Phình Đại Tràng Ở Người Lớn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Điều Trị
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Phình đại tràng ở người lớn mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Chính vì thế, người bệnh cần sớm nhận biết và có biện pháp can thiệp điều trị để phòng tránh các rủi ro cho sức khỏe.
Phình đại tràng ở người lớn là bệnh gì?
Phình đại tràng là bệnh lý về đại tràng phổ biến hiện nay. Bệnh xảy ra khi bộ phận này bị giãn nở bất thường khiến cho hoạt động của nhu động ruột suy yếu. Điều này làm cho phân di chuyển qua đại tràng chậm hơn, gây ra hiện tượng giữ nước khiến phân trở nên khô cứng, khó đào thải. Cũng chính vì sự ứ đọng này khiến cho đại tràng ngày càng phình to ra.
Bệnh phình đại tràng có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Trong đó, tình trạng phình đại tràng ở người lớn ngày càng phổ biến. Mặc dù bệnh được đánh giá có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với nhiều chứng bệnh khác. Tuy nhiên nếu không sớm kiểm soát, phình đại tràng ở người lớn có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng hấp thụ dinh dưỡng kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây phình đại tràng ở người lớn
Phình đại tràng nói chung và phình đại tràng ở người lớn nói riêng có thể hình thành do hai nguyên nhân chính là bẩm sinh và nguyên nhân thứ phát. Trong đó, phình đại tràng mãn tính xuất hiện có thể do một trong hai nguyên nhân này. Trong khi phình đại tràng cấp tính thường chỉ xuất hiện do các nguyên nhân thứ phát.
Dưới đây là một vài yếu tố nguy cơ cao có thể là nguyên nhân gây bệnh phình đại tràng ở người lớn:
- Tác dụng phụ của thuốc Tây: Một số loại thuốc Tây y sử dụng kéo dài có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như morphin, codein,… Và trong các tác dụng phụ có thể kể đến chứng phình đại tràng.
- Đại tràng bị nhiễm độc: Xảy ra khi người bệnh sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm phải hóa chất, phân thuốc độc hại. Lúc này đại tràng bị nhiễm độc dẫn đến hiện tượng phình giãn bất thường.
- Mắc bệnh chagas: Bệnh hình thành khi đại tràng bị nhiễm phải ký sinh trùng trupanosoma cruzi. Nếu không sớm phát hiện sẽ kéo theo tình trạng giãn đại tràng.
- Viêm đại tràng mãn tính: Bệnh có thể khiến cơ thể người bệnh bị táo bón trong thời gian dài, kèm theo đó là các triệu chứng khó chịu dẫn đến chán ăn, sụt cân nhanh,… Nếu không sớm điều chỉnh khắc phục, viêm đại tràng mãn tính có thể gây biến chứng phình giãn đại tràng.
Ngoài ra, bạn có thể mắc phải chứng bệnh này do phình đại tràng bẩm sinh, bệnh còn được gọi là vô hạch đại tràng bẩm sinh. Thường tình trạng này xuất hiện ở những trẻ không có hạch thần kinh ruột từ khi sinh ra. Nếu đại tràng không có hạch này, việc co bóp đào thải phân không thể diễn ra khiến phân bị ứ đọng lại, lâu dần gây phình đại tràng. Bệnh có liên quan đến đột biến gen và yếu tố di truyền.
Các triệu chứng phình đại tràng ở người lớn
Người lớn mắc bệnh phình đại tràng giai đoạn đầu khó phát hiện do bệnh không gây ra các triệu chứng quá cụ thể. Khi đó gần như mọi hoạt động tiêu hóa đều diễn ra khá bình thường, người bệnh chỉ cảm thấy khó khăn trong đại tiện. Một số triệu chứng người bệnh lúc này có thể gặp phải:
- Người bệnh ít đi đại tiện hơn bình thường, đây là giai đoạn bệnh mới khởi phát. Số lần đi đại tiện theo ngày sẽ giảm dần, tuy nhiên tình trạng này thường không kéo dài.
- Người bệnh có cảm giác chán ăn, ăn không thấy ngon. Trường hợp táo bón lâu ngày còn gây ra hiện tượng chướng bụng, không muốn ăn. Lâu dần cân nặng của người bệnh sụt giảm nhanh.
- Táo bón lâu ngày có thể làm cho các chất độc hại trong phân như H2S, SO2 bị hấp thụ ngược lại cơ thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm, phình giãn trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện như kém tập trung mất ngủ, đau bụng dữ dội.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, người lớn bị phình đại tràng còn có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, trụy mạch, tim đập nhanh. Khi nhận thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị sớm, giúp phòng ngừa các rủi ro không mong muốn.
Tình trạng phình đại tràng có nguy hiểm không?
Phình đại tràng thường khiến người bệnh gặp phải tình trạng táo bón kéo dài, từ đó khiến cơ thể trở nên chán ăn, mệt mỏi thường xuyên. Không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống, bệnh còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác như nhiễm độc, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu,… Đặc biệt nguy hiểm nếu đại tràng bị thủng hoặc chuyển thành ung thư đe dọa tính mạng người bệnh.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường, nhất là khi chúng tái phát thường xuyên hoặc kéo dài nên chủ động đên gặp bác sĩ. Phát hiện và can thiệp điều trị bằng biến pháp phù hợp giúp bạn sớm đẩy lùi được chứng bệnh này, phòng tránh các biến chứng nguy hại sức khỏe.
Phương pháp điều trị phình đại tràng ở người lớn
Để chẩn đoán phình đại tràng ở người lớn, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm phù hợp. Trong đó, chụp X quang được thực hiện nhằm xác định vị trí đoạn ruột bị phình giãn. Kết hợp với đó là các biện pháp khác giúp đo khả năng kiểm soát của các cơ xung quanh trực tràng.
Khi thu được kết quả chẩn đoán sau cùng, các bác sĩ sẽ xem xét để đưa ra hướng điều trị phù hợp cho người bệnh. Hiện nay có các biện pháp khắc phục phình đại tràng ở người lớn như:
Điều trị bằng Tây y
Trường hợp người bệnh bị phình giãn đại tràng nhẹ có thể được chỉ định sử dụng thuốc Tây y điều trị. Trong đó bao gồm các thuốc như thuốc làm mềm phân, nhuận tràng để khắc phục tình trạng táo bón. Nếu người bệnh bị táo bón nặng hơn, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định biện pháp tháo thụt phân để giúp người bệnh đại tiện trở lại.
Nếu tình trạng phình đại tràng ở người lớn kéo dài không khỏi, có dấu hiệu chuyển biến nặng nề có thể phải can thiệp ngoại khoa để giải quyết vấn đề. Bác sĩ sẽ cân nhắc, xem xét dựa vào tình trạng của người bệnh để tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần đại tràng bị phình giãn.
Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp phẫu thuật đại tràng thường có hiệu quả tốt và được đánh giá có độ an toàn cao. Đa số các ca bệnh thường không gặp phải các biến chứng nguy hiểm khi thực hiện. Do đó người bệnh không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy tìm hiểu bệnh viện uy tín, chất lượng, có bác sĩ giỏi để tiến hành điều trị.
Hỗ trợ khắc phục bằng mẹo dân gian
Nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do phình đại tràng gây ra, người bệnh có thể áp dụng một vài mẹo chữa dân gian với thảo dược thiên nhiên. Phương pháp áp dụng phù hợp cho đối tượng người lớn bị phình đại tràng nhẹ. Tham khảo ngay:
Dùng nghệ và mật ong: Nghệ và mật ong đều là các nguyên liệu chứa hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, bổ sung năng lượng cho cơ thể người bệnh. Đồng thời hai nguyên liệu này còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất giúp thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương bên trong đại tràng. Cách dùng như sau:
- Bạn sử dụng 2 muỗng cà phê tinh bột nghệ, 1 muỗng cà phê mật ong.
- Cho hỗn hợp vào trong ly, khuấy đều với một ít nước ấm.
- Uống ngày hai lần, dùng trước mỗi bữa ăn 30 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dùng nha đam: Nha đam là thảo dược tự nhiên chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể con người. Trong đó đặc biệt là chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất giúp kháng viêm, diệt khuẩn, nhuận tràng,… Nhờ đó giúp người bệnh đẩy lùi được tình trạng viêm loét, phình giãn đại tràng bất thường. Áp dụng theo cách:
- Sử dụng lá nha đam tươi, rửa sạch rồi gọt bỏ vỏ xanh, lấy phần thịt trong suốt.
- Sau đó mang cho vào cối xay nhuyễn, thêm mật ong vào.
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần.
- Mỗi ngày ăn khoảng 1 – 2 muỗng hỗn hợp để giúp việc đại tiện thuận lợi hơn.
Dùng lá mơ lông: Lá mơ lông là một trong những nguyên liệu được sử dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về hệ tiêu hóa, trong đó có bệnh về đại tràng. Bài thuốc dân gian lành tính, an toàn cho nhiều đối tượng khác nhau. Cách làm đơn giản, bạn chỉ cần thái nhỏ khoảng 50g lá mơ lông cùng với lòng đỏ trứng gà, cho thêm vài lát gừng rồi hấp cách thủy. Ăn lá mơ lông hấp trứng gà khi còn nóng, mỗi ngày 1 lần.
Các biện pháp dân gian trên đây được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên bạn nên lưu ý không nên lạm dụng, chỉ sử dụng với liều lượng vừa đủ để tránh gặp phải các phản ứng không mong muốn. Phương pháp có tác dụng chậm, phù hợp hỗ trợ điều trị triệu chứng phình đại tràng nhẹ. Trường hợp nặng nên kết hợp thăm khám y tế để theo dõi và điều trị hiệu quả hơn.
Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt
Bên cạnh các biện pháp điều trị, việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt là vô cùng cần thiết. Theo đó, trong giai đoạn này, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
- Lựa chọn thực phẩm phù hợp, bổ sung cho cơ thể các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất thiết yếu,… như rau xanh và trái cây tươi. Sử dụng với mức độ vừa phải, tránh ăn quá nhiều có thể khiến nguy cơ táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
- Kiêng những món cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn nhiều gia vị. Người bệnh nên kiêng uống rượu bia, thức uống chứa ga,…
- Bổ sung cho cơ thể đủ lượng nước mỗi ngày. Có thể kết hợp dùng nước lọc và các loại nước ép, sinh tố tươi giúp bổ sung thêm dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.
- Tập luyện thể dục, thể thao giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường hoạt động tiêu hóa giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng phình đại tràng.
- Hạn chế thức khuya, tránh làm việc quá sức, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái là “liều thuốc” giúp bạn sớm đẩy lùi các bệnh lý trong cơ thể.
- Thăm khám y tế định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Khi cần thiết các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp can thiệp kiểm soát để hạn chế các rủi ro cho người bệnh.
Phình đại tràng ở người lớn là bệnh lý phổ biến hiện nay, được đánh giá mức độ nguy hiểm không quá cao. Tuy nhiên bạn đọc không nên chủ quan, bởi các triệu chứng do bệnh gây ra kéo dài có nguy cơ phát sinh biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!