Đau Họng Khi Ngủ Dậy: Nguyên Nhân, Cách Xử Lý và Phòng Tránh
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Đau họng khi ngủ dậy thường xảy ra do thói quen mở miệng khi ngủ, mất nước, thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm không khí thấp,… Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngủ dậy bị đau họng có thể là dấu hiệu nhận biết các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, cảm cúm cần được thăm khám và điều trị sớm.
Nguyên nhân gây đau họng khi ngủ dậy
Đau họng khi ngủ dậy là tình trạng thường gặp ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu nhận biết của một số bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, cảm cúm,…
Tuy nhiên, tình trạng đau họng khi ngủ dậy cũng có thể do một số nguyên nhân như mở miệng khi ngủ, thời tiết thay đổi đột ngột, mất nước khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản,… Dưới đây là một số tình trạng sức khoẻ có thể gây ra triệu chứng đau họng sau khi ngủ dậy:
1. Bệnh viêm họng
Ngủ dậy bị đau họng có thể là biểu hiện của bệnh viêm họng. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng nhiễm trùng niêm mạc ở hầu họng và có thể xảy ra ở nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. Nhiễm trùng hầu họng không chỉ gây sưng tấy, nóng rát và còn gây ra tình trạng đau họng sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra, người bị viêm họng còn gặp một số triệu chứng như đau đầu, sốt cao từ 38 – 39 độ C, hắt hơi, ho, sổ mũi, ớn lạnh, ù tai,…
Các triệu chứng viêm họng nếu không được kiểm soát sớm, tình trạng nhiễm trùng có thể lan sang các khu vực xung quanh và gây ra các biến chứng nặng nề. Hơn nữa, viêm họng có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính và gây nhiều bất lợi trong quá trình điều trị.
2. Viêm amidan
Viêm amidan đề cập đến tình trạng nhiễm trùng hạch lympho ở 2 bên cổ họng. Tổn thương do bệnh lý gây ra thường xuất hiện ở trẻ em từ 4 – 12 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chính, dễ bị tổn thương, viêm nhiễm bởi vi khuẩn, virus,…
Khi amidan bị sưng viêm, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau họng sau khi ngủ dậy. Trong trường hợp này, bệnh lý có thể xác định bằng cách quan sát các biểu hiện thực thể cũng như các triệu chứng lâm sàng như ớn lạnh, sốt, ngủ ngáy, chán ăn, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất nước,…
3. Mở miệng khi ngủ
Mở miệng khi ngủ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau họng. Theo đó, nhiều người khi ngủ thường có thói quen hé miệng, điều này sẽ khiến cổ họng bị khô rát. Nguyên do là khi ngủ mở miệng, không khí bên ngoài sẽ làm khô nước bọt trong miệng và sáng hôm sau thức dậy bạn sẽ có cảm giác khô và đau họng.
4. Ngủ dậy bị đau họng do cúm
Cúm là một trong những bệnh lý về đường hô hấp xảy ra do virus. Khi cơ thể bị nhiễm bệnh, cổ họng của người bệnh có xu hướng bị khô hoặc viêm. Ngoài ra, bệnh lý có thể gây ra các biểu hiện ở mức độ nghiêm trọng hơn như sốt cao trên 38 độ, ớn lạnh, đau cơ bắp, ho khan, nghẹt mũi, đau đầu, viêm họng,…
Bệnh cúm có thể lây lan từ người bệnh sang người khoẻ mạnh, do đó bạn cần chủ động trong việc điều trị cũng như tiêm vaccine phòng ngừa, tránh để bệnh tiến triển nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nặng nề.
5. Bệnh bạch cầu đơn nhân (Mononucleosis)
Tình trạng đau rát cổ họng vào sáng sớm có thể là biểu hiện nhận biết bệnh bạch cầu đơn nhân. Bệnh xảy ra do siêu vi khuẩn xâm nhập và có thể lây truyền thông qua tuyến nước bọt. Bệnh bạch cầu đơn nhân (Mononucleosis) nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sưng lá lách, viêm cơ tim, viêm tủy cắt ngang,…
Ngoài tình trạng đau cổ họng, bệnh bạch cầu đơn nhân còn gây ra một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, sốt, sưng amidan, đau nhức các bắp thịt, viêm họng, phát ban,… Một số biểu hiện ít gặp hơn như khó thở, tức ngực, vàng da, tim đập nhanh, chảy máu mũi, suy thận do viêm thận kẽ,…
6. Dị ứng hoặc sốt
Dị ứng theo mùa hoặc sốt được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau rát họng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Điều này xảy ra do phản ứng quá mức của miễn dịch với các tác nhân bên ngoài môi trường như phấn hoa, lông động vật, khói bụi,… từ đó gây ra triệu chứng đau rát cổ họng, ho, khó chịu.
7. Cơ thể bị mất nước khi ngủ
Mất nước khi ngủ có thể gây ra tình trạng khô rát họng và làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh về đường hô hấp trên. Để phòng ngừa đau họng sau khi ngủ dậy, bạn cần đảm bảo cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày và uống ít nước trước khi ngủ. Bên cạnh đó, cần để sẵn nước trong phòng ngủ để phòng ngừa khát nước khiến bạn tỉnh giấc vào giữa đêm.
8. Cảm lạnh gây đau họng khi ngủ dậy
Cảm lạnh xảy ra chủ yếu do sự tấn công của virus thuộc chủng Rhinovirus hoặc Enterovirus. Các triệu chứng do bệnh lý gây ra thường tác động đến các cơ quan như mũi, xoang hoặc họng và thường được kiểm soát trong vòng 1 tuần nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Người bị cảm lạnh có thể nhận biết thông qua các biểu hiện như sổ mũi, đau họng sau khi ngủ dậy, nhức đầu, ho, đau cơ, hắt xì, sốt nhẹ, mất vị giác, khó thở, chảy nước mắt, sưng hạch bạch huyết,…
Cách xử lý và phòng ngừa đau họng khi ngủ dậy
Hiện tượng đau họng sau khi ngủ dậy thường gây ra cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, tình trạng đau họng kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra các biến chứng nặng nề.
Dưới đây là một số biện pháp giúp khắc phục và phòng ngừa triệu chứng hiệu quả:
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học
Thức tế nhận thấy, chế độ sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tổng thể cũng như tình trạng đau cổ họng vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng, bạn cần thiết lập chế độ sinh hoạt lành mạnh, loại bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp.
Cách xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học:
- Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng 2 – 3 lần/ ngày và súc miệng với nước sát khuẩn để giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ các vi khuẩn gây hại.
- Kiêng hoặc hạn chế các thức uống lạnh, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột.
- Ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá và không làm tăng áp lực lên vùng niêm mạc họng như cháo, sữa, súp, canh vào buổi sáng. Tránh các món ăn cay nóng, cứng và chứa nhiều dầu mỡ như bánh mì, thịt nướng, bánh quy,…
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ ở khoảng 27 độ C, tránh để nhiệt độ quá thấp vì có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây đau rát họng vào hôm sau.
- Chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, hạn chế di chuyển, hoạt động ngoài trời. Bên cạnh đó, bạn nên uống từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày để hạn chế tình trạng khô cổ họng khi ngủ
- Tập luyện thể dục thể thao, hạn chế làm việc quá sức, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng và phòng ngừa các tác nhân gây hại tấn công cơ thể.
- Kiêng sử dụng thuốc lá, bia rượu hoặc các chất kích thích khác. Bởi những tác nhân này có thể gây kích thích niêm mạc họng hầu và khiến tình trạng đau họng trở nên nặng nề hơn.
Một số mẹo dân gian giúp giảm đau họng hiệu quả
Bên cạnh xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, bạn cũng có thể cải thiện triệu chứng đau họng sau khi ngủ dậy bằng một số mẹo dân gian. Ưu điểm của cách chữa này là tận dụng các thảo dược tự nhiên có độ an toàn, lành tính cao và áp dụng được cho nhiều đối tượng.
Dưới đây là một số mẹo dân gian giúp cải thiện triệu chứng:
- Uống trà gừng: Gừng có tính ấm, vị cay nồng, công dụng tiêu viêm, sát khuẩn và tiêu đờm hiệu quả. Do đó, nhân dân thường tận dụng gừng trong chữa trị một số chứng bệnh đường hô hấp trên. Để cải thiện tình trạng đau rát cổ họng, bạn có thể dùng vài lát gừng tươi hãm với nước ấm và uống vào mỗi buổi sáng. Có thể cho thêm mật ong nguyên chất vào để tăng hiệu quả.
- Cam thảo chữa đau họng: Cam thảo thường được tận dụng trong chữa các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp và dạ dày. Cụ thể, trong thảo dược này có chứa hoạt chất axit glycyrrhizic giúp ức chế vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng. Để giảm đau họng, bạn dùng cam thảo, vỏ rễ cây dâu mỗi vị 15 gam, lá bồng bồng 10 gam. Mỗi ngày sắc uống 1 thang đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
- Tận dụng lá bạc hà: Trong lá bạc hà có chứa hoạt chất menthol giúp làm dịu niêm mạc họng, chống viêm và giảm đau khá hiệu quả. Chuẩn bị 1 ít lá bạc hà, sau khi rửa sạch thì nhai trực tiếp và nuốt phần nước, bỏ bã.
- Củ hành tây làm giảm đau họng: Trong củ hành tây có chứa 25 thành phần chống oxy hoá, có công dụng giảm sưng viêm, tăng cường miễn dịch. Đồng thời, ức chế một số vi khuẩn gây hại thường gặp. Dùng hành tây có thể giúp làm giảm đau rát họng, ngăn ngừa viêm nhiễm đường hô hấp hiệu quả. Chuẩn bị 1/2 củ hành tây và 1 ít đường phèn. Hành tây sau khi bóc vỏ, rửa sạch thì cho vào bát rồi mang đi hấp với đường phèn trong 15 phút. Chắt lấy phần nước và uống khi còn ấm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đa số trường hợp bị đau họng vào sáng sớm khi ngủ dậy có thể cải thiện bằng một số biện pháp chăm sóc và chữa trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp triệu chứng tiến triển nặng nề, bạn cần được tiến hành thăm khám và chữa trị kịp thời.
Cần tìm gặp bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy các triệu chứng sau:
- Sốt cao trên 38.5 độ C
- Buồn nôn, nôn mửa
- Ớn lạnh
- Khó thở
- Nổi hạch ở cổ
- Khó nuốt
- Đau nhức tai và một số cơ quan lân cận
- Đau họng kéo dài trên 1 tuần
Tình trạng đau họng khi ngủ dậy có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Thông thường, triệu chứng có thể được kiểm soát bằng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, với những trường hợp đau họng kéo dài và đi kèm với một số triệu chứng khác, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!