Suy Thận Cấp Độ 4: Sống Được Bao Lâu? Có Chữa Được Không?
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Suy thận cấp độ 4 là mức độ nặng của tình trạng suy thận. Người bệnh chuyển sang giai đoạn này có nhiều khả năng đối mặt với các biến chứng nguy hiểm tính mạng. Tiên lượng sống cho người bệnh suy thận cấp độ 4 thấp, khả năng điều trị còn dựa vào thể trạng và mức độ đáp ứng của cơ thể người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng suy thận cấp độ 4
Suy thận độ 4 có mức độ nguy hiểm cao, thuộc một trong 5 cấp độ của bệnh suy thận. Lúc này người bệnh có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Chức năng thận được đánh giá đã bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn hoạt động khoảng 10% so với trạng thái bình thường. Chính vì thế, cơ thể mất đi khả năng loại bỏ độc tố, cặn bã ra bên ngoài.
Ở giai đoạn này, người bị suy thận sẽ gặp phải các triệu chứng nặng nề hơn. Có thể nhận biết suy thận cấp độ 4 thông qua các biểu hiện lâm sàng rõ rệt như:
- Người bệnh đi tiểu liên tục, tiểu nhiều vào ban đêm làm giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Kèm theo tiểu đêm là tình trạng buồn nôn, chán ăn, gặp phải một số vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
- Cơ thể rơi vào trạng thái suy nhược trầm trọng, cân nặng sụt giảm nhanh khiến cơ thể gầy gò, xanh xao, không còn sức sóng.
- Người bệnh bị phù nề, ngứa ngáy toàn thân. Trường hợp không kịp thời cấp cứu, bệnh nhân bị khó thở, co giật, thậm chí là hôn mê.
Suy thận cấp độ 4 được xem là mức độ suy thận nghiêm trọng, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để thăm khám và chữa trị. Trường hợp các triệu chứng chuyển nặng không được cấp cứu kịp thời có khả năng phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là nguy cơ nhiễm độc toàn thân, đe dọa đến tình mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây suy thận cấp độ 4
Vậy, nguyên nhân nào gây nên bệnh suy thận cấp độ 4? Theo đó, chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chính gây bệnh bắt nguồn từ các cấp độ suy thận trước đó, là suy thận cấp độ 1, 2, 3. Với từng cấp độ, nếu không được điều trị đúng phương pháp, hàm lượng nerphon thận bị tổn thương ngày càng nặng nề hơn. Điều này khiến cho thận dần bị xơ hóa và mất đi khả năng phục hồi như trạng thái ban đầu.
Ngoài ra, suy thận cấp độ 4 cũng có liên quan đến các yếu tố như bệnh lý trong cơ thể trực tiếp làm bệnh chuyển biến nặng hoặc các nguyên nhân khách quan gián tiếp dẫn đến suy thận. Trong đó có thể kể đến một vài bệnh lý điển hình như:
- Bệnh tiểu đường
Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường, đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm có xu hướng ngày càng gia tăng hiện nay. Theo đó, người mắc phải chứng bệnh này có nguy cơ khiến tình trạng suy thận tiến triển nhanh lên cấp độ 4. Bởi, hiện tượng xơ vữa và hẹp mạch máu ở người bị tiểu đường lâu ngày sản sinh ra các chất oxy hóa.
Chính vì điều này khiến cho một số mạch máu nhỏ ở thận bị tổn thương. Đồng thời, nồng độ đường trong máu tăng cao tạo áp lực lớn lên thận. Lỗ lọc ở thận bị quá tải, trong thời gian dài khiến cơ quan này trở nên to dần, gây ra tình trạng rò rỉ albumin vi niệu, cùng lúc sản sinh ra protein niệu. Đây là nguyên nhân khiến bệnh suy thận tiến triển xấu nhanh chóng, dần chuyển sang cấp độ 4.
- Bệnh cao huyết áp
Tương tự như tiểu đường, tình trạng huyết áp tăng cao thường xuyên là nguyên nhân khiến cho người suy thận chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn. Cụ thể, các mạch máu trong cơ thể người bị cao huyết áp kéo dài bị tổn thương và bị phá hủy.
Điều này làm cho lượng máu đến thận và các cơ quan trong cơ thể bị suy giảm. Từ đó, các chất cặn, độc tố tích tụ trong mạch máu không được đào thải ra ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng nước bị ứ đọng tại mạch máu diễn ra trong thời gian dài kéo theo tình trạng cao huyết áp khó kiểm soát hơn. Lúc này, bệnh suy thận diễn biến xấu, nhanh chóng chuyển sang cấp độ 4 và suy thận mãn tính.
- Các bệnh lý liên quan về thận
Ngoài hai bệnh lý điển hình kể trên là nguyên nhân khiến người bệnh suy thận chuyển biến xấu nhanh chóng, một số chứng bệnh khác như viêm thận, viêm bàng quang, sỏi thận, bệnh thận đa nang,… cũng là nguyên nhân khiến tình trạng suy giảm chức năng của thận trở nên nghiêm trọng khó kiểm soát hơn.
Hầu hết các chứng bệnh này đều cho thấy tình trạng hoạt động của thận đang gặp nhiều bất ổn. Trường hợp người bệnh không can thiệp điều trị bằng biện pháp phù hợp, lạm dụng thuốc tân dược có thể khiến bệnh ngày càng nặng thêm. Nguy cơ cao dẫn đến suy thận cấp độ 4, 5, làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh.
Bên cạnh các bệnh lý trong cơ thể tác động khiến tình trạng suy thận chuyển biến xấu, các yếu tố bên ngoài như thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng có khả năng làm bệnh thận ngày càng nặng hơn. Nhất là các đối tượng ăn uống không khoa học, ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm không có lợi cho cơ thể. Đồng thời vẫn tiếp tục duy trì các thói quen ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Suy thận cấp độ 4 nguy hiểm như thế nào?
Bệnh suy thận nói chung, suy thận cấp độ 4 nói riêng đều được đánh giá là chứng bệnh nguy hiểm, cần được điều trị sớm. Đặc biệt là trường hợp bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Một số vấn đề như:
- Thiếu máu: Thận có vai trò quan trọng đối với hoạt động của cơ thể. Cơ quan này không chỉ đảm nhận nhiệm vụ lọc máu mà còn giúp sản sinh ra hormone kích thích tủy sản xuất hồng cầu, được gọi là hormone erythropoietin. Khi thận bị suy giảm chức năng, đồng nghĩa với việc sản xuất hồng cầu bị suy giảm theo, dẫn đến tình trạng thiếu máu. Biến chứng này làm cho người bệnh bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, khả năng cao gây ra các bệnh lý về tim mạch, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu lên não.
- Tăng huyết áp: Đây cũng là một trong những biến chứng nguy hại mà suy thận có thể gây ra, nhất là trường hợp suy thận cấp độ 4. Hiện tượng huyết áp tăng cao kéo theo tình trạng xuất hiện các cục máu đông, gây tim dày và to ra. Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người bị suy thận dễ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn bình thường.
- Rối loạn chuyển hóa: Người bị suy thận cấp độ 4 gặp phải tình trạng rối loạn chất điện giải và mất nước trong cơ thể. Khi đó, các chất như canxi, phốt pho, magie, acid uric cùng với các hormone cận giáp tăng cao. Đồng thời làm suy giảm hàm lượng một số chất như muối, kali, hormone tuyến giám, insullin chuyển hóa. Đây là biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, có khả năng gây tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Biến chứng tiểu đường: Người bị suy thận khiến cho hàm lượng đường tích tụ nhiều hơn trong cơ thể, nguy cơ cao dẫn đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh cũng có thể biến chứng làm ảnh hưởng đến các chức năng của thần kinh, mắt và não bộ,…
Bên cạnh các vấn đề kể trên, người bị suy thận cấp độ 4 còn có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác. Chẳng hạn như tình trạng rối loạn tiêu hóa, xuất huyết dạ dày, viêm loét, bội nhiễm phổi, nhiễm trùng máu,… Những biến chứng này đều có mức độ nguy hiểm cao, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe mà còn có nguy cơ gây tử vong.
Người bị suy thận cấp độ 4 sống được bao lâu?
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh suy thận. Đối với trường hợp bệnh chuyển sang giai đoạn 4, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp ngoại khoa như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận nhằm kéo dài tiên lượng sống tốt nhất cho người bệnh. Vậy, người bị suy thận cấp độ 4 sống được bao lâu?
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong ở người bị suy thận cấp độ 4 hiện nay được ghi nhận là khá cao, nhất là đối với bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời và điều trị đúng cách. Người bệnh nếu không được lọc máu, chạy thận chỉ có thể duy trì sự sống không quá 1 năm.
Tuy nhiên người bệnh cũng không nên quá bi quan. Bởi có rất nhiều trường hợp người bệnh thăm khám và can thiệp điều trị sớm, kết hợp với chăm sóc sức khỏe khoa học có thể sống chung với bệnh trong thời gian dài. Việc đưa ra con số cụ thể khá khó khăn, còn phải dựa vào ý chí của người bệnh và các yếu tố khác. Trường hợp người bệnh có đủ kinh tế can thiệp phẫu thuật ghép thận có thể kéo dài tiên lượng sống lên đến 15 – 20 năm.
Suy thận cấp độ 4 có chữa được không? Phương pháp gì?
Thực tế cho đến hiện nay chưa có biện pháp điều trị nào chữa dứt điểm bệnh suy thận cấp độ 4. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của người bệnh để chỉ định biện pháp tốt nhất giúp kéo dài tiên lượng sống. Người bệnh nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, đồng thời kết hợp với thói quen sinh hoạt lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất để cơ thể sớm cải thiện.
Các phương pháp can thiệp điều trị suy thận cấp độ 4 hiện nay có thể kể đến như sử dụng thuốc, chạy thận và ghép thận. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về các phương pháp điều trị này:
Điều trị bằng thuốc Tây
Để hỗ trợ biện pháp điều trị chính như chạy thận, ghép thận hoặc lọc máu, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh sử dụng một số thuốc tân dược phù hợp. Thuốc có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh, tuy nhiên ở cấp độ 4 phương pháp này khó có thể chữa trị dứt điểm bệnh như giai đoạn mới khởi phát.
Một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, thuốc rối loạn natri bicarbonat,… được bác sĩ kê toa phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Người bệnh tránh lạm dụng hoặc sử dụng thuốc bừa bãi để hạn chế nguy cơ gặp phải các phản ứng phụ không mong muốn.
Chạy thận, lọc máu cho người bệnh
Phương pháp chạy thận, lọc máu được chỉ định đối với bệnh nhân suy thận nặng. Lúc này, thận không còn hoạt động như bình thường, các chức năng chỉ còn duy trì khoảng 10%. Do đó, các độc tố, cặn bã trong cơ thể không được đào thải ra bên ngoài và cần có sự hỗ trợ máy lọc máu.
Thông thường chạy thận nhân tạo sẽ được tiến hành 2 – 4 lần hàng tuần. Mỗi đợt chạy thận có thể kéo dài từ 4 – 6 tiếng tùy vào mức độ bệnh lý của từng người, cùng như dựa vào thể trạng của bệnh nhân.
Phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả cao, máy chạy thận đóng vai trò là quả thận thay thế cho quả thận đang bị tổn thương. Tuy nhiên đồng nghĩa với đó là người bệnh phải gắn bó với phương pháp này cả đời.
Phẫu thuật ghép thận
Ghép thận là biện pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trường hợp suy thận cấp độ 4. Tuy nhiên nếu muốn thực hiện được phương pháp này phải tìm quả thận khỏe mạnh được hiến tặng để thay thế cho thận bị tổn thương của bệnh nhân. Thận được ghép vào sẽ tiếp tục hoạt động bình thường giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ.
So với phương pháp chạy thận, lọc máu, ghép thận có tỷ lệ điều trị thành công cao, người bệnh không phải lệ thuộc vào máy móc, hay tốn thời gian đến bệnh viện hàng tuần. Đồng thời, sau khi ghép thận người bệnh vẫn có thể sinh hoạt trở lại như bình thường.
Tuy nhiên, người bệnh phải sử dụng thuốc chống thải ghép suốt phần đời còn lại để duy trì hoạt động của quả thận ghép. Không những thế, việc tìm người hiến thận và thận phải tương thích không đơn giản. Ngoài ra, người bệnh phải tốn rất nhiều chi phí cho phương pháp điều trị này.
Chăm sóc và phòng tránh biến chứng suy thận cấp độ 4
Suy thận cấp độ 4 là tình trạng chuyển biến nặng của bệnh suy thận. Người bệnh cần được thăm khám và theo dõi điều trị sớm. Bởi, như đã đề cập bên trên, nhiều biến chứng nguy hại sức khỏe và tính mạng người bệnh có thể xảy ra. Vì thế, để kéo dài tiên lượng sống tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Đồng thời lưu ý các vấn đề chăm sóc và phòng tránh biến chứng như sau:
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến tinh thần, khiến tình trạng suy nhược cơ thể ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc người bệnh có thái độ lạc quan, tinh thần thoải mái là yếu tố góp phần giúp bệnh sớm cải thiện.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh. Trong thời gian điều trị, người bệnh nên kiêng ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, kiêng các chất kích thích, đồ uống chứa cồn. Thay vào đó, nên ưu tiên ăn các loại rau xanh, trái cây tươi, bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Duy trì thói quen sống lành mạnh, điều chỉnh các thói quen gây hại sức khỏe như thức khuya, làm việc quá sức,… Đồng thời người bệnh được khuyến khích vận động cơ thể, tập luyện thể dục vừa sức giúp cải thiện tuần hoàn máu, cải thiện tâm trạng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Theo dõi triệu chứng của cơ thể, trường hợp nhận thấy các biểu hiện bất thường, người bệnh cần thông báo với bác sĩ để được khám chữa sớm, tránh các rủi ro không mong muốn.
Trên đây là những thông tin về bệnh suy thận cấp độ 4, bạn đọc có thể tham khảo. Đây là tình trạng suy thận nặng, có khả năng phát sinh nhiều biến chứng. Chính vì thế các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên thăm khám và chữa trị từ giai đoạn bệnh khởi phát để phòng tránh các nguy cơ gây hại sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng.
Xem Thêm:
- Các Dấu Hiệu Suy Thận Giai Đoạn Đầu Cần Cảnh Giác
- Suy Thận Cấp Độ 3: Có Chữa Được Không? Cách Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!