Hà Thủ Ô Đỏ: Gợi Ý 10 Bài Thuốc Và Lưu Ý Khi Dùng Dược Liệu

Hà thủ ô đỏ có cả thân, lá và rễ đều được sử dụng làm dược liệu. Cây thuốc quý này được Y học cổ truyền đánh giá là đa công dụng và bồi bổ cơ thể cực tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng dược liệu cần thực hiện đúng cách để tránh tác dụng phụ không mong muốn cũng như các tương tác dược tính khác.

Tổng quan về hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ là một trong hai loại hà thủ ô – vị dược quý hiếm với nhiều công dụng trong Y học cổ truyền và hiện đại. Loài cây này còn có tên là dạ giao đằng, địa tinh, dạ hợp,… cùng danh pháp hoa học là Fallopia multiflora hoặc Polygonum multiflorum Thunb, thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Hà thủ ô đỏ là cây thuốc có cả thân, lá và rễ cũ được dùng làm dược
Hà thủ ô đỏ là cây thuốc có cả thân, lá và rễ cũ được dùng làm dược

Đặc điểm, hình dạng nhận biết

Cây hà thủ ô đỏ là một loại cây dây leo, sống lâu năm. Dưới đây là các đặc điểm cây hà thủ ô đỏ giúp bạn nhận biết dược liệu này:

  • Thân cây dạng dây leo quấn vào nhau, mặt ngoài có màu xanh sáng, trơn nhẵn.
  • Lá cây hà thủ ô đỏ có màu xanh đậm, rất um tùm và cây có thể cho ra những chùm hoa trắng ở đầu ngọn.
  • Rễ cây hà thủ ô đỏ phình to thành củ, tròn dài nhưng không đều. Vỏ rễ có màu nâu đỏ hồng, phần thịt bên trong màu nâu đỏ sẫm. Thịt mềm và có lớp sần mỏng. Ở giữa có thể có lõi gỗ.

Để nhận biết cây hà thủ ô đỏ với loại trắng, ta có thể dựa vào màu vỏ và phần ruột của củ rễ. Loại đỏ có vỏ màu nâu đỏ hồng và mặt cắt ngang màu nâu sẫm, mềm và có lớp sần mỏng, lõi có thể bị hóa gỗ và màu đỏ sẫm. Trong khi củ hà thủ ô trắng có vỏ màu xám trắng và phần ruột có màu trắng ngà.

Phân bố

Cây hà thủ ô đỏ phân bố rộng rãi ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới ở Châu Á như Trung Quốc, Bắc Lào, Nhật Bản và Ấn Độ, các nước Đông Nam Á,… Tại nước ta, cây thuốc này phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang và Lào Cai. 

Tuy nhiên, vùng phân bố tự nhiên của cây này đã bị thu hẹp do các hoạt động khai thác và nạn phá rừng để làm nương rẫy. Do đó, hiện nay cây này cũng được trồng thêm nhiều ở các vườn ươm để làm thuốc tại cả khu vực phía Nam như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên và Bình Định. 

Cây thuốc này được phân bố và trồng tại nhiều nơi
Cây thuốc này được phân bố và trồng tại nhiều nơi

Bộ phận dùng và quy trình thu hái

Hà thủ ô đỏ là loại cây có thể sử dụng tất cả bộ phận cho mục đích dược liệu, bao gồm cả thân, lá và rễ củ, nhưng rễ củ được ưa chuộng hơn cả. Để thu hái hà thủ ô đỏ, người ta có thể trồng bằng dây, hạt, củ hoặc cánh bánh tẻ. Cây thường được trồng trong vòng 4 – 5 năm trở lên mới có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch cây thuốc này thường vào mùa thu.

Phần thân và lá sau khi thu hoạch thì làm sạch, phơi khô trong bóng râm. Phần củ có thể dùng tươi hoặc sơ chế thành dược liệu khô.

Thành phần hóa học

Trong cây hà thủ ô đỏ, có các thành phần hóa học sau:

  • Anthraglycosid (bao gồm Emodin, Physcion, Rhein, Chrysophanol,…): 1.7%.
  • Protein (Protid): 1.1%.
  • Tinh bột: 45.2%.
  • Chất béo (Lipid): 3.1%.
  • Chất vô cơ: 4.5%.
  • Các chất tan trong nước (bao gồm Lecitin, Rhaponticin – Rhapontin, Ponticin,…): 26.45g.
  • Tannin: Khi chưa chế biến 7.68%, sau khi chế biến còn 3.82%.
  • Dẫn chất Anthraquinon tự do: Khi chưa chế biến 0.25%, sau khi chế biến còn 0.1127%.
  • Dẫn chất Anthraquinon toàn phần: Khi chưa chế biến 0.8058%, sau khi chế biến còn 0.2496%.

Cách chế biến hà thủ ô đỏ hết độc

Hai nhóm thành phần chính có trong cây thuốc là các Anthranoid và Tannin có tác dụng trái ngược nhau, gây nên độc tính của dược liệu. Anthranoid có tác dụng tăng nhu cầu động ruột, nhuận tràng, liều cao có thể gây tiêu chảy. Trong khi đó Tannin có khả năng làm se ruột, gây táo bón. Do đó, trước khi dùng cần sơ chế vị dược này sao cho loại bỏ hết chất chát Tannin. Nếu dược liệu chưa được sơ chế đúng cách có thể gây rối loạn tiêu hóa, người bệnh vừa tiêu chảy, ra phân lỏng, vừa bị táo bón.

Xem thêm: Ba Kích Trắng Có Tác Dụng Gì? Cách Sử Dụng Phát Huy Hiệu Quả Tốt Nhất

Thành phần hóa học bên trong có những nhóm chất trái ngược nhau
Thành phần hóa học bên trong có những nhóm chất trái ngược nhau

Để dùng loại tươi, trước hết cần sơ chế và ngâm cho hết chát để giảm độc tính của dược liệu. Sau khi đào củ rễ, rửa sạch và để ráo rồi thái lát mỏng hoặc cắt khúc, tiếp tục ngâm cùng nước vo gạo (nước gạo sạch và mới vo) trong khoảng 12 – 24 tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng khuấy đảo. Khi đủ thời gian thì vớt ra, rửa lại bằng nước sạch, để ráo rồi chế biến ngay, không để lâu qua 3 ngày.

Để làm dược liệu khô, củ hà thủ ô đỏ sau khi được đào về sẽ được rửa sạch đất, bổ đôi hoặc bổ tư, đồ rồi phơi khô. Tuy nhiên, ở một số nơi, sau khi phơi khô, người ta sẽ tiếp tục đồ với đậu đen qua 9 lần để có được miếng hà thủ ô đen mới dùng, loại này được gọi là hà thủ ô chế. 

Quy trình đồ với đậu đen bao gồm: 

  • Bước 1: Ngâm củ hà thủ ô trong nước vo gạo 1 ngày rồi rửa sạch lại với nước. 
  • Bước 2: Đổ 1kg hà thủ ô đỏ và 100g đậu đen vào 2 lít nước, đảo thường xuyên để đậu và hà thủ ô đỏ được chín đều. 
  • Bước 3: Nấu đến khi nước gần cạn, vớt củ ra khi thấy củ đã mềm, phơi 1 – 2 nắng. 
  • Bước 4. Tiếp tục thực hiện các bước sơ chế trên đến khi đủ 9 lần là thu được dược liệu.

Cách bảo quản

Sau khi đã được sơ chế và phơi khô, dược liệu hà thủ ô đỏ có thể được bảo quản trong bao bì khô ráo, sạch sẽ và đặt nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và ẩm ướt. Tốt nhất nên để dược liệu khô trong các túi giấy hoặc các bao bì thấm hút ẩm để tránh bị ẩm mốc. Nếu được bảo quản đúng cách, hà thủ ô đỏ có thể được sử dụng trong một thời gian dài.

Công dụng hà thủ ô đỏ trong y học

Hà thủ ô đỏ không chỉ được Y học cổ truyền coi là vị dược quý với nhiều công dụng tuyệt vời mà Y học hiện đại ngày nay cũng đã phát hiện và công nhận tác dụng của các hoạt chất trong cây thuốc này.

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, phần thân – lá và phần củ đều là vị dược quý, có thể sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý với những đặc điểm cơ bản như sau:

  • Thân và lá: Được gọi là dạ giao đằng. Vị ngọt, tính bình. Quy kinh Tâm, Can theo Trung dược đại từ điển; quy kinh Tâm, Tỳ theo Bản thảo tái tân; quy kinh Can và Thận theo Tứ Xuyên Trung dược chí. Công năng chính là dưỡng tâm, an thần, bổ khí huyết, giảm suy nhược, chống viêm,… Dạ giao đằng thường được dùng trong pháp trị chứng mất ngủ, thiếu máu, chữa mụn nhọt, cải thiện các tình trạng suy nhược cơ thể và tinh thần,…
  • Rễ: Tính vị đắng chát, hậu vị hơi ngọt, tính ôn (ấm). Quy vào kinh Can và Thận. Công năng chính là bổ thận, bổ khí huyết, nhuận gan, ích tinh tủy, cường gân xương, nhuận tràng,… Do đó, chủ trị của dược liệu này là trị can thận âm hư, giảm đau đầu, chóng mặt, cải thiện tình trạng đau lưng mỏi gối, làm đen tóc, bổ thận tráng dương, trị táo bón, chữa sốt rét, lao hạch,…
Đông y ứng dụng hà thủ ô đỏ trong nhiều bài thuốc với các cách bào chế khác nhau
Đông y ứng dụng hà thủ ô đỏ trong nhiều bài thuốc với các cách bào chế khác nhau

Hà thủ ô đỏ là một loại thảo dược quý được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền. Dưới đây là một số công dụng của hà thủ ô đỏ theo Y học cổ truyền:

  • Bổ khí huyết: Hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ máu, cải thiện sức khỏe tổng thể, đặc biệt là trong trường hợp thiếu máu, suy nhược cơ thể hoặc sau khi mổ.
  • Làm dịu đau đầu: Dược liệu này có tác dụng làm dịu các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và các triệu chứng khác liên quan đến động mạch vành.
  • Làm đen tóc và chống lão hóa: Loại thảo dược này còn có tác dụng chống lão hóa, giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường sức khỏe – năng lượng, hỗ trợ làm đen tóc và kéo dài tuổi thọ.
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Dạ giao đằng có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn hiệu quả, hạn chế triệu chứng khó tiêu, táo bón, đầy hơi và ợ nóng.
  • Giảm đau nhức cơ xương, viêm khớp: Với công dụng cường gân cốt, vị thuốc này có tác dụng giảm các cơn đau lưng, mỏi gối, đau nhức cơ bắp, kết hợp khả năng tiêu viêm giúp giảm viêm khớp.
  • Điều hòa kinh nguyệt: Vị dược này cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh nguyệt, điều chỉnh tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều, giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • An thần và giảm căng thẳng: Lá và thân cây là vị dược có tác dụng dưỡng tâm, an thần, tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon hơn.
  • Một số công dụng khác: Vị dược cũng được áp dụng cho bổ thận, chữa dương hư, từ đó tăng sinh lý nam. Hà thủ ô đỏ cũng được dùng trong các bài thuốc chữa sốt rét, ù tai, lao hạch,…

Theo Y học hiện đại

Không chỉ được Y học cổ truyền coi là vị thuốc quý và Y học hiện đại cũng đánh giá cao dược tính của vị dược này với hàm lượng dược chất cao có trong thành phần. Dưới đây là một số tác dụng của hà thủ ô đỏ được các nhà khoa học hiện đại phát hiện và công nhận:

  • Nhuận tràng: Hai nhóm chất Anthraglucozit và Anthraquinon trong hà thủ ô đỏ có khả năng kích thích co bóp ruột, tăng cường nhu động ruột giúp chống táo bón và đi ngoài ra máu.
  • Tăng chức năng hệ thần kinh: Lecithin trong loại cây này giúp chống suy nhược thần kinh, giúp sinh dịch huyết, cải thiện chuyển hóa, tăng cường chức năng tim cô lập và giảm thiểu các triệu chứng của tim yếu mệt. 
  • Bổ huyết, chống suy nhược: Nước chiết từ cây thuốc có tác dụng tăng hoạt động lưu thông máu, cải thiện tình trạng thiếu máu lên não, giảm cảm giác mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, tăng lượng hồng cầu.
  • Bảo vệ gan: Các hợp chất nhóm Stilben có trong dược liệu giúp gan giải độc và chống tác hại của oxy hóa, tăng cường chức năng gan, ức chế các enzyme trong gan như GOT và GPT.
  • Kháng khuẩn: Nước chiết dịch cồn từ củ rễ có tác dụng ức chế vi khuẩn lao. Ngoài ra, hoạt chất resveratrol trong nhóm Stilben cũng có khả năng diệt khuẩn, chống nấm tự nhiên.
  • Giảm mỡ trong máu: Thí nghiệm sử dụng dịch chiết cồn từ cây thuốc lên chuột cống với liều liều 1.5g/ml cho thấy tác dụng hạ cholesterol hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy hà thủ ô đỏ có khả năng giảm tình trạng mỡ máu, giảm chỉ số Cholesterol toàn phần, LDL Cholesterol – mỡ xấu, triglyceride, chống xơ vữa động mạch và ngăn ngừa tai biến mạch máu não.
  • Ứng dụng trong điều chỉnh nhịp tim và bệnh tim mạch: Nghiên cứu được công bố trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam cho biết sử dụng Lecithin dạng dung dịch pha loãng theo tỷ lệ 1/10000 – 1/200000 có tác dụng làm mạnh tim cô lập. Thử nghiệm trê trường hợp tim đã yếu mệt thì tác dụng càng rõ rệt hơn.
  • Tăng hoạt động estrogen: Các nhà khoa học đã phát hiện dược liệu này có hoạt tính sinh học tương tự hormon Estrogen trong cơ thể phụ nữ, giúp tạo hồng cầu tốt hơn, điều hòa các vấn đề rối loạn kinh nguyệt, giảm các triệu chứng của giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Đen tóc, giảm dấu hiệu lão hóa: Thử nghiệm sử dụng hà thủ ô đỏ cho người ở độ tuổi trung niên hoặc người tóc bạc sớm cho thấy dược liệu này có khả năng giảm rụng tóc đến 80% trong vòng 1 – 2 tháng và giảm tỉ lệ tóc bạc đến 20 – 30% sau 3-4 tháng sử dụng.
  • Chống oxy hóa: Các hoạt chất có trong cây và rễ đều có khả năng chống oxy hóa hiệu quả, từ đó giúp giảm lão hóa và chống các dị bào, các mầm bệnh.

Gợi ý 10 bài thuốc chữa bệnh hay từ hà thủ ô đỏ

Có nhiều cách dùng hà thủ ô đỏ theo pháp trị Y học cổ truyền như dược liệu tươi, dược liệu khô sắc uống, bột mịn, viên hoàn, cao mềm, ngâm rượu thuốc,… Tùy theo công dụng mà sẽ có các bài thuốc sử dụng kết hợp với vị dược khác và cách chế biến, sử dụng khác nhau.

1. Bài thuốc an thần, dưỡng tâm, bổ huyết

Tác dụng của bài thuốc là bổ khí huyết, an thần, trị mất ngủ, giảm lo âu, chữa tình trạng thiếu máu, âm hư, râu tóc bạc sớm,…

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ 12g, Bắc sa sâm 12g, Quy bản 12g, Long cốt bạch thược 12g.
  • Cách sử dụng: Sắc các nguyên liệu với 500ml cho đến khi còn 200ml, lọc và uống. Phần nước thuốc có chia uống 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc sắc uống này có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bồi bổ khí huyết và sức khỏe
Bài thuốc sắc uống này có tác dụng dưỡng tâm, an thần, bồi bổ khí huyết và sức khỏe

2. Bài thuốc Hà thủ ô hợp tễ

Bài thuốc có tác dụng trị thiếu máu, tăng huyết áp, cải thiện các chứng tê bì chân tay, thường xuyên chóng mặt, hoa mắt ở người cao tuổi và nữ giới.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ cả thân lá và củ 12g, Sinh địa 12g, Huyền sâm 12g, Bạch thược 12g, Hạn liên thảo 12g, Sa uyển tật lê 12g, Hy thiêm thảo 12g, Tang ký sinh, Ngưu tất 12g và 500ml nước sạch.
  • Cách sử dụng: Sắc tất cả trong ấm, thu được 200ml nước thuốc thfi chia dùng 2 lần/ngày.

3. Thất bảo mỹ nhiệm đan

Bài thuốc chế viên hoàn sử dụng 7 nguyên liệu mang đến tác dụng bổ gan, trị đau lưng mỏi đầu gối, giảm tình trạng rối loạn kinh nguyệt, khí hư ở phụ nữ và chữa di tinh ở nam giới.

  • Nguyên liệu: Dạ giao đằng và củ rễ 20g, Bạch linh 12g, Ngưu tất 12g, Đương quy 12g, Thỏ ty tử 12g, Phá cố chỉ 12g và 3 – 4 thìa mật ong nguyên chất.
  • Cách sử dụng: Tán các vị dược khô thành bột, chế với mật ong làm hoàn 6g/viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần dùng 2 viên (tức 12g). Uống cùng nước muối loãng để tăng hiệu quả.

4. Hà thủ ô tán

Bài thuốc có tác dụng tăng cường sinh huyết, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa và dưỡng nhan cực tốt.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ dạng dược liệu khô.
  • Cách sử dụng: Tán dược liệu thành bột nhuyễn và bảo quản trong hũ kín. Mỗi ngày pha 4g bột với 1 ly rượu nhạt để uống vào sáng sớm.
Hà thủ ô đỏ có thể tán làm bột và sử dụng dần
Hà thủ ô đỏ có thể tán làm bột và sử dụng dần

5. Bài thuốc trị sốt rét lâu ngày

Đây là bài thuốc dùng dược liệu tươi kết hợp một số nguyên liệu khác để chữa sốt rét lâu ngày dẫn đến hư chân âm, bệnh nhân sốt li bì nhiều ngày.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ tươi 60g, Sài hồ 12g, Đậu đen 20g.
  • Cách sử dụng: Cho các nguyên liệu vào ấm, thêm 800ml nước để sắc cho đến khi cạn còn khoảng 400ml nước. Đen đi phơi sương 1 đêm, sau đó hâm lại uống vào hôm sau, chi làm 2 lần/ngày.

6. Trị suy nhược, sốt rét

Đây cũng là một bài thuốc chữa chứng sốt rét lâu ngày dẫn đến âm hư, cơ thể suy nhược, sốt triền miên.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ khô 16g, Đảng Sâm 12g, Đương Quy 12g, Trần Bì 12g, Ổi khương 12g.
  • Cách sử dụng: Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi sắc cùng 500ml nước, thu được 200ml nước thuốc thì chia làm 2 lần uống trong ngày.

7. Rượu thuốc hà thủ ô đỏ bổ dưỡng

Rượu ngâm hà thủ ô đỏ cá nhiều công dụng, có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau nên được nhiều người lựa chọn hơn cả. Cần chuẩn bị các nguyên liệu gồm: Hà thủ ô đỏ tươi 1.5kg hoặc loại khô 1kg, đậu đen 0.5kg và rượu trắng 6 – 8 lít (loại 40 độ). 

Các ngâm rượu thuốc từ hà thủ ô đỏ:

  • Bước 1: Hà thủ ô tươi cần được rửa sạch và thái thành từng lát mỏng hoặc mua hà thủ ô phơi khô được bán sẵn. Ngâm các lát hà thủ ô với nước vo gạo để loại bỏ vị chát của dược liệu khoảng 2 – 3 ngày và thay nước vo gạo khoảng 2 lần/ngày để tránh nước bị lên men.
  • Bước 2: Rang đậu đen sơ qua để có mùi thơm. 
  • Bước 3: Đổ đậu đen và hà thủ ô vào bình thủy tinh và cho rượu trắng vào để ngâm trong khoảng 3 – 6 tháng. 
  • Bước 4: Mỗi lần dùng không quá 70ml, dùng khi ăn.
Rượu ngâm hà thủ ô được nhiều bệnh nhân ưa chuộng
Rượu ngâm hà thủ ô được nhiều bệnh nhân ưa chuộng

8. Điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu và nguy cơ xơ vữa động mạch

Bài thuốc này có tác dụng chữa tăng áp huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao và nguy cơ bệnh tim mạch ở người cao tuổi.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ khô 12g, Tàng ký sinh 12g, Nữ trinh tử 12g.
  • Cách sử dụng: Cho các vị dược vào nồi sắc/ấm, thêm 400ml nước để sắc.  Khi càn còn khoảng 200ml nước thuốc thì tắt bếp, lọc lấy nước chia uống 2 lần uống trong ngày.

9. Kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể

Bài thuốc này rất tốt cho những người bị thần kinh suy nhược, ngủ không ngon, ăn uống khó tiêu, rối loạn hệ tiêu hóa,…

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ 10g, Đại táo 5g, Trần bì 3g,  Sinh khương 3g, Thanh bì 2g và Cam thảo 2g. 
  • Cách sử dụng: Các nguyên liệu này được cho vào ấm sắc với 600ml nước, đun lửa to cho đến khi còn 200ml nước thuốc. Lọc lấy nước, chia nhỏ thành 3 – 4 lần dùng/ngày.

10. Hà thủ ô đỏ ngâm với mật ong

Bài thuốc dưỡng nhan, làm “xanh” tóc, chống lão hóa hiệu quả.

  • Nguyên liệu: Hà thủ ô đỏ khô thái lát 100g, mật ong nguyên chất 200g.
  • Cách làm: Cho hà thủ ô đỏ vào bình thủy tinh, cho thêm mật ong vào ngâm 3 tháng là có thể dùng. Mỗi lần dùng 2 – 3 thìa mật ong, chế nước 60 – 70 độ C, hãm 5 phút là có thể dùng uống trong ngày.
Có thể kết hợp vị dược này cùng mật ong
Có thể kết hợp vị dược này cùng mật ong

Tác dụng phụ, chống chỉ định và tương tác dược tính

Hà thủ ô đó là vị dược tốt cho cơ thể và có nhiều ứng dụng trong y học, tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân thì cần chú ý các tác dụng phụ, đối tượng chống chỉ định và tương tác dược tính khi dùng.

Tác dụng phụ không mong muốn

Hà thủ ô đỏ còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách. Những tác dụng phụ của hà thủ ô đỏ bao gồm:

  • Gây rối loạn tiêu hóa: Khi mới được thu hoạch, do chứa rất nhiều Anthraglycosid có tác dụng làm tăng co bóp đường ruột, tăng lượng dịch dạ dày. Do đó, nếu ăn quá nhiều có thể nhuận tràng quá mức, làm rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, một số người có thể bị buồn nôn và đau bụng.
  • Rối loạn điện giải, tê bì chân tay: Vì có tác dụng nhuận tràng, tăng hoạt động bài tiết nên việc bổ sung quá nhiều sẽ làm mất khả năng hấp thụ Kali, từ đó dẫn tới rối loạn điện giải. Lúc này bệnh nhân bị mất Kali quá mức sẽ cảm thấy mệt mỏi, chân tay tê cứng, râm ran khó chịu như kiến đang bò khắp người,…
  • Gây ra tình trạng đau đầu: Sử dụng quá liều hoặc sai cách kèm với các loại thuốc khác có thể gây ra tình trạng đau đầu.
  • Nguy cơ ngộ độc gan: Lạm dụng dược liệu này trong một thời gian dài liên tục có thể gây ngộ độc gan.
  • Gây ra các tác dụng phụ khi mẫn cảm: Bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm có thể gặp phải các tình trạng khác như tăng cân, dị ứng, ngứa da hoặc rối loạn giấc ngủ,…

Chống chỉ định và kiêng kỵ

Các đối tượng chống chỉ định và kiêng dùng của hà thủ ô đỏ bao gồm:

  • Người đang điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú, tử cung và bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật.
  • Bệnh nhân có vấn đề về hệ tiêu hóa, bao gồm tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, viêm đường tiêu hóa, viêm dạ dày, đặc biệt là khi hà thủ ô còn tươi sống.
  • Người bệnh bị teo cơ, viêm cơ hoặc rối loạn điện giải.
  • Người cao tuổi, người có đường huyết và huyết áp thấp.
  • Người đang gặp vấn đề về đàm thấp, tỳ hư, đại tiện lỏng.
  • Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phụ nữ đang trong thai kỳ và cho con bú.
  • Người đang đói, buồn nôn, dạ dày cồn cào.
Không sử dụng cho bệnh nhân ung thư hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa, rối loạn điện giải
Không sử dụng cho bệnh nhân ung thư hoặc gặp các vấn đề tiêu hóa, rối loạn điện giải

Tương tác dược tính

Dược tính của hà thủ ô đỏ có thể suy giảm và biến đổi do tương tác với:

  • Thực phẩm có màu trắng: Như củ hành, củ tỏi, củ cải,… vì có thể phân tán dinh dưỡng và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Đây là một quan điểm của Đông y.
  • Các loại thực phẩm có tính nóng: Gia vị nóng cay như gừng, ớt, hạt tiêu,… và các loại thực phẩm có tính ấm không nên kết hợp hà thủ ô đỏ vì có thể làm tăng cảm giác nóng trong cơ thể.
  • Thuốc chống đông máu: Vị dược này có thể tăng cường lưu thông máu, từ đó làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, do đó cần hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Thuốc lợi tiểu: Hà thủ ô đỏ có thể làm tăng nguy cơ hạ Kali máu khi dùng cùng với thuốc lợi tiểu – có tác dụng làm mất Kali. Vậy nên với những ai bị bí tiểu, tiểu dắt đang sử dụng thuốc thì không nên dùng chế phẩm từ hà thủ ô.
  • Thuốc bệnh tim: Các tác dụng của vị dược này đối với tim mạch và nhịp tim có thể gây ảnh hưởng lớn đến tác dụng của các loại thuốc tim mạch, do đó việc sử dụng song song cần cực kỳ cẩn trọng và có chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý cần biết khi mua và sử dụng vị dược hà thủ ô đỏ

Khi mua và sử dụng dược liệu hà thủ ô đỏ, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Nguồn gốc và chất lượng: Nên mua hà thủ ô đỏ từ các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc từ các nhà cung cấp không đáng tin cậy. Khi chọn mua, cần chọn dược liệu chất lượng tốt, không có mùi hôi, mốc hoặc có màu sắc bất thường. Đặc biệt cần cẩn trọng khi mua các chế phẩm được chế biến sẵn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 
  • Sử dụng đúng liều lượng: Hà thủ ô đỏ có thể gây ra tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều, do đó bạn nên tuân thủ liều lượng và cách dùng được chỉ định bởi chuyên gia y tế hoặc người bán hàng chuyên nghiệp.
  • Thời gian hiệu quả: Việc sử dụng vị thuốc này trực tiếp hoặc các chế phẩm, bài thuốc sẽ có tác dụng khác nhau tùy cơ địa mỗi người. Thời gian dùng cần được chỉ định dựa trên chẩn đoán và đơn kê của bác sĩ, thầy thuốc Y học cổ truyền có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
  • Bảo quản: Hà thủ ô đỏ cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi có độ ẩm cao. Nên đóng gói kín sau khi mua để tránh bụi bẩn hoặc côn trùng xâm nhập.
Chọn mua dược liệu chất lượng, sử dụng và bảo quản đúng cách
Chọn mua dược liệu chất lượng, sử dụng và bảo quản đúng cách

Hà thủ ô đỏ từ xưa đã được coi là vị thuốc cực tốt cho sức khỏe với tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ không hề kém cạnh với nhân sâm. Sử dụng đúng cách vị dược này sẽ giúp điều trị nhiều bệnh lý, tuy nhiên tất cả các bài thuốc, pháp trị cần tham vấn ý kiến bác sĩ có chuyên môn để đạt hiệu quả tối ưu.

Xem thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0961716466

Tin mới

Mỡ máu cao là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm

Máu Nhiễm Mỡ Có Nguy Hiểm Không? Căn Bệnh “Thời Đại Mới” Tiềm Ẩn Nguy Cơ Đột Quỵ

Hệ quả của cuộc sống hiện đại, với lối sống thiếu vận động và chế...
Viện thăm khám bệnh nhân đột quỵ

Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc Thăm Khám Bệnh Nhân Đột Quỵ Hoàn Cảnh Khó Khăn 

Vào 19/11 vừa qua, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc đã phối hợp cùng...
chương trình tư vấn sức khỏe thị trấn ngã sáu

Viện Y Dược Cổ truyền dân tộc Khám Sức Khỏe Đẩy Lùi Mỡ Máu Tại Hậu Giang

Ngày 27/10/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc và Trung tâm Thuốc dân tộc...