Viêm Khớp Háng
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm khớp háng là căn bệnh xương khớp khiến người bệnh đau nhức, giảm khả năng đi lại, vận động. Bệnh thường diễn tiến khá chậm và âm thầm nên đến khi phát hiện có thể đã chuyển sang giai đoạn nặng, bắt buộc phải can thiệp điều trị bằng các biện pháp y khoa.
Viêm khớp háng là gì?
Về mặt cấu tạo, khớp háng là một bộ phận được tạo thành từ ổ chảo của khung chậu và chỏm xương đùi. Bộ phận thường rất chắc chắn và phải có một tác động rất mạnh mới có thể làm tổn thương đến chúng. Và một trong những bệnh lý phổ biến về cơ quan này là viêm khớp háng.
Viêm khớp háng là một trong những dạng bệnh viêm khớp phổ biến, thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là khi mang thai và sau khi sinh con. Đây là tình trạng lớp sụn ở khớp háng bị bào mòn, khô và vỡ ra khiến cho các xương dưới sụn cọ xát trực tiếp vào nhau.
Tình trạng này gây ra những tổn thương nhất định cho vùng khớp háng, kèm theo đó là sưng viêm, đau nhức lan từ vùng háng đến nhiều bộ phận khác cho đến khi lan xuống hai chân. Ngoài phụ nữ thì người cao tuổi hoặc những người bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên cũng là những người dễ mắc phải viêm khớp háng do cơ thể bắt đầu lão hóa nhanh, không tự sản sinh ra dịch khớp.
Các chuyên gia phân chia viêm khớp háng thành hai nhóm chính gồm:
- Viêm khớp háng nguyên phát: Xảy ra khi cơ thể bị lão hóa, thường thì đến một độ tuổi nhất định hệ xương khớp sẽ bắt đầu bị thoái hóa dần, dịch khớp không còn sản sinh nhiều một cách tự nhiên, khiến các khớp đặc biệt là khớp háng bị viêm, đau nhức.
- Viêm khớp háng thứ phát: Trong nhóm này được chia nhỏ làm nhiều dạng khác nhau như bị chấn thương, thoái hóa khớp háng do biến chứng...
Chính vì vậy, viêm khớp háng cũng được chia làm nhiều loại khác nhau như viêm khớp háng dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp vảy nến, thoái hóa khớp háng...
Nguyên nhân viêm khớp háng
Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra viêm khớp háng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến được thống kê cho thấy có tỷ lệ mắc cao:
Xuất phát từ bệnh lý
Một số bệnh lý được đánh giá có liên quan đến bệnh viêm khớp háng như:
1. Thoái hóa khớp háng
Đây là bệnh lý thường xảy ra do tuổi tác ngày càng cao hoặc do chế độ ăn uống kém khoa học, không điều độ đẩy nhanh quá trình lão hóa khiến cho xương, sụn bị bào mòn, trở nên giòn hơn và dễ gãy. Lúc này, các đầu xương không còn lớp màng sụn bảo vệ dẫn đến cọ xát liên tục vào nhau khi cơ thể vận động gây ra đau đớn dữ dội.
2. Viêm khớp dạng thấp
Những người mắc phải căn bệnh này thường phải chịu sự tác động ảnh hưởng lên nhiều khớp cùng một lúc, trong đó có cả khớp háng. Mắc bệnh viêm khớp dạng thấp làm cho khớp bị sưng viêm, căng cứng và đau nhức dữ dội. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời dẫn đến tình trạng biến dạng khớp cực kỳ nguy hiểm.
3. Viêm gân, viêm bao màng hoạt dịch
Theo các chuyên gia, gân và màng hoạt dịch là 2 bộ phận quan trọng có nhiệm vụ bảo vệ, nâng đỡ và bôi trơn sụn khớp để các hoạt động của tứ chi được dễ dàng. Tuy nhiên, khi 2 bộ phận này bị viêm sẽ làm cho các khớp, trong đó có khớp háng bị đau nhức, khó di chuyển.
4. Thoát vị bẹn
Hầu hết những người bị thoát vị bẹn đều kèm theo tình trạng viêm khớp háng do lúc này vùng háng bị phình to và sưng lên bất thường. Bệnh này xuất hiện khi một phần của màng tế bào lót nằm trong khoang bụng lọt vào trong túi thoát vị dẫn đến đau nhức hai bên bẹn và sưng đau khớp háng.
5. Teo cơ khớp háng
Bệnh lý teo cơ khớp háng thường xuất hiện ở trẻ em đang trong độ tuổi từ 3 - 13. Vì một lý do nào đó như chấn thương hoặc bẩm sinh khiến khớp háng của trẻ bị viêm nhiễm rồi dần suy giảm chức năng. Căn bệnh này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ đe dọa đến khả năng vận động của trẻ về sau này.
Do các nguyên nhân cơ học
- Do tuổi tác: Tuổi tác ngày càng cao càng lão hóa nhanh, cụ thể là những người trên 50 tuổi sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đau khớp háng.
- Do giới tính: Theo một thống kê cho thấy phụ nữ là nhóm đối tượng dễ mắc phải các bệnh viêm khớp, trong đó có bệnh viêm khớp háng cao hơn so với nam giới từ 1.5 - 2 lần. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và sau khi sinh con rất dễ gặp phải bệnh lý này.
- Do chấn thương: Tập luyện thể thao quá sức, sai cách hay gặp tai nạn giao thông, tai nạn lao động... là một trong những nguyên nhân gây trật chấn thương và dẫn đến viêm khớp háng.
- Do thói quen sống không khoa học: Những người có thói quen sinh hoạt và làm việc kém khoa học, ăn uống thiếu chất... sẽ khiến cho khớp háng nhanh bị thoái hóa, đau nhức, sưng viêm... Trong đó, những người nghiện thuốc lá và nghiện rượu bia càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp háng.
- Một số nguyên nhân khác: Một vài yếu tố khác như thừa cân, béo phì, di truyền... cũng là nguyên nhân gây ra viêm khớp háng phổ biến nhiều người thường gặp phải.
Triệu chứng viêm khớp háng
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp háng thường khác nhau ở từng giai đoạn, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác và bỏ qua cho dến khi bệnh trở nặng mới bắt đầu đi khám để điều trị. Cụ thể các triệu chứng viêm khớp háng gồm:
- Giai đoạn đầu: Bị viêm khớp háng trong giai đoạn đầu thường không được biểu hiện rõ ràng và đi kèm với các tình trạng khác nên rất khó để nhận biết sớm. Không những vậy, các triệu chứng này còn biến mất sau một vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày sau đó. Lúc này, người bệnh chủ yếu cảm thấy hơi đau nhức vùng khớp háng, hai bên bẹn, mỏi không thể đứng lâu và di chuyển khó khăn.
- Giai đoạn giữa: Ở giai đoạn này bệnh bắt đầu biểu hiện với các triệu chứng rõ ràng hơn. Những cơn đau xuất hiện với tần suất dày, đau buốt kéo dài gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, đặc biệt là khi vừa ngủ dậy kèm theo tình trạng tê cứng hai chân. Hầu hết người bệnh đều bắt đầu nghi ngờ mắc bệnh viêm khớp háng từ giai đoạn này và đi điều trị, tuy nhiên đây là giai đoạn có thể đã xảy ra biến chứng.
- Giai đoạn cuối: Lúc này, khớp háng của người bệnh đau nhức rất dữ dội, gần như không thể di chuyển được và kéo dài rất lâu, từ ngày này qua ngày khác. Đây là giai đoạn cần được điều trị tích cực, nếu để chậm trễ sẽ rất khó phục hồi chức năng khớp háng, kèm theo đó là một số biến chứng nặng nề như bại liệt, mất khả năng vận động vĩnh viễn.
Biến chứng nguy hiểm của viêm khớp háng nếu không chữa trị?
Viêm khớp háng là căn bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại là nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn trong việc vận động. Tuy nhiên, bên cạnh hậu quả này còn rất nhiều biến chứng khác có thể xảy ra khi không chữa trị kịp thời căn bệnh viêm khớp háng. Có thể kể đến một số biến chứng khó lường như:
- Tàn tật vĩnh viễn: Viêm khớp háng gây cản trở khả năng vận động là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, bệnh còn có thể gây ra mức độ nặng hơn như thế nếu không điều trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ tàn tật vĩnh viễn, mất hoàn toàn khả năng đi lại.
- Gây tổn thương nội tạng: Nếu bị viêm khớp háng do cơ chế nhầm lẫn của hệ miễn dịch thì nó không chỉ gây ảnh hưởng đến khớp mà còn gây ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan nội tạng khác như thận, gan, tim, da... Nếu không có hướng điều trị kịp thời có thể gián tiếp gây ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, hãy kiểm soát cơ chế tự miễn của cơ thể để ngăn chặn tiến triển của bệnh.
- Nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận: Sự xâm nhập tấn công của các loại vi khuẩn không chỉ gây nhiễm trùng khớp háng mà chúng còn có thể lan sang vùng chậu và ổ bụng. Thậm chí, nếu không sớm khắc phục sớm lượng vi khuẩn này ngày càng sinh sôi phát triển và xâm nhập vào máu, đường tiết niệu, thận... gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Phòng ngừa tái phát viêm khớp háng bằng cách nào?
Viêm khớp háng là căn bệnh xảy ra chủ yếu do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể và do gặp phải các chấn thương ngoài ý muốn. Đây đều là những yếu tố mà chính bản thân con người cũng không thể nào kiểm soát và ngăn chặn được. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng nếu chẳng may mắc phải và phòng ngừa bệnh tái phát nặng bằng các biện pháp sau đây:
- Ăn uống khoa học: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học hằng ngày. Bổ sung đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe từ thực phẩm, đặc biệt là vitamin khoáng chất (vitamin C, D, K...), canxi, axit béo omega-3, beta carotene... để giúp cơ xương khớp luôn chắc khỏe.
- Vận động phù hợp: Để có hệ xương khớp chắc khỏe, bạn cần phải thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn hằng ngày với các bộ môn vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga... Đây là những bộ môn đòi hỏi sự vận động tích cực từ các cơ khớp, nhờ đó xương khớp trở nên dẻo dai, cứng cáp hơn.
- Tư thế hoạt động đúng: Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý những tư thế hoạt động hằng ngày của mình, tránh phải ngồi xổm, ngồi yên hay đứng yên một chỗ quá lâu, xoay người đột ngột... để tránh làm cho cơ khớp háng không kịp thích nghi dẫn đến tổn thương, viêm nhiễm.
- Nghỉ ngơi: Luôn tạo điều kiện để khớp háng được thả lỏng, thư giãn và nghỉ ngơi bằng các cách như ngủ đủ, ngon và sâu giấc, luôn duy trì cân nặng trong mức phù hợp để giảm áp lực từ trọng lượng cơ thể lên khớp háng...
Trên đây là một số kiến thức bổ ích về căn bệnh viêm khớp háng - một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến nhiều người mắc phải. Hy vọng qua bài viết này, quý bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn và áp dụng đúng cách điều trị, cải thiện và phục hồi chức năng khớp háng như ban đầu. Luôn theo dõi sát sao diễn tiến của bệnh, nếu bệnh ngày càng nghiêm trọng cần thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi quá muộn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!