Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Hoàng cầm là một trong những thảo dược quý, có mặt trong hơn 20 bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị ho sốt, đau đầu, tiêu chảy, rối loạn kinh nguyệt,… Để hiểu hơn về dược liệu này, từ đặc điểm, công dụng đến cách dùng an toàn, hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây do chuyên gia Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc chia sẻ.
Tổng quan về cây hoàng cầm
Hoàng cầm là dược liệu được sử dụng phổ biến trong Đông y, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như:
- Tên thường gọi: Hoàng cầm.
- Tên khác: Hủ trường; Túc cầm; Hoàng văn; Không trường; Kinh cầm; Nội hư; Ấn dầu lục; Đỗ phụ; Khổ đốc bưu; Thử vĩ cầm; Điều cầm; Đồn vĩ cầm; Khô cầm; Phiến cầm; Khô trường; Bắc cầm; Lý hủ thảo; Lý hủ cân thảo; Điều cầm; Giang cốc thụ; Tử cầm; Đạm tử cầm; Tửu cầm; Đông cầm; Đạm hoàng cầm; Lạn tâm hoàng; Hoàng kim trà.
- Danh pháp khoa học: Scutellaria baicalensis, thuộc họ Lamiaceae (Hoa môi).
Đặc điểm hình dạng cây hoàng cầm
Hoàng cầm là cây thân thảo lâu năm, có chiều cao từ 20 – 50cm. Cây có đặc trưng dạng thân vuông, thân non có phủ 1 lớp lông ngắn, sau này trưởng thành dần tiêu biến và nhẵn mịn hơn.
Lá dược liệu mọc đối, hình mác hẹp, mép nguyên, có chiều dài từ 1.5 – 4cm, tiết diện rộng từ 3 – 8mm, không có cuống hoặc cuống rất ngắn.
Hoa cây hoàng cầm có màu lam tím, mọc kép 2 bông ở đầu cành, cánh hoa có 2 môi và 2 nhị màu vàng, bầu hoa có 4 ngăn.
Rễ cây hoàng cầm là bộ phận được sử dụng làm dược liệu. Rễ có hình chùy, vặn xoắn với độ dài từ 8 – 25cm, đường kính từ 1 – 3cm. Vỏ ngoài lồi lõm, hơi ráp, phần trên có nhiều vết khía dọc hoặc vần dạng mạng. Phần dưới cũng có nhiều vết khía và các vết nhăn nhỏ. Rễ hoàng cầm không mùi, vị hơi đắng. Dựa vào màu sắc và kích thước, rễ cây được chia làm 2 loại gồm
- Rễ con được gọi là điều cầm: Có đặc điểm chắc cứng, mịn, vỏ màu vàng xanh, giòn và dễ bẻ.
- Rễ già gọi là khô cầm: Có đặc điểm bên trong rỗng, chứa vụn mục màu đen hoặc nâu tối, bên ngoài màu vàng.
Phân bố
Dược liệu có nguồn gốc tại Trung Quốc, xuất hiện phổ biến tại các tỉnh như Liêu Ninh, Hà Nam, Hắc Long Giang, Vân Nam, Nội Mông, Hà Bắc.
Để phục vụ nhu cầu sử dụng, dược liệu hiện đang được thí nghiệm nuôi trồng tại Việt Nam, ở những khu vực có thời tiết mát mẻ.
Thu hoạch và sơ chế
Bộ phận được sử dụng làm dược liệu là phần rễ củ, thu hái vào mùa xuân và mùa thu. Nên chọn những rễ to, dài, màu vàng, cầm chắc tay là loại tốt, không nên chọn rễ ngắn, nhỏ, chất xốp màu thẫm. Rễ hoàng cầm sau khi được đào khỏi đất sẽ đem về rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần rễ con mọc xung quanh. Tiếp theo, cạo bỏ vỏ và đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ cao.
Thành phần hóa học
Nghiên cứu về thành phần trong hoàng cầm, chuyên gia đã phát hiện trong dược liệu này có chứa thành phần hóa học rất đa dạng như:
- Flavonoid, scutclarin, baicalein, các tanin nhóm pyrocatechic, chất nhựa.
- Trong củ dược liệu có tinh dầu và hơn 31 chất thuộc nhóm flavanone và flavon.
- Các chất skulcapflavon II, baicalin, baicalein, oroxylin A, wogonin.
Khám phá hoàng cầm có tác dụng gì?
Công dụng của hoàng cầm được cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại công nhận. Chi tiết phân tích về công dụng của dược liệu này như sau:
Y học cổ truyền
Theo ghi chép trong tài liệu Y học cổ truyền, các danh y nhận định thảo dược này có tính lạnh, vị đắng, được quy vào 5 kinh gồm can, đởm, phế, tâm, đại trường. Chủ trị các chứng bệnh gồm:
- Thông can: Điều trị vàng da, ung nhọt do gan tích tụ nhiều độc tố.
- Thông phế: Giúp giảm ho, điều trị viêm phổi, viêm phế quản.
- Thông tâm: Dược liệu được sử dụng trong bài thuốc điều trị bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là bệnh huyết áp, viêm cơ tim, thổ huyết.
- Thông đại trường: Dược liệu có tác dụng điều trị chứng tiêu chảy, kiết lỵ
Ngoài ra, dược liệu còn giúp hạ sốt, cầm máu, an thai, điều hòa kinh nguyệt. Vậy nên, hoàng cầm có mặt trong rất nhiều bài thuốc Đông y hiện nay.
Y học hiện đại
Từ góc nhìn của Y học hiện đại, chuyên gia cho biết, nhờ sở hữu hàm lượng lớn dưỡng chất quan trọng, hoàng cầm mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe như:
- Chống oxy hóa, kháng khuẩn: Củ rễ hoàng cầm có chứa lượng lớn hoạt chất Baicalein có công dụng ngăn ngừa oxy hóa tế bào, đồng thời bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của nhiều vi khuẩn, virus gây hại.
- Phòng ngừa viêm gan B: Các nghiên cứu khoa học phát hiện trong dược liệu có chứa các tinh chất mang khả năng ức chế sự xâm nhập và tấn công của virus gây viêm gan B. Nhờ đó giảm tỉ lệ mắc viêm gan B và một số bệnh lý về gan khác.
- Hỗ trợ điều trị đột quỵ: Hoàng cầm là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị đột quỵ nhờ khả năng bảo vệ nơron thần kinh, đồng thời hoạt chất Methanol trong củ cũng giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, trị chứng thiếu máu hiệu quả.
- Điều hòa huyết áp: Tinh chất chiết từ dược liệu có khả năng giúp ổn định và điều hòa huyết áp, tránh các bệnh về tim mạch.
- Hỗ trợ giảm cân: Nước uống kết hợp giữa hoàng cầm và đại hoàng có tác dụng tăng cường chuyển hóa lipid, ngăn ngừa tình trạng tích tụ mỡ thừa trong cơ thể, nhờ đó hỗ trợ giảm cân rất tốt.
Ngoài ra, các thử nghiệm thực tế đã chứng minh, chiết xuất từ cây hoàng cầm giúp giảm chứng lo âu, chống co giật, bồi bổ chức năng mật trong trường hợp bị kích thích do đồ uống có cồn, lợi tiểu, trị tiểu rắt vô cùng hiệu quả.
Xem thêm: Cây Thiên Ma Có Tác Dụng Gì? Tìm Hiểu 8 Bài Thuốc Chữa Bệnh Hiệu Quả
Bài thuốc sử dụng dược liệu hoàng cầm chuẩn Y học
Hoàng cầm trong các bài thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như nghiền bột, sao nóng, sắc uống,… Tùy từng bài thuốc sẽ có cách bào chế riêng và kết hợp với những dược liệu phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả trị bệnh. Dưới đây là 25 bài thuốc được ứng dụng phổ biến nhất.
1. Bài thuốc chống co giật
Một trong những công dụng của hoàng cầm là chống co giật, khi được kết hợp cùng các dược liệu phù hợp sẽ phát huy hiệu quả một cách tốt hơn.
- Chuẩn bị dược liệu: 10g hoàng cầm, 14g câu đằng, 10g thiên ma, 25g thạch quyết minh, 14g xuyên ngưu tất, 10g chi tử, 14g ích mẫu thảo, 16g dạ đằng giao, 25g tang ký sinh, 16g bạch linh.
- Cách thực hiện: Các dược liệu cho tất cả vào ấm và sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày 1 thang, sau khoảng 7 – 10 ngày sẽ thấy cải thiện sức khỏe rõ rệt.
2. Bài thuốc chữa rong kinh
Nữ giới bị rong kinh kèm triệu chứng nôn ra máu hoặc chảy máu cam, sử dụng bài thuốc dưới đây sẽ giúp tình trạng bệnh nhanh chóng thuyên giảm:
- Chuẩn bị dược liệu: 120g hoàng cầm.
- Cách thực hiện: Cho dược liệu vào đun với 3 bát nước, đến khi sôi, cạn còn 1 nửa thì tắt bếp và rót ra uống. Nên chia thành nhiều lần uống trong ngày để hiệu quả đạt được cao nhất.
3. Bài thuốc dùng hoàng cầm trị viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là bệnh thường gặp, gây ra tình trạng đau bụng, ợ hơi, chướng bụng, nóng rát thường vị rất khó chịu.
- Chuẩn bị dược liệu: 16g hoàng cầm, 20g mạch nha, 20g mai mực, 12g sơn chi, 6g cam thảo, 8g hoàng liên, 2g ngô thù du, 12g đại táo.
- Cách thực hiện: Cho các dược liệu đã chuẩn bị sắc với 1 lít nước. Đợi nước sôi, cạn còn 300ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc làm 3 cốc, uống đều vào các thời điểm sáng, trưa và tối trong ngày.
4. Bài thuốc trị chứng sau sinh huyết ra nhiều
Tình trạng sau sinh ra huyết nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ. Sử dụng hoàng cầm kết hợp mạch môn đông để trị bệnh.
- Chuẩn bị dược liệu: Hoàng cầm, mạch môn đông với tỉ lệ bằng nhau.
- Cách thực hiện: Sắc hỗn hợp dược liệu theo định lượng với nước, dùng uống thay trà hằng ngày đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.
5. Bài thuốc trị phong phế có hỏa
Phong phế có hỏa là chứng bệnh mắc ở nhiều lứa tuổi, gây ho khan, miệng khô, đổ nhiều mồ hôi.
- Chuẩn bị dược liệu: Hoàng cầm.
- Cách thực hiện: Cho dược liệu tán thành bột mịn, thêm nước và chế thành viên có kích thước như hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 20 viên, nên uống cùng nước ấm để hiệu quả tốt nhất.
6. Bài thuốc thanh nhiệt
Hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc hiệu quả. Áp dụng bài thuốc dưới đây để nhanh chóng cải thiện sức khỏe.
- Chuẩn bị dược liệu: Hoàng cầm, bạch truật với tỉ lệ bằng nhau.
- Thực hiện: Sao vàng dược liệu, sau đó tán thành bột mịn. Trộn hỗn hợp đã tán với nước cơm, vo thành viên to như hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 50 viên với nước ấm, nên uống sau bữa ăn.
7. Bài thuốc chữa cảm lạnh
Kết hợp hoàng cầm với độc hoạt, khương hoạt, bạch chỉ cùng một số dược liệu khác giúp chữa phong hàn và cảm lạnh hiệu quả.
- Chuẩn bị dược liệu: 8g hoàng cầm, 8g độc hoạt, 8g khương hoạt, 8g bạch chỉ, 8g tần giao, 8g đương quy, 12g đảng sâm, 8g, 12g ngưu tất, 12g thục địa, 8g xuyên khung, 6g cam thảo, 8g phục linh, 0.8g bạch thược, 12g bạch truật.
- Cách thực hiện: Cho lượng dược liệu trên sắc với 600ml nước đến khi còn một nửa. Sau đó chia thành nhiều cốc uống trong ngày.
8. Bài thuốc dùng hoàng cầm trị kiết lỵ
Có nhiều cách điều trị kiệt lý, trong đó phổ biến nhất là 2 bài thuốc dưới đây, người bệnh có thể lựa chọn bài thuốc phù hợp để thuyên giảm bệnh.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị dược liệu gồm 12g hoàng cầm, 8g thược dược, 8g cam thảo, 3 trái đại táo. Sắc lượng dược liệu trên với 1 lít nước trong 20 phút. Sau đó chắt ra cốc, uống khi thuốc còn ấm.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị dược liệu gồm 12g hoàng cầm, 6g hậu phác, 12g thược dược, 4g hoàng liên, 3.2g mộc hương, 6g quảng trần bì. Cũng đem dược liệu sắc nước uống hằng ngày đến khi khỏi kiết lỵ.
9. Bài thuốc trị cảm phong nhiệt có đờm
Cảm phong nhiệt là chứng bệnh do tà khí xâm nhập cơ thể, gây ho khan, ho có đờm. Sử dụng dược liệu kết hợp cùng bạch chỉ theo cách dưới đây để trị bệnh.
- Chuẩn bị dược liệu: Hoàng cầm và bạch chỉ với tỉ lệ bằng nhau.
- Cách thực hiện: Đem tán lượng dược liệu trên thành bột mịn. Mỗi lần dùng, lấy 8g pha với nước ấm để uống.
10. Bài thuốc chữa chảy máu cam
Chứng bệnh chảy máu cam, nôn ra máu sẽ mau chóng thuyên giảm nhờ bài thuốc với hoàng cầm như sau:
- Chuẩn bị dược liệu: 40g hoàng cầm.
- Cách thực hiện: Sơ chế bỏ phần ruột đen, sau đó tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 12g sắc với 350ml nước đến khi còn lại 150ml. Uống trực tiếp khi thuốc còn ấm nóng để hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
11. Bài thuốc dùng hoàng cầm trị tán nhiệt, giải biểu
Bài thuốc này có tác dụng trị cảm mạo, rét lạnh nhưng sốt cao, nhức đầu, nhức mắt khô mũi, đau mỏi chân tay, không ngủ được…
- Chuẩn bị dược liệu: Chuẩn bị 4g hoàng cầm, 4g sài hồ, 4g khương hoạt, 4g bạch truật, 4g thược dược, 8g cát căn, 8g thạch cao, 2g cát cánh, 2g cam thảo, 3 lát gừng tươi, 2 quả đại táo.
- Cách thực hiện: Đem dược liệu sắc với 1 lít nước, đợi đến khi nước sôi và cạn còn 500ml thì chắt ra uống trong ngày.
12. Bài thuốc trị co rút lưng
Làm việc quá nặng hoặc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài khiến lưng đau mỏi, co rút. Người bệnh áp dụng ngay bài thuốc dưới đây:
- Chuẩn bị dược liệu: 4g hoàng cầm, 6g kim ngân hoa, 8g cát căn, 6g bạch thược, 2g cam thảo, 3g hoàng liên, 2 con ngô công, 2 con toàn yết.
- Cách thực hiện dược liệu: Cho các vị thuốc trên vào ấm sắc với 400ml nước để uống trong ngày. Mỗi ngày đều đặn uống 1 thang để cải thiện chứng bệnh.
13. Bài thuốc trị bệnh mắt sưng đau
Để điều trị tình trạng mắt sưng đau, chảy nước mắt, người bệnh uống thuốc sắc từ các dược liệu như hoàng cầm, cúc hoa, thạch thuyết minh,… theo định lượng như sau:
- Chuẩn bị dược liệu: 12g hoàng cầm, 12g cúc hoa, 12g thạch thuyết minh, 16g quyết minh tử, 12g mạn kinh tử, 5g xuyên khung, 12g bạch thược, 12g mộc tặc, 20g thạch cao.
- Cách thực hiện: Sắc hỗn hợp dược liệu theo định lượng với nước, dùng uống thay trà hằng ngày đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.
14. Bài thuốc trị chứng trẻ nhỏ giật mình hay khóc đêm
Muốn trị chứng giật mình, khóc đêm của trẻ nhỏ, mẹ có thể sử dụng bài thuốc sau:
- Chuẩn bị dược liệu: 0,4g hoàng cầm, 0,4g nhân sâm.
- Cách thực hiện: Cho các dược liệu trên tán thành bột mịn, sau đó mỗi ngày pha 1 thìa với nước sắc trúc diệp. Cho trẻ uống đến khi chứng giật mình, khóc đêm thuyên giảm.
15. Bài thuốc trị cảm mạo
Bài thuốc dưới đây sẽ giúp điều trị tình trạng cảm mạo kèm triệu chứng sốt cao, cổ khô, khát và đau cứng đau gáy.
- Chuẩn bị dược liệu: 6g hoàng cầm, 6g bạch chỉ, 6g khương hoạt, 6g cát cánh, 4g sài hồ, 2g cam thảo, 10g cát căn, 16g thạch cao, 3 lát gừng tươi, 2 quả đại táo.
- Cách thực hiện: Tương tự như các bài thuốc khác, người bệnh sắc lượng dược liệu trên với nước và uống trong ngày.
16. Bài thuốc sử dụng hoàng cầm phế nhiệt sinh ho
Để điều trị phế nhiệt sinh ho, người bệnh sử dụng bài thuốc dưới đây:
- Chuẩn bị dược liệu: 12g hoàng cầm, 12g chi tử, 12g liên kiều, 8g hạnh nhân, 4g bạc hà, 4g cát cánh, 8g chỉ xác, 8g đại hoàng, 4g cam thảo.
- Cách thực hiện: Cho các dược liệu trên theo định lượng đã chuẩn bị vào ấm, thêm 600ml nước. Đun lửa lớn, đến khi nước sôi, đợi cạn còn 300ml thì tắt bếp. Rót nước thuốc ra cốc, lọc bỏ bã và uống sau các bữa ăn trong ngày.
17. Bài thuốc an thai
Trong thời kỳ mang thai, mẹ có thể áp dụng bài thuốc dưới đây để bồi bổ thể trạng và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của thai nhi.
- Chuẩn bị dược liệu: 12g thược dược, 12g hoàng cầm, 12g bạch truật, 4g xuyên khung, 8g đương quy.
- Thực hiện: Cho các dược liệu trên sắc với 500ml nước, cho đến khi nước sôi cạn còn 300ml thì chắt ra cốc uống khi còn ấm nóng.
18. Bài thuốc trị bệnh viêm gan virus cấp tính
Để điều trị viêm gan virus cấp tính, ngoài sử dụng thuốc Tây, người bệnh áp dụng bài thuốc dưới đây để nhanh chóng khỏi bệnh.
- Chuẩn bị dược liệu: 12g hoàng cầm, 12g hoàng liên, 12g chi tử, 12g hoàng bá, 8g nhân sâm, 8g thạch xương bồ, 8g đại hoàng.
- Cách thực hiện: Cho các vị thuốc đem vào ấm sắc với 600ml nước đến khi còn 300ml. Chia làm 3 cốc uống trong ngày, dùng 1 thang/ngày.
19. Bài thuốc dùng hoàng cầm trị viêm gan mãn tính
Hoàng cầm kết hợp với các dược liệu đại phúc bì, mộc thông, hoạt thạch, phục linh,… với định lượng phù hợp sẽ giúp điều trị bệnh gan mãn tính hiệu quả.
- Chuẩn bị dược liệu: 12g hoàng cầm, 12g đại phúc bì, 12g mộc thông, 12g hoạt thạch, 8g phục linh, 16g kim ngân, 8g đậu khấu, 20g nhân trần, 8g nấm trư linh, 4g cam thảo.
- Cách thực hiện: Tất cả dược liệu đem cho vào ấm sắc cùng nửa lít nước. Sau 20 phút bỏ bã và uống khi nước thuốc còn ấm.
Một số câu hỏi liên quan đến dược liệu hoàng cầm
Không chỉ quan tâm đến cây hoàng cầm có tác dụng gì, có nhiều vấn đề xoay quanh dược liệu nhận được sự quan tâm từ người dùng. Cụ thể, chuyên gia Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc giải đáp như sau:
- Dùng hoàng cầm có gây tác dụng phụ không?
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu chỉ ra trong hoàng cầm có chất độc gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách, sai liều lượng, sai đối tượng hoặc kết hợp với các dược liệu tối kỵ có thể dẫn đến những tác dụng phụ như: Nổi mẩn ngứa, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,…
- Liều lượng dùng dược liệu thế nào?
Hoàng cầm nói riêng và các dược liệu Đông y nói chung, nếu sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Liều lượng dùng hoàng cầm được khuyến cáo là từ 12 – 20g/ngày. Tùy vào từng bài thuốc và cơ địa đáp ứng của từng người, thầy thuốc sẽ điều chỉnh liều lượng phù hợp nhất.
- Những ai không nên dùng dược liệu hoàng cầm chữa bệnh?
Một số đối tượng không nên sử dụng dược liệu hoàng cầm bao gồm: Phụ nữ đang có thai, người bị tiêu chảy mất nước do trúng gió, người tỳ vị hư hàn, lạnh bụng, đầy bụng, đau bụng,…
- Hoàng Cầm kỵ gì?
Việc kết hợp dược liệu sai cách sẽ dẫn đến ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Đối với hoàng cầm, thầy thuốc khuyến cáo tuyệt đối không kết hợp cùng một số dược liệu gồm sơn thù du, đơn sa, long cốt, mẫu đơn, hành sống, lê lô.
Giá bán bao nhiêu? Nên mua hoàng cầm dược liệu ở đâu?
Hiện nay, chênh lệch tùy theo mùa vụ và tùy theo từng đơn vị cung cấp. Người dùng có thể mua dược liệu tại các nhà thuốc Đông y, các cửa hàng cung cấp dược liệu, các trung tâm nuôi trồng dược liệu,…
Đặc biệt, hình thức cung cấp trực tuyến trên sàn thương mại điện tử hiện nay cũng rất phổ biến, bạn có thể chọn mua hoàng cầm hoặc các dược liệu khác theo phương thức này để giảm thời gian đi lại đáng kể.
Tuy nhiên, dù mua theo hình thức nào, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ đơn vị cung cấp, đảm bảo sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy tờ kiểm định chất lượng. Điều này tránh tình trạng mua phải dược liệu sử dụng chất bảo quản hoặc bị lẫn tạp chất, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả trị bệnh và sức khỏe người dùng.
Lưu ý khi sử dụng vị thuốc hoàng cầm trị bệnh
Với thành phần chứa nhiều hoạt chất tác động đến sức khỏe, vậy nên trong quá trình sử dụng người bệnh cần chú ý những vấn đề sau để đảm bảo phát huy tác dụng tích cực cho sức khỏe, ngăn ngừa những tác dụng phụ không mong muốn.
- Không tự ý sử dụng bất cứ bài thuốc Đông y nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết, đảm bảo quá trình điều trị bệnh hiệu quả và an toàn.
- Sử dụng phương pháp điều trị bệnh bằng dược liệu sẽ không có hiệu quả tức thì mà cần kiên trì trong thời gian dài để thấy triệu chứng bệnh cải thiện rõ rệt.
- Trong quá trình sử dụng dược liệu, nếu thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường cần ngưng dùng và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe.
- Mua dược liệu chất lượng, đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
- Kết hợp chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, nhanh chóng khỏi bệnh.
Chủ động tìm hiểu về hoàng cầm nói riêng và các dược liệu y học nói chung giúp bạn có thêm kiến thức vận dụng trong quá trình cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, đừng quên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, chuyên gia dược liệu trước khi sử dụng bất cứ dược liệu nào.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!