Thiếu Ngủ Nhức Đầu Do Đâu? Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Thiếu ngủ gây nhức đầu là vấn đề phổ biến rất nhiều người gặp phải, từ người lớn tuổi đến người trẻ vì nhiều lý do khác nhau. Tình trạng khiến người bệnh lo lắng không biết đây có phải là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm nào hay không? Cách khắc phục như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mối liên hệ giữa thiếu ngủ và đau nhức đầu?
Theo một số nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tình trạng thiếu ngủ và chứng đau nửa đầu. Theo đó, những người gặp phải các vấn đề rối loạn giấc ngủ như thiếu ngủ, mất ngủ, khó ngủ, dễ thức giấc thường dễ bị đau nhức đầu sau khi tỉnh dậy và thậm chí có thể kéo dài trong nhiều ngày sau đó.
Lý giải vấn đề này là do trong não bộ có chứa một số chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ điều hòa chu kỳ giấc ngủ bằng cách sản sinh ra hormone serotonin giúp ổn định nhịp sinh học, duy trì chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, khi thiếu ngủ, mất ngủ khiến cho hoạt động hóa học trong não, các mạch máu và dây thần kinh xung quanh hộp sọ bị chèn ép, hoạt động trì trệ dẫn đến chứng đau đầu nguyên phát.
Một số nguyên nhân gây đau nhức đầu nguyên phát từ việc thiếu ngủ chủ yếu xuất phát từ các yếu tố lối sống kém khoa học như:
- Tinh thần căng thẳng, buồn phiền và áp lực trong công việc, các mối quan hệ.
- Nghiện rượu bia hoặc các loại thức uống có chứa caffein.
- Chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi không khoa học, ngủ ngày thức đêm, ăn uống không đủ bữa, thiếu hụt chất dinh dưỡng…
- Không gian ngủ không thích hợp, ánh sáng mạnh, ồn ào, quá nóng hoặc quá lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột.
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc lợi tiểu, dị ứng, cảm cúm… cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, thiếu ngủ nhức đầu.
Ngoài những nguyên nhân này, tình trạng thiếu ngủ nhức đầu còn có thể xuất phát từ yếu tố di truyền, thường xảy ra đối với trẻ em và trẻ vị thành niên. Theo đó, nếu cả bố và mẹ đều có tiền sử mắc bệnh này thì trẻ chào đời sẽ mang gen mắc bệnh với tỷ lệ lên đến 70%.
Bên cạnh đó, những người làm việc văn phòng, phải tiếp xúc với máy tính thường xuyên, phụ nữ đang trong giai đoạn thay đổi hormone sinh dục… cũng là những đối tượng dễ bị gây ra mệt mỏi, thiếu ngủ và đau đầu.
Thiếu ngủ nhức đầu là dấu hiệu bệnh gì?
Thiếu ngủ nhức đầu là tình trạng trằn trọc khó ngủ, ngủ không ngon, không sâu giấc, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm kèm theo trạng thái mệt mỏi, uể oải, đau đầu khó chịu. Tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà tình trạng thiếu ngủ gây đau đầu chỉ thoáng qua, diễn ra trong thời gian ngắn hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:
- Mất ngủ kinh niên: Bị thiếu ngủ kéo dài, đau đầu liên tục từ ngày này qua ngày khác, tái phát liên tục trong hơn 3 tháng trở lên chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc chứng mất ngủ kinh niên.
- Bệnh đau nửa đầu: Những cơn đau nửa đầu xuất phát từ việc các dây thần kinh bị kích thích, dẫn đến đau nhức dữ dội. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như đột quỵ não, suy giảm thị lực.
- Thiếu máu lên não: Đây là tình trạng quá trình lưu thông máu bị trì trệ khiến não bộ bị thiếu oxy và dưỡng chất thiết yếu. Từ đó làm cho các tế bào thần kinh bị thiếu năng lượng và suy giảm chức năng.
- Huyết áp tăng cao đột ngột: Triệu chứng mất ngủ, thiếu ngủ kèm theo đau nhức đầu có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh cao huyết áp. Tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột khiến cho quá trình lưu thông máu bị rối loạn, thậm chí gián đoạn rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Suy nhược thần kinh: Những người phải chịu những rối loạn áp lực quá lớn trong suốt một thời gian dài sẽ khiến cho cơ thể dần bị suy nhược, não bộ kiệt quệ dẫn đến thiếu ngủ, mất ngủ, khó ngủ, tim đập nhanh, giảm tập trung, giảm trí nhớ.
- Bệnh tiểu đường: Phần lớn người bệnh tiểu đường lâu ngày không điều trị đúng cách cũng dễ thiếu ngủ, mệt mỏi, đau đầu.
- U não: Thiếu ngủ gây đau đầu do u não khá hiếm gặp, đây là tình trạng xuất hiện khối u trong não bộ, chèn ép lên các dây thần kinh, làm cho trung khu thần kinh bị ức chế hoạt động và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Dị dạng mạch máu: Một số bệnh lý dị dạng mạch máu hay dị dạng động tĩnh mạch (AVM) là một bệnh khá hiếm gặp tuy nhiên lại rất nguy hiểm. Bệnh gây ra hàng loạt các triệu chứng về thần kinh, như đau đầu, mất ngủ, giảm lượng máu lẹn não, xuất huyết hoặc làm cho động tĩnh mạch bị vỡ, bị phình.
- Rối loạn khớp thái dương hàm: Đây cũng là một trong những bệnh lý được biểu hiện với các triệu chứng thiếu ngủ, khó ngủ, ù tai, đau đầu. Theo đó, các khớp thái dương hàm được kết nối với hộp sọ nằm ở trước tai, mỏng manh và dễ bị viêm khi người bệnh thực hiện các động tác nghiến răng hoặc bị chấn thương hàm.
- Một số bệnh lý về tinh thần: Giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề tinh thần. Khi thiếu ngủ lâu ngày, đau nhức đầu liên tục và không được cải thiện sớm sẽ khiến cho não bộ bị ảnh hưởng, làm tăng hormone căng thẳng, dẫn đến các bệnh lý rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý…
Các triệu chứng nguy hiểm khi bị thiếu ngủ đau đầu
Hầu hết các trường hợp bị thiếu ngủ, đau nhức đầu nhẹ thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và biến mất sau khi người bệnh nghỉ ngơi, thả lỏng. Tuy nhiên, nếu gặp phải các triệu chứng sau đây, người bệnh cần chú ý và đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.
- Trằn trọc khó ngủ, thiếu ngủ, mất ngủ nhiều đêm nhiều liên tục, dễ thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại.
- Cơn đau đầu đến đột ngột, càng ngày càng đau nhiều hơn, thậm chí đến mức không thể chịu được.
- Cơn đau đầu có thể kèm theo sốt cao hoặc cứng cổ, căng cơ, tay chân yếu, mờ mắt, tê bì chân tay…
- Nặng hơn nữa có thể dẫn đến co giật, lú lẫn, ngất xỉu hoặc thay đổi tính cách.
- Cơn đau đầu thường xuất hiện khi vừa ngủ dậy hoặc sau khi tập thể dục, bị chấn thương nhẹ.
- …
Nếu tình trạng thiếu ngủ và đau đầu cứ liên tục xuất hiện và ngày càng có xu hướng tăng nặng hơn, làm suy giảm sức khỏe và gây cản trở hoạt động, sinh hoạt bình thường hằng ngày, tốt nhất người bệnh cần sớm thăm khám tại các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để xác định chính xác tình trạng thiếu ngủ gây đau đầu là do nguyên nhân nào gây ra, bác sĩ thường chỉ định cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp X – quang hộp sọ, cột sống cổ, xoang;
- Chụp CT hoặc MRI vùng đầu;
- Chụp động mạch não;
- Ghi điện não;
- Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu;
- Chọc dò tủy sống;
- …
Cách điều trị khắc phục tình trạng thiếu ngủ nhức đầu
Trên thực tế, tình trạng thiếu ngủ nhức đầu xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, có thể là do các yếu tố sinh hoạt hoặc bệnh lý nên tùy từng trường hợp mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Với những trường hợp bị bệnh nặng, các triệu chứng có biểu hiện nghiêm trọng và kéo dài, tốt nhất người bệnh nên thăm khám tại bệnh viện để được kiểm tra chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp y khoa hiệu quả. Còn với những trường hợp bệnh nhẹ, xuất phát từ những thói quen sinh hoạt kém khoa học hoặc các yếu tố tác động từ bên ngoài làm rối loạn nhịp sinh học nên áp dụng các mẹo đơn giản tại nhà là tốt nhất.
Dưới đây là một số phương pháp khắc phục tình trạng thiếu ngủ gây đau đầu:
1. Uống thuốc Tây
Bị thiếu ngủ nhức đầu kéo dài từ ngày này sang ngày khác, ban đêm mất ngủ, ban ngày đau đầu, mệt mỏi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm ít nhiều đến chất lượng công việc, học tập của nhiều người. Vì vậy, để giảm nhanh các triệu chứng này, bác sĩ thường tư vấn cho người bệnh sử dụng thuốc Tây. Một số loại thuốc thường được dùng phổ biến như:
- Nhóm thuốc giảm đau: Thuốc có tác dụng giảm đau nhanh chóng và thúc đẩy cơn buồn ngủ đến nhanh hơn. Một số loại giảm đau thường dùng như Paracetamol, Aspirin, Cinnarizin, Ibuprofen…
- Nhóm thuốc ngủ: Loại thuốc này có tác dụng gây ngủ mạnh, tức thì với một số loại phổ biến như Diazepam, Phenobarbital, bromazepam, Eszopiclone, Pentobarbital,… Tuy nhiên, cần hết sức tuân thủ liều dụng nhóm thuốc này theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc khá mạnh nên gây ra rất nhiều tác dụng phụ khác nhau.
Lưu ý: Sử dụng thuốc Tây trị chứng thiếu ngủ, mất ngủ và giảm đau đầu nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, song song với đó thuốc Tây lại tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ khi người bệnh lạm dụng thuốc quá mức như nhờn thuốc, nghiện thuốc, suy chức năng gan, thận, tim mạch, hệ tiêu hóa…Vì vậy, cần phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng cho bác sĩ chỉ định.
2. Châm cứu
Châm cứu là một trong những biện pháp trị bệnh theo y học cổ truyền và đem lại công dụng chữa nhiều bệnh lý hiệu quả. Châm cứu giúp tác động lên các huyệt đạo liên kết với hệ thần kinh, làm giảm căng thẳng, xoa dịu não bộ, xua tan mệt mỏi và kích thích sự lưu thông tuần hoàn máu, từ đó giúp giảm đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả.
3. Chườm lạnh
Chườm lạnh hay liệu pháp lạnh là một trong những phương pháp điều trị thay thế góp phần làm giảm cơn đau đầu hiệu quả, đơn giản được nhiều người áp dụng. Chỉ cần dành khoảng 5 – 10 phút/ ngày chườm lạnh trên đầu sẽ giúp đẩy lùi cơn đau nhanh chóng. Lưu ý phương pháp này chỉ mang tính chất hỗ trợ, không có khả năng điều trị bệnh tận gốc. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý không chườm đá lạnh trực tiếp lên da mà phải bọc vào miếng vải để tránh gây bỏng lạnh.
4. Sử dụng trà thảo mộc
Một trong những cách đơn giản nhất để giúp ngủ ngon, sâu giấc và không bị gián đoạn, hỗ trợ giảm đau đầu hiệu quả đó là sử dụng các loại trà thảo mộc. Một số loại trà thảo mộc được nhiều người yêu thích như trà hoa cúc, hoa oải hương, trà tam thất, trà saffron, trà hoa hòe, trà chanh bạc hà, trà xanh… Đặc điểm chung của các loại trà này là tác động đến hệ thần kinh, xoa dịu não bộ, giảm stress, giả đau đầu và giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ ngon, kéo dài liền mạch đến sáng.
Cách thực hiện phương pháp này cũng rất đơn giản, chỉ cần vài phút pha trà là bạn đã có thể hoàn thành ly nước trà thảo mộc thơm ngon. Không những vậy, áp dụng phương pháp này cũng rất an toàn, lành tính, hầu như không gây ra bất kỳ tác dụng phụ cho người sử dụng. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể sử dụng trong thời gian dài cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.
5. Liệu pháp mùi hương
Hương thơm từ các loại tinh dầu có nguồn gốc từ thiên nhiên được các chuyên gia chứng minh có thể giúp bạn trở nên thoải mái hơn, hỗ trợ giảm đau đầu và cải thiện hiệu quả chất lượng giấc ngủ. Một số loại tinh dầu được nhiều người yêu thích như tinh dầu bạc hà, tinh dầu húng quế, tinh dầu hoa oải hương… Bạn có thể sử dụng tinh dầu theo nhiều cách khác nhau như: nhỏ vài giọt lên gối nệm, xoa vào hai bên thái dương, dùng máy xông tinh dầu hoặc nhỏ vào bồn tắm để tắm…
6. Bổ sung các loại thực phẩm giúp dễ ngủ
Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ chính là chế độ dinh dưỡng. Vì vậy, để cải thiện chứng thiếu ngủ, mất ngủ và đau đầu, bạn cần chú ý một số nguyên tắc về dinh dưỡng sau:
- Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, canxi, omega-3, magie… Đây đều là những chất khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành các loại hormone an thần, tạo giấc ngủ ngon và sâu. Một số loại thực phẩm nên ăn như các loại rau màu xanh thẫm, bông cải xanh, cải bó xôi, hạt sen, hạt hạnh như, cá hồi, các loại thịt đỏ, chuối, kiwi, sữa… Những loại thực phẩm này còn hỗ trợ tốt cho quá trình tiêu hóa, không gây ra đầy hơi khó chịu và giúp ngủ ngon hơn.
- Lưu ý chỉ nên ăn các loại thực phẩm này vào buổi sáng và buổi trưa, tránh ăn quá nhiều vào buổi tối. Bữa ăn tối chỉ nên ăn thanh đạm, số lượng ít và tuyệt đối không nên ăn gì vào sát giờ đi ngủ để tránh làm tăng nặng các triệu chứng mất ngủ.
- Trong quá trình cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm đau đầu, bạn tuyệt đối không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu bia, thuốc lá…, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
7. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn
Các bài tập yoga, thiền định hay tập hít thở là những kỹ thuật cơ bản giúp bạn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, hỗ trợ kiểm soát cơn đau và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên áp dụng các kỹ thuật thư giãn, yoga, thiền định trong vòng 3 tháng liên tục sẽ làm giảm đáng kể tần suất xuất hiện cơn đau đầu, ngủ ngon hơn vào ban đêm tốt hơn so với những người không tập.
Mỗi ngày, bạn nên dành khoảng 15 – 30 phút để tập luyện, ưu tiên chọn những nơi sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh. Hướng dẫn cách thực hiện bài tập yoga cơ bản giảm đau đầu, cải thiện chất lượng giấc ngủ như sau:
- Ngồi thẳng lưng trên thảm, xếp bằng hai chân, đặt hờ hai tay lên 2 bên đùi, mắt nhắm hờ.
- Đầu hướng về phía trước, miệng khép tự nhiên và lưỡi chạm vào hàm để tránh gây khô miệng.
- Hai vai hơi hạ xuống và thả lỏng hết mức, lúc này bạn hãy hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Tập trung tịnh tâm và suy nghĩ tưởng tượng về những điều khiến bạn yêu thích, hạnh phúc.
Ngoài bài tập yoga này, bạn cũng có thể chọn lựa các bộ môn thể thao khác như đi bộ, bơi lội, đạp xe… Đây là những bộ môn vừa giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng vừa giúp giảm đau, cải thiện giấc ngủ hiệu quả vì kích thích cơ thể sản sinh ra hormone dopamine. Tuy nhiên, lưu ý trước khi tập luyện cần chú ý khởi động kỹ và tập vừa sức để tránh gây chấn thương, căng cơ, đau nhức sau khi tập.
8. Ngâm chân nước ấm
Trước khi đi ngủ bạn có thể ngâm chân vào nước ấm, nhiệt độ ấm nóng của nước sẽ giúp bạn thư giãn, thả lỏng cơ thể và dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ. Đồng thời, não bộ được giải phóng căng thẳng, loại bỏ đau đầu hiệu quả. Bạn có thể ngâm chân nước ấm pha muối, gừng tươi hoặc tinh dầu để đạt hiệu quả tốt nhất.
9. Vệ sinh giấc ngủ
Các chuyên gia cho biết tình trạng khó ngủ, mất ngủ, thiếu ngủ có thể được cải thiện hiệu quả thông qua các biện pháp vệ sinh giấc ngủ. Đây là một thuật ngữ được dùng để nói đến các hình thức như thực hiện lịch thức ngủ đều đặn, khi ngủ phải điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, hoàn toàn không để yếu nào nào tác động gây xao nhãng đến giấc ngủ như âm thanh của điện thoại, máy tính, tivi…
Gợi ý cách để hạn chế tình trạng thiếu ngủ nhức đầu
Để phòng tránh xảy ra hoặc tái phát tình trạng thiếu ngủ và giảm thiểu các cơn đau nhức đầu khó chịu, tốt nhất bạn cần chủ động từ bỏ những thói quen xấu và duy trì thực hiện những thói quen sinh hoạt khoa học. Điển hình như một số cách sau đây:
- Tuân thủ ngủ đúng giờ, đúng giấc: Hãy xây dựng một khung giờ ngủ – thức khoa học và tuân theo nó một cách tuyệt đối, kể cả vào ngày nghỉ. Chỉ cần duy trì thực hiện được điều này, cơ thể bạn sẽ quen với đồng hồ sinh học tự nhiên, khỏe khoắn tràn đầy năng lượng vào ban ngày và ngủ ngon vào ban đêm.
- Tư thế nằm ngủ đúng: Tư thế ngủ tốt nhất được các chuyên gia khuyến khích thực hiện là nằm ngửa và nằm nghiêng sang trái. Tránh nằm úp sấp để tránh gây chèn ép lên các cơ quan nội tạng như tim, phổi và gây khó khăn trong việc hít thở.
- Tạo không gian phòng ngủ thoải mái: Điều chỉnh nhiệt độ, âm thanh và ánh sáng sao cho phù hợp, mát mẻ, yên tĩnh và tắt hết đèn. Đây là những báo hiệu để cơ thể biết được đã đến giờ đi ngủ. Ngoài ra, phòng ngủ cần được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, nệm mềm êm ái và gối có độ cao vừa phải.
- Tuân thủ thói quen sống khoa học, thoải mái: Ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết tốt cho giấc ngủ và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để cơ thể luôn khỏe mạnh, giấc ngủ về đêm chất lượng. Bên cạnh đó, hãy tạo thói quen uống nhiều nước để cơ thể hoạt động năng suất mà không bị thiếu nước dẫn đến khó ngủ, mệt mỏi, choáng váng, đau đầu.
- Tránh sử dụng các chất kích thích: Trước giờ đi ngủ, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích chứa caffein, cồn như cà phê, rượu, bia… để tránh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Có thể thấy, thiếu ngủ nhức đầu là tình trạng không hiếm gặp và cũng không quá khó để khắc phục điều trị nếu bạn biết cách. Hãy chủ động thăm khám điều trị để lấy lại giấc ngủ ngon và sâu để đảm bảo duy trì một sức khỏe tốt nhất, phòng ngừa bệnh tật.
Xem Thêm:
- Thiếu Ngủ Chóng Mặt Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa
- Những Tác Hại Của Thiếu Ngủ Chớ Nên Xem Thường
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!