Tại Sao Ngủ Nhiều Mà Vẫn Buồn Ngủ? Cơ Thể Đang Mắc Bệnh Gì?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Tại sao ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ? Mệt mỏi uể oải cả ngày là tình trạng chung của rất nhiều người. Nó có thể xuất phát từ chính thói quen sinh hoạt kém khoa học của bạn hoặc cũng có thể là dấu hiệu báo động về một bệnh lý nào đó. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng này trong bài viết dưới đây.
Ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ là gì? Dấu hiệu nhận biết
Ngủ nhiều là ngủ quá nhu cầu mà cơ thể cần đến mức dư thừa. Thông thường, một người bình thường ngủ một giấc kéo dài khoảng 7 – 8 tiếng là đủ để có một sức khỏe toàn diện và tràn đầy năng lượng, tinh thần sảng khoái. Nhưng với những người ngủ nhiều, giấc ngủ của họ có thể kéo dài từ 9 – 10 tiếng hoặc hơn nhưng vẫn cảm thấy buồn ngủ sau khi thức dậy. Tình trạng được gọi là hiện tượng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ.
Tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ chứng tỏ mặc dù thời gian ngủ lâu nhưng lại không chất lượng, ngủ không sâu giấc, ủ rũ, chập chờn, mệt mỏi kèm theo các triệu chứng sau:
- Ngủ dậy bị chóng mặt, mệt mỏi, uể oải và ngáp liên tục.
- Tình trạng buồn ngủ này kéo dài trong suốt cả ngày hôm đó, thậm chí sang những ngày tiếp theo.
- Bị thiếu ngủ gây đau nhức đầu sau khi thức dậy.
- Ngủ ngáy, chập chờn hoặc thở hổn hển.
- Thay đổi tâm trạng, cáu gắt, dễ bị kích động, giảm tập trung và khả năng ghi nhớ.
Nguyên nhân khiến bạn ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ
Tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ xảy ra khác nhau về nguyên nhân và mức độ ở từng người. Nhưng nhìn chung tình trạng này chủ yếu xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau đây:
1. Do thói quen ngủ nướng ở trên giường quá lâu
Ngủ nướng vào buổi sáng là thói quen của rất nhiều người, tuy nhiên thói quen này gây hại nhiều hơn lợi. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người thường xuyên thức khuya làm việc, học tập. Chúng ta thường suy nghĩ việc ngủ nướng trên giường thêm vài phút sẽ chẳng có ảnh hưởng gì, tuy nhiên về lâu dài nó lại trở thành nguyên nhân tàn phá sức khỏe của bạn lúc nào không biết.
Ngủ nướng buổi sáng trong thời gian dài làm cho cơ thể của bạn mệt mỏi, uể oải khi phải “vật vã” với chiếc đồng hồ báo thức. Vì hành động này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bắt buộc cơ thể phải tỉnh táo trong khi cơ thể đang dần chìm lại vào giấc ngủ sâu. Không những vậy, ngủ nướng và thức dậy quá muộn vào buổi sáng khiến cho các cơ bắp không được thư giãn, cản trở quá trình lưu thông máu, dễ bị đau nhức tay chân, khó chịu, uể oải… và buồn ngủ trong cả ngày hôm đó.
2. Bị các yếu tố xung quanh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
Việc bạn phải ngủ trong một môi trường có quá nhiều tiếng ồn lớn như tiếng xe chạy, tiếng ngáy của người khác hoặc phòng ngủ quá sáng, nóng bức hoặc quá lạnh… đều là những nguyên nhân khiến cho giấc ngủ của bạn bị chập chờn, dễ bị gián đoạn và không sâu giấc, nên dù có ngủ lâu ngủ nhiều thì khi thức dậy bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
3. Sử dụng rượu bia, cà phê
Rượu bia là thức uống có cồn khiến bạn có cảm giác buồn ngủ, nhưng trong quá trình ngủ lại không thể ngủ sâu, ngủ chất lượng và sau khi tỉnh dậy bạn sẽ rất đau đầu, mệt mỏi và uể oải. Tương tự sử dụng cà phê cũng như vậy, cà phê có chứa hoạt chất caffein với khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương, duy trì sự tỉnh táo của não bộ dù bạn đang rất mệt và cần nghỉ ngơi và hậu quả là thức dậy trễ với một trạng thái tinh thần rất tệ, buồn ngủ liên tục.
4. Do thiếu nước
Nước chiếm 70% trong cơ thể con người nên khi thiếu nước sẽ rất dễ gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ đột ngột… Thông thường, chỉ khi bị thiếu hụt từ 1 – 2% nước thì cơ thể mới bắt đầu phát đi tín hiệu báo động. Chính vì vậy, để cung cấp đủ nước cho cơ thể, bạn cần uống nhiều nước sau một khoảng thời gian làm việc, không cần chờ đến khi khát mới uống. Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể tùy thích sử dụng nước các loại nước ép trái cây, nước detox, canh, súp…
5. Stress, áp lực lâu ngày
Những người thường xuyên đối với mặt với áp lực, stress từ công việc, các mối quan hệ bất đồng… trong thời gian dài khiến não bộ dần bị tổn thương và gây ra một số bệnh lý về thần kinh, trong đó có rối loạn giấc ngủ, buồn ngủ nhưng không ngủ được hoặc cũng có người ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ… Nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ do stress nếu không được điều trị cải thiện sớm rất nhanh dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu…
6. Nghiện sử dụng thiết bị điện tử
Việc bạn buồn ngủ, mệt mỏi vào sáng hôm sau chủ yếu xuất phát từ giấc ngủ của tối hôm trước. Và một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn rơi vào tình trạng này là do thói quen nghiện sử dụng các thiết bị điện tử thâu đêm. Nguồn ánh sáng xanh và bức xạ từ màn hình điện thoại, máy tính bảng, laptop… làm ức chế hệ thần kinh sản xuất ra hormone melatonin, từ đó không tạo cảm giác buồn ngủ và quấy nhiễu giấc ngủ của bạn.
7. Do thiếu máu
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu như đang trong thời kỳ hành kinh, té ngã chấn thương hoặc thiếu sắt là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ liên tục mặc dù ngủ đủ giấc vào ban đêm. Tình trạng thiếu máu kèm theo ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ rất có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu não.
Vì theo các chuyên gia, sắt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc sản sinh ra hemoglobin có nhiệm vụ vận chuyển và cung cấp dinh dưỡng, oxy trong máu đến các mô tế bào. Chính vì vậy, khi cơ thể bị thiếu sắt sẽ làm gián đoạn quá trình này và gây ra hiện tượng buồn ngủ liên tục.
8. Suy giảm tuyến giáp
Khi mắc phải hội chứng suy giảm tuyến giáp khiến cho người bệnh luôn có cảm giác buồn ngủ và ngủ nhiều, thậm chí có thể ngủ liên tục trong từ 14 – 16 tiếng/ ngày. Theo đó, tuyến giáp là một bộ phận có kích thước nhỏ nằm trong cổ với nhiệm vụ thực hiện quá trình trao đổi chất, chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng.
Chính vì vậy, khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Kèm theo triệu chứng buồn ngủ liên tục là tình trạng suy giảm khả năng tập trung, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp… Nếu phát hiện đầy đủ các triệu chứng này, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.
9. Thừa cân, béo phì
Hầu hết những người bị béo phì thường có nhu cầu ngủ nhiều hơn trong ngày, thường là từ 9 – 10 tiếng so với người bình thường. Nguyên nhân là do người bị béo phì sẽ có lượng mỡ cao trong cơ thể, chúng bắt đầu sản sinh ra một số hợp chất thúc đẩy các cơn buồn ngủ cực độ. Tình trạng này khiến người bệnh mệt mỏi, mất tập trung và lờ đờ trong suốt cả ngày mặc dù buổi tối hôm trước đã ngủ rất nhiều.
10. Bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ. Khi bị tiểu đường, cơ thể sẽ rất dễ mệt mỏi, liên tục cảm thấy đói do các tế bào trong cơ thể không có đủ glucose để tái tạo năng lượng và làm tăng mức đường huyết. Sự thay đổi này khiến cho bạn phải đi tiểu nhiều lần trong đêm, có cảm giác mất nước, khát nước và hay run rẩy, đổ mồ hôi và chóng mặt…
Tất cả những triệu chứng tiểu đường này khiến người bệnh mệt mỏi, giảm chất lượng giấc ngủ mặc dù đã ngủ đủ giấc vào ban đêm gây buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
11. Bị đau cơ mãn tính
Những cơn đau cơ mãn tính diễn ra trong thời gian dài làm sức khỏe của bạn ngày càng diễn tiến tệ đi. Lúc này, bạn sẽ rất khó để kiểm soát mọi hoạt động của mình kèm theo một số triệu chứng như mất ngủ, thiếu ngủ, dễ tỉnh giấc và trầm cảm.
12. Một số bệnh về gan
Những người có chế độ ăn uống kém khoa học, sử dụng nhiều dầu mỡ hoặc đồ uống có cồn trong thời gian dài khiến dần làm suy giảm chức năng gan, từ đó làm mất khả năng dự trữ vitamin, khoáng chất… khiến cơ thể bị thiếu năng lượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao người bị bệnh gan thường xuyên có cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi dù đã ngủ rất nhiều.
13. Thoái hóa thần kinh vận động cột sống
Theo thông tin của các chuyên gia, những người mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ, cụ thể là ở đốt sống cổ thứ 4 khiến cho mọi hoạt động của cơ hoành. Từ đó gây ra tình trạng chóng mặt, ngáp ngủ liên tục, nấc cụt… Ngoài ra, việc nhiễm tia phóng xạ từ các thiết bị máy móc y tế hoặc từ trong không khí… gây ra một số triệu chứng giống như bị say sóng, buồn ngủ liên tục…
14. Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ thường xuyên do đường tiểu bị viêm nhiễm, đau rát, tiểu buốt.
15. Do tác dụng phụ của thuốc
Ngoài thuốc an thần thì một số loại thuốc như thuốc trị bệnh cảm cúm, giảm đau đầu, hạ sốt hay thuốc đặc trị ung thư, huyết áp, tim mạch… cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ nhiều vào ban đêm mà vẫn buồn ngủ vào ban ngày. Nguyên nhân là do trong hầu hết các loại thuốc này có chứa một số thành phần làm ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh bên trong não bộ, từ đó làm giảm khả năng điều hòa giấc ngủ, giảm khả năng tập trung và sự tỉnh táo của người bệnh.
Cách chống lại cơn buồn ngủ đơn giản và hiệu quả
Ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ có thể xuất phát từ việc cơ thể mệt mỏi, kiệt sức hoặc cũng có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nguy hiểm nào đó. Lúc này, nếu sau một thời gian khắc phục và bồi bổ nhưng không phục hồi bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Bạn hoàn toàn có thể nhanh chóng thoát khỏi cơn buồn ngủ bằng một số mẹo sau đây:
1. Đặt báo thức và thức dậy đúng giờ
Để tránh thức dậy trễ giờ bạn nên đặt đồng hồ báo thức, tuy nhiên chỉ nên đặt đúng một lần và thức dậy ngay sau khi chuông báo thức reo lên. Tuyệt đối không nên ngủ nướng và tuân thủ thói quen này để sớm lấy lại nhịp sinh học tự nhiên.
2. Sử dụng caffein đúng cách
Sử dụng caffein vào chiều tối sẽ khiến bạn mất ngủ vào ban đêm, tuy nhiên vào ban ngày chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ caffein vào buổi sáng và đầu giờ chiều sẽ giúp kích thích não bộ, duy trì sự tỉnh táo và tập trung cho người dùng. Ngoài ra, caffein không chỉ có trong cà phê mà còn có trong nhiều loại trà, nước tăng lực… bạn có thể sử dụng tùy thích.
Lưu ý không sử dụng quá mức caffein vì đây là chất gây nghiện, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì, làm hỏng răng… Chỉ được sử dụng các loại thức uống chứa caffein khi bạn không tỉnh táo, buồn ngủ cực độ.
3. Đứng dậy đi dạo
Buồn ngủ nhiều khiến bạn mất tập trung, giảm hiệu suất công việc và học tập. Lúc này, hãy đứng dậy đi dạo khoảng 10 phút để thúc đẩy quá trình cung cấp oxy lên não, đến các mạch máu để nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo. Trung bình sau 60 – 90 phút làm việc, bạn nên đứng dậy đi dạo quanh một lần và trò chuyện với đồng nghiệp để chống lại cơn buồn ngủ.
4. Hít thở không khí và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Các chuyên gia cho biết, nhịp sinh học và chu kỳ giấc ngủ của con người có thể bị tác động bởi ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, khi cảm thấy cơn buồn ngủ đột ngột ập đến, hãy đứng dậy đi ra nơi có ánh sáng và không khí trong lành để đánh thức các giác quan, thúc đẩy sự hoạt động năng suất của não bộ và xua tan cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ.
5. Uống nước đá lạnh
Nước đá lạnh có tác dụng làm giảm đau, cầm máu, giảm sưng, hạ sốt… và đặc biệt nhiệt độ lạnh của đá giúp kích thích sự hoạt động hệ thần kinh. Mỗi lần buồn ngủ hãy uống một ly nước đá để tạo cảm giác thoải mái, tỉnh táo cần thiết xua tan cơn buồn ngủ và cung cấp nước cho cơ thể giảm mệt mỏi. Ngoài uống nước đá bạn cũng có thể rửa mặt, rửa tay chân bằng nước lạnh để tăng sự tỉnh táo.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về việc uống nước đá, tránh sử dụng quá nhiều, đặc biệt trong những ngày nắng nóng để tránh gây hại cho sức khỏe như viêm họng, rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch.
6. Thư giãn mắt
Với những người thường xuyên phải nhìn liên tục vào màn hình máy tính rất dễ gây mỏi mắt và buồn ngủ cực độ. Lúc này, bạn nên dừng công việc đang làm và thực hiện một số mẹo thư giãn mắt sau đây:
- Cách 1: Xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi áp lên đôi mắt.
- Cách 2: Dùng 2 miếng bông gòn thấm nước hoa hồng rồi đắp lên mắt hoặc vẩy một ít nước lạnh lên mặt để giúp mắt thư giãn.
- Cách 3: Dùng một chiếc khăn mỏng thấm nước ấm rồi đắp lên mắt. Cách này có tác dụng làm thư giãn các cơ quang mắt, tránh làm mắt bị khô, giảm sưng đau và căng thẳng mắt.
- Cách 4: Thực hiện các bài tập thúc đẩy tuần hoàn máu lên mắt, giúp mắt linh hoạt hơn. Bạn dùng một cây bút đặt xa mắt và tập trung nhìn vào nó, từ từ đưa cây bút về phía mắt rồi lại đưa ra xa, lặp đi lặp lại khoảng 10 – 15 lần. Hoặc bạn đảo mắt liên tục theo chiều kim đồng hồ sau đó đảo theo chiều ngược lại trong khoảng vài giây. Thực hiện 4 – 5 lần liên tục và vài tiếng làm một lần.
7. Ăn nhẹ một chút đồ ngọt
Tình trạng buồn ngủ xảy ra sau một thời gian tập trung làm việc, học tập khiến cơ thể bạn phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Lúc này, bạn hãy thử ăn một viên kẹo ngọt hoặc bánh quy để cung cấp lại nguồn năng lượng bị thiếu hụt, từ từ tỉnh táo trở lại và làm việc hiệu quả.
Một số cách khắc phục tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ lâu dài
Để khắc phục dứt điểm tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ, bạn nên áp dụng một số cách khôi phục nhịp sinh học tự nhiên giúp ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm:
Chuẩn bị trước khi đi ngủ
- Chọn một chiếc nệm và gối êm ái, chăn gối mềm mại và đủ ấm áp để mang lại chất lượng giấc ngủ tốt nhất. Vì có rất nhiều người ngủ trên chiếc giường kém chất lượng sẽ khiến bạn ngủ không ngon, không sâu giấc và dễ bị gián đoạn, càng ngủ càng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn và sắp xếp đồ đạc trong phòng ngủ cho gọn gàng để tạo cảm giác thoải mái cho cơ thể.
- Chú ý điều chỉnh các yếu tố như âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ, cụ thể đầu tư lắp màn rèm cửa để điều tiết ánh sáng, vặn nhỏ đèn khi ngủ vào ban đêm, đóng kín cửa và đảm bảo tường cách âm để chống tiếng ồn và điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ.
- Tắm nước ấm sẽ giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể từ từ, gây buồn ngủ nhanh và giúp bạn ngủ ngon hơn. Hoặc bạn cũng có thể ngâm chân vào nước ấm để tác động lên các huyệt đạo, kích thích hệ thần kinh, xoa dịu não bộ và cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon đến sáng mà không bị gián đoạn.
- Uống một ly sữa ấm hoặc một ly trà thảo mộc sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm. Trong sữa hoặc trà thảo mộc có chứa hàm lượng cao tryptophan và peptide làm giảm căng thẳng, tăng sản xuất hormone melatonin tạo giấc ngủ ngon.
- Sử dụng máy xông tinh dầu để tạo hương thơm lan tỏa khắp phòng. Hương thơm sẽ giúp tác động đến hệ thần kinh, xoa dịu não bộ và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Xây dựng lối sống lành mạnh
- Tạo thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ và thức vào đúng một khung giờ cố định. Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ ngày, không thức khuya, không ngủ nướng vào buổi sáng dù là cuối tuần.
- Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước giờ đi ngủ.
- Không ăn quá no và cũng không để bụng đói trước khi đi ngủ và chọn lựa những loại thực phẩm lành tính như ngũ cốc, rau xanh, trái cây, thức ăn chế biến đơn giản, không chứa nhiều dầu mỡ để tránh gây ra sự khó chịu cho hệ tiêu hóa dẫn đến mất ngủ, khó ngủ.
- Tập thể dục, vận động hằng ngày là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe toàn diện và cũng là cách để bạn ngủ ngon, sâu giấc hơn vào ban đêm, tránh mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày.
- Dành khoảng 20 – 30 phút để ngủ trưa nhằm phục hồi năng lượng, duy trì sự tỉnh táo và xua tan cơn buồn ngủ, mệt mỏi. Ngủ trưa đầy đủ sẽ giúp giấc ngủ ban đêm chất lượng hơn.
Tình trạng ngủ nhiều mà vẫn buồn ngủ rất phổ biến, xảy ra do nhiều nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nếu các triệu chứng diễn ra trong thời gian dài không phục hồi, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán tìm ra nguyên nhân và điều trị theo hướng phù hợp, an toàn nhất.
Xem Thêm:
- Buồn Ngủ Nhưng Không Ngủ Được Là Bệnh Gì? Nên Làm Gì?
- Cơ Thể Lúc Nào Cũng Buồn Ngủ Mệt Mỏi Là Bệnh Gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!