Thuốc Chữa Rối Loạn Tiền Đình

Thuốc kháng Histamin như Cinnarizin, Dimenhydrinate, Promethazine và Flunarizin thường được sử dụng để kiểm soát và giảm triệu chứng rối loạn tiền đình, bao gồm chóng mặt, ù tai, và hoa mắt. Dưới đây là một số thông tin rút gọn về các loại thuốc này:

  1. Cinnarizin:
    • Liều lượng: Người lớn: 1 viên/lần, 3 lần/ngày; Trẻ em 5-12 tuổi: ½ liều người lớn.
    • Chỉ định: Điều trị rối loạn tiền đình với các triệu chứng chóng mặt, ù tai, hoa mắt, nôn/buồn nôn.
    • Tác dụng phụ: Rối loạn tiêu hoá, buồn ngủ, gây đau thượng vị.
  2. Dimenhydrinate:
    • Liều lượng: 25-50mg/lần, 3 lần/ngày.
    • Chỉ định: Điều trị triệu chứng nôn, chóng mặt ở bệnh nhân Ménière và rối loạn tiền đình.
    • Tác dụng phụ: Buồn ngủ kèm hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
  3. Promethazine:
    • Liều lượng: 25mg/lần, 2-5 ngày.
    • Chỉ định: Giảm đau/an thần, chống nôn.
    • Tác dụng phụ: Ngủ gà, mắt mờ, chóng mặt, tiểu buốt.
  4. Flunarizin:
    • Liều lượng: Người lớn: 2 viên/ngày; Trẻ trên 12 tuổi: 1 viên.
    • Chỉ định: Kiểm soát và điều trị đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng do rối loạn tiền đình.
    • Tác dụng phụ: Tăng cảm giác buồn ngủ, trầm cảm.
  5. Acetylleucine:
    • Liều lượng: 3-4 viên/ngày, 10-42 ngày.
    • Chỉ định: Điều trị chóng mặt ở bệnh nhân tiền đình.
    • Tác dụng phụ: Phát ban ngoài da, nổi mề đay.
  6. Betahistine:
    • Liều lượng: Người lớn và trẻ trên 12 tuổi: 1 viên/lần, 3 lần/ngày.
    • Chỉ định: Điều trị chóng mặt do rối loạn tiền đình.
    • Tác dụng phụ: Nôn mửa, đau đầu, nổi mề đay.
  7. Piracetam:
    • Liều lượng: 30-160mg/kg/ngày, 2-3 lần.
    • Chỉ định: Điều trị chóng mặt, chứng suy giảm trí nhớ.
    • Tác dụng phụ: Đau bụng, chán ăn, kích động.
  8. Vinpocetin:
    • Liều lượng: 5-10mg/ngày, 3 lần/ngày.
    • Chỉ định: Điều trị triệu chứng thiếu máu cục bộ do rối loạn tuần hoàn não.
    • Tác dụng phụ: Đau đầu, tăng đường huyết, khô miệng.
  9. Tanakan:
    • Liều lượng: 1 viên/lần, 3 lần/ngày.
    • Chỉ định: Điều trị rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi.
    • Tác dụng phụ: Quá mẫn, chóng mặt, rối loạn tiêu hoá.
  10. Lorazepam:
  • Liều lượng: 1-10mg/ngày, 2-3 lần.
  • Chỉ định: Điều trị lo âu.
  • Tác dụng phụ: Buồn ngủ, hạ huyết áp, trầm cảm.
  1. Diazepam:
  • Liều lượng: Người lớn: 2mg/lần, 3 lần/ngày.
  • Chỉ định: Cải thiện trạng thái lo âu, mất ngủ, trầm cảm.
  • Tác dụng phụ: Buồn ngủ, chóng mặt, yếu cơ.

Lưu ý rằng việc sử dụng thuốc cần phải được theo dõi và hướng dẫn bởi bác sĩ, và bệnh nhân nên đến bệnh viện khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xuất hiện.

Với tình trạng rối loạn tiền đình, các biện pháp điều trị thường gặp là sử dụng thuốc điều trị nội khoa, phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu, can thiệp thông qua chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi… Trong đó, việc sử dụng thuốc chữa rối loạn tiền đình theo chỉ định của bác sĩ là phương pháp phổ biến nhất. Tùy thuộc vào mức độ bệnh, triệu chứng ở mỗi người mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp.

Tổng quan bệnh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình (Vestibular Disorders) là chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh phổ biến hiện nay, ai cũng có thể mắc phải. Cụ thể, tiền đình là một trong những hệ thống chính nằm trong hệ thần kinh, vị trí bên ốc tai. Tiền đình có vai trò quan trọng trong việc cân bằng khi cơ thể hoạt động, thay đổi tư thế hoặc kết hợp hoạt động giữa các bộ phận khác.

Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là gì?

Sự tắc nghẽn đường dẫn truyền thần kinh làm tiền đình không tiếp nhận được thông tin như bình thường, gây ra tình trạng rối loạn chức năng. Theo các chuyên gia, rối loạn tiền đình có thể liên quan đến sự cố xảy ra ở dây thần kinh số 8, động mạch hay các tổn thương ở não bộ hoặc vị trí tai trong.

Tình trạng rối loạn tiền đình khiến hoạt động duy trì cân bằng cơ thể suy giảm. Người bệnh gặp phải các triệu chứng bất thường như choáng, chóng mặt, buồn nôn, ù tai,… Chúng có thể đột ngột xuất hiện hoặc lặp lại nhiều lần gây khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt và công việc.

Bệnh rối loạn tiền đình hiện được chia thành hai dạng chính là ngoại biên và trung ương. Cụ thể:

  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: Xảy ra ở khu vực tai trong. Mặc dù mức độ nguy hiểm không cao nhưng về cơ bản tình trạng này gây ra không ít bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống. Bệnh xảy ra chủ yếu do một số tổn thương xuất hiện ở khu vực tai trong hoặc ảnh hưởng từ não bộ.
  • Rối loạn tiền đình trung ương: Xảy ra chủ yếu do các tổn thương xuất hiện tại khu vực não (tiểu não hoặc thân não). Tỷ lệ người mắc phải rối loạn này thấp hơn rối loạn ngoại biên ở tai trong, đồng thời triệu chứng cũng không thường xuyên. Thế nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh được đánh giá rất cao, có diễn biến phức tạp và khả năng biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Như đã đề cập, bệnh có thể hình thành do ảnh hưởng bởi dây thần kinh số 8 hoặc động mạch và những tổn thương xuất hiện ở tai trong, não bộ. Một số yếu tố chính tác động làm khởi phát bệnh như:

Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Áp lực công việc, cuộc sống, tổn thương thần kinh,... dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng tiền đình

  • Người bệnh gặp phải vấn đề thiếu máu, thường xuyên bị tụt huyết áp hoặc mắc phải các bệnh lý về tim mạch,… Lúc này mạch máu trong cơ thể dễ bị tắc nghẽn khiến lưu lượng máu truyền đến não bộ giảm.
  • Tổn thương dây thần kinh số 8 khiến cho tiền đình không nhận đủ thông tin, dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng tại khu vực này. Một số hoạt động cơ thể trở nên sai lệch, mất cân bằng, rối loạn.
  • Người chịu áp lực trong thời gian dài, như áp lực về công việc, cuộc sống, học tập, tình cảm,… ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
  • Một số bệnh lý khác có thể là nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như bệnh viêm tai giữa, não xuất hiện u bất thường, viêm dây thần kinh, u dây thần kinh,…
  • Ngoài ra, tình trạng rối loạn này cũng có thể xuất hiện ở những đối tượng nghiện rượu, sử dụng thường xuyên chất kích thích, hút thuốc lá,… khiến cơ thể bị nhiễm phải các độc tố gây rối loạn thần kinh và các hoạt động của các cơ quan khác.

Trên đây là những yếu tố chính làm khởi phát tình trạng rồi loạn tiền đình. Bên cạnh đó, bạn đọc nên chú ý một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải chứng bệnh này để kịp thời có biện pháp phòng tránh như:

  • Nữ giới có tỷ lệ mắc rối loạn tiền đình cao hơn nam giới.
  • Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó nhóm người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc bệnh thường rơi vào độ tuổi trên 40.
  • Các bệnh nhân có tiền sử chóng mặt, ù tai, choáng váng, hoa mắt,… có nguy cơ bị rối loạn tiền đình trong tương lai.

Việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp giúp người bệnh sớm chữa trị khỏi bệnh, đồng thời phòng tránh được nhiều rủi ro. Ngoài ra, các nhóm đối tượng nguy cơ cao kể trên nên chủ động bảo vệ sức khỏe để giảm thiểu rủi ro mắc phải chứng bệnh này.

Người bị rối loạn tiền đình gặp phải nhiều triệu chứng, chúng có thể đột ngột xuất hiện sau đó lặp lại nhiều lần, gây ra vô số ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe. Thăm khám sớm nếu bạn nhận thấy cơ thể có những biểu hiện như:

Triệu chứng nhận biết rối loạn tiền đình
Người bệnh thường có cảm giác choáng váng, ù tai, hoa mắt, kém tập trung,...

  • Chóng mặt không rõ nguyên do: Người bệnh có thể đột ngột bị choáng váng và chóng mặt không rõ nguyên do, tay chân bị tê và run rẩy khiến cơ thể bị mất thăng bằng, dễ té ngã. Mặc dù không kèm theo đau đầu nhưng tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác nặng đầu như có vật đè nén bên trong.
  • Mất thăng bằng và định hướng: Người bệnh gặp phải khó khăn trong việc giữ thăng bằng và định hướng, nhất là khi di chuyển trong bóng tối. Kết hợp với hiện thượng chóng mặt không rõ nguyên nhân đột ngột xuất hiện khiến người bệnh đi đứng chao đảo, dễ té, vấp ngã và khó khăn khi đi thẳng. Ngoài ra, các khớp cơ bắt đầu đau nhẹ, mạch đập nhanh, tụt huyết áp khiến người bệnh mệt lả đi, nhạy cảm với sự thay đổi bề mặt tiếp xúc hoặc giày dép.
  • Rối loạn thính giác: Người bệnh cảm giác không còn nghe rõ, thường xuyên bị ù hoặc có tiếng ồn bất thường bên trong tai. Đặc biệt, khi bị bất ổn hoạt động tiền đình, người bệnh trở nên khá nhạy cảm với các âm thanh lớn, từ đó bị đau tai, nhức đầu, nói lắp, tăng triệu chứng choáng và mất cân bằng cơ thể.
  • Rối loạn thị giác: Không chỉ thính giác, thị lực của người bị bệnh lý cũng bị suy giảm. Người bệnh lúc này thường xuyên gặp phải tình trạng hoa mắt, không nhìn rõ, không chịu được áp lực ở môi trường đông xe cộ, đông người, nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, đèn huỳnh quang,…
  • Giảm khả năng chú ý: Tiền đình gặp vấn đề làm cho khả năng tập trung của người bệnh suy giảm, thường hay quên, dễ mất phương hướng. Đặc biệt người bệnh có thể khó tiếp thu thông tin khi đối thoại với người xung quanh, tinh thần mệt mỏi, thể chất suy yếu.
  • Lo lắng, trầm cảm: Rối loạn tiền đình còn biểu hiện qua hiện tượng lo lắng quá mức, trầm cảm, hay muộn phiền,… Người bệnh lúc này có xu hướng tự cô lập với xã hội, dễ hoảng loạn, mất tự chủ, tự tin, nhận thức và tâm lý có thể thay đổi bất thường.
  • Choáng, chóng mặt, buồn nôn: Người bị rối loạn tiền đình còn dễ bị buồn nôn, nôn mửa, dễ bị say khi đi tàu xe trong khi trước đó không gặp tình trạng này, đầu nhức và có giọng nói lắp bắp.

Khi nhận thấy cơ thể có các biểu hiện kể trên, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ. Bởi chúng không phải là các biểu hiện bình thường, đặc biệt còn có nguy cơ tái phát thường xuyên. Nếu không kịp thời chẩn đoán và điều trị có thể gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống và phát sinh biến chứng gây hại sức khỏe của người bệnh.

Thuốc kháng Histamin chữa rối loạn tiền đình

Các loại thuốc kháng Histamin có tác dụng kiểm soát, làm giảm triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai do rối loạn tiền đình. Trong đó, một số loại thuốc kháng Histamin thế hệ 1 (H1) thường gặp nhất là:

Cinnarizin

Cinnarizin là thuốc kháng Histamin thế hệ 1 (H1) được chỉ định phổ biến trong điều trị rối loạn tiền đình. Tuy cho hiệu quả cao nhưng đôi khi Cinnarizin cũng tiềm ẩn những tác dụng phụ không mong muốn nếu lạm dụng, dùng sai cách.
Liều lượng:

  • Người lớn: 1 viên/lần, dùng ngày 3 lần.
  • Trẻ em 5-12 tuổi: Dùng bằng ½ liều người lớn.

Cách dùng: Uống sau ăn.
Chỉ định: Điều trị rối loạn tiền đình với các triệu chứng ù tai, chóng mặt, hoa mắt, nôn/buồn nôn.
Chống chỉ định:

  • Người quá mẫn với Cinnarizine hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc.
  • Trường hợp bệnh nhân bị loạn chuyển hóa Porphyrin.

Tác dụng phụ:

  • Rối loạn tiêu hoá.
  • Buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật.
  • Gây đau thượng vị, kích ứng dạ dày.
  • Tăng hoặc làm xuất hiện thêm triệu chứng ngoại tháp.
  • Trầm cảm.

Cinnarizin có thể dùng cho trẻ em với liều lượng bằng nửa người lớn
Cinnarizin có thể dùng cho trẻ em với liều lượng bằng nửa người lớn

Dimenhydrinate

Thuốc chữa rối loạn tiền đình Dimenhydrinate thuộc nhóm Histamin H1, có tác dụng chính là kháng Cholinergic, an thần gây ngủ và chống nôn.
Liều lượng: 25-50mg/lần, ngày 3 lần.
Cách dùng: Uống với nước.
Chỉ định: Điều trị triệu chứng nôn, chóng mặt ở bệnh nhân Ménière và rối loạn tiền đình.
Chống chỉ định:

  • Trường hợp quá mẫn Dimenhydrinate hoặc những thuốc kháng Histamin cùng nhóm khác.
  • Bệnh nhân bị bí tiểu do bệnh lý ở tuyến tiền liệt - niệu đạo.
  • Trẻ dưới 2 tuổi.

Tác dụng phụ:

  • Buồn ngủ kèm hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
  • Miệng khô.
  • Chán ăn, rối loạn tiêu hoá, khó tiểu/bí tiểu.
  • Kích động.
  • Tim đập nhanh.

Promethazine

Promethazine cũng là thuốc kháng Histamin (thụ thể H1) có tác dụng an thần, gây ngủ, chống nôn thường được dùng trong thuốc chữa rối loạn tiền đình. Thuốc cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Liều lượng: 25mg/lần, điều trị ngắn hạn trong 2-5 ngày.
Cách dùng: Uống trực tiếp.
Chỉ định:

  • Giảm đau/an thần.
  • Chống nôn.
  • Điều trị mất ngủ.
  • Thuốc tiền mê khi kết hợp với Pethidin Hydroclorid.

Chống chỉ định:

  • Trường hợp quá mẫn Promethazine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân đang trong trạng thái hôn mê hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ TKTW.
  • Đối tượng có tiền sử mất bạch cầu hạt, bí tiểu do bệnh ở tiền liệt tuyến.
  • Trẻ dưới 2 tuổi.

Tác dụng phụ:

  • Ngủ gà, mắt mờ, huyết áp tăng hoặc giảm.
  • Chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, run lẩy bẩy,...
  • Mất kiểm soát động tác.
  • Tiểu buốt.
  • Bồn chồn.
  • Nhạy cảm ánh sáng.

Promethazine chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi
Promethazine chống chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi

Thuốc chẹn kênh Calci

Trong điều trị rối loạn tiền đình, các thuốc chẹn kênh Calci cũng thường được chỉ định. Trong đó, Flunarizin là thuốc chữa rối loạn tiền đình phổ biến nhất.
Liều lượng:

  • Người lớn: 2 viên/ngày (tương đương 10mg). Dừng điều trị nếu sau 2 tháng không phát huy hiệu quả.
  • Trẻ trên 12 tuổi: 5mg/ngày (tương đương 1 viên).

Cách dùng: Uống vào buổi tối.
Chỉ định: Kiểm soát, điều trị đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng do rối loạn tiền đình.
Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân có tiền sử trầm cảm.
  • Đối tượng rối loạn ngoại tháp.
  • Cẩn trọng với bệnh nhân Parkinson.

Tác dụng phụ:

  • Tăng cảm giác buồn ngủ.
  • Trầm cảm.
  • Rối loạn tiêu hoá.
  • Ảnh hưởng đến thần kinh.

Thuốc chữa rối loạn tiền đình, trị chóng mặt

Trong trường hợp bệnh nhân rối loạn tiền đình bị chóng mặt trầm trọng bác sĩ có thể chỉ định thuốc Acetylleucine. Với hoạt chất chính là Acetyl Leucin, thuốc tác động mạnh mẽ vào các tế bào thần kinh tiền đình, từ đó giảm đáng kể triệu chứng cho người bệnh.
Liều lượng: 3-4 viên/ngày, duy trì điều trị trong 10-42 ngày.
Cách dùng: Đường uống.
Chỉ định: Điều trị triệu chứng chóng mặt ở bệnh nhân tiền đình.
Chống chỉ định:

  • Người quá mẫn Acetylleucine.
  • Phụ nữ có thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Đối tượng dị ứng bột mì.

Tác dụng phụ:

  • Phát ban ngoài da.
  • Nổi mề đay.

Acetylleucine có tác dụng giảm chóng mặt do rối loạn tiền đình
Acetylleucine có tác dụng giảm chóng mặt do rối loạn tiền đình

Các thuốc hỗ trợ tuần hoàn não, bổ thần kinh

Đối với một số trường hợp bệnh mới khởi phát, bác sĩ có thể kê đơn, chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc chữa rối loạn tiền đình cho giai đoạn cấp. Nhóm thuốc này có tác dụng chính là cân bằng, duy trì hoạt động của tuần hoàn máu não.
Trong đó, các thuốc có tác dụng hỗ trợ tuần hoàn não và tuần hoàn tai trong thường dùng để điều trị rối loạn tiền đình cấp thường gặp là Betahistine, Piracetam, Vinpocetin, Tanakan.

Betahistine

Betahistine có tác dụng điều trị các triệu chứng chóng mặt, ù tai do rối loạn tiền đình cấp. Trong một vài trường hợp, thuốc được sử dụng cho bệnh nhân đau nửa đầu. Do Betahistine cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh cần cẩn trọng khi dùng.
Liều lượng: Người lớn và trẻ trên 12 tuổi dùng 1 viên/lần, ngày 3 lần.
Cách dùng: Uống sau ăn.
Chỉ định:

  • Điều trị chóng mặt do rối loạn tiền đình gây nên.
  • Kiểm soát các triệu chứng chóng mặt, ù tai, nôn, đau nhức đầu ở bệnh nhân Ménière.

Chống chỉ định:

  • Người mẫn cảm Betahistin Dihydroclorid 16mg hoặc dược chất trong thuốc.
  • Bệnh nhân u tuỷ thượng thận.

Tác dụng phụ:

  • Nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu… do rối loạn tiêu hoá.
  • Đau nhức đầu.
  • Nổi mề đay, ngứa.
  • Sốc phản vệ, khó thở.
  • Sưng tấy mặt.
  • Giảm tiểu cầu.

Piracetam

Piracetam có tác dụng cải thiện chuyển hóa của tế bào thần kinh, làm thay đổi sự dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ cải thiện môi trường chuyển hoá giúp những tế bào này hoạt động tốt hơn. Nhờ cơ chế đó, Piracetam đem lại hiệu quả trong điều trị các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiền đình.
Liều lượng: 30-160mg/kg/ngày, chia làm 2-3 lần.
Cách dùng: Uống trực tiếp.
Chỉ định:

  • Điều trị chóng mặt, chứng suy giảm trí nhớ.
  • Xử lý tình trạng kém tập trung/thiếu tỉnh táo.
  • Can thiệp xử lý đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
  • Điều trị nghiện rượu.
  • Kiểm soát bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân suy thận nặng.
  • Trường hợp suy gan.
  • Đối tượng mắc hội chứng múa giật Huntington.
  • Người bị xuất huyết não.

Tác dụng phụ:

  • Thường gặp: Đau bụng, chướng bụng, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, kích động, mất ngủ/ngủ gà.
  • Ít gặp: Tăng cân, suy nhược, căng thẳng, chóng mặt, viêm da, nổi mề đay, trầm cảm, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, tăng vận động, kích thích tình dục…

Thuốc chữa rối loạn tiền đình Piracetam có tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ
Thuốc chữa rối loạn tiền đình Piracetam có tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ

Vinpocetin

Với hoạt chất chính là Vinpocetin, thuốc thường được chỉ định trong điều trị các triệu chứng chóng mặt, sa sút trí tuệ, hỗ trợ điều trị rối loạn tuần hoàn não cấp và mãn tính… Đôi khi, Vinpocetin cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ đáng lo ngại nếu lạm dụng, dùng sai đối tượng, sai cách.
Liều lượng: 5-10mg/ngày, dùng 3 lần/ngày.
Cách dùng: Uống sau ăn.
Chỉ định:

  • Điều trị các triệu chứng thiếu máu cục bộ do rối loạn tuần hoàn não.
  • Giảm triệu chứng tâm thần kinh do tình trạng rối loạn tuần hoàn não.

Chống chỉ định:

  • Người quá mẫn Vinpocetin.
  • Phụ nữ có thai.
  • Nữ giới cho con bú.

Tác dụng phụ:

  • Thường gặp: Đau đầu, tăng đường huyết, tăng huyết áp, khô miệng, buồn nôn, khó chịu vùng bụng.
  • Hiếm gặp: Giảm tiểu cầu, mất ngủ/rối loạn giấc ngủ, lo âu, chóng mặt, đãng trí, rối loạn vị giác, suy nhược, khó chịu,...

Tanakan

Tanakan là thuốc chữa rối loạn tiền đình. Thuốc giúp cải thiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và một số vấn đề ở thị giác ở người lớn.
Liều lượng: 1 viên lần, lặp lại ngày 3 lần.
Cách dùng: Uống cùng bữa ăn.
Chỉ định:

  • Điều trị rối loạn nhận thức ở người lớn tuổi không bị sa sút trí tuệ.
  • Kiểm soát rối loạn nhận thức do bệnh khác/thứ phát sau trầm cảm, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tiền đình.

Chống chỉ định:

  • Người quá mẫn Ginkgo Biloba.
  • Đối tượng đang chảy máu.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Phụ nữ cho con bú.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc Dabigatran hoặc Efavirenz.

Tác dụng phụ:

  • Quá mẫn, khó thở, phù mạch.
  • Chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu.
  • Rối loạn tiêu hoá như đau bụng, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Chàm, ngứa, da nổi ban.

Tanakan dùng trong điều trị rối loạn tiền đình theo chỉ định của bác sĩ
Tanakan dùng trong điều trị rối loạn tiền đình theo chỉ định của bác sĩ

Nhóm thuốc Benzodiazepines

Những loại thuốc thuộc nhóm Benzodiazepines có tác dụng an thần, đem lại sự cân bằng cho hệ thống tiền đình, hạn chế cơn chóng mặt, tình trạng lo âu… Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng đúng liều, việc lạm dụng có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc thuốc, thậm chí nhờn thuốc.

Lorazepam

Thuốc chữa rối loạn tiền đình Lorazepam có tác dụng an thần. Với cơ chế tác động lên não và hệ thống thần kinh trung ương, Lorazepam giúp cải thiện triệu chứng lo âu, mất ngủ ở bệnh nhân tiền đình.
Liều lượng: 1-10mg/ngày, chia làm 2-3 lần. Liều thông thường dao động từ 2-6mg/ngày.
Cách dùng: Uống với nước.
Chỉ định:

  • Điều trị lo âu.
  • Kiểm soát lo âu kèm theo triệu chứng trầm cảm (tối đa 4 tháng).

Chống chỉ định:

  • Người mẫn cảm Lorazepam.
  • Bệnh nhân Glocom cấp góc hẹp.
  • Người mắc hội chứng OSA - ngưng thở khi ngủ.
  • Trường hợp bị suy hô hấp nặng (trừ những người đang thở máy).
  • Đối tượng suy gan nặng, nhược cơ.
  • Phụ nữ có thai/chuẩn bị thả bầu.

Tác dụng phụ:

  • Thường gặp: Buồn ngủ, đau vị trí tiêm, hô hấp ảnh hưởng.
  • Ít gặp: Hạ huyết áp, trầm cảm, viêm da, nổi ban, chán ăn, buồn nôn, cơ yếu, thị lực rối loạn, ngừng thở.
  • Hiếm gặp: Rối loạn đông máu, kinh nguyệt rối loạn, tăng tiết nước bọt, co giật, tự sát.

Diazepam

Diazepam thuộc nhóm thuốc an thần, giải lo âu, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như cồn uống, siro, viên nén, viên nang, hỗn dịch tiêm, viên đạn đặt, ống thụt trực tràng... Song phổ biến nhất vẫn là viên uống dạng nén hoặc nang mềm.
Liều lượng:

  • Người lớn: 2mg/lần, lặp lại 3 lần/ngày.
  • Trẻ em: Giảm liều, dùng bằng ½ người lớn.

Cách dùng: Uống trước khi ngủ.
Chỉ định:

  • Cải thiện trạng thái lo âu, mất ngủ, kích động, trầm cảm.
  • Xử lý co cứng cơ do não hoặc do hệ thần kinh ngoại vi.
  • Điều trị co giật sốt cao, động kinh, co giật do ngộ độc thuốc.

Chống chỉ định:

  • Đối tượng mẫn cảm Benzodiazepin.
  • Người bị suy hô hấp, nhược cơ.
  • Trường hợp bị loạn thần mãn tính, đang trong trạng thái ám ảnh/sợ hãi.
  • Bệnh nhân đang sử dụng một Benzodiazepin khác.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người đang cho con bú.

Tác dụng phụ: Buồn ngủ, đau nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, khó tập trung, ảo giác, mất điều hoà, dị ứng, vàng da, hung hăng, tăng Transaminase/Phosphatase kiềm,...

Diazepam cho hiệu quả kiểm soát tốt triệu chứng rối loạn tiền đình
Diazepam cho hiệu quả kiểm soát tốt triệu chứng rối loạn tiền đình

Những lưu ý khi dùng thuốc chữa rối loạn tiền đình

Việc sử dụng thuốc chữa rối loạn tiền đình là cần thiết, nhất là đối với trường hợp bệnh nhân đang gặp các triệu chứng nghiêm trọng làm suy giảm sức khỏe, tinh thần. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, trong quá trình điều trị mỗi người cần lưu ý những điểm sau:

  • Nên uống thuốc chữa rối loạn tiền đình sau ăn để bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng, thời gian sử dụng… không lạm dụng, tự ý đổi thuốc/tăng liều lượng khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thận trọng khi dùng thuốc nếu đang mang thai/cho con bú hoặc tính chất công việc thường xuyên phải lái xe, tham gia giao thông.
  • Tránh xa rượu bia, các chất kích thích trong thời gian điều trị rối loạn tiền đình.
  • Chú ý nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, thả lỏng cơ thể để quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm.
  • Tham khảo các bài tập vật lý trị liệu hoặc tập yoga để cơ thể thêm dẻo dai, cải thiện sức khoẻ từ bên trong.

Bệnh nhân nên kết hợp thư giãn, nghỉ ngơi để mau chóng hồi phục
Bệnh nhân nên kết hợp thư giãn, nghỉ ngơi để mau chóng hồi phục

Bệnh nhân cần đến bệnh viện khi nào?

Trong thời gian dùng thuốc và điều trị rối loạn tiền đình theo chỉ dẫn, nếu xuất hiện các triệu chứng sau hãy lập tức đến gặp bác sĩ:

  • Đau đầu đột ngột.
  • Chóng mặt.
  • Sốt cao.
  • Buồn nôn, nôn nhiều.
  • Thị lực giảm.
  • Thính lực sa sút.
  • Khó nói.
  • Đau tức ngực.
  • Mất phương hướng.
  • Không xác định được thời gian.

Mẹo chữa rối loạn tiền đình tại nhà

Người bệnh rối loạn tiền đình có thể áp dụng các mẹo sau để giảm triệu chứng:

Thói quen sinh hoạt khoa học:

  • Tập luyện thể dục hằng ngày với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga.
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột khi đứng lên hoặc ngồi xuống.
  • Để gối cao vừa phải khi ngủ để cải thiện tuần hoàn máu.

Sinh hoạt điều độ:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, không thức khuya.
  • Tránh ngồi quá lâu, đứng lên và đi lại sau khi ngồi lâu.

Bài tập chữa rối loạn tiền đình:

  • Xoa bóp và bấm huyệt vùng đầu.
  • Bài tập ổn định với mắt để kiểm soát chuyển động của mắt.
  • Xoa bóp và bấm huyệt vùng tai.

Phương pháp Tây y:

  • Sử dụng thuốc kháng histamin như Cinnarizin, Dimenhydrinate.
  • Thuốc calci giúp giảm đau đầu và chóng mặt.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Tây y:

  • Uống sau bữa ăn khoảng 30 phút để tránh kích ứng dạ dày.
  • Hạn chế dùng rượu và chất kích thích trong quá trình điều trị.
  • Thận trọng đối với người mẫn cảm và phụ nữ mang thai.

Đông y chữa bệnh:

  • Dùng các bài thuốc từ cây thuốc Đông Y như câu đằng, ích mẫu, sơn chi.
  • Kiên trì sử dụng các bài thuốc trong thời gian dài để thấy hiệu quả.

Cây thuốc Nam:

  • Sử dụng lá ngải cứu, cây đinh lăng, cây tam thất, rau đắng biển.
  • Kết hợp với ăn uống lành mạnh và chế độ sinh hoạt khoa học.

Lưu ý: Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.


Bệnh nhân rối loạn tiền đình cần ăn những thực phẩm giàu vitamin và dưỡng chất để cải thiện triệu chứng. Dưới đây là những loại thực phẩm nên ưu tiên:

  1. Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, quýt, chanh, bưởi, cà chua, ổi, dâu tây, giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tim mạch.
  2. Thực phẩm chứa vitamin B6: Khoai tây, khoai lang, bí ngô, ngũ cốc, đậu, chuối, hạnh nhân, thịt gà, giúp cải thiện chức năng tế bào thần kinh.
  3. Thực phẩm giàu vitamin D: Trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, cá, hải sản, đối phó với xơ cứng tai và hỗ trợ hệ thần kinh.
  4. Thực phẩm nhiều axit béo không bão hòa: Omega-3 từ cá hồi, cá ngừ, cá bơn, cá tuyết, cá mòi, cá trích, hạt óc chó, đậu, giúp chống viêm và tăng cường chức năng não.
  5. Thực phẩm chứa Riboflavin (vitamin B2): Thịt gà, cá, bông cải xanh, cần tây, cà chua, cà rốt, sữa, giúp giảm triệu chứng của bệnh tiền đình.
  6. Thực phẩm nhiều acid folic: Đậu, hạnh nhân, hướng dương, quả thuộc họ cam, quýt, giúp sửa chữa tổn thương ở hệ thống thần kinh.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh những loại thực phẩm có thể làm tăng áp lực lên hệ thống thần kinh và gây hại cho sức khỏe tổng thể:

  1. Đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn: Ảnh hưởng đến cân bằng nước và khoáng chất, tăng áp lực lên hệ thống thần kinh.
  2. Thực phẩm chứa chất béo xấu: Gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến tỉnh táo của hệ thần kinh, tăng nguy cơ huyết áp cao.
  3. Thực phẩm chế biến sẵn: Chứa nhiều chất béo, chất bảo quản, làm tăng cholesterol, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
  4. Thực phẩm lên men: Dưa chua, cà muối, hành muối, kim chi có thể kích thích viêm và làm suy yếu tế bào.
  5. Chất kích thích: Rượu bia, cà phê, trà đặc có thể làm tăng cảm giác lo lắng, kích động và ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiền đình tiến triển nghiêm trọng.

 

Thực tế, rối loạn tiền đình không phải tình trạng quá nghiêm trọng, có thể kiểm soát nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị và ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Đặc biệt, mỗi người cần sử dụng thuốc chữa rối loạn tiền đình đúng chỉ định, hướng dẫn. Trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra, tuyệt đối không chủ quan.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tin mới

chương trình tư vấn sức khỏe thị trấn ngã sáu

Viện Y Dược Cổ truyền dân tộc Khám Sức Khỏe Đẩy Lùi Mỡ Máu Tại Hậu Giang

Ngày 27/10/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc và Trung tâm Thuốc dân tộc...

Nghiên Cứu Bệnh Vảy Nến Và Cách Xử Lý Chuyên Sâu Từ Y Học Cổ Truyền

Vảy nến là bệnh lý mãn tính dai dẳng, bùng phát từng đợt với nhiều...
Các chế phẩm bài thuốc Sơ can Bình vị tán

Phác Đồ Trào Ngược Dạ Dày – Nghiên Cứu Bởi Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc

Trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng dai dẳng, gây...