Tràn Dịch Khớp Khuỷu Tay: Cách Điều Trị Và Phòng Tránh
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Tràn dịch khớp khuỷu tay xảy ra khi gia tăng chất lỏng trong các mô bao quanh khớp. Bệnh lý thường liên quan đến chấn thương, nhiễm trùng, viêm khớp. Tràn dịch khớp đặc trưng bởi tình trạng đau nhức, sưng viêm, cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Bệnh nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tràn dịch khớp khuỷu tay là bệnh gì?
Khớp khuỷu tay được cấu tạo từ ba xương là xương cánh tay, xương trụ và xương quay. Bên cạnh đó, tại cơ quan này còn có nhiều mô mềm với nhiệm vụ khác nhau như bao hoạt dịch (các bao chứa chất lỏng nhằm bảo vệ xương, dây chằng, các bộ phận của khớp), sụn (giúp các đầu xương không cọ xát vào nhau), dây chằng (hoạt động như một dây đàn hồi kết nối xương, đồng thời hỗ trợ các khớp), màng hoạt dịch (bôi trơn các khớp bằng chất lỏng hoạt dịch), gân (kết nối xương, cơ, kiểm soát các khớp di chuyển).
Các xương và mô làm việc với nhau để giúp khớp hoạt động dễ dàng hơn, thực hiện các động tác như duỗi thẳng, uốn cong, uốn dẻo, xoay hoặc chịu trong lượng cơ thể. Tình trạng tràn dịch khớp ở khuỷu tay xảy ra khi chất lỏng tràn vào một hoặc nhiều mô ở khớp.
Thông thường, ở các khớp có lượng chất lỏng nhất định, trong đó có chất béo, máu, protein và dịch khớp. Tuy nhiên, khi chất lỏng này nhiều hơn bình thường sẽ xảy ra hiện tượng tràn dịch khớp, khiến khuỷu tay bị sưng, đau và viêm.
Bệnh tràn dịch khớp khuỷu tay khá phổ biến, bởi khuỷu tay là khớp lớn, thường xuyên hoạt động. Những biểu hiện do bệnh lý gây ra thường chỉ ảnh hưởng đến một bên khuỷu tay, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của cánh tay. Nếu không được thăm khám sớm và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề.
Dấu hiệu nhận biết tràn dịch khớp khuỷu tay
Các biểu hiện tràn dịch khớp ở khuỷu tay tương tự với tràn dịch khớp và tràn dịch khớp cổ tay, tuy nhiên vị trí khởi phát và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.
Dưới đây là một số triệu chứng nhận biết bệnh lý:
- Đau nhức âm ỉ đến đau buốt ở khuỷu tay, ảnh hưởng đến cử động bình thường
- Sưng nhẹ hoặc nghiêm trọng
- Cứng khớp ảnh hưởng phạm vi chuyển động của khớp hoặc mất khả năng sử dụng khuỷu tay hoàn toàn.
- Nóng khớp, đỏ là những biểu hiện của viêm khớp hoặc bị viêm các mô mềm quanh khớp.
Bên cạnh đó, tùy vào nguyên nhân gây tràn dịch khớp, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số biểu hiện khác như:
- Chảy máu trong, bầm tím, thường xảy ra chấn thương, tai nạn hoặc va chạm
- Ớn lạnh, sốt, khó chịu, cơ thể suy nhược có thể là biểu hiện nhiễm trùng
- Mất cơ do viêm khớp mãn tính
Đối với các trường hợp nặng, tràn dịch khớp khuỷu tay có thể hình thành những nốt chứa chất lỏng (u nang Baker hay u nang hoạt dịch). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lượng dịch khớp quá nhiều nhưng cơ không thể tái hấp thụ. Các u nang hoạt dịch này thường có kích thước nhỏ, không gây ra các triệu chứng và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, khi u phát triển lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động ở tay, đau đớn khi cử động.
Nguyên nhân gây tràn dịch khớp khuỷu tay
Thực tế nhận thấy, có nhiều nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây ra tràn dịch khớp khuỷu tay, cụ thể:
1. Chấn thương
Bị chấn thương va chạm trong lao động, chơi thể thao hoặc tai nạn được xem là nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch khớp, trong có khuỷu tay và khớp gối. Những chấn thương này có thể gây tổn thương xương, sụn khớp, gân, dây chằng dẫn đến tràn dịch.
Bên cạnh đó, căng thẳng do các hoạt động lặp lại thường xuyên cũng có thể gây tràn dịch khớp. Chấn thương này thường xảy ra khi tham gia các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông, tennis, bóng chày.
Đối với trường hợp bệnh khởi phát do chấn thương lặp lại thường xuyên, bệnh nhân có thể bị viêm bao gân, viêm bao hoạt dịch khuỷu tay. Những triệu chứng bao gồm đau nhức, cứng, sưng viêm, khó mở rộng khuỷu tay. Bệnh cũng có thể khó xoay khớp hoặc mở rộng cánh tay hoàn toàn.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng khớp là một trong những nguyên nhân gây tràn dịch khớp khuỷu tay. Tình trạng nhiễm trùng có thể xuất hiện từ các vết thương như vết cắt vào da hoặc nhiễm trùng trong một số thủ thuật y khoa. Ngoài ra, nhiễm trùng máu (nhiễm trùng toàn thân) cũng có thể ảnh hưởng đến khớp và gây tràn dịch khớp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay do nhiễm trùng thường gây đau nhức dữ dội, gặp khó khăn khi cử động khớp. Các biểu hiện thường tiến triển nhanh chóng và nghiêm trọng.
Một số nguyên nhân khác có thể gây nhiễm trùng khớp, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Tuổi tác cao
- Phẫu thuật thay khớp
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV)
- Viêm khớp
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, người đang ghép tạng, bệnh HIV hoặc bệnh nhân đang hóa trị ung thư
Ngoài ra, nhiễm virus, nấm, ký sinh trùng cũng có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp.
3. Viêm khớp
Ở người bị viêm khớp, hiện tượng tích nước, sưng khớp khá phổ biến. Tình trạng viêm khớp mãn tính có thể gây ra phản ứng viêm đột ngột (cấp tính), từ đó có thể gây phù nề và tràn dịch khớp.
Dưới đây là một số loại viêm khớp phổ biến có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay:
- Viêm xương khớp: Viêm xương khớp hay thoái hóa khớp xảy ra khi cơ thể lão hóa, sau chấn thương. Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến khuỷu tay, gây sưng tấy, tràn dịch và khó chịu trọng lượng ở khớp. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cảm thấy đau và mệt mỏi kéo dài.
- Viêm khớp tự miễn: Viêm khớp tự miễn (viêm khớp vô căn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, viêm khớp vảy nến) xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công gián tiếp hoặc trực tiếp các mô khớp, từ đó gây ra tình trạng tràn dịch khớp, sưng, viêm, đau nhức.
Tràn dịch khớp khuỷu tay nguy hiểm không?
Có thể nhận thấy, tràn dịch khớp khủy tay là một trong những bệnh lý phổ biến, thương không quá nghiêm trọng và có thể điều trị bằng nhiều phương pháp. Đối với giai đoạn đầu, các biểu hiện nhẹ và đáp ứng tốt các biện pháp chăm sóc và điều trị nội khoa.
Tuy nhiên, trường hợp bệnh khởi phát do các nguyên nhân nghiêm trọng, triệu chứng tiến triển nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, khả năng vận động, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Cần gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy tràn dịch khớp khuỷu tay đi kèm các biểu hiện như:
- Tràn dịch khớp kèm sốt cao
- Đứt dây chằng hoặc gãy xương
- Mất cảm giác
- Không có khả năng cử động khớp hay nâng đồ vật bằng cánh tay
Tràn dịch khớp khuỷu tay đi kèm biểu hiện sốt cao có thể là dấu hiệu viêm khớp nhiễm trùng. Tình trạng này kéo dài có thể làm hỏng khớp, lúc này bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật để kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
Thời gian phục hồi sau khi bị tràn dịch khớp khuỷu tay sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát. Nếu bị gãy xương, người bệnh sẽ mất nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng để phục hồi hoàn toàn.
Trong trường trường hợp bệnh lý liên quan đến viêm xương khớp, bệnh nhân có thể đối mặt với tình trạng sưng khớp suốt đời. Tuy nhiên, hiện nay y học có nhiều biện pháp có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như cải thiện khả năng vận động ở bệnh nhân. Do đó, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.
Chẩn đoán tràn dịch khớp khuỷu tay
Những biện pháp chẩn đoán tràn dịch khớp khuỷu tay tùy thuộc vào quá trình khám sức khỏe, các xét nghiệm hình ảnh và một số xét nghiệm khác. Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể kiểm tra tiền sử bệnh cũng như các biểu hiện đi kèm để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
1. Kiểm tra thể chất
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khuỷu tay của bệnh nhân bằng cách chạm, uốn cong khuỷu tay để xác định nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp. Quá trình kiểm tra thể chất có thể xác định:
- Viêm khớp khiến khuỷu tay dễ bị nhão, nhũng
- Nhiễm trùng khớp thường có xu hướng phát triển nhanh chóng, sưng tấy, đau nhức
- Sưng cấp tính kèm theo biểu hiện không thể chịu được trọng lượng. Đây có thể là biểu hiện gãy xương cánh hay hoặc bị rách dây chằng.
2. Kiểm tra hình ảnh
Sau khi kiểm tra khuỷu tay, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp khuỷu tay.
Các xét nghiệm bao gồm:
- Siêu âm, dùng hình ảnh âm thanh nhằm hình dung xương, các mô liên kết, thường được chỉ định trong chẩn đoán viêm gân, viêm khớp hoặc viêm dây chằng.
- Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) được áp dụng nhằm kiểm tra tình trạng gãy xương hoặc một số bệnh viêm khớp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) dùng sóng vô tuyến và từ trường để xác định cấu trúc mô mềm, khớp và sụn mà những xét nghiệm trên không thể thực hiện được.
3. Phân dịch chất lỏng dịch khớp
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu hút chất lỏng dịch khớp thông qua thủ thuật chọc dò khớp. Kỹ thuật này có tác dụng làm giảm áp lực, sưng đau ở khuỷu tay. Chất lỏng này sẽ được kiểm tra tại phòng thí nghiệm nhằm xác định nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp.
Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp khuỷu tay
Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp khuỷu tay tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như bệnh lý cơ bản. Không phải tất cả các nguyên nhân cơ bản đều được điều trị. Do đó, trong một số trường hợp bệnh nhân cần kiểm soát tốt triệu chứng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Điều trị tại nhà
Các cách chữa tại nhà phù hợp với những trường hợp tràn dịch khớp khuỷu tay ở mức độ nhẹ, mới khởi phát. Việc áp dụng phương pháp này có thể làm giảm nhẹ cơn đau nhức, sưng viêm, khó chịu, đồng thời cải thiện chức năng vận động ở khuỷu tay. Bên cạnh đó, các mẹo chữa tại nhà còn hỗ trợ phương pháp điều trị chuyên sâu và rút ngắn thời điều trị.
Dưới đây là một số biện pháp cải thiện triệu chứng bệnh lý:
- Để cải thiện hiện tượng tràn dịch khớp, người bệnh có thể áp dụng liệu pháp chườm nóng, nhất là nhiệt độ ẩm như khăn ấm. Chườm khăn ấm từ 10 – 15 phút có thể làm giảm nhẹ các biểu hiện do bệnh lý gây ra. Mẹo chữa này phù hợp với những trường hợp bị viêm khớp, sưng khớp khuỷu tay hoặc tràn dịch khớp do chấn thương.
- Chườm lạnh có thể giúp cải thiện tình trạng sưng nóng khớp và giảm đau hiệu quả. Áp dụng cách chữa này khi cơn đau bùng phát hoặc thực hiện từ 3 – 4 lần/ ngày để cải thiện bệnh lý.
- Dành thời gian nghỉ ngơi để giúp khuỷu tay có thời gian phục hồi, giảm đau nhức. Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ ngơi bạn cần nâng cao khuỷu tay để hạn chế lưu lượng máu đến khu vực này, từ đó giảm sưng đau.
- Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen hoặc ibuprofen để giảm đau và hạn chế phản ứng viêm tiến triển nặng nề
2. Sử dụng thuốc Tây điều trị
Trường hợp tràn dịch khớp khuỷu tay không đáp ứng các biện pháp tại nhà. Lúc này bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị nhằm kiểm soát các biểu hiện lâm sàng, đồng thời cải thiện chức năng vận động. Tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát, mức độ nghiêm trọng triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh lý:
- Thuốc chống viêm không steroid thường được chỉ định trong điều trị viêm khớp và tràn dịch khớp khuỷu tay do chấn thương
- Các loại thuốc steroid được dùng trong thời gian ngắn để giảm sưng, đau. Theo đó, steroid hoạt động theo cơ chế ngăn chặn sản xuất các hóa chất gây viêm trong cơ thể.
- Tiêm thuốc chống viêm như steroid vào khớp khuỷu tay để giảm sưng viêm, đau nhức và điều trị nguyên nhân cơ bản gây viêm. Thuốc tiêm có tác dụng giảm sưng, đau tạm thời nhưng thường mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Với các trường hợp bệnh viêm khớp tự miễn như viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, việc điều trị có thể bao gồm thuốc steroid, NSAID hoặc các loại thuốc khác gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống miễn dịch. Đối với bệnh gout có thể được điều trị bằng thuốc colchicine. Thuốc có tác dụng làm dịu các khớp, giảm viêm, đau nhức do những tinh thể lắng đọng trong khớp.
Tràn dịch khớp khuỷu tay do nhiễm trùng sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật để phòng ngừa các rủi ro, biến chứng nặng nề.
Phòng ngừa tràn dịch khớp khuỷu tay
Tràn dịch khớp khuỷu tay là một trường hợp phổ biến của tràn dịch khớp. Bệnh lý có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau nên không có biện pháp phòng ngừa tất cả các nguyên nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh với một số lưu ý sau:
- Thường xuyên tập luyện, vận động để giúp tăng cường sức khỏe ở khuỷu tay cũng như kiểm soát cân nặng phù hợp, hạn chế làm tăng áp lực lên xương khớp.
- Bạn có thể thực hiện một số động tác kéo giãn vai, lưng trên, khuỷu tay để giúp các khớp trở nên linh hoạt hơn.
- Dùng các dụng cụ bảo vệ hoặc hỗ trợ khuỷu tay khi chơi thể thao để hạn chế các chấn thương có thể xảy ra.
- Tránh lạm dụng khuỷu tay hoặc lặp lại những động tác ở bộ phận này thường xuyên, nhất là ở người lớn tuổi.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Đồng thời hạn chế sử dụng bia rượu, hút thuốc lá, nước ngọt có gas, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị.
- Chủ động theo dõi các biểu hiện của cơ thể, đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đau đớn, sưng viêm, khó chịu ở khuỷu tay.
Tràn dịch khớp ở khuỷu tay có thể là biểu hiện của nhiễm trùng, chấn thương, viêm khớp hoặc nhiều tình trạng khác. Bệnh đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị và chăm sóc nếu được phát hiện sớm. Do đó, ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị phù hợp.
Xem Thêm:
- Tràn Dịch Khớp Gối Có Nên Xoa Bóp Không? [Điều Cần Biết]
- Tràn Dịch Khớp Háng Và Các Phương Pháp Điều Trị, Khắc Phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!