Viêm Họng Mủ Ở Trẻ Em: Cách Chăm Sóc Và Điều Trị
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm họng có mủ ở trẻ em xảy ra chủ yếu do virus, vi khuẩn khiến niêm mạc họng bị viêm kéo dài và hình thành các hạt và mảng mủ. Bệnh lý nếu không được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nguyên nhân gây viêm họng mủ ở trẻ em
Viêm họng mủ đề cập đến tình trạng viêm trong thời gian dài khiến niêm mạc họng phình to và hình thành các hạt, mảng mủ. Bệnh lý có thể ảnh hưởng đến nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau, trong đó thường xảy ra ở trẻ em. Bởi đây là đối tượng có hệ miễn dịch và sức đề kháng chưa hoàn thiện, rất dễ bị tác động bởi các vi khuẩn, virus gây hại.
Bệnh viêm họng mủ ở trẻ em có thể khởi phát bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Trong đó, tình trạng viêm nhiễm do vi khuẩn, virus tấn công được xem là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây bùng phát bệnh lý.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra viêm họng có mủ ở trẻ em:
- Vi khuẩn: Đây được xem là tác nhân chính gây ra bệnh viêm họng mủ và viêm họng mủ ở trẻ em, chủ yếu là do liên cầu khuẩn – Streptococcus pyogenes. Vi khuẩn này thường xâm nhập và phát triển ở đường hô hấp trên dẫn đến nhiễm trùng niêm mạc họng. Kế đến chúng sẽ trú ngụ tại cổ họng và sinh sôi gây xuất hiện dịch mủ.
- Do virus: Tình trạng viêm họng có mủ khởi phát do virus thường xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như cảm cúm, cảm lạnh, thuỷ đậu, bệnh sởi,…
Ngoài ra, bệnh lý cũng có thể bùng phát bởi một số yếu tố nguy cơ như:
- Trẻ nói nhiều hoặc thường xuyên la hét
- Sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp hoặc ngủ trong phòng có điều hoà thường xuyên khiến cổ họng trẻ bị khô
- Chế độ ăn uống không khoa học, lành mạnh, thường xuyên ăn bánh kẹo, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng,…
- Trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung vật dụng với người mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Trẻ vệ sinh răng miệng không đúng cách, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn, virus tấn công và gây viêm nhiễm niêm mạc họng.
- Thường xuyên tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, kích ứng như phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, mạt bụi,…
- Sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện cũng được xem là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, trong đó có viêm họng mủ.
Dấu hiệu nhận biết viêm họng mủ ở trẻ em
Các biểu hiện bệnh viêm họng mủ ở trẻ em thường kéo dài dai dẳng và dễ nhận biết. Bệnh thường khó kiểm soát hoàn toàn và có xu hướng tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Do đó, bên cạnh can thiệp biện pháp y tế, ba mẹ cần chủ động áp dụng một số biện pháp hỗ trợ điều trị và chăm sóc tại nhà để kiểm soát bệnh lý hiệu quả.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm họng có mủ ở trẻ:
- Khi quan sát sẽ thấy vùng niêm mạc họng của trẻ bị đỏ, xuất hiện mủ trắng ở thành họng, trên amidan.
- Trẻ có thể bị ho khan, sau chuyển thành ho có đờm, bị ho húng hắng và sau đó có thể ho dữ dội
- Cảm giác đau rát ở cổ họng, nhất là khi ăn uống hoặc nuốt nước bọt
- Hơi thở có mùi hôi, có thể chảy cả nước dãi
- Viêm họng có mủ ở trẻ có thể gây sốt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa
- Trên đầu có thể xuất hiện các ban đỏ và sần
- Đối với trẻ 2 tuổi: Có thể thể hiện biểu hiện đau rát, quấy khóc, bỏ ăn, chán ăn
Trẻ bị viêm họng mủ có nguy hiểm không?
Viêm họng mủ ở trẻ em là một trường hợp của bệnh viêm họng mãn tính. Bệnh lý có đặc tính kéo dài dai dẳng, dễ tái phát và có mức độ nghiêm trọng hơn so với viêm họng cấp. Thực tế cho thấy, đa số các trường hợp mắc bệnh đều do viêm nhiễm virus và vi khuẩn.
Việc tích cực điều trị và chăm sóc đúng các có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh lý nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 12 tháng tuổi thường có miễn dịch kém nên tình trạng bệnh lý thường diễn tiến nặng nề có thể dẫn đến suy hô hấp, sốt cao, thậm chí là co giật.
Đối với những trẻ lớn hơn, các triệu chứng bệnh thường ở mức độ nhẹ và có hiếm khi chuyển biến theo chiều hướng xấu. Tuỳ thuộc vào mức độ triệu chứng và thể trạng của từng trường hợp mà bệnh viêm họng mủ sẽ được kiểm soát sau 10 – 15 ngày. Mặc dù vậy, ba mẹ không nên chủ quan khi nhận thấy các biểu hiện của bệnh lý.
Một số trường hợp trẻ bị viêm họng mủ kéo dài, không được chăm sóc và đúng cách có thể gây ra các biến chứng nặng nề như viêm tai giữa, viêm khớp, áp xe quanh amidan, viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết, viêm tấy thành bên họng/ hạch dưới hàm,… Chình vì vậy, ba mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Cách chăm sóc và điều trị trẻ bị viêm họng mủ
Các biện pháp điều trị bệnh viêm họng mủ ở trẻ em thường được chỉ định dựa vào nguyên nhân khởi phát, mức độ triệu chứng và thể trạng của từng trường hợp. Để kiểm soát các triệu chứng bệnh lý hoàn toàn, cần kết hợp biện pháp y tế theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và chăm sóc đúng cách.
Dưới đây là một số biện pháp khắc phục bệnh viêm họng có mủ ở trẻ em:
1. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Việc sử dụng thuốc cải thiện triệu chứng viêm họng có mủ thường áp dụng với những trường hợp khởi phát do nhiễm virus. Nếu xảy ra do vi khuẩn, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, đồng thời ngăn ngừa phát sinh biến chứng. Ngoài ra, một số trẻ có đề kháng, hệ miễn dịch kém và bội nhiễm vi khuẩn cũng sẽ được chỉ định dùng kháng sinh từ 7 – 10 ngày.
Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị viêm họng mủ ở trẻ em, bao gồm:
- Kháng sinh: Kháng sinh thường được chỉ định với những trường hợp bị viêm họng mủ xảy ra do liên cầu khuẩn hoặc có dấu hiệu bội nhiễm. Tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định kháng sinh ở dạng siro uống hoặc dạng tiêm. Thuốc thường được sử dụng trong vòng 7 – 10 ngày để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, đồng thời ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Những trường hợp bị viêm họng có mủ gây sốt, đau rát cổ họng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc cải thiện. Thông thường, bác sĩ thường chỉ định Paracetamol ở dạng bọt sủi hoặc siro để kiểm soát triệu chứng bệnh lý. Nếu trẻ bị nôn mửa, không thể dùng thuốc, có thể sử dụng thuốc ở dạng đặt để thay thế.
- Siro trị ho từ thảo dược: Các triệu chứng bệnh lý viêm họng có mủ thường khởi phát ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong độ tuổi này, việc sử dụng thuốc long đờm, giảm ho và kháng histamin H1 có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định dùng siro ho được điều chế từ thảo dược nhằm cải thiện các triệu chứng do viêm họng mủ gây ra.
Trong điều trị viêm họng mủ ở trẻ em, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định thuốc trị ho từ thảo dược, hạ sốt, giảm đau và kháng sinh (trường hợp cần thiết). Những loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc ức chế ho, thuốc long đờm, thuốc kháng histamin H1,… chỉ được dùng cho trẻ lớn hơn do rủi ro thường cao hơn lợi ích mang lại.
2. Một số biện pháp hỗ trợ
Thực tế cho thấy, bệnh viêm họng mủ ở trẻ em khởi phát bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Bệnh có đặc tính kéo dài dai dẳng và tiến triển nặng nề khi gặp các yếu tố thuận lợi. Do đó, song song với sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, ba mẹ cần chủ động áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để rút ngắn thời gian điều trị.
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng mủ ở trẻ em:
- Sử dụng nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý có tác dụng cải thiện tình trạng khô rát họng, làm loãng dịch đờm và làm loại bỏ vi khuẩn, vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Do đó, ba mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý cho trẻ súc miệng, súc họng hàng ngày để cải thiện triệu chứng bệnh lý.
- Chườm mát: Bên cạnh sử dụng thuốc hạ sốt, ba mẹ có thể cải thiện tình trạng sốt bằng cách chườm mát ở nách, bẹn, cổ cho trẻ. Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ uống nhiều nước ấm, mặc quần áo thông thoáng. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú sữa nhằm bổ sung chất lỏng và kháng thể cho cơ thể.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm có tác dụng tăng cường độ ẩm trong không, từ đó giúp làm dịu niêm mạc mũi và họng của trẻ, từ đó hạn chế tình trạng khô rát họng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thiết bị tạo độ ẩm, bạn cần làm sạch không gian sống nhằm loại bỏ dị nguyên và nấm mốc trong không khí.
- Tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để cải thiện: Đối với trẻ em trên 2 tuổi, bạn có thể áp dụng một số cách chữa viêm họng có mủ để làm giảm tình trạng đau rát, tiêu đờm, giảm ho. Một số mẹo chữa có độ an toàn và hiệu quả cao như tắc chưng mật ong, hẹ hấp đường phèn, trà hoa cúc, nước chanh ấm,…
3. Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng mủ
Song song với các biện pháp làm giảm triệu chứng, ba mẹ cần chăm sóc trẻ giúp nâng đỡ thể trạng trong quá trình điều trị viêm họng. Việc áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng cách giúp giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng, nhờ đó cải thiện nhanh các triệu chứng ho dai dẳng, sốt, ứ đờm,…
Cách chăm sóc trẻ bị viêm họng có mủ:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước ấm nhằm làm dịu cổ họng, giảm đau rát, long đờm, đồng thời làm loãng dịch tiết. Ngoài nước lọc, bạn có thể cho trẻ dùng thêm nước ép rau củ, trái cây tươi giúp bổ sung khoáng chất, vitamin cho cơ thể.
- Để hạn chế tình trạng đau rát họng, bạn nên cho trẻ dùng các món ăn có kết cấu mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, canh, bún mềm, ấm, chứa ít gia vị. Tránh để trẻ dùng bánh kẹo, snack, nước có gas, kem lạnh. Những thực phẩm và thức uống này có thể làm tăng cơn ho, tiết dịch đờm, hình thành các mảng mủ và khiến bệnh lý tiến triển dai dẳng.
- Để trẻ nghỉ ngơi tại nhà trong thời gian điều trị bệnh lý giúp phục hồi thể trạng, đồng thời tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C và kẽm dồi dào giúp cải thiện miễn dịch, nâng cao thể trạng.
- Nếu trẻ sốt cao, bạn có thể dùng dung dịch Oresol giúp bù nước. Tuy nhiên, không dạm dụng vì có thể gây rối loạn điện giải ở trẻ.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách và súc miệng, họng với nước muối ấm.
Các biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm họng mủ hiệu quả
Viêm họng mủ là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến ở trẻ em. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bệnh lý rất dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.
Do đó, sau điều trị, ba mẹ cần cho trẻ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như sau:
- Tiêm các loại vắc xin cần thiết cho trẻ nhỏ như vắc xin viêm phổi, vắc xin ngừa ho gà, vắc xin sởi, cúm,… Việc tiêm ngừa các bệnh lý này có thể hạn chế được nguy cơ bị viêm họng đáng kể.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và dùng máy lọc không khí nhằm đảm bảo môi trường sống của trẻ trong lành. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh đường hô hấp hiện có xu hướng tăng đáng kể do môi trường ô nhiễm. Do đó, việc sử dụng máy móc không khí nếu gia đình có trẻ em là vấn đề nên được cân nhắc.
- Trẻ em thường có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Do đó, cần đảm bảo nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu để bảo vệ trẻ trước những tác nhân gây hại từ môi trường.
- Cần vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ thường xuyên với nước muối sinh lý khoảng 2 lần/ tuần nhằm ngăn ngừa vi khuẩn, virus và các chất gây dị ứng, kích ứng xâm nhập vào niêm mạc họng.
- Chú ý giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh và tránh để trẻ đến những nơi đông người, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa đông – xuân.
- Với những trường hợp trẻ từ 2 – 3 tuổi trở lên, ba mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, đồng thời thiết lập chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng. Từ đó, giảm thiểu được nguy cơ bị viêm họng mủ và một số bệnh viêm nhiễm hô hấp.
- Không để trẻ tiếp xúc với người mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Khi trẻ mắc bệnh, ba mẹ nên để trẻ ở nhà nghỉ ngơi để hạn chế lây nhiễm cho những trẻ khác.
Viêm họng có mủ ở trẻ em có mức độ nghiêm trọng hơn so với viêm họng cấp. Bệnh nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Do đó, khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và xử lý đúng cách.
Xem Thêm:
- Trẻ Sơ Sinh Bị Viêm Họng: Cách Chăm Sóc, Điều Trị Và Phòng Ngừa
- Bé Viêm Họng Sốt Cao Liên Tục: Nên Đi Khám Ngay
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!