Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Cây sài đất là loại thực vật mọc hoang nhưng lại có khả năng chữa bệnh khiến nhiều người bất ngờ. Theo y học cổ truyền, sài đất được sử dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh lý về da như viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, nổi rôm sảy, nổi mụn nhọt… cùng nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu này trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về cây sài đất
- Tên gọi khác: Húng trám, cúc nháp, ngổ núi, cúc giáp, hoa múc, xoài đất…
- Tên nước ngoài: Chinese wedelia
- Tên khoa học: Wedelia calendulacea Less
- Họ: Cúc (Asteraceae)
1. Đặc điểm và hình thái nhận biết
Sài đất thực chất là một loại cỏ mọc hoang phổ biến tại nước ta, bạn có thể dễ dàng nhận biết loài thực vật này trong tự nhiên thông qua một số đặc điểm sau:
- Sài đất mọc bò, thân lan rộng trên mặt đất, thân lan đến đâu rễ mọc đến đấy. Thân khá cứng, dai, nhỏ và có màu xanh, phủ bên ngoài là lớp lông trắng.
- Lá cây sài đất thường mọc sát thân, gần như không có cuống, đối xứng hai bên, viền lá có răng cưa và có lông phủ trên bề mặt lá.
- Hoa có màu vàng tươi, nhiều cánh và mọc đơn lẻ.
- Quả sài đất có kích thước nhỏ, nhẵn không có lông.
Vì là loại thực vật mọc bò lan ra trên mặt đất nên nhiều người thường dễ bị nhầm lẫn sài đất với cây sài đất giả hoặc cây lỗ địa. Điểm khác nhau để phân biệt là dựa vào màu sắc của hoa, sài đất có hoa màu vàng tươi, còn 2 loại cây còn lại có hoa màu vàng nhạt, lá nhỏ và ngắn hơn.
Một số hình ảnh cây sài đất trong tự nhiên:
2. Phân bố và phân loại
Sài đất là loại thực vật ưa ẩm, ưa bóng mát và thường mọc hoang ở những nơi như đồi núi, ruộng, ven đường… Hiện nay chúng được tận dụng để trồng làm đẹp ở sân vườn, công viên, ở các công ty, xí nghiệp… Ngoài Việt Nam, một số quốc gia châu Á như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ… cũng có rất nhiều loại cây này và cũng được người dân tận dụng để trồng làm cảnh hoặc làm thuốc.
Về phân loại cây sài đất, các nhà khoa học đã phân chia loại thực vật này làm 2 loại chính dựa vào đặc điểm của cây là sài đất hoa vàng và sài đất hoa trắng. Trong đó, sài đất vàng thường phổ biến hơn mọc rất nhiều ở ven đường, còn sài đất màu trắng được dùng chủ yếu để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý thường gặp.
3. Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản
- Bộ phận dùng: Toàn bộ phần rễ, thân, lá của cây sài đất đều có thể được sử dụng để làm thuốc.
- Thu hái: Thời gian thích hợp để thu hoạch sài đất chủ yếu rơi vào tháng 4 – 5, đây là thời điểm cây ra hoa và có chứa hàm lượng dược chất cao nhất. Khi thu hoạch hãy cắt sát gốc, sau đó tưới nước, bón phân cho cây mọc ra tiếp là có thể thu hoạch tiếp.
- Sơ chế: Sau khi thu hái về rửa sạch, cắt nhỏ và phơi khô để sử dụng dần. Hoặc người bệnh cũng có thể dùng dược liệu tươi đều được.
- Bảo quản: Bảo quản trong túi kín hoặc bao bì kín ở nơi khô thoáng để tránh ẩm mốc, mối mọt.
4. Thành phần hóa học
Theo các nghiên cứu khoa học, trong cây sài đất có chứa rất nhiều thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ tốt cho việc điều trị bệnh. Cụ thể một số hoạt chất có trong loài thực vật này như: Phytosteron, caroten, chlorophylle. Nhựa cây có chứa đường, tanin, silic, mucin, saponin, pectin,… còn lá chứa chất wedelolacton, norwedelic acid, dimethyl wedelolacton, muối và nhiều chất vô cơ có lợi khác. Đặc biệt, trong sài đất có chứa hợp chất saponin triterpen được đánh giá tương tự như chất saponin ro có trong nhân sâm.
Công dụng của cây sài đất
Theo y học cổ truyền
Trong các tài liệu y học cổ truyền, sài đất là loại dược liệu quý quy kinh can, phế và có tác dụng chữa bệnh nhờ tính mát, vị ngọt, hơi chua, không độc, chủ trị một số vấn đề như hóa đàm, lương huyết chỉ khái, chỉ huyết, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng và khử ứ. Trong dân gian, dược liệu sài đất thường được sử dụng với các mục đích sau:
- Nấu nước tắm cho trẻ điều trị nổi mụn nhọt, nổi rôm sảy;
- Sắc nước thuốc uống giúp giảm đau nhức, hạ sốt, trị bệnh sốt xuất huyết;
- Vị thuốc này còn được dùng để điều trị các vấn đề viêm nhiễm, nhiễm trùng, điển hình như bệnh viêm bàng quang, viêm tuyến vú, viêm chân răng, viêm gan, vàng da… nhờ đặc tính kháng viêm tự nhiên mạnh mẽ.
- Tại Trung Quốc, dược liệu sài đất được dùng để trị một số bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, bạch hầu, ho gà…
Theo y học hiện đại
Nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh dược liệu sài đất chứa nhiều hoạt chất quý và đem lại một số công dụng trị bệnh gồm:
- Trị các bệnh lý ngoài da: Theo các nghiên cứu, trong cây sài đất có chứa hàm lượng cao hoạt chất phenolic với đặc tính trị viêm và có ích trong điều trị một số bệnh lý ngoài da như viêm da cơ địa, nổi rôm sảy ở trẻ em, nổi mẩn ngứa ngoài da do dị ứng, chàm eczema hoặc nổi mụn trứng cá.
- Tăng cường chức năng bảo vệ gan: Thảo dược sài đất đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ chức năng gan nhờ hoạt chất wedelolactone và demethylwedelolactone (dẫn xuất Coumestans). Đây cũng chính là lý do trong một số loại dược phẩm chống độc gan có chứa chiết xuất sài đất.
- Chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau: Trong sài đất có chứa một số hoạt chất khác như Morphine, Aspirin và Indomethacin… có khả năng kháng viêm, giảm đau nhức hiệu quả.
- Tác dụng tốt đối với phụ nữ: Trong sài đất có chứa hàm lượng cao hoạt chất isoflavanoid có khả năng hỗ trợ điều trị rong kinh, xuất huyết tử cung, cải thiện tình trạng thiếu hụt estrogen gây loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
- Ngoài ra, dược liệu sài đất này còn có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hóa, kháng khuẩn, tăng cường khả năng bảo vệ chức năng lớp niêm mạc dạ dày, giảm lo âu và bệnh viêm khớp tự miễn…
Liều dùng
- Đối với người lớn: Ngày dùng 50 – 100g sài đất đun nước hoặc giã để đắp lên chỗ sưng đau đối với dược liệu tươi, 50g sài đất khô sắc lấy nước uống hằng ngày.
- Đối với trẻ em: Tùy theo thể trạng và độ tuổi của trẻ mà liều dùng sài đất có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 so với liều của người lớn.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu sài đất để trị bệnh
Để sử dụng sài đất đem lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người bệnh, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Đảm bảo tuân thủ đúng liều dùng mà bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không nên lạm dụng sài đất quá mức để tránh những rủi ro ngoài ý muốn gây hại cho sức khỏe.
- Các bài thuốc sắc từ sài đất nên uống hết trong ngày, không nên dùng thuốc qua đêm vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc cũng như dễ gây ra tác dụng phụ.
- Đối với các bài thuốc đắp sài đất nếu muốn sử dụng nhưng e ngại vì làn da nhạy cảm hãy thử kiểm tra đắp lên bàn tay trước. Nếu trong vòng 24 giờ tiếp theo không xảy ra bất kỳ triệu chứng dị ứng nào thì có thể sử dụng được.
- Chú ý bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc, nóng quá mức dễ bị hỏng.
- Chống chỉ định sử dụng với phụ nữ mang thai, những người có cơ địa dị ứng với các thành phần hoạt chất có trong sài đất.
- Những bài thuốc trị bệnh từ sài đất chỉ là mẹo dân gian, hiệu quả của chúng còn phụ thuộc vào mức độ và tình trạng bệnh của từng người. Chú ý không được thay thế những bài thuốc này cho các biện pháp đặc trị do bác sĩ chỉ định.
- Phương pháp sử dụng sài đất chữa bệnh chỉ phù hợp với những người mắc bệnh mức độ nhẹ và vừa. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Trong quá trình sử dụng dược liệu này nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào hãy ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ để được thăm khám, xử lý tác dụng phụ và tư vấn hướng điều trị kịp thời.
- Cần chú ý phân biệt sài đất với các loại cây khác, tránh nhầm lẫn để đem lại hiệu quả trị bệnh cao, phòng ngừa tác dụng phụ. Bên cạnh đó, chọn mua dược liệu sài đất ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng của thuốc trong điều trị bệnh.
Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp quý bạn đọc có thêm kiến thức về dược liệu cây sài đất. Trước và trong quá trình sử dụng dược liệu này, hãy tham vấn ý kiến của chuyên gia để được tư vấn về liều dùng, thời gian sử dụng và cách thực hiện phù hợp, an toàn với tình trạng bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!