Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Nấm linh chi đen hay hắc chi là một trong sáu loại linh chi theo Y học cổ truyền. Đây là một loại dược liệu quý hiếm và có giá trị dược tính cao, nhiều công dụng nên được xếp vào loại siêu thượng phẩm.
Tổng quan về nấm linh chi đen
Nấm linh chi là một loài nấm hóa gỗ có tên khoa học là Ganoderma, thuộc họ Ganodermataceae (Nấm lim). Với hơn 80 loài khác nhau được phát hiện trên toàn thế giới, mỗi loại đều có hàm lượng dược tính cao, nấm linh chi được được cả Y học cổ truyền và hiện đại coi là một loại dược liệu quý. Trong Đông y, loại nấm này được gọi bằng nhiều tên khác nhau chỉ công dụng kéo dài tuổi thọ và nhiều tác dụng tuyệt vời khác như: Bất lão thảo, tiên thảo, nấm thần linh, huyền diệu thảo, nấm trường thọ, vạn niên nhung, thần tiên thảo,…
Y học cổ truyền phân loại linh chi thành 6 nhóm chính dựa vào màu sắc như: Nấm linh chi đỏ (xích linh), linh chi vàng (hoàng chi), nấm linh chi xanh (thanh linh), nấm linh chi trắng (bạch linh), linh chi tím (tử chi) và nấm linh chi đen (hắc chi). Có sự khác biệt về màu của nấm là do loại linh chi, giai đoạn phát triển, loại cây gỗ mà nấm ký sinh và môi trường sống khác nhau.
Trong các loại trên thì nấm linh chi đen được xếp thứ 2 về hàm lượng dược chất. Do nguồn hàng khan hiếm, được săn đón hết mức nên giá thành cũng rất đắt đỏ. Hãy cùng Viện y dược cổ truyền dân tộc tìm hiểu chi tiết hơn về loại dược liệu này.
Đặc điểm nhận dạng hắc linh chi
Thực tế, loại nấm linh chi đen được phát hiện nhiều nhất có tên khoa học là Ganoderma Subresinosum. Ngoài ra, nấm linh chi có màu đen còn được gọi là huyền chi, hắc vân chi hoặc giả linh chi,…
Nấm linh chi đen có hình dạng tròn hoặc bầu dục, với kích thước tai nấm không đều nhau. Phần mũ nấm khi còn non có hình dáng chùy, khi trưởng thành chuyển hình quạt hoặc bán nguyệt. Phần cuống nấm có độ dài khoảng 15 – 20cm, không phân nhánh, đôi khi lại uốn cong queo với đường kính trung bình từ 1 – 3cm.
Đặc điểm nhận dạng nổi bật để phân loại hắc chi với các loại linh chi khác là bên ngoài mặt trên mũ nấm có màu đen nhẵn bóng, bên dưới phần mũ nấm có màu trắng đục.
Hắc linh chi đen được cấu tạo bởi gỗ, nên khi dùng tay nhấn nấm già vào sẽ có cảm giác tương đối cứng, trong khi nếu nấm còn non sẽ cảm giác hơi mềm. Độ dày tai nấm từ 1 – 3cm, viền xung quanh tai nấm mỏng hơn bên trong tai nấm.
Đặc điểm phân bố tự nhiên và nuôi trồng nhân tạo
Nấm linh chi là loại nấm quý hiếm có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á. Nấm linh chi mọc tự nhiên thường sống hoại sinh trên cây thân gỗ mục, ưa những rừng cây ẩm thấp tại những khu địa lý có độ cao không quá 1500m.
Do quá trình khai thác tận diệt của con người, nấm linh chi nói chung và nấm linh chi đen tự nhiên tương đối khan hiếm và hiện nay nhiều trang trại nấm đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường.
Trên thế giới, hắc linh chi tự nhiên được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và tại Việt Nam. Hắc linh chi là một trong những nấm linh chi có thể tìm thấy trong tự nhiên và đã được nuôi trồng thành công tại Việt Nam. Linh chi đen hiện sinh trưởng và phát triển tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Phú Quốc, Lào Cai,.. và một số tỉnh thành khác như Lâm Đồng, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.
Nấm linh chi nói chung và hắc vân chi nói riêng nuôi trồng thường phát triển tốt trong môi trường độ ẩm cao khoảng 80 – 95%, nhiệt độ thích hợp ở giai đoạn nuôi sợi là 20 – 30 độ C và ở giai đoạn quả thể là 22 – 28 độ C. Độ thông thoáng cũng là yếu tố quan trọng cho quá trình sinh trưởng của nấm linh chi.
Hắc linh chi thường tìm nguồn dinh dưỡng từ Xenlulozo và có thể sinh trưởng ở môi trường trung tính đến axit yếu với độ pH khoảng 5.5 – 7. Ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng để giúp linh chi phát triển, trong giai đoạn nuôi sợi cần có độ sáng vừa phải và trong giai đoạn quả thể cần ánh sáng tán xạ và cân đối từ mọi phía. Nấm thường phát triển theo mùa vụ, đợt 1 từ tháng 1 – 3 và đợt 2 từ tháng 8 – 9.
Bộ phận dùng – Thu hái – Sơ chế – Bảo quản nấm linh chi đen
Bộ phận của nấm linh chi đen được sử dụng làm dược liệu là quả thể của nấm, cụ thể là thân và núm của nấm. Tuy nhiên, khi thu hoạch linh chi đen, người ta thường ngắt cả cuống nấm để bảo toàn dược chất trước khi sơ chế.
Cách thu hoạch nấm linh chi đen là phải chọn những cây nấm khỏe mạnh, tránh chọn những cây hắc chi bị sâu bệnh, mục nát. Nấm có thể được thu hoạch bất cứ khi nào trong năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất để thu hoạch là vào mùa thu đến đông, khi nấm đã phát triển đầy đủ nhưng chưa bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh.
Sau khi thu hoạch, hắc linh chi cần được rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn, đất cát, chân nấm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, hắc chi được sơ chế bằng phương pháp sấy khô hoặc phơi khô.
Phương pháp phơi khô là cắt nấm thành nhiều lát mỏng với kích thước khoảng 2 – 3cm. Đôi khi người ta cũng sẽ phơi toàn bộ quả thể nấm dưới bóng râm tự nhiên cho đến khi khô hoàn toàn. Phương pháp sấy khô sử dụng nhiệt nóng của lửa, lò nung hoặc sấy lạnh bằng hệ thống máy móc chuyên dụng trong các nhà máy sản xuất dược liệu.
Sau khi sơ chế xong, nấm linh chi đen được bảo quản trong bao bì kín để tránh bị ẩm, nấm mốc và phân huỷ. Nên lưu trữ hắc linh chi ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và không gần các hóa chất độc hại.
Ngoài ra, hắc vân chi còn được bào chế thành các dạng sản phẩm khác như cao, viên nang, bột, nước, sâm linh chi,… để đáp ứng nhu cầu và mục đích sử dụng của thị trường.
Thành phần hóa học trong hắc linh chi
Nấm linh chi đen là một nguồn tài nguyên dược liệu quý giá, chứa nhiều thành phần hóa học có hoạt tính sinh học tốt. Dưới đây là một số chi tiết hơn về các thành phần hóa học có trong nấm linh chi đen:
- Polysaccharids: Là một nhóm các chất phức tạp được tìm thấy trong thân nấm, bào tử và sợi nấm. Chúng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, hạ đường huyết, khả năng chống loét và tăng cường hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, các Polysaccharids có khối lượng phân tử lớn, chẳng hạn như Beta-glucan, có tác dụng kích thích phản ứng miễn dịch và tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch.
- Peptidoglycans: Là một nhóm các chất được tìm thấy trong thành tế bào của hắc linh chi. Các Peptidoglycans này có tác dụng tăng cường miễn dịch và kháng virus mạnh.
- Triterpenes: Là một nhóm các hợp chất có tính chất hóa học là Terpenoid được tìm thấy trong nhiều loại linh chi, bao gồm cả nấm linh chi đen. Các triterpenes này có tác dụng hạn chế hàm lượng mỡ máu, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, loại linh chi càng giàu Triterpenes thì vị càng đắng.
- Adenosine: Là một hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong các loại linh chi. Adenosine có tác dụng giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn và tránh những trường hợp thiếu dưỡng khí.
- Các hoạt chất khác: Ganoderiol F, acid Ganoderic A, 3D Glucan, Polysaccharide beta 1, acid Ganoderic B, Lactone A,… có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch và giảm Cholesterol.
- Giá trị dinh dưỡng: Hắc chi cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm chất béo, Protein, Carbohydrate, chất xơ, chất tro, vitamin B,… và các khoáng chất như Kali, Canxi, Magie, Selen,…
Các công dụng của nấm linh chi đen đối với sức khỏe
Hắc linh chi từ xưa đã được Y học cổ truyền coi là dược liệu quý có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Hiện nay, Y học hiện đại cũng đánh giá đây là một nguồn dược chất quý với nhiều hoạt chất và giá trị dinh dưỡng cao có lợi cho sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền
Các loại linh chi từ xa xưa đã được sử dụng và lưu truyền như một dược liệu quý trong Y học cổ truyền. Hai tài liệu quý là “Thần nông bản thảo” và “Bản thảo cương mục” đều có ghi chép về loại thuốc này. Trong đó, nấm linh chi đen là một trong sáu loại linh chi chính, có độ quý hiếm cao với một số đặc tính cơ bản sau:
- Tính vị: Vị đắng, hơi mặn, tính bình.
- Quy kinh: Tâm (tim), Phế (phổi), Can (gan) và Thận.
- Độc tính: Không.
- Công năng: Đại bổ can khí, hoạt huyết, an thần định trí, thanh nhiệt giải độc, tráng dương, giảm đau và chống viêm, bổ thận, lợi tiểu, tiêu đờm, thông cửu khiếu,…
- Chủ trị: Chủ trị nhiều chứng bệnh như trị bí tiểu, sỏi thận, tăng cường lưu thông máu và chống các bệnh về gan hay tim mạch, trị đau đầu, giảm mệt mỏi, tăng sinh lý nam, mạnh gân cốt, giúp mắt sáng,…
Dưới đây là chi tiết các công dụng của nấm linh chi đen:
- Đại bổ can khí và hoạt huyết: Hắc linh chi có tác dụng bổ can (bảo vệ gan) và giải độc, giúp cải thiện chức năng gan và thanh lọc cơ thể. Nó cũng giúp tăng cường lưu thông máu và cải thiện sự tuần hoàn của cơ thể, hỗ trợ sự hoạt động của hệ tim mạch.
- An thần định trí và cường tâm: Linh chi đen có tác dụng giúp xoa dịu thần kinh và tinh thần mệt mỏi, giúp cải thiện chức năng não bộ, tăng cường sự tập trung và giảm stress. Đây là lý do tại sao nó được coi là một loại thảo dược tốt cho giấc ngủ và hỗ trợ sự thư giãn của cơ thể.
- Thanh nhiệt giải độc: Hắc chi có tính bình, giúp thanh nhiệt giải độc và làm giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Điều này giúp nó có thể hỗ trợ điều trị các chứng bệnh viêm, đặc biệt là các bệnh viêm đường tiết niệu.
- Tráng dương và bổ thận: Nấm linh chi đen được cho là có tác dụng bổ thận – tráng dương, giúp tăng cường sinh lực nam giới và giúp cải thiện các vấn đề liên quan đến chức năng tình dục.
- Giảm đau và chống viêm: Linh chi đen có tính kháng viêm và có thể giúp giảm đau, đặc biệt là đau nhức xương khớp.
- Lợi niệu và trị sỏi thận: Dược liệu này cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị các vấn đề liên quan đến đường tiết niệu, bao gồm cả bí tiểu và sỏi thận.
- Tiêu đờm, chống viêm: Linh chi nói chung còn có tính kháng khuẩn, chống viêm và tiêu đờm để cải thiện các tình trạng viêm đường hô hấp, đồng hồ có thể giảm viêm khớp và thông cửu khiếu.
- Chống lão hóa và tăng tuổi thọ: Một trong những lý do linh chi được Đông y coi là “thần dược” đến từ khả năng chống lão hóa, giảm các dấu hiệu tổn thương của cơ thể để kéo dài tuổi thọ cho người dùng.
Theo Y học hiện đại
Nấm linh chi đen là một loại thực phẩm chức năng giàu dinh dưỡng và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, được sử dụng trong Y học hiện đại. Dưới đây là một số công dụng của nấm linh chi đen theo Y học hiện đại:
- Tăng cường và điều hòa miễn dịch: Dược liệu có chứa Polysaccharide và Germanium có tác dụng tăng cường và điều hòa miễn dịch, giảm hoạt động khi hệ thống bị quá tải và tăng cường khi hệ thống bị suy yếu. Điều này giúp phòng, trị và nâng cao thể trạng cho các bệnh nhân ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
- Giải độc gan, tăng cường chức năng gan: Loại linh chi này có tác dụng giúp giải độc gan, tăng cường chức năng gan và giúp phục hồi sức khỏe cho nhóm người mệt mỏi, vừa ốm dậy, người già, những người ăn uống kém.
- Giảm mỡ máu, giảm LDL-C: Hắc chi có tác dụng giảm mỡ máu, giảm LDL-C và giúp phòng xơ vữa động mạch và đột quỵ do mỡ máu cao.
- Ổn định huyết áp: Trong hắc linh chi có nhiều chất Polysaccharides có tác dụng hỗ trợ duy trì huyết áp ở mức ổn định. Từ đó, dược liệu này cũng có tác dụng làm giảm sự đề kháng Insulin ở bệnh nhân tiểu đường, giúp hạ đường huyết.
- Chống oxy hóa mạnh: Linh chi đen có tác dụng chống oxy hóa mạnh, làm chậm sự lão hóa của tổ chức và cơ thể.
- Ổn định thần kinh và bổ não: Nấm linh chi đen có tác dụng tăng cường dưỡng chất và năng lượng cho tế bào não, cải thiện giấc ngủ, giúp ngủ ngon và sâu hơn.
Gợi ý 7 bài thuốc chữa bệnh hay từ nấm linh chi đen
Y học cổ truyền lưu truyền đánh giá cao tác dụng của nấm linh chi đen trong cải thiện nhiều bệnh lý và mang lại những công dụng tốt nhất cho sức khỏe. Dưới đây là một số pháp trị, cách sử dụng nấm linh chi đen mà bạn đọc có thể tham khảo:
1. Trà linh chi đen và hoa cúc chữa viêm gan
Trà hoa cúc kết hợp nấm linh chi đen được cho là có tác dụng chữa viêm gan, bổ gan, đồng thời hỗ trợ giảm stress, tăng cường miễn dịch, làm đẹp da, hỗ trợ tiêu hóa và giảm đau dạ dày.
Nguyên liệu:
- Hắc linh chi khô.
- Trà hoa cúc.
- Nước sôi.
Cách thực hiện:
- Đem hắc linh chi khô và trà hoa cúc với tỉ lệ 1:1 đi nghiền thành bột mịn và cất trữ trong lọ kín.
- Mỗi lần lấy 3g bột pha hãm cùng nước ấm để uống trong ngày.
2. Bài thuốc an thần, chữa suy nhược thần kinh và mất ngủ
Bài thuốc từ nấm linh chi đen, long nhãn và dâu tằm này có tác dụng bồi bổ sức khỏe, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và khó ngủ. Nấm linh chi đen có tính năng bổ thận và tăng cường hệ miễn dịch, long nhãn có tác dụng an thần, trấn tĩnh tâm hồn và bồi bổ thần lực, dâu tằm có tác dụng giải nhiệt và mát gan. Sự kết hợp của các thành phần này giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị suy nhược thần kinh và mất ngủ.
Nguyên liệu:
- 10g nấm linh chi đen.
- 10g long nhãn.
- 10g dâu tằm.
Cách thực hiện:
- Sơ chế sạch linh chi đen, long nhãn và dâu tằm.
- Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi cùng với nước và đun sôi trong khoảng 30 phút.
- Sau đó, lọc nước thu được và uống 1 thang thuốc sắc mỗi ngày.
- Uống thang thuốc sắc mỗi ngày giúp phục hồi chức năng thần kinh và điều trị mất ngủ.
3. Nấm linh chi đen ngâm rượu
Rượu nấm linh chi đen được cho là có công dụng tăng cường sức khỏe, giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sinh lý nam giới và giảm căng thẳng nên được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, những người có vấn đề về dạ dày – đại tràng, gan thì không nên áp dụng.
Nguyên liệu:
- Nấm linh chi đen khô thái lát 200g.
- Rượu nếp 2l.
- Táo đỏ hoặc kỷ tử (tùy thích).
Cách thực hiện:
- Rửa sạch nấm linh chi đen và để ráo nước.
- Cho nấm linh chi đen vào bình thủy tinh hoặc bình sanh chất lượng.
- Cho rượu nếp ngon 40 – 45 độ vào bình, vặn kín nắp và để bình rượu ngâm ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng của mặt trời.
- Để vị rượu được thơm ngon hơn, các bạn có thể ngâm cùng táo đỏ hoặc kỷ tử tùy thích.
- Ngâm trong vòng 1 tháng thì các bạn đã có thể sử dụng được, mỗi ngày uống 2 lần trong bữa ăn chính. Chú ý mỗi lần chỉ dùng từ 10 – 30ml rượu, tránh lạm dụng.
4. Siro chữa ho, viêm phế quản
Nấm linh chi đen có thể được chế biến thành siro tức cao cô đặc rồi được sử dụng để cải thiện các tình trạng ho, viêm họng, viêm phế quản,…
Nguyên liệu: 20g nấm linh chi khô.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị nấm linh chi khô, cho thêm 800ml nước vào nồi sắc cho đến khi cạn còn 400ml thì nhỏ lửa lại sắc cho đến khi còn khoảng 100 – 150ml nước đặc thì tắt bếp.
- Cho siro vào bình thủy tinh, đóng kín, bảo quản lạnh để dùng dần.
- Mỗi lần dùng 3ml siro hòa với 100ml nước ấm để uống, thực hiện 3 lần/ngày cho đến khi cơn đau họng, ho giảm hẳn.
5. Chữa xơ cứng mạch máu, hạ áp huyết, chống đột quỵ
Bài thuốc từ nấm linh chi đen, cửu tiết xương bồ, hạt cây tơ hồng, bạch thược, cẩu tích, mộc miên và hoàng tinh có tác dụng chủ yếu trong việc giảm xơ cứng mạch máu và giúp cải thiện lưu thông máu, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và đau thắt ngực. Đồng thời, bài thuốc cũng giúp hạ thấp huyết áp và cải thiện tình trạng cao huyết áp.
Nguyên liệu:
- 9g hắc vân chi linh khô.
- 12g bạch thược.
- 12g mộc miên.
- 12g cẩu tích.
- 12g hoàng tinh.
- 6g cửu tiết xương bồ.
- 6g hạt cây tơ hồng.
Cách thực hiện:
- Sắc kỹ các nguyên liệu với 500ml cho đến khi còn khoảng 250ml nước thuốc đặc.
- Chia thuốc nước thành 3 lần uống, dùng trước các bữa ăn chính khoảng 1 giờ.
6. Trà hắc vân chi cải thiện giấc ngủ, an thần bổ não
Uống trà hãm từ nấm linh chi đen có thể giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ, tăng cường trí nhớ và nhiều công dụng khác.
Nguyên liệu:
- Nấm linh chi đen.
- Nước sôi.
- Mật ong (tùy chọn).
Cách thực hiện:
- Sơ chế sạch nấm linh chi đen, phơi hoặc sấy khô, sau đó thái lát hoặc xay nhuyễn thành bột và cho vào lọ thủy tinh kín bảo quản dùng dần.
- Cho khoảng 10g nấm vào túi lọc và ngâm vào 400ml nước ấm 40 – 50 độ C trong khoảng 10 – 15 phút.
- Nếu muốn, bạn có thể cho thêm mật ong vào trà để tăng thêm hương vị.
- Uống trà nấm linh chi đen 2 – 3 lần mỗi tuần để tăng cường chức năng não, giảm căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
7. Bài thuốc giảm sưng viêm, đau nhức cơ và xương
Các thành phần trong bài thuốc này có tác dụng làm giảm sưng viêm, giảm đau, cải thiện các chứng viêm trong cơ thể và tăng cường sức khỏe.
Nguyên liệu:
- 30g nấm linh chi đen
- 30g sâm Hoa Kỳ.
- 30g thạch hộc.
- 30g khoai mài.
- 30g mộc nhĩ trắng.
- 30g nấm hương.
Cách thực hiện:
- Tất cả nguyên liệu được phơi hoặc sấy khô, sau đó tán bột mịn, bảo quản nơi khô ráo.
- Mỗi lần dùng lấy 2 – 3g bột, pha với 150 – 200 ml nước hoặc cho vào sữa ấm để uống.
Lưu ý cần biết khi mua và sử dụng nấm linh chi đen
Là một dược liệu tốt cho sức khỏe và không chứa độc tính, tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng để bồi bổ sức khỏe, cải thiện các vấn đề của cơ thể thì vẫn lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Nên mua sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy và được cấp phép, tránh mua nấm linh chi từ các nhà sản xuất không rõ nguồn gốc hoặc không đáng tin cậy.
- Kiểm tra các thông tin trên bao bì sản phẩm như hạn sử dụng, thành phần, cách sử dụng và bảo quản để đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn.
- Sử dụng sản phẩm đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để tối đa hóa lợi ích sức khỏe từ sản phẩm. Tránh sử dụng quá liều hoặc sử dụng sản phẩm không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Mặc dù nấm linh chi có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ đối với một số người. Các tác dụng phụ của nấm linh chi có thể bao gồm: Khó ngủ, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, khó tiêu, dị ứng da, rối loạn huyết áp, suy gan, rối loạn tiêu hóa,…
- Đối tượng nên chống chỉ định dùng nấm linh chi: Người mẫn cảm với thành phần của nấm linh chi; người có tiền sử bệnh tim, huyết áp cao; người đang sử dụng thuốc chống đông máu; phụ nữ mang thai những tháng đầu hoặc đang cho con bú;…
- Ngoài ra, trẻ trên 2 tuổi, phụ nữ có thai trên 4 tháng, những người đang dùng thuốc hoặc có bệnh lý,… nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nấm linh chi để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng của nấm linh chi đen đa dạng, phù hợp và mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng người dùng. Tuy nhiên, không nên “thần thánh hóa” quá mức và sử dụng dược liệu này như thuốc đặc trị. Khi có vấn đề sức khỏe, hãy liên hệ và thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị phụ hợp, đồng thời tham vấn việc sử dụng hắc chi như một cách điều trị bổ trợ.
Xem thêm:
- Lá Lốt: Công Dụng Và Những Bài Thuốc Chữa Bệnh Hiệu Quả
- Cao Ban Long Có Công Dụng Gì? Cách Sử Dụng Và Những Lưu Ý Khi Dùng
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!