Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Không chỉ được biết đến là loài hoa đẹp để trang trí, nhiều loại hoa hồng còn được dùng làm dược liệu trong y học cổ truyền. Trong đó, trà hoa hồng chính là phương pháp sử dụng loại dược thảo này để bồi bổ cơ thể và mang đến nhiều công dụng khác.
Tổng quan về các loại trà hoa hồng
Có rất nhiều loại hoa hồng. Tuy nhiên, Đông y thường sử dụng 2 hoa hồng đỏ, thường là “nguyệt quý hoa” và “mai khôi hoa” để làm dược liệu. Đặc biệt, hai loại này còn có thể dùng làm trà hoa hồng dễ uống, dễ sử dụng và có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Hãy cùng Viện y dược cổ truyền dân tộc tìm hiểu loại dược liệu và trà thảo mộc này sau đây.
Trà hoa nguyệt quý
Loại hoa hồng được sử dụng để làm trà là nguyệt quý hoa hay còn được gọi hoa hồng đỏ, hoa hồng hường,… Danh pháp khoa học là Rosa chinensis Jacq, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae) với một số đặc điểm nổi bật như sau:
- Đặc điểm nhận dạng:
Nguyệt quý hoa là một loại cây bụi với chiều cao từ 0.5 đến 1.5 mét. Cành non có gai cong, lá kép lông chim và lá kèm dính liền với cuống tạo thành những cánh hẹp, có răng tuyến nhỏ.
Hoa của loài này có kích thước lớn, có màu sắc đa dạng như trắng, hồng, đỏ và có mùi thơm dễ chịu. Đế hoa nguyệt quý có dáng lõm vào, mang theo 5 – 6 lá đài kèm 5 cánh hoa, có nhiều nhụy và lá noãn rời rạc xung quanh.
- Phân bố:
Loài hoa này phân bố rộng khắp ở Việt Nam và chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chủ yếu được tìm thấy ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc như Hà Giang, Sơn La,…
- Bộ phận dùng làm trà – Thu hái:
Bộ phận của hoa hồng nguyệt quý được sử dụng để làm trà là hoa phơi hoặc sấy khô. Loại nguyệt quý hoa dùng làm trà cần được thu hoạch khi màu hồng tía, nụ hoa hé nở một nửa, không xòe ra, mùi thơm nhẹ là tốt. Thời gian thu hoạch chủ yếu là vào mùa hạ và thu, tập trung khoảng tháng 5 – 9.
Xem thêm: Nhụy Hoa Nghệ Tây [Saffron]: Tác Dụng, Cách Dùng & Những Lưu Ý
- Thành phần hóa học:
Hoa hồng nguyệt quý chứa nhiều thành phần hóa học, bao gồm tinh dầu như: Linalyl acetate, Limonen, Citronellol, Linalool… và Acid Galic, các hoạt chất Iodine, Mendeleyev,… Tinh dầu hoa hồng cũng được sử dụng nhiều trong công nghiệp mỹ phẩm và sản xuất nước hoa.
Ngoài ra, trong nguyệt quý khoa cũng chứa các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin B, vitamin C, vitamin K, Canxi, Kali và Carotene,…
Trà Flos Rosae rugosae
Đây còn được gọi là trà hoa hồng Nhật, sử dụng loại hoa có danh pháp khoa học là Rosa rugosa Thunb, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Mai khôi hoa là giống hoa hồng có nguồn gốc từ Nhật Bản, tại tỉnh Ibaraki. Không chỉ được dùng làm trà mà hoa hồng mai khôi hoa còn là nguyên liệu làm nên loại rượu “Mai quế lộ” nổi tiếng của Trung Quốc.
- Đặc điểm nhận dạng và phân bố:
Loài hoa này phân bố nhiều ở tỉnh Ibaraki của Nhật Bản, hiện nay được trồng tại một số quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc. Tại Việt Nam, chỉ có một số vườn ươm trồng được với sản lượng thấp, do đó các thành phần trà trên thị trường hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài.
Mai khôi hoa có đặc điểm nhận dạng tương tự nhiều loại hoa hồng khác, dạng cây bụi thấp với chiều cao dưới 1m. Khi nở cho bông to, cánh dày. Hoa có màu tía tươi, mùi thơm nồng.
- Bộ phận dùng làm trà – thu hái:
Bộ phận dùng làm thuốc, làm trà của mai khôi hoa là những nụ hoa chớm nở được thu hoạch, sau đó phơi dưới bóng râm hay sấy khô.
- Thành phần hóa học:
Trong hoa hồng mai khôi hoa cũng chứa Acid Galic và hàm lượng tinh dầu cao như: Linalyl acetate, Ox-caryophylen, Linalool, Limonene, Citronellol, Hexanol… Ngoài ra, trong hoa hồng mai khôi cũng chứa nhiều nhóm vitamin B, C, K cùng các khoáng chất Canxi, Kali, Carotene,.. Một số hợp chất khác có trong cánh hoa còn kể đến như Iodine, Mendeleyev,…
Như vậy, thành phần hóa học giữa hai loại hoa hồng được dùng làm trà này gần tương tự nhau, từ đó mang đến công dụng khá giống nhau.
Tìm hiểu công dụng trà hoa hồng
Y học cổ truyền từ lâu đã phát hiện những tác dụng tuyệt vời của hoa hồng để làm dược liệu, bên cạnh đó y học hiện đại cũng phát hiện những công dụng của tinh dầu hoa hồng. Trong các cách sử dụng loại dược liệu này, uống trà hoa hồng với hàm lượng tinh dầu cao, có khả năng chống oxy hóa và giảm căng thẳng tốt được nhiều người ưa chuộng.
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, cả trà hãm từ nguyệt quý hoa và mai khôi hoa có thể sử dụng thay thế nhau. Trong Nam dược thần hiệu của danh y Tuệ Tĩnh có ghi hoa hồng làm dược có những đặc điểm sau:
- Tính vị: Vị ngọt, uống vào hơi đắng, tính ấm.
- Quy kinh: Can và Tâm.
- Công năng chính: Hoạt huyết, điều hòa kinh nguyệt, tiêu thũng, tán ứ và giải độc, an thần.
- Chủ trị: Điều trị chứng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hoạt huyết, trị u nhọt ngoài da, chữa đau nhức vùng dạ dày và gan, chữa tê thấp lâu ngày, giảm mất ngủ,…
- Liều dùng an toàn: Không quá 4 – 8g hoa khô/ngày.
Dưới đây là một số công dụng của trà hoa hồng theo y học cổ truyền:
- Hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu: Dược liệu hoa hồng được sử dụng để cải thiện tuần hoàn máu, giảm các triệu chứng đau nhức và sưng tấy do thiếu máu.
- Điều hòa kinh nguyệt: Trà được sử dụng để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh và các triệu chứng khác liên quan đến kinh nguyệt.
- Tiêu thũng, tán ứ và giải độc: Nguyệt quý hoa và mai khôi hoa đều có tính kháng viêm và kháng khuẩn, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi và ợ nóng.
- Chữa các bệnh về da: Trà hoa hồng được sử dụng để điều trị các vấn đề da như mụn, nấm, viêm da cơ địa và vết thương hở.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Loại trà thảo mộc này được sử dụng để giảm đau và khó chịu vùng dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm các triệu chứng khó tiêu.
- An thần, giảm căng thẳng: Loại trà hoa này có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu, giúp người uống trà có giấc ngủ ngon hơn.
Theo y học hiện đại
Y học hiện đại cũng nghiên cứu và phát hiện các công dụng của trà hoa hồng dù không thể thay thế thuốc chữa bệnh, tuy nhiên chúng vẫn có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý và cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe như:
- Cân bằng dầu tự nhiên trên da: Linalyl acetate trong hoa hồng giúp cân bằng dầu tự nhiên trên da, giúp da luôn trắng sáng và kiềm dầu tốt. Hoạt chất này cũng có tác dụng kháng viêm, từ đó giảm các tình trạng phát ban, nổi mụn mẩn ngứa. Việc dùng trà hãm từ loài hoa này thường xuyên sẽ có tác dụng làm đẹp da, trị nám da, mụn trứng cá và mụn trên da.
- Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa ung thư: Trong hoa hồng chứa Limonene – một hợp chất có tác dụng chống xoay hóa, ức chế gốc tự do và dị bào để hỗ trợ quá trình điều trị và phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư dạ dày, đại trực tràng và ung thư vú.
- Nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ hệ tiêu hóa và tim mạch: Loại trà hoa này chứa nhiều vitamin B, C, K cùng Canxi, Kali, Carotene,… có tác dụng nâng cao sức đề kháng, đồng thời có công dụng tốt cho hệ tiêu hóa, miễn dịch và tim mạch.
- Hỗ trợ giảm cân: Việc sử dụng thường xuyên và đúng cách trà hoa hồng còn có tác dụng ức chế quá trình hình thành và tích tụ mỡ thừa trong cơ thể, giúp giảm cân hiệu quả.
- An thần và giảm căng thẳng: Cách tinh dầu và chất chống oxy hóa tự nhiên có hoa hồng có tác dụng giúp an thần, tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng và kích thích nhu cầu tình dục ở mức vừa phải.
- Cải thiện các bệnh lý khác: Trà hoa hồng có tính ấm cùng các hợp chất khác như Citronella, Iodine, Mendeleyev,… cũng được sử dụng để chữa trị đau họng, cảm cúm, cải thiện chức năng nội tiết tố, diệt khuẩn,…
2 cách bào chế trà hoa hồng giữ nguyên hoạt chất
Sau khi thu hái hoa hồng, để bảo quản hoạt chất và đảm bảo chất lượng trà hoa hồng, cần có các cách bào chế thích hợp. Dưới đây là 2 cách bào chế để giữ nguyên hoạt chất của trà hoa hồng:
Cách làm trà hoa hồng nụ hoa hồng khô
Đây là cách bào chế truyền thống nhất và được sử dụng phổ biến. Cách này giữ nguyên được nhiều hoạt chất của hoa hồng, tạo ra trà hoa hồng thơm ngon và có tác dụng tốt cho sức khỏe.
Sau khi ngâm hoa trong nước muối loãng, bạn để cả phần đài hoa và phơi hoa dưới ánh nắng mặt trời trong 3 – 4 ngày hoặc sấy dưới nhiệt độ 50 – 60 độ C để thu hoa khô.
Bào chế lấy bột hoa hồng pha trà
Để làm bột hoa hồng, bạn chỉ sử dụng phần cánh hoa, loại bỏ phần đài hoa, và phơi khô như cách bào chế ở cách 1. Sau đó, bạn mang tán hoa thành bột mịn để sử dụng. Cách này giúp tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn để sử dụng, tuy nhiên không giữ được hoạt chất bằng cách bào chế để thu hoa khô.
Sau khi bào chế, trà hoa hồng cần được bảo quản trong các lọ, túi bóng kín để tránh khí ẩm, nấm mốc và côn trùng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Gợi ý 3 cách làm và sử dụng trà hoa hồng hiệu quả nhất
Việc pha trà hoa hồng có rất công thức khác nhau, có thể sử dụng nguyên liệu dạng thô hoặc chế phẩm túi lọc. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng riêng lẻ hoa hồng hoặc kết hợp một số nguyên liệu khác để tăng hương vị, nâng cao công dụng.
Dưới đây là 3 công thức trà hoa hồng thơm ngon, giữ được nhiều dưỡng chất nhất để bạn tham khảo:
Cách pha trà hoa hồng tươi
Để pha trà hoa hồng từ hoa tươi, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 5 bông hoa hồng tươi, mật ong nguyên chất hoặc đường phèn vừa đủ theo sở thích, nước sạch khoảng 500ml.
Cách làm trà hoa hồng từ hoa tươi cũng rất đơn giản và dễ thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Bước 1: Tách bông hoa hồng ra từng cánh hoa và ngâm trong chậu nước muối để làm sạch bụi bẩn. Sau đó, rửa lại hoa hồng thật sạch dưới vòi nước để loại bỏ hết muối còn sót lại trên cánh hoa. Nhớ nhẹ nhàng để tránh làm cánh hoa bị dập.
- Bước 2: Cho hoa hồng ra rổ để ráo nước khoảng 10 – 20 phút, tránh ánh sáng mặt trời quá gắt vì sẽ làm hoa bị ngả màu.
- Bước 3: Cho hoa vào nồi và đổ nước sạch vào sấp mặt.
- Bước 4: Đun nồi nước và hoa hồng trong khoảng 5 phút. Sau đó, tắt bếp và để nước hoa hồng nguội.
- Bước 5: Thêm mật ong hoặc đường vào theo khẩu vị của bạn. Bạn có thể dùng uống nóng hoặc lạnh vào tùy sở thích.
Hướng dẫn cách pha trà hoa hồng từ nụ hoa khô
Để làm trà hoa hồng từ nụ hoa khô, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như sau: 1 gói trà túi lọc (có thể chọn trà xanh hoặc vị trà mà bạn thích), 15g nụ hoa hồng khô, 10g gừng tươi, 1 – 3 thìa mật ong nguyên chất, vài lát chanh tươi, nước sạch 500ml.
Sau đó, bạn làm theo các bước sau để thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gừng, cạo vỏ và thái thành từng lát mỏng.
- Bước 2: Cho nước sạch vào ấm đun sôi, để nước sôi nguội về 60 độ C, sau đó cho vào ly để ngâm trà túi lọc trong khoảng 2 – 3 phút rồi, rồi bỏ túi lọc đi giữ lại nước trà.
- Bước 3: Cho gừng và nụ hoa hồng khô vào trong ấm trà, ngâm trong khoảng 8 – 10 phút cho ra nước.
- Bước 4: Khi uống, rót trà ra tách rồi cho thêm chút mật ong vào và khuấy đều lên. Cho thêm một lát chanh cho vào trà để thưởng thức, có thể thêm đá nếu thích dùng lạnh.
Cách làm trà sữa hoa hồng
Trà sữa hoa hồng là một thức uống mới lạ và hấp dẫn. Thức uống này có vị ngọt nhẹ, hương thơm của hoa hồng và vị trà đặc trưng. Bạn có thể thưởng thức nó trong ngày hè nóng bức hoặc khi muốn thư giãn trong một ngày dài.
Để làm được thức uống này, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu gồm: 4 gói trà túi lọc, 10 nụ hồng khô, 200ml sữa tươi có đường và 2 muỗng cà phê đường nâu, có thể thêm milk foam tùy sở thích.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hòa tan 2 muỗng cà phê đường nâu vào 800ml nước sôi. Sau đó, bạn ngâm 4 gói trà túi lọc và 10 nụ hoa hồng khô vào trong nước đó khoảng 10 phút để tạo mùi hương cho trà.
- Bước 2: Bạn bắc nồi lên bếp và đun sôi sữa tươi. Trong lúc đun, bạn dùng phới lồng để đánh đều cho sữa nổi bọt trong khoảng 3 – 4 phút.
- Bước 3: Sau khi sữa tươi đã nổi bọt, bạn đổ phần cốt trà vào sữa mới chuẩn bị và khuấy đều.
- Bước 4: Trước khi uống, bạn có thể làm thêm lớp bọt sữa (milk foam) lên trên mặt và rải cánh hoa hồng khô lên trên cho đẹp mắt. Với công thức này, bạn nên thêm đá hoặc ướp lạnh sẽ uống ngon hơn.
Những người nào không nên dùng trà hoa hồng?
Theo thông tin được cung cấp, những người không nên uống trà hoa hồng gồm:
- Phụ nữ mang thai: Việc uống trà hoa hồng có thể gây kích thích tử cung, gây sảy thai và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, phụ nữ mang thai nên hết sức thận trọng khi sử dụng loại trà này.
- Phụ nữ đang cho con bú: Trà hoa hồng có thể gây tác hại đến sức khỏe của trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ. Do đó, phụ nữ đang cho con bú cũng nên hạn chế sử dụng.
- Những người bị dị ứng: Nếu có bất kỳ thành phần nào của loài hoa hồng gây ra dị ứng, người đó nên hạn chế sử dụng chế phẩm từ hoa hồng hoặc không sử dụng nó để tránh tác hại của trà hoa hồng. Nếu có dấu hiệu phản ứng dị ứng, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế và có biện pháp đối phó kịp thời.
Lưu ý cần biết khi mua và sử dụng trà hoặc dược liệu hoa hồng
Khi mua và sử dụng trà hoa hồng, có một số lưu ý sau đây bạn cần biết:
- Chọn trà hoa hồng chất lượng: Bạn nên chọn nguồn nguyên liệu chất lượng để đảm bảo hương vị và chất lượng tốt nhất. Nên mua từ các cửa hàng, nhà phân phối uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Bảo quản đúng cách: Trà khô nên được bảo quản trong các bao bì kín, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp và nơi có độ ẩm cao. Tuyệt đối không sử dụng loại trà khi đã hết hạn sử dụng, có dấu hiệu bị thiu hay ẩm mốc.
- Sử dụng đúng cách: Cách sử dụng trà hoa hồng phù hợp sẽ giúp bạn có được hương vị thơm ngon nhất. Nên làm theo hướng dẫn trên bao bì hoặc các công thức nấu trà để có được tách trà đúng chuẩn. Nếu cơ thể cảm thấy không khỏe có các các triệu chứng lạ sau khi dùng trà, cần ngừng ngay và liên hệ bác sĩ.
- Không lạm dụng: Trà hoa hồng có tác dụng giải độc, tăng cường miễn dịch, nhưng nếu sử dụng quá mức có thể gây hại cho sức khỏe. Nên tìm hiểu kỹ về liều lượng sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Thời điểm uống trà: Không nên uống trà hoa hồng khi đói và ngay 1 giờ trước khi ngủ.
Trà hoa hồng không chỉ là một thức uống giải khát mà còn là một liệu pháp cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Đây là phương pháp ứng dụng vị dược hoa hồng theo y học cổ truyền, đồng thời đã được nghiên cứu và công nhận bởi y học hiện đại.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!