Viêm Khớp Phản Ứng
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Viêm khớp phản ứng là dạng viêm khớp có liên quan đến nhiễm khuẩn niệu đạo, viêm cổ tử cung, viêm kết mạc, tổn thương trên da… Bệnh xuất hiện chủ yếu ở những người trong độ tuổi lao động, người trẻ và gây ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, công việc của người bệnh. Chính vì vậy, việc tìm hiểu chính xác nguyên nhân và cách điều trị phù hợp là điều quan trọng cần thực hiện sớm.
Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng hay còn được gọi là viêm khớp vô khuẩn (hội chứng Reiter) là tình trạng sưng viêm, đau nhức ở các khớp do nhiễm trùng tại một số cơ quan trong cơ thể. Trong đó chủ yếu ở các bộ phận như hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, cơ quan sinh dục... Ngoài ra, vài trường hợp còn xảy ra ở niệu đạo, đại tràng, kết mạc, cầu thận... và vùng khớp dễ bị ảnh hưởng nhất là khớp gối, khớp chân, khớp tay...
Đây là căn bệnh xương khớp khá hiếm, ước tính chỉ có khoảng 30/100.000 tỷ lệ mắc phải. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở người trong độ tuổi lao động khoảng 20 - 40 tuổi, phần lớn là nam giới, hiếm khi xuất hiện ở người cao tuổi và trẻ em. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện một cách đột ngột và biến mất sau khoảng 12 tháng.
Nguyên nhân viêm khớp phản ứng
Một số nguyên nhân chủ yếu gây viêm khớp phản ứng phổ biến như:
1. Sau khi nhiễm vi khuẩn, virus
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra viêm khớp phản ứng là do sự xâm nhập và tấn công của các loại vi khuẩn, virus vào cơ quan tiêu hóa, đường tiết niệu và cơ quan sinh dục. Cụ thể một số loại vi khuẩn thường gặp như:
- Vi khuẩn đường tiêu hóa: Yersinia, Borrelia, Salmonella, Shigella, Campylobacter…
- Vi khuẩn đường tiết niệu, cơ quan sinh dục: Trachomatis, Chlamydia, Rubella, viêm gan, HIV, Parvovirus, Chlamydia trachomatis, Ureaplasma urealyticum...
Hầu hết những loại virus, vi khuẩn này không tồn tại trực tiếp trong khớp viêm mà xuất hiện ở các cơ quan khác. Đến khi cơ thể phản ứng lại với các loại vi khuẩn, virus này sẽ gây ra tình trạng viêm khớp.
2. Do mắc một số bệnh lý
Mắc một số bệnh lý như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng... có thể gây biến chứng sang bệnh viêm khớp phản ứng.
3. Do kháng nguyên HLA - B27
Theo một thống kê cho thấy có đến 30 - 60% người mắc bệnh viêm khớp phản ứng được xét nghiệm máu và phát hiện kháng nguyên HLA - B27. Người mắc bệnh do nguyên nhân gây thường có triệu chứng nặng hơn, dễ chuyển sang mãn tính cao hơn những người có HLA - B27 (+).
4. Yếu tố di truyền
Có rất nhiều trường hợp mắc bệnh viêm khớp phản ứng do liên quan đến yếu tố di truyền. Tức là cơ thể người bệnh có sự hiện diện của một phân tử chung trên bề mặt của các tế bào được kế thừa do di truyền từ thế hệ trước. Thực chất việc sở hữu những phân tử này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc bệnh 100% nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn so với những người bình thường nếu tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn, virus gây bệnh.
5. Yếu tố giới tính
Một thống kê cho thấy bệnh viêm khớp phản ứng xuất hiện phổ biến ở người trẻ trong độ tuổi từ 20 - 40, trong đó nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nữ giới không mắc bệnh, chỉ là khi mắc bệnh các triệu chứng ở nữ thường nhẹ hơn so với nam giới.
Triệu chứng viêm khớp phản ứng
Những triệu chứng của bệnh viêm khớp phản ứng thường diễn tiến chậm, từ nhẹ đến nặng, nên khi phát hiện bệnh đã ở mức độ nghiêm trọng, các cơ quan bị tổn thương nặng. Thông thường, bệnh sẽ phát ra sau khoảng 1 - 3 tuần kể từ khi cơ thể bị nhiễm trùng, sau đó triệu chứng sẽ xuất hiện ở nhiều dạng, nhiều bộ phận không riêng gì ở các khớp.
1. Triệu chứng toàn thân
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Sụt cân
- Sốt nhẹ
2. Triệu chứng ở xương khớp
Những triệu chứng ở xương khớp là những triệu chứng đặc trưng nhất của người mắc bệnh viêm khớp phản ứng. Người bệnh có thể gặp phải một vài triệu chứng điển hình như:
- Viêm ở một hoặc nhiều khớp cùng lúc, không đối xứng. Vài khớp dễ bị viêm như khớp ngón chân, cổ chân, viêm khớp gối, khớp vai, khớp cùng chậu, khớp ngón tay, cổ tay...
- Biến dạng ngón chân thành hình khúc dồi.
- Viêm bao gân, viêm điểm bám tận của gân cơ.
- Mọc gai gót chân kèm theo đau chân mãn tính.
- Đau khớp thắt lưng, hông, mông.
- Viêm đốt sống, viêm xương cùng.
3. Triệu chứng tổn thương da, niêm mạc
Một số triệu chứng tổn thương da, niêm mạc như:
- Đa tăng sừng hóa ở bàn chân, bàn tay, da đầu, da bìu (ở nam) khá giống với triệu chứng của bệnh vảy nến.
- Tổn thương viêm niêm mạc lưỡi, niêm mạc miệng, bao quy đầu.
- Phát ban trên da.
4. Triệu chứng ở đường tiết niệu
- Đau rát, khó chịu khi tiểu tiện
- Tiểu nhiều
- Nam giới bị tiểu mủ vô khuẩn.
5. Tổn thương mắt
Có nhiều trường hợp người bệnh viêm khớp phản ứng chỉ gặp duy nhất triệu chứng tổn thương ở mắt. Với các triệu chứng cơ bản như:
- Sợ ánh sáng
- Đau mắt đỏ
- Đau nhức ở vùng hốc mắt.
- Viêm giác mạc, loét giác mạc, viêm màng bồ đào trước.
6. Viêm niệu đạo
Triệu chứng viêm niệu đạo thường xuất hiện từ 7 - 14 ngày sau khi quan hệ tình dục và xảy ra cùng lúc với các triệu chứng khác như viêm khớp, sốt nhẹ. Đối với nam giới, khi bị viêm niệu đạo khi bị viêm khớp phản ứng thường ít đau nhức và chảy mủ hơn so với viêm niệu đạo do lậu. Riêng đối với nữ giới, triệu chứng viêm niệu đạo thường rất nhẹ hoặc xảy ra thoáng qua không có triệu chứng.
Bệnh viêm khớp phản ứng nguy hiểm như thế nào? Bệnh có lây không?
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm khớp phản ứng đều cho thấy có tiên lượng tốt sau khi chữa trị. Cụ thể các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng và phục hồi sức khỏe, chức năng khớp sau vài tuần hoặc vài tháng đối với những trường hợp phát hiện sớm và chủ động điều trị tích cực.
Ngược lại, những người chủ quan, lơ là trong điều trị bệnh hoặc điều trị không đúng theo chỉ định của bác sĩ cộng với việc duy trì các thói quen sinh hoạt không khoa học càng khiến triệu chứng bệnh tăng nặng hơn. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra những biến chứng khó lường, gây cản trở khả năng vận động hoặc thậm chí tàn phế suốt đời nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Viêm khớp phản ứng là căn bệnh có nguy cơ tái phát cao, dễ dàng chuyển sang mãn tính. Đặc biệt là ở những người mắc bệnh do yếu tố di truyền, cụ thể một thống kê cho thấy có đến 15 - 30% trường hợp mắc bệnh ở nhóm này bị biến chứng sang viêm cột sống dính khớp.
Về cơ bản, căn bệnh này không phải là bệnh lây nhiễm, tuy nhiên do nguyên nhân gây bệnh là các loại vi khuẩn, virus, chúng có khả năng lây từ người sang người thông qua nhiều con đường như ăn uống không đảm bảo vệ sinh, lây qua đường tình dục...
Các phòng tránh viêm khớp phản ứng ngay từ sớm
Để chủ động phòng tránh bệnh viêm khớp phản ứng từ ban đầu, người bệnh có thể thực hiện theo một số lưu ý sau:
- Đảm bảo giữ vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh an toàn khi chọn lựa, chế biến thực phẩm. Ưu tiên ăn rau xanh, củ quả, trái cây và uống nhiều nước. Hạn chế sử dụng rượu bia, chứa chất kích thích, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ.
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy và sử dụng biện pháp bảo vệ.
- Tránh mang vác vật nặng quá sức hoặc thay đổi tư thế đột ngột trong thời gian dài.
- Vận động, tập luyện thể thao với các bộ môn nhẹ nhàng, vừa sức, tránh tập quá sức chịu đựng của cơ thể.
- Tuân thủ khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường, can thiệp điều trị kịp thời.
Viêm khớp phản ứng là căn bệnh tuy hiếm gặp nhưng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, đúng cách. Vì vậy, hãy sớm thăm khám tại cơ sở y tế chuyên môn nếu phát hiện các bất thường trong cơ thể để được hướng dẫn hướng khắc phục phù hợp, an toàn cho sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!