Huyệt Thủy Đạo: Xác Định Vị Trí Và Cách Tác Động Trị Bệnh
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênMột trong những huyệt đạo ít được biết đến nhưng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe là huyệt Thủy Đạo. Trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin cụ thể về vị trí, tác dụng, cách châm cứu, bấm huyệt và phối huyệt trị bệnh hiệu quả, an toàn nhất.
Tìm hiểu huyệt Thủy Đạo là gì?
Những thông tin liên quan đến tên gọi, đặc tính và vị trí của huyệt Thủy Đạo như sau:
Giải nghĩa tên gọi và đặc tính
Dưới đây là phân tích ý nghĩa của huyệt đạo Thủy Đạo được ghi chép trong Trung Y Cương Mục:
- Thủy: Theo Ngũ hành, Thủy tượng trưng cho thận – tạng có vai trò tàng trữ tinh, là nguồn gốc của thủy dịch trong cơ thể.
- Đạo: Có nghĩa là đường dẫn, lối đi.
Do đó, huyệt Thủy Đạo được coi là “con đường” dẫn đến nguồn gốc của thủy dịch trong cơ thể, tức là thận. Kích thích huyệt đạo này có thể giúp điều hòa sự lưu thông của thủy dịch, từ đó ảnh hưởng đến các chức năng của thận.
Xuất xứ: Giáp Ất Kinh.
Đặc tính:
- Là huyệt thứ 28 của Vị kinh.
- Là huyệt chủ về tân dịch.
Vị trí huyệt đạo Thủy Đạo
Huyệt đạo nằm trên bụng, xác định bằng cách đo từ rốn xuống 3 thốn (huyệt Quan Nguyên Nh.4), tiếp tục đo ngang ra 2 thốn chính là huyệt cần tìm.
Giải phẫu vị trí Thủy Đạo huyệt:
- Dưới da vùng huyệt đạo là cân cơ chéo to, mạc ngang, cơ thẳng to, phúc mạc. Trong ổ bụng là tử cung khi có thai 4 – 6 tháng, ruột non, bàng quang khi bị bí tiểu.
- Thần kinh vận động cơ tại vị trí huyệt là 6 dây thần kinh gian sườn cùng và dây thần kinh bụng – sinh dục.
- Da vùng huyệt Thủy Đạo chịu sự chi phối bởi tiết đoạn của thần kinh D12.
Tác dụng của huyệt Thủy Đạo
Huyệt đạo Thủy Đạo được Y học cổ truyền ghi nhận có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe, đặc biệt là điều hòa Thận Khí. Do đó, huyệt được ứng dụng trong điều trị các vấn đề như:
- Hỗ trợ điều trị bệnh lý đường tiết niệu: Thận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiết niệu. Vậy nên khi kích thích huyệt có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về đường tiết niệu như viêm bàng quang, viêm nhiễm đường tiết niệu, tiểu khó, tiểu són.
- Cải thiện chức năng sinh lý: Theo Y học cổ truyền, thận có liên quan đến chức năng sinh lý. Bấm huyệt có thể hỗ trợ cải thiện chức năng sinh lý ở cả nam và nữ.
Hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt Thủy Đạo
Để khai thông huyệt, hiện nay trong Y học cổ truyền ứng dụng 2 phương pháp là châm cứu và bấm huyệt. Kỹ thuật thực hiện được chuyên gia hướng dẫn như sau:
Kỹ thuật châm cứu
Phương pháp sử dụng kim châm trực tiếp lên huyệt vị, do đó để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị sẽ cần thực hiện tại cơ sở y tế uy tín với bác sĩ có chuyên môn Y học cổ truyền.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái, thả lỏng tinh thần.
- Bước 2: Sát khuẩn huyệt và kim châm cứu bằng cồn y tế.
- Bước 3: Dùng kim châm cứu châm vào huyệt với độ sâu khoảng 0.7 – 1 tấc.
- Bước 4: Cứu 5 – 15 phút.
- Bước 5: Rút kim, ấn nhẹ bông vào vị trí huyệt để tránh chảy máu.
Với phương pháp này, sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại chỗ 10 – 15 phút sau khi châm cứu để bác sĩ theo dõi phản ứng cơ thể. Từ đó, xử lý kịp thời nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như choáng váng, đổ mồ hôi, ngất xỉu,…
Bấm huyệt Thủy Đạo
Kỹ thuật bấm huyệt đạo Thủy Đạo được thực hiện như sau:
- Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa, thả lỏng cơ thể.
- Bước 2: Xác định vị trí huyệt.
- Bước 3: Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt với lực vừa phải, cảm giác hơi căng tức.
- Bước 4: Bấm huyệt theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 5: Có thể kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng xung quanh huyệt để tăng hiệu quả.
Thực hiện bấm huyệt 1 – 2 lần mỗi ngày. Trong quá trình bấm huyệt, cần chú ý điều chỉnh lực đạo phù hợp để phát huy tác dụng trị bệnh tốt nhất mà không gây tổn thương vùng huyệt.
Phác đồ phối Thủy Đạo huyệt
Việc phối huyệt Thủy Đạo cùng các huyệt tương hợp sẽ giúp tăng cường hiệu quả trị bệnh. Trong các Y thư cổ ghi chép lại phác đồ phối huyệt đạo này như sau:
- Phối cùng huyệt đạo Cân Súc (Đc.8): Điều trị cột sống lưng đau (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt đạo Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + huyệt đạo Thuỷ Phân (Nh.9) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36) + huyệt đạo Khí Hải: Điều trị cổ trướng và bụng trướng nước (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Bàng Quang Du (Bp.28) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty.6) + huyệt đạo Thận Du (Bq.23): Điều trị Thận viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty.6) + huyệt đạo Trung Cực (Nh.3) + huyệt đạo Quan Nguyên: Điều trị bàng quang viêm, bí tiểu (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Thận Du (bổ) + (Tả) bộ (huyệt đạo Thủy Đạo + huyệt đạo Tứ Độc + huyệt đạo Giải Khê): Điều trị viêm thận.
- Phối cùng huyệt đạo Thủy Đạo, Tích Trung, Thập Thất Chùy Hạ, Mệnh Môn, Giáp Tích: Điều trị viêm màng nhện tủy sống.
Bài viết cung cấp những thông tin chi tiết về huyệt Thủy Đạo. Việc tác động đúng cách vào huyệt đạo mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn, chuyên gia khuyến nghị bạn nên đến phòng khám, bệnh viện Y học cổ truyền để được chẩn đoán và điều trị với phác đồ phù hợp.
Xem Thêm:
- Huyệt Thiếu Trạch: Vị Trí, Tác Dụng, Cách Châm Cứu, Bấm Huyệt
- Huyệt Yêu Du: Vị Trí, Công Dụng Và Lưu Ý Khi Dùng Trị Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!