Bà Bầu Mất Ngủ 3 Tháng Cuối Và Cách Cải Thiện An Toàn
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ là tình trạng phổ biến khiến cho bất kỳ thai phụ nào cũng phải mệt mỏi, khó chịu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và kèm theo mất ngủ là rất nhiều các triệu chứng khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với phụ nữ mang thai 3 tháng cuối?
Theo thông tin từ các chuyên gia, giấc ngủ rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Lúc này, người mẹ cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày nhằm đem lại những lợi ích sau:
- Kích thích sự phục hồi của hệ thần kinh do những tháng cuối thai kỳ phải chịu nhiều áp lực gia tăng từ lưu lượng máu.
- Nâng cao hệ miễn dịch, kích thích sự tăng trưởng hormone giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Phòng ngừa một số vấn đề sức khỏe khác như mệt mỏi, đau nhức, đau đầu, làm tăng các vấn đề nội tiết, khiến cho quá trình chuyển dạ lâu hơn.
Lý do vì sao bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối?
Các chuyên gia cho biết 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn mất ngủ nặng nhất đối với phụ nữ mang thai. Đây được xem là một dạng của chứng rối loạn giấc ngủ với các triệu chứng điển hình như:
- Khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên trằn trọc, bồn chồn.
- Dễ thức giấc và khi đã thức giấc thì rất khó để ngủ lại.
- Tỉnh giấc nhiều lần trong cùng một giấc ngủ.
- Ngủ dậy cảm thấy uể oải, mệt mỏi, không có sức sống
- …
Và tình trạng này hoàn toàn không hề tốt đối với sức khỏe của mẹ bầu. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó phổ biến nhất là một số vấn đề sau đây:
1. Do tâm lý thay đổi thất thường
Tâm trạng lo âu, stress quá mức nhất là trong tam cá nguyệt cuối cùng sẽ khiến cơ thể của người mẹ chuyển biến tệ hơn. Lúc này, cơ thể sẽ tự động tiết ra hormone progesterone khiến mẹ trở nên nhạy cảm, dễ bộc phát cảm xúc quá mức dù là những chuyển rất nhỏ.
Những vấn đề này thường xoay quanh việc mẹ áp lực khi chưa có kinh nghiệm sinh con, nuôi con ra sao, không được chồng hay gia đình quan tâm, công việc và các mối quan hệ không được thuận lợi… Những điều này khiến mẹ rơi vào căng thăng dẫn đến mất ngủ kéo dài, thậm chí tình trạng này có thể đã kéo dài từ nhiều tháng trước.
2. Gặp phải các vấn đề về hệ tiêu hóa
Càng về những tháng cuối của thai kỳ, em bé trong bụng càng phát triển lớn hơn khiến mẹ gặp nhiều sự khó chịu, trong đó có một số vấn đề về hệ tiêu hóa do dạ dày bị thai nhi chèn ép quá mức. Lúc này, thức ăn khi vào trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản gây trào ngược, buồn nôn, nôn ói, ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, táo bón… và làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất nuôi cơ thể.
3. Thường xuyên tiểu đêm
Trong quá trình mang thai, đặc biệt là vào 3 tháng cuối thai kỳ bàng quang của mẹ sẽ bị tử cung chèn ép do thai nhi quá lớn. Đây chính là nguyên nhân vì sao mẹ bầu luôn có cảm giác buồn tiểu và dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm. Ngoài ra, trong suốt thai kỳ thận của thai phụ phải tăng năng suất hoạt động lên nhiều hơn khoảng 30 – 50% so với lúc bình thường, điều này dẫn đến làm tăng hàm lượng Urê và khiến cho bàng quang luôn chứa nhiều nước tiểu.
4. Sự phát triển quá mức của thai nhi
Càng vào những giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ tập trung phát triển về cân nặng và chiều dài cơ thể để “tăng tốc” chuẩn bị cho đến ngày được sinh ra. Đây là nguyên nhân của hàng loạt các triệu chứng khó chịu ở mẹ và trong đó có chứng khó ngủ. Nguyên nhân là vì với chiếc bụng bầu quá lớn khiến mẹ khó có thể tìm được một tư thế ngủ nào phù hợp để an giấc xuyên đêm.
5. Chuột rút
Tình trạng chuột rút này rất phổ biến và hầu như bất kỳ thai phụ nào trong 3 tháng cuối đều gặp phải. Cơn chuột rút thường xuất hiện một cách đột ngột ở vùng đùi, bắp chân kèm theo đau đớn dữ dội khiến cho mẹ bầu phải thức giấc giữa đêm.
6. Đau mỏi xương khớp
Thai nhi càng lớn càng làm gia tăng áp lực lên cột sống của mẹ, kèm theo đó là sự giãn nở của xương chậu chuẩn bị cho quá trình sinh nở cũng khiến mẹ dễ phải đối mặt với việc căng cơ, căng dây chằng, đau nhức, mệt mỏi và hậu quả là mất ngủ.
7. Nhịp tim tăng
Thai nhi càng phát triển lớn, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ càng khiến cho tim của mẹ bầu phải làm việc nhiều hơn để bơm máu cho dạ con. Làm việc quá sức cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mẹ.
8. Mẹ bị khó thở
Vào giai đoạn gần sinh có rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng khó thở, dễ bị hụt hơi. Nguyên nhân là do thai nhi phát triển quá lớn và chiếm một khoảng lớn trong cơ thể, đồng thời chèn ép lên các cơ quan lân cận, trong đó có cơ hoành khiến mẹ gặp khó khăn trong việc hít thở.
Tình trạng bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối có nguy hiểm không?
Có thể thấy, giấc ngủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của con người và đặc biệt là phụ nữ mang thai. Chính vì vậy, việc mất ngủ liên tục trong 3 tháng cuối thai kỳ là tình trạng hề tốt cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
Một số hậu quả khó lường khi bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thường gặp nhất là:
Đối với mẹ bầu:
- Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và suy nhược: Thiếu ngủ cũng đồng nghĩa với việc cơ thể không được tái tạo năng lượng, não bộ và cơ thể không được khỏe mạnh tuyệt đối. Tình trạng này càng kéo dài càng khiến mẹ dễ bị suy nhược cơ thể, kiệt sức, rối loạn tâm trạng… cùng nhiều ảnh hưởng khác đến sức khỏe.
- Làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác: Tăng huyết áp, tụt huyết áp đột ngột, trầm cảm… là những bệnh lý có liên quan mật thiết đến việc mất ngủ thường xuyên trong 3 tháng cuối thai kỳ.
- Tăng nguy cơ khó sinh: Theo các nghiên cứu khoa học, việc bà bầu 3 tháng cuối khó ngủ, ngủ ít hơn 5 – 6 tiếng/ ngày thường gặp nhiều khó khăn trong việc sinh nở. Phần lớn những mẹ bầu khó ngủ thường không đủ điều kiện sinh thường mà phải sinh mổ.
Đối với thai nhi:
- Trẻ bị chậm phát triển thể chất và trí não: Mẹ thiếu ngủ quá mức trong thai kỳ khiến thai nhi chào đời bị khiếm khuyết về chức năng thùy trước tuyến yên, trẻ chậm phát triển về mặt thể chất lẫn trí tuệ.
- Trẻ bị thiếu máu: Những mẹ bầu mất ngủ từ 23 giờ đến 3h sáng hôm sau hoặc thậm chí mất ngủ trắng đêm có thể khiến trẻ thiếu chất, thiếu máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về sau.
- Trẻ hay gắt ngủ, hờn dỗi: Mất ngủ khiến tâm trạng mẹ cáu gắt, dễ kích động và điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến tính cách của trẻ sau khi chào đời, dễ quấy đêm, khó ngủ…
Lúc này, mẹ cần tiến hành điều chỉnh lại giấc ngủ bằng mọi cách hoặc nếu nặng hơn khó kiểm soát tại nhà thì tốt nhất mẹ nên tìm đến các chuyên gia, bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp.
Giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ an toàn
Tình trạng mất ngủ ở phụ nữ mang thai không phải vấn đề quá bất thường, tuy nhiên nếu không chú ý cải thiện khắc phục ngay từ sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như vừa kể trên. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh mà mẹ bầu sẽ được chuyên gia bác sĩ tư vấn phương án điều trị phù hợp. Sau đây là một số biện pháp cải thiện chứng mất ngủ dành cho bà bầu 3 tháng cuối:
1. Thay đổi tư thế nằm
Tư thế ngủ của mẹ bầu ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Các chuyên gia khuyến khích mẹ nên nằm nghiêng sang trái, đây là tư thế giúp mẹ bầu dễ thở hơn, quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru, không đè ép lên tim và thai nhi.
2. Ngâm chân nước ấm, massage xoa bóp nhẹ nhàng
Ngâm chân nước ấm và massage xoa bóp nhẹ nhàng là mẹo cải thiện hiệu quả giấc ngủ cho mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Những động tác này đem lại nhiều lợi ích như: giảm đau nhức, giảm phù nề, kích thích lưu thông máu, ổn định hormone, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, ngăn ngừa triệu chứng lo lắng và trầm cảm, cải thiện lượng oxy đến các mô cơ và chất lượng giấc ngủ rất tốt.
Cách thực hiện:
- Bạn chuẩn bị một chậu nước ấm, điều chỉnh nhiệt độ ấm vừa phải khoảng 40 độ C.
- Tốt hơn nữa hãy thêm vào một chút muối hạt hoặc tinh dầu thơm, khuấy đều lên rồi tiến hành ngâm chân khoảng 10 phút.
- Sau đó, dùng khăn thấm khô nước rồi massage nhẹ nhàng bắp chân, bàn chân. Hãy nhờ chồng hoặc người thân thực hiện bước này để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Chọn gối và gối ôm phù hợp
Khi ngủ mẹ nên chọn một chiếc gối có độ cao vừa phải để kê đầu và đủ độ cứng để nâng đỡ đầu. Kèm theo đó, hãy đặt thêm một chiếc gối kê giữa hai chân và một chiếc gối nữa chèn phía sau lưng. Lưu ý cẩn trọng trong việc chọn mua gối, ưu tiên gối có ruột mềm mại vừa đủ nhưng vẫn có độ cứng đủ để tránh gây nhức mỏi vùng cổ – gáy, cải thiện chất lượng giấc ngủ cho mẹ bầu.
4. Tạo không gian phòng ngủ thích hợp
Phòng ngủ của mẹ bầu cần phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra, cần có sự yên tĩnh nhất định, có rèm che hoặc đèn dịu nhẹ để mẹ dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ sâu và hạn chế tình trạng thức giấc giữa đêm.
5. Không uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ
Uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ sẽ khiến mẹ bầu tăng số lần đi tiểu đêm. Bởi như đã nói, bàng quang của mẹ bầu trong những tháng cuối thai kỳ bị chèn ép quá mức, không thể chứa nhiều nước tiểu nên khi uống quá nhiều nước trước khi ngủ khiến mẹ phải đi tiểu liên tục. Tình trạng tiểu đêm này dễ dàng phá giấc ngủ của mẹ bầu, sau khi tỉnh lại đi tiểu sẽ rất khó để ngủ lại. Thay vào đó mẹ nên uống một ly sữa ấm để giúp cơ thể thư giãn và dễ ngủ hơn.
6. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Trong bất kỳ giai đoạn nào, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu. Riêng trong 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi cần rất nhiều dưỡng chất để phát triển về cân nặng và chiều dài cơ thể chuẩn bị chào đời. Không những vậy, việc duy trì thói quen ăn uống đủ chất từ đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp mẹ bầu cải thiện hiệu quả chất lượng giấc ngủ.
Một số loại thực phẩm mẹ bầu bị mất ngủ nên ưu tiên sử dụng như:
- Các loại thực phẩm tốt cho giấc ngủ như: cá, sữa, các loại hạt, chuối bơ, táo… chứa nhiều hoạt chất thiết yếu giúp kiểm soát và điều hòa giấc ngủ.
- Nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như thức ăn nhanh, cay nóng, đậm vị, nước ngọt có gas, chất kích thích rượu bi, cà phê… vì những thực phẩm này đều không tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.
- Nên chia các bữa ăn chính trong ngày làm nhiều bữa nhỏ. Đồng thời khi ăn nhớ ăn chậm nhai kỹ để tránh tình trạng dạ dày bị quá tải dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa kéo theo khi ngủ.
7. Duy trì tinh thần thư giãn, hạn chế căng thẳng
Để có một tinh thần vui vẻ, sảng khoải trước hết người mẹ cần phải cởi mở hơn, chủ động chia sẻ những phiền muộn, áp lực cho người thân. Khi giải quyết được những tiêu cực trong suy nghĩ tự động tinh thần của mẹ sẽ được cải thiện. Kết hợp với một chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ đúng giờ giấc, không sử dụng chất kích thích, không tiếp xúc với các thiết bị điện tử, xem phim gây xúc động mạnh… để làm giảm căng thẳng cho não bộ, từ đó giúp mẹ bầu dễ ngủ, ngủ sâu giấc hơn.
8. Vận động nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày
Đối với phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, thai nhi đã phát triển lớn khiến bụng của mẹ lớn hơn rất nhiều so với ban đầu và gây khó khăn trong việc đi lại, vận động. Tuy nhiên, không nên để điều này làm ảnh hưởng đến thói quen vận động, tập luyện của mẹ. Đừng chọn những môn thể thao quá sức như trước, hãy thay thế bằng những động tác nhẹ nhàng của bộ môn yoga, thiền… vừa tốt cho sức khỏe của mẹ, hỗ trợ cho quá trình vượt cạn vừa cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ.
Gợi ý một số bài tập yoga tốt cho mẹ bầu bị mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ:
Bài tập tư thế cây cầu
Bài tập này giúp làm giảm nhanh chóng những cơn đau nhức mỏi ở vùng thắt lưng của mẹ, kích thích kéo căng một phần cơ thể, cải thiện nhịp thở và giúp mẹ dễ ngủ hơn vào ban đêm.
Hướng dẫn thực hiện:
- Đầu tiên, mẹ nằm ngửa trên thảm tập, đỡ cơ thể bằng đầu gối và tay.
- Hai tay dang rộng bằng vai, đầu gối gập cong.
- Sau đó, đặt hai tay dọc theo thân người, lòng bàn tay úp xuống mặt sàn và luôn giữ thẳng.
- Từ từ đẩy hông lên cao, uốn cong phần thân trước và thở đều đặn.
- Giữ nguyên tư thế này khoảng 10 giầy thì chùng lưng từ từ xuống và thở ra nhẹ nhàng.
- Lặp lại động tác này thêm 5 lần.
Bài tập tư thế ngồi con bướm
Tư thế hỗ trợ rất tốt trong việc làm giảm đau nhức vùng lưng dưới, háng, hông và kích thích làm mở khung xương chậu, các cơ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình sinh nở. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những bài tập yoga hiệu quả giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ cho mẹ bầu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trước hết, mẹ bầu ngồi thẳng lưng trên thảm tập, cong hai chân lại sao cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau và lưu ý để lưng thẳng.
- Hai bàn tay đặt nhẹ nhàng lên 2 đầu gối.
- Nâng hai đầu gối đứng thẳng lên song song với nhau và vẫn giữ thẳng lưng.
- Giữ yên trong khoảng 1 phút đến khi hơi mỏi thì thả lỏng quay về tư thế ban đầu.
- Thực hiện lặp đi lặp lại khoảng 2 – 3 lần nữa.
Bài tập tư thế góc cố định
Đối với bà bầu 3 tháng cuối thì đây là bài tập yoga cực kỳ hiệu quả trong việc cải thiện giấc ngủ. Đồng thời tư thế này giúp hỗ trợ rất tốt trong việc mở rộng hông, giúp quá trình sinh con dễ dàng, giảm bớt đau đớn khi chuyển dạ.
Hướng dẫn thực hiện:
- Mẹ ngồi thẳng lưng trên thảm tập, khoanh hai chân lại và từ từ kéo gót chân về phía xương mu sao cho hai lòng bàn chân chạm vào nhau.
- Ấn hai đầu gối xuống sàn kết hợp hít vào một hơi thật sâu, lưu ý không nhất thiết phải đè đầu gối chạm sát xuống sàn.
- Gập người về phía trước giữ vài giây rồi thở ra nhẹ nhàng, trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện lặp lại các bước trên thêm vài lần nữa.
Ngoài những bài tập yoga, mẹ bầu cũng nên chịu khó thường xuyên vận động bằng cách đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội… để nâng cao sức khỏe, làm giảm các triệu chứng khó chịu dồn dập trong những tháng cuối như khó tiêu, táo bón, ợ hơi, mất ngủ…
9. Thực hiện các thói quen ngủ khoa học
- Vào ban đêm, nếu không thể ngủ hãy đừng cố nhắm mắt vì sẽ càng khiến bạn stress hơn. Lúc này hãy dậy đọc sách, nghe nhạc nhẹ… để tạo cảm giác mệt mỏi, dễ đi ngủ hơn.
- Nếu chẳng may mẹ bầu thức giấc giữa đêm thì cách xử lý tối ưu nhất là không nên bật đèn và thức hẳn, thay vào đó hãy bật đèn dịu nhẹ hoặc tắt hẳn đi để có thể tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
- Hãy cố gắng thực hiện thời gian biểu giấc ngủ khoa học, ngủ cùng một thời điểm mỗi đêm. Thực hiện được điều này sẽ giúp cơ thể quen dần với việc đi ngủ, dễ ngủ ngon và sâu giấc hơn.
10. Liệu pháp mùi hương
Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, hương thơm từ các loại tinh dầu có khả năng tác động vào hệ thần kinh, xoa dịu não bộ và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Nhờ ưu điểm an toàn, hiệu quả nên hoàn toàn có thể được tận dụng để chữa bệnh mất ngủ cho phụ nữ mang thai.
Cách thực hiện:
- Nhỏ 2 – 3 giọt tinh dầu lên khăn giấy đặt dưới gối để hương thơm lan tỏa xung quanh vị trí nằm ngủ.
- Nếu không thể chịu được mùi hương nồng nặc của tinh dầu, hãy nhỏ vài giọt vào thiết bị xông tinh dầu để ngăn ngừa triệu chứng đau đầu, nôn ói.
- Ngoài ra, bạn cũng có nhỏ vài giọt vào bồn tắm, điều chỉnh cho nước ấm lại rồi tiến hành ngâm mình trong khoảng 10 phút.
- Một số loại tinh dầu thích hợp cho phụ nữ mang thai như dầu olive, tinh dầu sả, tinh dầu hoa oải hương…
11. Sử dụng trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc chứa nhiều hoạt chất thiết yếu cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối. Một số loại trà thảo mộc mẹ bầu nên dùng như:
- Trà hoa cúc: Trà này rất phù hợp cho phụ nữ mang thai, có khả năng thanh nhiệt giải độc, nhuận tràng, cải thiện chức năng gan, ổn định đường huyết, giải tỏa căng thẳng, lo âu, ổn định chức năng tim mạch và đặc biệt hỗ trợ cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả.
- Trà hoa oải hương: Các dược chất trong hoa oải hương có khả năng giảm đau, giảm stress, giải tỏa mệt mỏi và đem lại cho bạn chất lượng giấc ngủ tốt nhất trong những tháng cuối của thai kỳ.
- Trà chanh bạc hà: Có khả năng tăng cường sức đề kháng, giảm đau, chống nấm, chống viêm, ổn định hệ thần kinh và xử lý một số vấn đề về rối loạn hệ tiêu hóa.
12. Áp dụng các bài thuốc dân gian
Việc chọn lựa các bài thuốc dân gian từ dược liệu tự nhiên hiệu quả và an toàn được nhiều người chọn lựa áp dụng. Tuy nhiên, mẹo này chỉ phù hợp với những người bị mất ngủ mức độ nhẹ và mẹ có một thể trạng sức khỏe tốt.
- Cháo hạt sen: Hạt sen là dược liệu quý có tác dụng an thần rất tốt theo y học cổ truyền. Dùng hạt sen để nấu thành cháo, ăn hằng ngày khi cháo còn ấm nóng sẽ cải thiện tốt cho giấc ngủ.
- Dùng cây xấu hổ: Cây xấu hổ hay cây trinh nữ là loại thảo dược quý trong dân gian và được sử dụng chủ yếu trong các bài thuốc chữa bệnh mất ngủ. Cách thực hiện bài thuốc này cũng rất đơn giản, phơi khô dược liệu rồi sắc lấy nước thuốc uống hằng ngày. Mẹ bầu có thể dùng 1 – 2 lần/ ngày, mỗi lần 1 ly là đủ.
- Cây đinh lăng: Dược liệu đinh lăng đã được chứng minh có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, trong đó là khả năng chữa mất ngủ. Cách thực hiện như sau: Rửa sạch lá đinh lăng hãm lấy nước uống hoặc phơi khô lá, trộn với bông gòn để làm ruột gối kê đầu khi ngủ. Cách này sẽ giúp mẹ bầu dễ ngủ và ngủ sâu, ngủ ngon hơn vào ban đêm.
13. Trị liệu giấc ngủ
Trong trường hợp mẹ bầu bị mất ngủ kéo dài kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác, cảm nhận sự giảm sút rõ rệt về sức khỏe tốt nhất nên tìm đến bác sĩ ở các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị bằng liệu trình an toàn chứ không nên chịu đựng.
Trị liệu giấc ngủ cho phụ nữ mang thai chủ yếu dựa trên các liệu pháp về tâm lý và vật lý trên cơ thể. Tức là ưu tiên phương pháp trị liệu không dùng thuốc thay vì sử dụng thuốc mất ngủ như những đối tượng khác. Chuyên gia sẽ tiến hành tâm sự trò chuyện và giải tỏa tâm lý cho thai phụ, trong trường hợp mất ngủ có liên quan đến tình trạng đau nhức mỏi lưng kéo dài… sẽ được kết hợp với biện pháp nắn chỉnh cột sống cải thiện giấc ngủ do chuyên gia thực hiện.
Lưu ý, đối với phụ nữ mang thai sẽ không thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu có liên quan đến sóng, từ trường, điện trường, ion tĩnh điện… vì rất dễ gây ra tác dụng phụ có hại cho cả mẹ và thai nhi. Tương tư như vậy, việc sử dụng thuốc an thần, thuốc ngủ ở phụ nữ mang thai là điều cần hết sức cân nhắc, không được tự ý dùng và gần như hiếm có trường hợp được chỉ phải sử dụng thuốc để trị mất ngủ.
Vì vậy, hãy tránh tự ý dùng các loại thuốc an thần (điển hình như estazolam, alprazolam, temazepam, flurazepam, clorazepate…) để gây ngủ vì sẽ gây rất nhiều tác dụng phụ. Thay vào đó hãy tăng cường sử dụng vitamin, thuốc bổ chứa khoáng chất, omega-3, canxi, sắt… để dưỡng thai khỏe mạnh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về những điều cần biết khi bà bầu 3 tháng cuối bị mất ngủ. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho mẹ trong việc cải thiện giấc ngủ của mình một cách hiệu quả, an toàn cho bản thân và cả thai nhi. Mọi vấn đề xảy ra trong giai đoạn này hãy thông báo cho bác sĩ để được tư vấn hướng xử lý đúng đắn, tránh tự ý điều trị để phòng ngừa những rủi ro không đáng có.
Xem Thêm:
- Cảm Giác Hay Buồn Ngủ Có Phải Dấu Hiệu Mang Thai?
- Các Tư Thế Ngủ Cho Bà Bầu Tốt Nhất Trong Suốt Thời Gian Mang Thai
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!