Đau Khớp Gối
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Đau khớp gối là triệu chứng lâm sàng phổ hay gặp khi mắc phải một số bệnh lý xương khớp. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở người lớn tuổi, nhưng cũng có nhiều trường hợp người trẻ tuổi gặp phải dấu hiệu này. Người bệnh cần thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân, xác định tính chất và mức độ đau khớp gối cũng như có hướng điều trị phù hợp, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Đau khớp gối là gì?
Khớp gối là bộ phận có cấu trúc phức tạp, hoạt động dựa trên sự phối hợp của dây chằng, gân, cơ, sụn khớp và bao khớp. Khi tình trạng đau khớp gối xảy ra tức là khớp gối bị tổn thương, viêm ngay tại vị trí tiếp giáp, liên kết giữa 3 xương chính là xương bánh chè, xương đùi và xương ống chân - bộ phận quan trọng giúp nâng đỡ cơ thể.
Các thống kê số liệu cho thấy, tình trạng đau khớp gối xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng trung niên và người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra do quá trình thoái hóa, bào mòn gây thô ráp lớp sụn khớp bên trong khớp dẫn đến các khớp xương cọ xát vào nhau gây ra sưng viêm, đau nhức và gây cản trở khả năng vận động.
Trên thực tế, đau khớp gối chỉ là một trong rất nhiều dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý xương khớp thông thường hoặc nguy hiểm. Chính vi vậy, người bệnh cần phát hiện sớm và có phương hướng điều trị kịp thời để phòng ngừa biến chứng, nhẹ thì đau nhức kéo dài, đi lại khó khăn, còn nặng thì biến chứng dạng khớp, teo cơ, liệt cơ bại liệt vĩnh viễn.
Nguyên nhân đau khớp gối
Các chuyên gia cho biết có 2 nhóm nguyên chính gây ra đau khớp gối gồm:
Nguyên nhân bệnh lý
1. Chấn thương khớp gối
Đầu gối là bộ phận rất dễ gặp phải một số chấn thương như:
- Gãy xương: Có rất nhiều nguyên nhân làm gãy xương như nứt gãy xương bánh chè khi gặp tai nạn, va chạm té ngã. Ngoài ra, những người có hệ xương yếu, loãng xương... cũng rất dễ bị gãy xương nếu đi lại, vận động sai tư thế.
- Trật xương khớp gối: Đây là tình trạng xương bánh chè trong khớp gối bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, dẫn đến tổn thương và gây đau khớp gối.
- Viêm gân bánh chè: Tình trạng viêm gân xảy ra do sự kích thích gây viêm ở một hoặc nhiều sợi gân bên trong khớp gối và gây ra triệu chứng đau nhức khó chịu. Chấn thương này thường xảy ra ở những người vận động tập luyện thể thao quá sức như đi xe đạp, chạy bộ, nhảy xa, nhảy cao...
- Bong gân: Đây là tình trạng giãn dây chằng hoặc tổn thương một vài bó sợi nhưng không hoàn toàn làm đứt dây chằng. Một vài triệu chứng điển hình khi bị bong gân như đau khớp gối, bầm tím và ấm nóng quanh khớp.
- Tổn thương sụn chêm: Thực hiện xoay khớp gối quá đột ngột hoặc mang vác vật nặng quá sức chịu đựng của khớp gối sẽ làm rách sụn chêm, gây đau nhức và sưng viêm dữ dội. Trong một vài trường hợp, các mảnh sụn rách có thể lọt vào giữa khe khớp hay còn được gọi là hiện tượng kẹt khớp. Tình trạng bệnh lý này cần được điều trị và bắt buộc phẫu thuật nội soi cắt bỏ phần sụn chêm càng sớm càng tốt.
- Viêm bao hoạt dịch gối: Bao hoạt dịch là bộ phận chứa chất lỏng, nằm đệm bên ngoài khớp gối, hỗ trợ sự hoạt động trơn tru của gân và dây chằng. Một số chấn thương đầu gối khiến cho bao hoạt dịch bị viêm nhiễm, gây cứng khớp và đau đau khớp gối.
- Bệnh Osgood - Schlatter: Đây là bệnh viêm lồi củ trước xương chày, xảy ra khi xương khớp và các phần khác bên trong đầu gối thay đổi do sự pát triển của cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tập thể dục quá sức gây kích thích đến mỏm củ xương chày nằm bên dưới đầu gối. Sự tổn thương này là nguyên nhân gây đau khớp gối, chủ yếu xảy ra ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì.
2. Viêm khớp gối
Viêm khớp gối là tình trạng xảy ra do sự tổn thương các bộ phận trong khớp gối. Lúc này, phần xương sụn trơn bị bào mòn, xù xì và thô ráp, dẫn đến các khớp xương cọ xát liên tục vào nhay gây đau nhức và khó khăn trong việc vận động. Có nhiều dạng viêm khớp khác nhau gây ảnh hưởng đến khớp gối, trong đó phổ biến nhất là:
- Thoái hóa khớp gối: Tình trạng thoái hóa chủ yếu xảy ra ở nhóm người trung niên, cao tuổi do sự bào mòn tự nhiên của sụn bên trong đầu gối. Người bệnh bắt đầu phải chịu đựng những cơn đau lúc dữ dội, lúc âm ỉ khó kiểm soát và tăng dần theo thời gian.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một trong những dạng viêm khớp gây đau khớp gối phổ biến. Khi gặp phải bệnh lý này, hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể sẽ tấn công ngược lại các khớp, sụn xương trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối gây ra đau khớp gối, sưng đỏ, nóng ấm quanh khớp.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau khớp gối phổ biến. Bệnh lý này rất nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời, tránh gây tổn thương phần sụn trong gối để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
3. Bệnh gout
Gout là bệnh lý xương khớp phổ biến với tỷ lệ mắc cao, đặc biệt xảy ra ở nam giới trong độ tuổi trung niên. Gout là kết quả của quá trình tích tụ và lắng đọng các tinh thể acid uric bên trong các khớp, trong đó có khớp gối. Lúc này, các tinh thể siêu nhỏ nằm lại bên trong các mô mềm của khớp gây đau khớp gối kèm theo sưng đỏ, nóng rát, thậm chí người bệnh không thể đi lại bình thường được trong suốt thời gian mắc bệnh.
4. Đầu gối bị hoại tử vô mạch
Hoại tử vô mạch ở đầu gối là tình trạng các mô xương sụn bên trong chết đi do thiếu máu. Một số triệu chứng khi gặp phải tình trạng bệnh lý này như đau nhức dữ dội, sưng viêm khớp gối... khi đi lại, gập duỗi, uốn cong đầu gối. Tình trạng này thường không tự nhiên xảy ra mà thường xuất hiện sau một chấn thương nào đó hoặc bị loãng xương.
5. Chứng bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt là tình trạng lòng bàn chân phẳng rất dễ gây ra sự căng thẳng cho các dây chằng bên trong đầu gối. Tình trạng này làm cho khớp gối bị lệch và tăng nguy cơ thoái hoá, dẫn đến đau nhức, sưng nóng khó chịu.
6. Ung thư xương
Đây là loại ung thư có sự liên kết giữa 3 nhóm tế bào là tế bào sụn, tế bào xương và tế bào liên kết mô mềm. Vị trí thường gặp nhất là ở xương đùi và đầu trên của xương cánh tay, xương chày, đầu dưới của xương quay... Các triệu chứng của ung thư xương thường không rõ ràng ngay từ ban đầu nên rất khó phát hiện bệnh, tuy nhiên nếu để ý bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi về sức khỏe xương khớp, dễ bị tê bì, đau nhức kèm theo sự yếu dần đi của xương.
Một số yếu tố nguy cơ khác
Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý vừa kể trên, sự xuất hiện của tình trạng đau khớp gối còn thể liên quan đến một vài yếu tố nguy cơ khác như:
- Thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể càng lớn càng tạo áp lực nhiều, dễ gây ra đau khớp gối, lâu dần dẫn đến các bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Đặc biệt, nếu cơ thể đã mắc sẵn các bệnh lý xương khớp thì tình trạng thừa cân béo phì sẽ càng làm cho tình trạng này nặng thêm.
- Thói quen sống kém khoa học: Những người có thói quen sinh hoạt kém khoa học như thiếu ngủ, thức khuya trong thời gian dài, nghiện sử dụng các chất kích thích (rượu bia, cà phê...), lười vận động, ăn uống thiếu chất... càng làm tăng nguy cơ bị đau khớp gối cùng nhiều bệnh lý viêm khớp khác.
Triệu chứng đau khớp gối
Đau khớp gối chỉ là một trong những triệu chứng điển hình khi khớp gối bị tổn thương. Và để sớm nhận biết sự bất thường của khớp và điều trị kịp thời, người bệnh cũng cần chú ý quan sát một số triệu chứng đi kèm khác như:
- Cơn đau nhức khớp gối xảy ra đột ngột, đặc biệt khi người bệnh vận động mạnh và giảm bớt khi nghỉ ngơi.
- Sự tích tụ dịch lỏng bị viêm nhiễm bên trong khớp khiến cho vùng da xung quanh bị sưng phồng lên, chạm vào có cảm giác ấm nóng.
- Tê bì chân do dây thần kinh chèn ép khiến lực chân yếu dần đi.
- Căng cơ, cứng khớp gối, đặc biệt vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy, khó co hay duỗi thẳng chân.
- Khớp gối đau nhức nghiêm trọng có thể gây biến dạng khớp, đầu gối bị hóp vào bên trong.
- Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm khác như bàn chân tái nhợt, sờ vào thấy lạnh, mệt mỏi, uể oải, có dấu hiệu suy nhược...
Khi phát hiện các triệu chứng này, đặc biệt khi những cơn đau khớp gối bùng phát mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống và đe dọa đến khả năng đi lại, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa tình trạng đau khớp gối
Để phòng ngừa hiệu quả tình trạng đau khớp gối, bạn chỉ cần bắt đầu bằng những thói quen hết sức bình thường hằng ngày như:
- Duy trì cân nặng trong mức độ cho phép, không được tăng cân quá nhanh.
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt bổ sung các dưỡng chất như canxi, magie, kali, vitamin C, E, B, omega-3... từ các loại thực phẩm như: cá biển, hoa quả như bưởi, cam, dâu..., rau có màu xanh đậm, đậu nành, xương ống, các loại gia vị như gừng, tỏi...
- Tránh ăn những món chế biến nhiều muối vì sẽ gây tích nước dẫn đến phù trong khớp, tăng áp lực và gây đau nhức. Đồng thời, tránh ăn những loại thực phẩm họ Cà như cà chua, khoai tây, hạt tiêu, ớt đỏ... vì có chứa sotanin - một loại độc tố làm tăng mức độ đau nhức cho người bị viêm khớp.
- Vận động tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, tuy nhiên không tập quá sức, dừng tập ngay khi có dấu hiệu đau nhức đầu gối.
- Chọn giày có kích cỡ phù hợp và làm từ chất liệu mềm mại hoặc sử dụng miếng lót đế giày, tránh những chất liệu quá cứng và không chắc chắn.
Bị đau khớp gối không phải tình trạng hiếm gặp nên người bệnh không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, vẫn nên chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ phục hồi chức năng khớp, đặc biệt là khi vẫn chưa có biến chứng nào nghiêm trọng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!