Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Hoa hòe là một trong những dược liệu được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa mất ngủ, cao huyết áp, tăng cường sức đề kháng cùng nhiều công dụng khác. Vậy cây hoa hòe là gì và cách sử dụng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về cây hoa hòe
- Tên gọi khác: cây hòe, hòe hoa, hòe mễ, hòe nhụy, hòe giao, hòe thực…
- Tên khoa học: Sophora japonica Linn
- Họ: Đậu
1. Đặc điểm, hình dạng nhận diện
Cây hoa hòe mọc rất nhiều trong tự nhiên và có một số đặc điểm đặc trưng sau đây:
- Cây có chiều cao trung bình từ 10 – 15cm, thân gỗ có kích thước vừa, phần tán cây xòe lớn tạo bóng mát.
- Thân cây chia nhiều nhánh to nhỏ khác nhau. Mỗi cành sẽ chứa từ 9 – 13 lá.
- Kích thước lá khá lớn, mọc thành hình lá kép lông chim, những lá nhỏ sẽ có hình thoi, nhọn ở phần đỉnh. Chúng mọc đối xứng với nhau và phần bề mặt lá màu xanh đậm.
- Phần bông của cây hoa hòe thường nở rộ sau khi cây kết quả. Quả cây hòe có hình dạng tương đối giống với quả đậu, dày và có vỏ màu xanh đậm. Hoa mọc ra từ kẽ và tràng hoa có màu trắng ngà.
Một số hình ảnh của cây hoa hòe trong tự nhiên
2. Phân bố
Các nhà khoa học cho biết cây hòa hòe vốn là loại thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây thường mọc tự nhiên ở rừng rậm, đồng bằng sông Hồng, núi cao… hoặc được trồng tại nhiều ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…, điển hình như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…
3. Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản
- Bộ phận dùng: Nụ hoa của cây hòe là bộ phận được dùng để làm dược liệu chữa bệnh và tốt cho sức khỏe. Một số nơi cũng dùng quả của cây hòe để sử dụng làm thuốc.
- Thu hái: Thời điểm tốt nhất để thu hoạch hoa hòe là từ tháng 7 – 12 và chỉ thu hoạch hoa hòe khi đã có từ 5 – 10% hoa đã nở. Lúc này, nụ hoa có kích thước bằng hạt gạo tẻ.
- Sơ chế: Nụ hoa hòe thường được sơ chế đơn giản, sau khi thu hoạch tiến hành phơi khô và bảo quản trong túi kín, để ở nơi thoáng mát để tránh hư hại, ẩm mốc.
4. Thành phần hóa học
Phần nụ hoa hòe được sử dụng chủ yếu trong làm thuốc vì chứa nhiều thành phần hóa học, tuy nhiên trong những bộ phận khác cũng chứa nhiều hoạt chất khác được công nhận tốt cho sức khỏe như:
- Rễ và gỗ: bao gồm các hoạt chất như blochanin A, blochanin 7-D-glucosid, flemichaparin B, irrisolidon, blochanin 7-D-xylosylglucosid…
- Lá: trong bộ phận này có chứa đến 4 – 6% rutin, ngoài ra còn có thêm một số chất khác như protein, lipid…
- Nụ hoa: Trong nụ hoa khô có chứa hơn 20% rutin, belutin, sophoradiol, một số quercetin… Đối với nụ hoa tươi đã nở sẽ chứa hơn 8% rutin.
- Quả hòe: Vỏ của quả hòe thường có đến 5 – 11% rutin, N-methylcytisine, alcaloid cytisine, flavonoid aglyconses hay quercetin, genistin, sophocarpin…
- Hạt hòe: có chứa 1 – 2% rutin, flavonoid, alkaloid…
Công dụng của cây hoa hòe
Hoa hòe có nhiều công dụng chữa bệnh và tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, hoa hòe là loại dược liệu có tính bình, vị đắng có nhiều công dụng như trị băng huyết, rong kinh ở phụ nữ, chảy máu cam, đại tiện ra máu… Ngoài ra, còn có công dụng hỗ trợ chữa trị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, sau tai biến mạch máu não….
Cụ thể một số công dụng chữa bệnh của hoa hòe như sau:
1. Hoa hòe chữa bệnh trĩ
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong hoa hòe có chứa nhiều thành phần cần thiết cho sức khỏe của người bệnh trĩ. Trong đó, điển hình là chất troxerutin có khả năng vận mạch, chất oxymatrine có tác dụng giảm sưng do các mạch máu tại khu vực này bị suy yếu.
Tuy nhiên, khi sử dụng hoa hòe để trị bệnh trĩ người bệnh cần kết hợp duy trì nhiều thói quen tốt khác, từ vận động, nghỉ ngơi cho đến chế độ dinh dưỡng để đạt được hiệu quả điều trị hiệu quả cao hơn vì dùng hoa hòe thường cho tác dụng khá chậm.
2. Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch
Tim mạch là căn bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người. Bệnh đặc trưng với một số triệu chứng như khó thở, tức ngực, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, tích nước, ho nhiều, chóng mặt, mất ăn mất ngủ… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc hằng ngày.
Bên cạnh rất nhiều cách điều trị tim mạch thì sử dụng hoa hòe cũng là một phương pháp hay được nhiều người áp dụng. Đây được xem là phương pháp hỗ trợ áp dụng khi bệnh ở giai đoạn khởi phát hoặc bệnh đã được cải thiện. Theo các chuyên gia, trong hoa hòe có chứa thành thành phần chất rutin và oxymatrine. Đây đều là những chất có khả năng hỗ trợ bảo vệ, cải thiện chức năng tim mạch một cách tốt nhất.
3. Hoa hòe giúp kiểm soát huyết áp
Cao huyết áp là căn bệnh phổ biến ở mọi đối tượng và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Trong đó, một vài biến chứng nguy hiểm như suy tim, tai biến, nhồi máu cơ tim, phình động mạch… có nguy cơ xuất hiện cao hơn so với bình thường. Thậm chí, nếu không điều trị kịp thời còn dẫn đến nhiều biến chứng ở các cơ quan khác như suy giảm thị lực, suy thận mãn…
Lúc này, sử dụng hoa hòe là phương pháp hiệu quả để giữ cho huyết áp luôn trong mức ổn định nhờ chứa thành phần hoạt chất rutin cao. Hoạt chất này có khả năng tăng cường sự bền chắc của các mao mạch, thành mạch, từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra các biến chứng. Lưu ý để đạt hiệu quả tốt nhất người bệnh nên kiên trì sử dụng trong thời gian dài.
4. Điều trị bệnh viêm khớp
Đau nhức, sưng viêm, tê cứng là những triệu chứng điển hình của các bệnh lý viêm khớp. Những triệu chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cản trở khả năng vận động bình thường của khớp. Bên cạnh uống các loại thuốc giảm đau kháng viêm người bệnh cũng có thể kết hợp sử dụng nụ hoa hòe sđể tăng cường hiệu quả điều trị.
5. Cải thiện giấc ngủ nhờ khả năng an thần
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy nụ hoa hòe có khả năng an thần rất tốt nhờ công dụng thanh nhiệt, lương huyết, hỗ trợ chữa trị các bệnh do máu nóng, huyết nhiệt gây ra. Uống trà hoa hòe thường xuyên không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn ngủ ngon hơn, ngủ sâu giấc, giảm cảm giác khó chịu, bồn chồn lo lắng không yên, giảm căng thẳng mệt mỏi hiệu quả.
6. Hỗ trợ trị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn
Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là căn bệnh rất nguy hiểm nếu gặp phải. Cơ chế phát sinh bệnh là do sự bất thường trong hoạt động nhận diện đâu là tế bào của cơ thể và đâu là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại. Từ đó hình thành bệnh và phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm như đi tiểu ra máu, xuất hiện nhiều vết bầm tím trên da, chảy máu mũi, rong kinh, xuất huyết não…
Lúc này, sử dụng nụ hoa hòe sẽ hỗ trợ điều trị bệnh lý này hiệu quả nhờ chứa hàm lượng cao hoạt chất rutin, kích thích quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn, tăng cường khả năng cầm máu mỗi khi xuất huyết.
7. Dùng hoa hòe giúp giảm cân
Trong nụ hoa hòe có chứa một số thành phần giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất, từ đó hỗ trợ giảm lượng mỡ thừa bám dính trên gan, giảm hấp thụ chất béo, từ đó giảm cân hiệu quả.
Gợi ý một số bài thuốc chữa bệnh hay từ hoa hòe
Một số bài thuốc chữa bệnh phổ biến từ dược liệu như:
1. Bài thuốc chữa cao huyết áp
Cách thực hiện
- Chuẩn bị nụ hoa hòe khô, hoa cúc, ngó sen mỗi loại 20g.
- Rửa dược liệu sơ qua bằng nước sạch rồi cho vào ấm sắc.
- Cho vào 300ml nước đun sôi trên lửa nhỏ cho đến khi nước cạn xuống còn một nửa, nụ hoa đổi màu thì tắt bếp.
- Rót nước thuốc ra chén và uống khi còn ấm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài cách này, người bệnh cao huyết áp dụng có thể thay thế bằng các vị thuốc khác như 10g nụ hoa hòe kết hợp với giảo cổ lam, pha như pha trà bình thường uống hằng ngày.
2. Bài thuốc chữa bệnh trĩ xuất huyết, đi ngoài ra máu
Cách thực hiện
- Chuẩn bị hoa hòe và trắc bách diệp mỗi loại 20g, kinh giới và hoàng liên mỗi thứ 8g.
- Cho hết số dược liệu đã chuẩn bị vào ấm sắc cùng 700ml nước. Chú ý đậy kín nắp và đun trên lửa nhỏ.
- Kiểm tra thấy nước trong ấm cạn xuống còn một nửa thì tắt bếp, chia thuốc làm 2 phần uống trước bữa ăn trưa và tối.
3. Bài thuốc dùng hoa hòe chữa viêm ruột, trĩ nội
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 50g nụ hoa hòe khô và 50g khổ sâm.
- Cho dược liệu vào cối, giã nhuyễn thành bột rồi trộn với một ít nước sao cho không quá lỏng.
- Bôi hỗn hợp này lên búi trĩ 2 lần/ ngày để đạt hiệu quả giảm sưng nhanh chóng.
4. Bài thuốc chữa đau mắt
Cách thực hiện
- Chuẩn bị nụ hoa hòe khô, lá sen mỗi loại 10g và 4g hoa cúc vàng.
- Tiến hành sơ chế dược liệu, nụ hoa hòe sao vàng rồi cho vào ấm thuốc cùng 2 dược liệu còn lại.
- Cho vào ấm 500ml nước sắc đến khi nước cạn xuống còn 1/2 thì tắt bếp.
- Khi nước cạn xuống còn một nửa thì dừng sắc, lọc lấy nước thuốc uống hết trong một lần.
5. Bài thuốc chữa chứng mất ngủ
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 20g nụ hoa hòe khô và 20g hạt muồng.
- Cho vào vối giã nhuyễn thành bột mịn cho vào hũ thủy tinh bảo quản sử dụng dần.
- Mỗi lần dùng khoảng 5g pha với 1 cốc nước ấm, uống 2 lần/ ngày.
- Kiên trì áp dụng cho đến khi chứng mất ngủ, khó ngủ được cải thiện.
6. Bài thuốc chữa chứng chảy máu cam
Cách thực hiện
- Chuẩn bị các dược liệu gồm nụ hoa hòe, trắc bách diệp và ngải diệp.
- Bước đầu tiên, sao vàng hạ thổ các dược liệu, sau đó cho vào chảo rang đến khi có mùi thơm.
- Đổ dược liệu ra rổ cho khô hẳn mới mang đi sắc cùng 500ml nước.
- Sắc trên lửa nhỏ đến khi nước cạn xuống còn 1/2 thì tắt bếp, lọc bỏ cặn, chia làm 2 – 3 phần uống hết trong ngày.
7. Trà hoa hòe giúp giảm cân
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 20g nụ hoa hòe khô, 300ml nước sôi và ấm trà hoặc bình giữ nhiệt.
- Cho nụ hoa vào ấm, đổ nước sôi 1/3 bình lắc đều lên vài giây rồi đổ nước đi.
- Đổ lượng nước sôi còn lại vào bình, đậy kín nắp và ủ trong vòng 15 phút để trà ngấm, sau đó có thể rót ra sử dụng.
- Có thể sử dụng đều đặn thay thế trà hằng ngày liên tục trong vòng 1 tháng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng hoa hòe
Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều cho thấy hoa hòe là dược liệu lành tính, an toàn cho sức khỏe, tuy nhiên việc sử dụng cần đảm bảo tuân thủ liều dùng, liều lượng sao cho phù hợp để tránh gây ra tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, cần chú ý một số vấn đề sau đây khi sử dụng hoa hòe trị bệnh:
- Dược liệu dạng tươi hoặc khô đều đem lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe, tuy nhiên hoa đã phơi khôi thường đem lại nhiều giá trị hơn.
- Để đạt được hiệu quả tốt nhất từ hoa hòe nên sao vàng hạ thổ trước khi sử dụng. Cách làm này giúp giảm bớt tính kích thích của hoa hòe và dễ uống hơn.
- Nên kết hợp hoa hòe với nhiều loại dược liệu khác để tạo thành bài thuốc chữa bệnh hiệu quả.
- Chống chỉ định sử dụng hoa hòe với những đối tượng như thường xuyên bị đau bụng, đại tiện phân lỏng, tiêu hóa kém, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú… Trong trường hợp đang sử dụng thuốc Tây để trị bệnh cần chú ý khi sử dụng kết hợp hoa hòe, tốt nhất nênuống cách nhau ít nhất 2 – 3 tiếng và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về hoa hòe mà bạn cần biết trước khi quyết định sử dụng. Tham khảo ý kiến của chuyên gia bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp. Lưu ý chọn mua dược liệu ở những địa chỉ uy tín, chất lượng để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh gây tốn kém mà không đem lại lợi ích cho sức khỏe.
Tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!