tai giữa đề cập đến tình trạng ống tai giữa bị tổn thương và nhiễm trùng do sự tấn công, xâm nhập của các vi khuẩn, virus gây hại. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ do cấu trúc vòi tai ở trẻ chưa phát triển toàn diện.
Bệnh viêm tai giữa là một trong những bệnh lý thường gặp, có thể điều trị dứt điểm sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trường hợp chủ quan trước các biểu hiện bất thường, tự ý điều trị và chăm sóc không đúng cách, tổn thương ở ống tai giữa có xu hướng lan rộng sang những cơ quan xung quanh và trở nên nặng nề hơn.
Do đó, song song với các biện pháp điều trị chuyên sâu, người bệnh cần vệ sinh tai đúng cách nhằm hỗ trợ quá trình điều trị đạt được kết quả tốt nhất cũng như phòng ngừa tái phát. Theo đó, cách vệ sinh tai khi bị viêm tai giữa được thực hiện theo các bước sau:
1. Vệ sinh bên ngoài tai
Đầu tiên, bạn cần sử dụng khăn mềm và ẩm lau nhẹ vành tai và bên ngoài tai nhằm loại bỏ bụi bẩn, dịch mủ chảy ra từ tai. Trong quá trình lau, cần thao tác nhẹ nhàng, không dùng lực mạnh vì có thể gây đau rát, trầy xước da.
Kế đến, có thể xoắn nhẹ một góc khăn và lau ở ống tai ngoài để loại bỏ dịch tiết cũng như vảy da chết ứ đọng. Tránh tình trạng chọc ngoáy sâu vào bên trong tai, bởi hành động này có thể dẫn đến chảy máu, đau rát nghiêm trọng.
2. Rửa tai bằng nước muối sinh lý
Nước muối sinh lý (natri clorid 0.9%) giúp làm mềm niêm mạc, dịch tiết bên trong tai. Trong trường hợp tai bị nhiễm trùng, người bệnh không nên sử dụng những dụng cụ cứng, nhọn để lấy ráy tai. Thay vào đó, dùng nước muối sinh lý hoặc một số loại dung dịch rửa tai chuyên dụng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể.
Trước khi nhỏ dung dịch vào trong tai, bạn cần nghiêng nhẹ đầu. Sau đó nhỏ từ 3 – 4 giọt dung dịch vào tai, kế đến day nhẹ vành tai để dung dịch được thấm sâu vào bên trong. Sau vài giây, nghiêng đầu để dung dịch chảy ra bên ngoài. Lúc này, dùng tăm bông mềm để thấm hút dịch, các vảy bong chảy ra bên ngoài tai.
Lưu ý: Người bệnh không sử dụng thuốc nhỏ tai có tác dụng chống viêm, kháng sinh,… khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp bị viêm tai giữa đã vỡ mủ, người bệnh không nên tự ý vệ sinh tai ở nhà. Thay vào đó, cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa làm thuốc tai, chăm sóc phù hợp để giúp phục hồi màng nhĩ.
Người bệnh cần vệ sinh tai 2 lần/ tuần. Nếu thấy tai chảy mủ hoặc chảy máu, người bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và xử lý kịp thời. Tránh phát sinh rủi ro không mong muốn.
Kết hợp vệ sinh mũi họng khi bị viêm tai giữa
Tai mũi họng là những cơ quan có mối liên hệ mật thiết. Theo đó, mũi họng nếu được làm sạch và thông thoáng sẽ thúc đẩy ống tai đẩy dịch, mủ ứ đọng bên trong ra ngoài. Do đó, song song với việc vệ sinh tai khi mắc bệnh viêm tai giữa, người bệnh cần phối hợp với các biện chăm sóc và vệ sinh mũi, họng.
Cách vệ sinh mũi và họng cho người bị viêm tai giữa:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách, súc miệng với nước muối loãng 2 lần/ ngày để tránh tình trạng nhiễm trùng lan sang cổ họng. Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước để giúp tăng cường dẫn lưu, làm lỏng dịch ứ.
- Sử dụng thuốc nhỏ mũi để giảm thiểu tình trạng phù nề, thông thoáng đường thở, đồng thời giúp bảo vệ niêm mạc mũi.
- Xì mũi đúng cách. Theo đó, nên bịt một bên lỗ mũi và xì mũi mạnh để giúp loại bỏ dịch tiết hoàn toàn, thực hiện tương tự với lỗ mũi còn lại. Tình trạng hít mũi có thể khiến dịch mũi bị ứ đọng ở cổ họng và gây viêm amidan, viêm VA, khiến ống tai bị tắc nghẽn.
Các biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em. Mặc dù bệnh có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện sớm nhưng có thể tái phát nhiều lần khi gặp điều kiện thuận lợi.
Do đó, người bệnh cần chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lý, cụ thể:
- Chú ý các biểu hiện bất thường ở tai và cơ thể để sớm phát hiện bệnh kịp thời. Trong trường hợp chẩn đoán và điều trị sớm thường đáp ứng tốt và gần như không để lại bất kỳ di chứng nào.
- Sử dụng kháng sinh đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc ngưng thuốc sớm hoặc dùng thuốc không đều đặn có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh và tiến triển nặng nề hơn.
- Cần kết hợp điều trị với các biện pháp chăm sóc tại nhà. Việc chăm sóc đúng cách sẽ nhận thấy mức độ nghiệm trùng ở ống tai có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, ăn uống đều độ để nâng cao khả năng đề kháng, đồng thời hạn chế bệnh lý tái phát. Tình trạng nhiễm trùng tai tái phát nhiều lần được xem là điều kiện thuận lợi để các biến chứng bệnh phát sinh.
- Chủ động điều trị dứt điểm các bệnh lý như sởi, cảm cúm, viêm VA, viêm amidan,… Những tác nhân gây ra các bệnh lý này có thể lan đến ống tai giữa và dẫn đến tái phát nhiễm trùng.
- Hạn chế để cơ thể tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng.
Khi bị viêm tai giữa, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời cần chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc, vệ sinh tai để hỗ trợ quá trình điều trị. Trong trường hợp phát hiện bệnh sớm, chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng ống tai giữa có thể được kiểm soát nhanh chóng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!