Trà Hoa Cúc Có Tác Dụng Gì? Bật Mí 6 Cách Pha Trà Thơm Ngon

Trà hoa cúc từ lâu đã được cả phương Đông và phương Tây sử dụng như một thức uống vừa thơm ngon, vừa mang đến nhiều công dụng tốt đối với cơ thể và sức khỏe. Loại trà này sử dụng hoa cúc trắng hoặc vàng – đều là dược liệu có nhiều tính ứng dụng được chứng minh bởi y học cổ truyền lẫn hiện đại.

Tổng quan về các loại trà hoa cúc

Trà hoa cúc là loại trà hãm từ hoa cúc vàng hoặc trắng, có tên khác là cúc diệp, tiết hoa, cúc la mã, dược cúc,… Hoa cúc có tên khoa học là Chrysanthemum indicum (cúc hoa vàng) và Chrysanthemum sinense (cúc hoa trắng), thuộc họ Cúc (Asteraceae) từ lâu đã được dùng làm dược liệu và thực phẩm. Đông y gọi vị dược này là cúc hoa, dùng trong các bài thuốc và hãm trà uống. Loại thảo mộc này sau khi được bào chế thành hoa khô có tên Latinh là Flos Chrysanthemi indici.

Có 2 loại hoa cúc dược dùng làm trà nhiều nhất
Có 2 loại hoa cúc dược dùng làm trà nhiều nhất

Có nhiều loài hoa cúc có thể dùng làm trà, chủ yếu phân làm 2 nhóm: Cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Về cơ bản, dược tính và giá trị dinh dưỡng của chúng tương tự nhau, có thể dùng thay thế để làm trà hoặc dược liệu. Cùng Viện y dược cổ truyền dân tộc tìm hiểu kỹ hơn về loại trà hoa được nhiều người ưa chuộng dưới đây.

Đặc điểm nhận dạng dược liệu cúc hoa

Bạch cúc và cúc hoa vàng là hai loại cây có ngoại hình khác nhau. Dưới đây là đặc điểm nhận dạng của cây bạch cúc:

  • Thân hoa đứng, có rãnh chạy dọc trên thân. 
  • Lá có mặt dưới có lông và trắng hơn mặt trên. Mỗi lá thường có 3 – 5 thùy trái xoan. Phần đầu lá có hình tròn hoặc hơi nhọn. Phần mép lá có răng cưa. 
  • Cánh hoa cúc bạch có màu trắng, hình lưỡi. 
  • Phần nhụy hoa ở giữa hoa có màu vàng hoặc cam nhạt. 
  • Quả có hình trái xoan.
Hình dạng hoa cúc vàng làm trà và dược liệu
Hình dạng hoa cúc vàng làm trà và dược liệu

Trong khi đó cúc hoa vàng có đặc điểm như sau: 

  • Cây hoa cúc thuộc nhóm bụi thấp, cao khoảng 20 – 50cm. 
  • Thân cây mọc thẳng và bề mặt vỏ nhẵn với khía dọc.
  • Lá có hình bầu dục, cuống ngắn, mọc so le nhau và được chia thành nhiều thùy sâu. Phần mép lá có răng cưa nhọn không đều nhau. Mỗi lá đều có tai ở gốc. 
  • Cánh hoa có màu vàng, những cách ở ngoài rìa có hình lưỡi nhỏ, những cách ở giữa có hình ống và không có mào lông. 
  • Thùy hoa có màu vàng có có hình tam giác nhọn.
  • Quả bế dài khoảng 1mm, vỏ mỏng, phía trong quả có 1 hạt và không nội nhũ.

Phân bố

Các loài hoa cúc nói chung đều ưa sáng và ẩm. Hoa cúc trắng và vàng ngoài mọc dại còn thường được trồng để dùng làm dược liệu và trà. Tại nước ta, hoa cúc làm trà được trồng tập trung tại các khu vực như Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh,…

Bộ phận dùng làm trà – thu hái – sơ chế

Bộ phận dùng để làm trà hoa cúc là hoa của cây cúc hoa vàng hoặc trắng. Phần hoa cúc được thu hái vào mùa thu đến đầu mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Khi thu hái, cần chọn những hoa còn nguyên vẹn, thơm và có màu tươi sáng. 

Sau khi thu hái, để bào chế nguyên liệu trà hoa khô dễ sử dụng, cần thực hiện sơ chế và chế biến như sau:

  • Nếu muốn bảo quản lâu, cúc hoa có thể được xông hơi với lưu hoàng từ 2 – 3 giờ. 
  • Khi hoa đã chín mềm, đem nén trong khoảng 1 đêm, sau đó phơi khô. 
  • Hoa cúc được phơi trong mát hoặc ngoài nắng nhẹ, tùy vào điều kiện. Cần chú ý tránh phơi vào thời điểm nắng gắt để tránh cánh hoa bị nát, bay màu, mất hương vị.

Để bảo quản cúc hoa khô hãm trà uống dần, cần bảo quản nơi khô ráo và xông diêm sinh định kỳ để tránh sâu mọt, ẩm mốc.

Loại hoa cúc trắng được dùng làm trà
Loại hoa cúc trắng được dùng làm trà

Thành phần hóa học

Hoa cúc trắng và vàng dùng làm trà đều chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe, bao gồm:

  • Các hoạt chất Apigenin, Quercetin 3-O-galactoside, Isorhamnetin-3-O-galactoside, Lyteolin, Thymol, Tricosane, Acacetin-7-O-Rhamnoglucoside, Lutein-7-Rhamnoglucoside, Camphor, Carotenoid (Chrysanthemaxanthin),…
  • Các loại tinh dầu như Pinen, Sabinen, Myrcen, Terpinen, P-cymen, Cineol, Thuyon, Chrysanthenone, Borneol, Linalyl acetate, Bornyl acetate, Cadinen, Caryophyllen oxit cadinol, Chrysanthetriol,…
  • Nhóm Sesquiterpen gồm Angeloyl cumambrin B và Arteglasin,…
  • Các hoạt chất chống oxy hóa Flavonoids như Acaciin, Glucopyranosid, Acacetın, Galactopyrianosid, Chrysanthemin,…
  • Các Acid amin như Cholin, Adenin và Stachydrin,…
  • Một số thành phần khác gồm: IIndicumenon, Sitos-terol, Amyrin, Friedelin,
    Sesamin, Vitamin A,..
  • Ngoài ra trong hạt cúc còn có chứa 15.80% dầu béo.

Cách dùng, liều dùng

Hoa cúc dùng làm pha trà hoặc phối hợp các dược liệu khác trong các bài thuốc, pháp trị y học cổ truyền. Khi dùng có thể sử dụng hoa cúc tươi, hoa sấy/phơi khô dạng nguyên nụ hoặc tán bột.

Liều dùng theo Đông y hoặc hãm trà uống không vượt quá 6 – 20g/ngày.

Sử dụng đúng liều lượng để đảm bảo an toàn, hiệu quả
Sử dụng đúng liều lượng để đảm bảo an toàn, hiệu quả

Trà hoa cúc có tác dụng gì?

Từ xa xưa, y học cổ truyền phương Đông đã ghi nhận hoa cúc là một loài thảo dược có thể sử dụng để nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Sách Bản Thảo Cương Mục của danh y thời Minh (Trung Quốc) – Lý Thời Trân (đời Minh) đã sử dụng hoa cúc để ăn sống, nấu các món ăn, nấu canh,… để hỗ trợ làm đẹp nhan sắc, bồi bổ khí huyết, kéo dài tuổi thọ…

Người La Mã và thời trung cổ của phương Tây cũng sử dụng hoa cúc như một thực phẩm, thảo mộc bổ dưỡng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Cho đến hiện đại, nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện các hoạt chất có dược tính và tác dụng đến cơ thể từ hoa cúc. Từ đó, loại thức uống từ loại hoa này được ứng dụng nhiều trong y học hiện đại và ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe,…

Theo y học cổ truyền

Dược liệu hoa cúc có các tính vị khác nhau theo các nguồn tài liệu y học cổ truyền, cụ thể:

  • Theo sách Bản Kinh, hoa cúc có vị đắng, tính bình. 
  • Theo sách Biệt Lục, hoa cúc có vị ngọt, không độc.
  • Theo sách Thang Dịch Bản Thảo, hoa cúc có vị đắng, ngọt, tính hàn.
  • Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu và sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách, hoa cúc có vị đắng, ngọt, tính bình và hơi hàn. 

Về quy kinh, các tài liệu khác nhau cũng có quy hoa cúc vào kinh khác nhau, cụ thể:

  • Vào kinh Phế, Can, Tỳ, Thận dựa sách theo Lôi Công Bào Chích Luận.
  • Vào kinh Can, , Phế, Tỳ dựa sách theo Đông Dược Học Thiết Yếu.
  • Vào kinh Can, Thận, Phế dựa sách Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách.

Theo các tài liệu y học cổ truyền, dược liệu hoa cúc nói chung và trà hoa cúc nói riêng có nhiều công dụng khác nhau như:

  • Theo sách Dụng Dược Tâm Pháp: Trà hoa cúc được cho là có tác dụng minh mục, khứ ế mạc.
  • Theo sách Bản Kinh Phùng Nguyên: Dược cúc có khả năng thanh phong, giảm nóng nảy, khử nhiệt.
  • Theo sách Trân Châu Nang: Nước hãm cúc hoa có tác dụng dưỡng huyết mục. Điều này có nghĩa có thể dùng cúc hoa để nuôi huyết và đánh tan mộng thịt ở mắt, giúp sáng mắt.
  • Theo sách Trung Dược Đại Từ Điển: Có thể sử dụng hoa cúc làm dược liệu công dụng sơ phong và giải độc. Trà hãm từ dược liệu này cũng có thể được sử dụng để trị mắt đau, tai mắt và các bệnh về mặt đầu, như nhức đầu, thông lợi huyết mạch, mắt đau, đủ đầu và chứng du phong. 
  • Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu: Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, thanh tán phong nhiệt, bình can, giải độc. Ngoài ra, loại trà hoa này cũng có tác dụng trừ phong các khớp xương và trị chứng du phong trên thân người. Dược liệu này cũng có thể sử dụng để trị mắt đau, đầu đau, chóng mặt và các chứng du phong do phong nhiệt ở Can, nặng một bên đầu.

Thông tin liên quan: Trà Hoa Hồng: Tìm Hiểu Tác Dụng, Cách Pha Chuẩn Và Lưu Ý Khi Dùng

Loại trà thảo mộc này có nhiều công dụng tốt theo cả y học cổ truyền và hiện đại
Loại trà thảo mộc này có nhiều công dụng tốt theo cả y học cổ truyền và hiện đại

Theo y học hiện đại

Hoa cúc là một loại thảo dược có nhiều công dụng trong y học hiện đại, do đó loại trà hãm từ nguyên liệu này cũng mang đến nhiều tác dụng đối với sức khỏe, cụ thể:

  • Tác dụng kháng khuẩn đường ruột và nhuận tràng: Trà hoa cúc có tác dụng chống lỵ trực trùng Sonnei, ức chế hoạt động và sự phát triển của trực trùng thương hàn, tụ cầu trùng vàng hay liên cầu trùng dung huyết beta trong đường ruột,…. Bên cạnh đó, dược cúc còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và nhuận tràng.
  • Ức chế vi nấm gây bệnh ngoài da: Bạch cúc hoa có khả năng ức chế một số vi nấm gây bệnh ngoài da.
  • Mờ sẹo, làm lành nhanh tổn thương trên da: Vitamin A trong cúc hoa có khả năng kích thích sản sinh collagen, từ đó giúp tái cấu trúc thượng bì để cải thiện sẹo trên bề mặt da. Các vết bỏng, phát ban, tổn thương trên da cũng có thể nhanh chóng phục hồi khi sử dụng trà hãm từ hoa cúc thường xuyên.
  • Hạ sốt do cảm lạnh: Một thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân cảm phong hàn cho bài thuốc gồm cúc hoa vàng kết hợp 5 vị thuốc khác cho thấy hiệu quả hạ sốt ở 80% bệnh nhân.
  • An thần, trị mất ngủ: Loại trà thảo mộc được sử dụng để cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng – cản bệnh thường gây ra do sang chấn tinh thần. Một số nguồn khác như “Hiệu quả của trà hoa cúc trong điều trị chứng mất ngủ nguyên phát” (2016) đã chứng minh rằng loại trà hoa này có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu, giúp giảm stress và cải thiện giấc ngủ.
  • Thanh nhiệt và giải độc: Trà hoa cúc có chứa nhiều loại tinh dầu và glycosid giúp ức chế mạnh đối với một số vi khuẩn gây bệnh như Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Shigella flexneri,… Những hoạt chất này và tinh dầu này rất hữu ích trong việc giải độc cho cơ thể. Ngoài ra, sử dụng dược cúc cũng được sử dụng trong điều trị nhiệt, nóng trong mùa hè, đau đầu do phong hàn, cảm mạo phong hàn.
  • Giảm mỏi mắt: Trà hoa cúc chứa rất nhiều vitamin A có tác dụng cải thiện sức khỏe của mắt, hỗ trợ giảm các tình trạng khô mắt, mỏi và mờ mắt. Việc uống loại trà dược liệu này thường xuyên có thể giúp duy trì và cải thiện sức khỏe của mắt.
  • Tốt cho hệ tim mạch, điều trị huyết áp cao: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trà hoa cúc có tác dụng giúp an thần, hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu mạch vành, làm giãn động mạch vành,… Chính vì vậy, việc dùng trà hoa này có tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh mạch vành, tăng huyết áp và xơ cứng động mạch tốt hơn. Ngoài ta, một thử nghiệm dùng cúc hoa cho 46 bệnh nhân xơ vữa động mạch và cao huyết áp cho thấy triệu chứng được cải thiện rõ rệt sau 7 ngày, giảm huyết áp sau 35 ngày.
  • Chống oxy hóa: Trong các loại trà hoa cúc chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương của các gốc tự do và tác nhân ô nhiễm. Điều này giúp giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa da như nếp nhăn, sạm đen, giảm độ đàn hồi và giữ cho làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, trà hoa này còn có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm stress, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và tránh lão hóa.

Gợi ý 6 cách pha trà hoa cúc thơm ngon, bảo toàn dược chất tốt nhất

Dưới đây là một số công thức pha trà hoa cúc đơn giản nhưng thơm ngon và mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe để bạn tham khảo:

Trà hoa cúc mật ong

Trà hoa cúc mật ong có hương vị ngọt dịu, thanh khiết cùng mùi thơm tự nhiên của hoa cúc. Sự kết hợp giữa hoa cúc và mật ong mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp giảm căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm đau bụng và hỗ trợ tiêu hóa.

Đây là một cách hãm trà thơm ngon và dễ sử dụng
Đây là một cách hãm trà thơm ngon và dễ sử dụng

Để pha trà ngon với công thức này, bạn sẽ cần 50g hoa cúc khô, 20ml mật ong và 200ml nước sôi. Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, hãy cho cúc hoa khô vào bình trà và rót nước sôi vào, sau đó dùng muỗng để khuấy đều và ủ khoảng 20 phút để trà ra hết nước cốt. 
  • Tiếp theo, bạn sẽ cần rây lọc để bỏ xác trà và để lại nước cốt trà. 
  • Sau đó, cho khoảng 20ml mật ong vào ly thủy tinh và đổ nước cốt trà vào. Sử dụng muỗng để khuấy đều và tạo ra một hỗn hợp hoàn chỉnh giữa nước cốt trà và mật ong. 
  • Cuối cùng, bạn có thể thêm một ít đá viên để làm mát nước trà và thưởng thức. 

Trà hoa cúc mật ong long nhãn

Cách pha trà này mang lại hương vị ngọt nhẹ, thanh mát và thơm. Đây là một loại trà có tác dụng tốt cho việc giảm stress và giúp cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, loại trà thảo mộc còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau đầu và giảm căng thẳng.

Để hãm trà, trước hết bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu gồm: 12 bông hoa cúc sấy khô, 12 quả long nhãn, 2 muỗng canh mứt hoa cúc, 30ml mật ong hoa hồng hoặc mật ong thường và 120ml nước sôi.

Cách thực hiện:

  • Khử mùi ẩm mốc của hoa cúc bằng cách cho hoa cúc vào ly, rót khoảng 10ml nước sôi vào và khuấy nhẹ. Sau đó, dùng rây lọc để loại bỏ phần nước này.
  • Chần qua nước sôi và lọc bỏ sạch nước của long nhãn để khử mùi.
  • Cho hoa cúc, long nhãn, mứt hoa cúc và mật ong vào bình trà.
  • Rót khoảng 350ml nước sôi vào bình trà, dùng muỗng khuấy đều cho mứt hoa cúc và mật ong tan đều, sau đó đậy nắp lại và ủ trong khoảng 20 phút.
  • Sau khi ủ xong, rót ra ly và thưởng thức. Trà hoa cúc mật ong long nhãn có thể uống nóng hoặc lạnh tùy thích nhưng không để qua đêm.

Hãm trà hoa cúc trắng táo đỏ

Trà hoa cúc trắng táo đỏ có hương vị thơm ngon, ngọt nhẹ từ hoa cúc kết hợp với mùi táo chín. Loại trà này có tác dụng giúp thư giãn tinh thần, tốt cho tiêu hóa và giảm đau bụng. Ngoài ra, nó cũng giúp giảm stress và cải thiện giấc ngủ.

Cách pha trà bạch cúc kết hợp táo đỏ khá đơn giản
Cách pha trà bạch cúc kết hợp táo đỏ khá đơn giản

Để pha trà ngon với công thức này, bạn cần chuẩn bị 5 – 10 bông bạch cúc khô, 5 quả táo đỏ, đường phèn hoặc mật ong tùy vào khẩu vị và 600ml nước sôi. Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, cho bông cúc và táo đỏ vào bình, rồi rót khoảng 200ml nước sôi vào. Lắc bình trong khoảng 30 – 45 giây để loại bỏ bụi và dị vật, sau đó đổ phần nước này đi.
  • Tiếp theo, cho 400ml nước sôi vào bình, đậy nắp và đợi khoảng 10 – 15 phút để trà hòa quyện.
  • Sau đó, thêm đường phèn hoặc mật ong để tạo hương vị thơm ngon. 
  • Rót ra ly và thưởng thức. Bạn có thể uống trà khi nóng hoặc thêm đá lạnh tùy vào sở thích cá nhân. 

Pha trà hoa cúc cam thảo

Trà hoa cúc kết hợp cam thảo mang đến hương vị ngọt ngào ấm áp, thơm ngào ngạt, đặc biệt thích hợp với những người ưa thích trà có vị ngọt kết hợp cay nhẹ. Đồng thời, dùng hoa cúc kết hợp cam thảo còn có tác dụng hỗ trợ giảm căng thẳng, giúp giải độc cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Để hãm trà hoa cúc cam thảo, bạn cần chuẩn bị 80g bông cúc khô, 7 lát cam thảo, 800ml nước sôi, 50g đường phèn hoặc 5ml mật ong. Cách pha trà:

  • Đầu tiên, đun sôi nước. 
  • Khi nước sôi sủi tăm, thêm cam thảo và hoa cúc vào nồi. 
  • Tiếp tục đun với lửa nhỏ khoảng 4 – 5 phút.
  • Sau đó, thêm đường phèn vào nồi và khuấy đều để đường tan. Nếu muốn dùng mật ong thay vì đường phèn, hãy thêm vào sau khi trà đã được lọc.
  • Sau khi đường tan hoàn toàn, lọc trà qua rây để bỏ bã là có thể thưởng thức ấm hoặc thêm đá để uống lạnh đều rất ngon.

Cách pha trà hoa cúc kỷ tử

Trà hoa cúc kỷ tử có màu vàng nhạt, hương vị thơm ngọt đặc trưng của cúc và kỷ tử. Loại trà này được cho là có tác dụng làm dịu cảm xúc, giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa.

Công thức kết hợp với kỷ tử mang đến cốc trà thơm ngọt và tốt cho sức khỏe
Công thức kết hợp với kỷ tử mang đến cốc trà thơm ngọt và tốt cho sức khỏe

Để hãm trà hoa cúc kỷ tử, trước hết bạn cần chuẩn bị 30g hoa cúc khô, 20g kỷ tử và 200ml nước sôi. Cách pha như sau:

  • Cho 30g hoa cúc và 20g kỷ tử vào bình trà, rồi đổ tiếp nước sôi vào bình.
  • Đậy nắp bình trà lại và ủ trong khoảng 30 phút để trà thảo mộc hòa quyện với nhau và tạo ra hương vị đặc trưng.
  • Rót nước trà qua rây lọc để loại bỏ các tạp chất. Thưởng thức trà ấm hoặc lạnh tùy ý.

Trà hoa cúc vàng đường phèn

Trà hoa cúc đường phèn mang đến hương vị ngọt nhẹ, thanh mát và thơm phức của hoa cúc, pha cùng đường phèn tạo ra sự cân bằng hoàn hảo. Trà này có tác dụng giúp thư giãn, làm dịu tâm trạng, giảm căng thẳng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Để pha trà hoa cúc đường phèn, bạn cần có 4 bông hoa cúc vàng, 2 viên đường phèn, 1 – 2 thìa mật ong và nước sôi. Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị một ly trà và cho 4 bông hoa cúc vào ly.
  • Đổ nước sôi đầy ly, để hãm trà trong khoảng 5 phút.
  • Lắc nhẹ ly để tách bỏ chất bẩn rơi ra, sau đó đổ nước này đi.
  • Cho 300ml nước sôi vào ly đã có hoa cúc hãm.
  • Thêm 2 viên đường phèn và 1-2 muỗng canh mật ong vào ly.
  • Khuấy đều cho đường tan chảy và thưởng thức trà hoa cúc đường phèn.

Những người nào không nên dùng trà hoa cúc?

Dù trà hoa cúc được xem là một loại trà tốt cho sức khỏe, tuy nhiên vẫn có những đối tượng không nên sử dụng trà hoa cúc. Sau đây là một số đối tượng cần kiêng kị khi sử dụng trà hoa cúc bao gồm:

  • Người tiêu chảy, vị hàn, ăn ít, khí hư: Trà hoa cúc có tính thanh nhiệt, trừ hỏa, làm dịu các triệu chứng của viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên, đối với những người có vị hàn, tiêu hóa kém, ăn ít, khí hư, sử dụng trà hoa cúc có thể làm tổn thương chính khí, gây ra các triệu chứng khó chịu khác.
  • Tỳ Vị hư hàn: Tỳ Vị (bộ phận đảm nhiệm vai trò giữa dạ dày và thận, có liên quan đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng) hư hàn là một căn bệnh thường gặp ở những người có vị hàn, tiêu hóa kém. Hoa cúc có tính lạnh, dễ gây kích thích cho dạ dày, dễ gây ra triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và không có lợi cho người bị tỳ vị hư hàn.
  • Người bị dương hư, đầu đau nhưng sợ lạnh: Trà hoa cúc có tính lạnh, dễ gây ra các triệu chứng như đau đầu, đặc biệt là đau đầu do dương hư và sợ lạnh.
  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai có khả năng miễn dịch kém, tỳ vị yếu, việc dùng trà hoa cúc thường xuyên có thể gây kích thích ruột và dạ dày, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và không có lợi cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
  • Người cao tuổi: Với người cao tuổi, chức năng tiêu hóa của người già suy yếu, đường tiêu hóa hoạt động kém, do đó cần cẩn trọng khi uống trà hoa cúc.
  • Bệnh nhân đang dùng Bạch truật và Địa cốt bì: Trà hoa cúc không nên kết hợp với Bạch truật và Địa cốt bì, vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Người bị huyết áp thấp: Trà hoa cúc có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, nếu người huyết áp thấp uống loại trà này có thể bị chóng mặt.
  • Bị dị ứng với hoa cúc: Mặc dù rất hiếm, nhưng một số người có thể bị dị ứng với hoa cúc, do đó cần thận trọng khi sử dụng trà hoa cúc.
Không dùng trà hoa cúc cho phụ nữ đang mang thai
Không dùng trà hoa cúc cho phụ nữ đang mang thai

Cảnh báo về tác dụng phụ của trà hoa cúc

Dù đây là một thức uống có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe nhưng liệu bạn có biết những tác hại của trà hoa cúc? Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng trà hoa cúc, đặc biệt khi sử dụng quá liều hoặc sai đối tượng:

  • Dị ứng da: Một số người có thể bị dị ứng với hoa cúc và khi uống trà hoa cúc có thể gây ra các triệu chứng như phát ban, da bị mẩn đỏ và các triệu chứng khác.
  • Viêm da nhạy cảm: Chất Alantolactone có trong hoa cúc có thể gây kích ứng da và gây ra các triệu chứng nổi phát ban, mẩn đỏ, mề đay khi bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn tia cực tím nào khác sau một thời gian dài sử dụng loại trà này.
  • Hạ huyết áp: Uống trà hoa cúc có thể gây hạ huyết áp ở những người đã có tình trạng huyết áp thấp.
  • Rối loạn tiêu hóa: Uống trà hoa cúc có thể gây ra rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và đầy hơi.
  • Tương tác với thuốc: Trà hoa cúc có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc như insulin, thuốc chống ung thư, kháng khuẩn và chống viêm. Đối với những người đang dùng thuốc an thần, trà hoa cúc có thể tăng cường tác dụng của thuốc và gây hại đến sức khỏe.

Do đó, nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng trà hoa cúc, bạn nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Loại trà hoa này có thể gây dị ứng da và viêm da nhạy cảm
Loại trà hoa này có thể gây dị ứng da và viêm da nhạy cảm

Lưu ý cần biết khi mua và sử dụng trà hoa cúc

Dưới đây là những lưu ý cần biết khi mua và sử dụng trà hoa cúc:

  • Kiểm tra nguồn gốc và chất lượng: Khi mua trà hoa cúc, bạn nên kiểm tra nguồn gốc và chất lượng hoa tươi, dược liệu khô hoặc sản phẩm trà đóng gói sẵn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nên mua nguyên liệu pha trà từ các nhà cung cấp đáng tin cậy và có uy tín.
  • Chọn loại hoa cúc sạch: Bạn nên chọn loại hoa cúc được trồng trong môi trường sạch, không bị phơi bụi, không bị nhiễm bẩn hoặc thuốc trừ sâu.
  • Thời gian và cách bảo quản: Trà hoa cúc nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không được để quá lâu. Nên dùng dược liệu khô trong vòng 3 – 6 tháng sau khi mua.
  • Điều chỉnh lượng trà phù hợp: Bạn nên điều chỉnh lượng trà phù hợp với cơ thể và không nên uống quá liều trong thời gian dài. Tốt nhất nên uống trà hoa cúc khoảng 2 lần mỗi tuần.
  • Trường hợp không nên thêm đường: Với những người bị bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao, tốt nhất là không nên thêm đường vào trà hoa cúc. Nếu không thể uống trà không đường, bạn nên sử dụng các loại đường thay thế khác như đường hoa quả tự nhiên.
  • Thận trọng khi dùng với thuốc: Nếu bạn đang dùng thuốc tây, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng trà hoa cúc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Uống vào thời điểm phù hợp: Thời điểm uống trà hoa cúc cũng rất quan trọng để có hiệu quả tốt nhất. Bạn nên uống trà hoa sau bữa sáng khoảng 30 phút hoặc trước khi đi ngủ để giúp an thần và tăng hiệu quả giấc ngủ.

Trà hoa cúc là một thức uống thơm ngon, dễ pha và có thể sử dụng hàng ngày để cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe. Dù là một dược liệu tốt nhưng cần lưu ý rằng việc dùng cúc hoa vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và không thể thay thế cho phương pháp điều trị chuyên khoa.

Xem thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay

0961716466

Tin mới

chương trình tư vấn sức khỏe thị trấn ngã sáu

Viện Y Dược Cổ truyền dân tộc Khám Sức Khỏe Đẩy Lùi Mỡ Máu Tại Hậu Giang

Ngày 27/10/2024, Viện Y Dược cổ truyền dân tộc và Trung tâm Thuốc dân tộc...

Nghiên Cứu Bệnh Vảy Nến Và Cách Xử Lý Chuyên Sâu Từ Y Học Cổ Truyền

Vảy nến là bệnh lý mãn tính dai dẳng, bùng phát từng đợt với nhiều...
Các chế phẩm bài thuốc Sơ can Bình vị tán

Phác Đồ Trào Ngược Dạ Dày – Nghiên Cứu Bởi Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc

Trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua… là các triệu chứng dai dẳng, gây...