Huyệt Trung Xung Là Gì? Công Dụng Và Lưu Ý Khi Châm Cứu
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênMỗi huyệt đạo trên cơ thể đều nắm vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Đối với huyệt Trung Xung, trong Y học cổ truyền ghi chép chi tiết về khả năng hỗ trợ điều trị hôn mê, nhói tim, sốt cao,… và cải thiện tích cực nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vị trí huyệt đạo này nằm ở đâu và cách tác động huyệt trị bệnh thế nào để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Do đó, dưới đây chuyên gia Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ cung cấp kiến thức chi tiết về huyệt đạo trên.
Huyệt Trung Xung là gì?
Huyệt Trung Xung có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh. Theo ghi chép từ Trung Y Cương Mục, tên huyệt có ý nghĩa phản ánh vị trí huyệt đạo nằm tại đỉnh ngón tay giữa (trung), ở nơi chạm với mạch khí của tâm kinh (xung) nên được gọi là Trung Xung.
Đặc tính của huyệt đạo này như sau:
- Huyệt đạo thứ 9 của Tâm Bào kinh.
- Huyệt Tỉnh, thuộc hành Mộc.
- Huyệt Bổ của Tâm Bào kinh.
- Huyệt đặc biệt dùng để điều trị rối loạn ở kinh Biệt của Tâm Bào và Tam Tiêu.
Huyệt Trung Xung nằm ở đâu?
Việc xác định vị trí huyệt đạo Trung Xung nằm ở đâu rất quan trọng bởi nó quyết định đến kết quả của quá trình châm cứu, bấm huyệt trị bệnh.
Huyệt Trung Xung nằm trên đầu ngón tay giữa ở cả 2 bên tay trái và tay phải. Bạn có thể dễ dàng xác định vị trí huyệt bằng cách lấy điểm chính giữa trên đỉnh của đầu ngón tay giữa.
Khi giải phẫu Trung Xung huyệt, thấy những đặc điểm sau:
- Vùng da dưới huyệt chính là nơi bám của gân ngón tay giữa, của cơ gấp ngón tay sâu cùng đầu xương đốt thứ 3 của ngón giữa.
- Da vùng huyệt chịu sự chi phối từ tiết đoạn thần kinh C7 và C8.
- Thần kinh vận động là cơ nhánh của dây thần kinh giữa, điều phối hoạt động của ngón tay giữa.
Tìm hiểu tác dụng huyệt Trung Xung
Các huyệt đạo trên cơ thể đều có liên hệ mật thiết với các cơ quan trong cơ thể. Do đó, khi tác động châm cứu, bấm huyệt Trung Xung có khả năng điều trị nhiều bệnh lý. Theo ghi chép từ Y học cổ truyền, huyệt Trung Xung có tác dụng chính là thanh Tâm, khai khiếu, thoái nhiệt. Cụ thể, huyệt được sử dụng trong điều trị những chứng bệnh sau:
- Điều trị hôn mê, ngất xỉu, mất ý thức.
- Giảm sốt, hạ nhiệt cơ thể, ngăn ngừa tình trạng tim nhói đau.
- Điều trị tình trạng nóng trong, mồ hôi không ra, đau gốc lưỡi, nóng nảy gắt gỏng.
- Có thể điều trị bệnh điếc, suy giảm thính lực khi kết hợp cùng huyệt Đại Đôn và Linh Khu.
Kỹ thuật bấm huyệt, châm cứu chuẩn Y học cổ truyền
Đối với huyệt Trung Xung, trong Y học cổ truyền thường áp dụng phương pháp châm cứu và bấm huyệt để trị bệnh. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật thực hiện 2 phương pháp này.
Châm cứu
Phương pháp châm cứu được ứng dụng phổ biến hơn nhờ hiệu quả phát huy rõ, hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không tự ý châm cứu huyệt Trung Xung bởi chỉ cần châm chệch hướng sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Tại các bệnh viện, nhà thuốc Y học cổ truyền, bác sĩ hoặc lương y sẽ tiến hành kỹ thuật châm cứu như sau:
- Bước 1: Xác định vị trí của Trung Xung huyệt.
- Bước 2: Dùng kim châm cứu trực tiếp lên huyệt với độ sâu từ 0.1 – 0.2 thốn hoặc áp dụng phương pháp châm xuất huyết.
- Bước 3: Thực hiện 1 – 3 tráng, ôn cứu từ 3 – 5 phút.
Để đảm bảo an toàn, kim châm luôn phải được vô trùng trước khi châm cứu. Đặc biệt không bôi dầu hoặc bất cứ loại dược liệu nào lên vị trí huyệt đạo.
Bấm huyệt
Bấm huyệt cũng mang lại hiệu quả tốt nhưng tác dụng chậm hơn so với phương pháp bấm huyệt. Tuy nhiên, người bệnh có thể học kỹ thuật và tự thực hiện tại nhà.
- Bước 1: Người bệnh cần xác định vị trí huyệt chính xác theo hướng dẫn.
- Bước 2: Dùng đầu ngón tay day ấn lên huyệt đạo trong vòng 2 – 3 phút.
Mỗi ngày nên thực hiện bấm huyệt Trung Xung từ 1 – 2 lần, liên tục áp dụng trong 7 – 10 ngày sẽ thấy chứng bệnh được cải thiện rõ rệt.
Hướng dẫn phối huyệt
Ngoài tác động đơn huyệt, khi phối huyệt Trung Xung cùng các huyệt tương hợp sẽ mang lại nhiều công dụng trị bệnh khác. Cụ thể dưới đây là những cách phối huyệt được ghi trong trong Y thư cổ truyền.
- Phối cùng huyệt Đại (Thái) Uyên (P.9) + huyệt Kinh Cừ (P.8) + huyệt Lao Cung (Tb.8) + huyệt Liệt Khuyết (P.7) + huyệt Thiếu Xung (Tm.9): Điều trị lòng bàn tay nóng, sưng khủy tay (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt Mệnh Môn (Đc.4): Điều trị người sốt, đầu đau (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Thiếu Thương (P.11) + huyệt Quan Xung (Ttu.1) + huyệt Thiếu Trạch (Ttr.1) + huyệt Thiếu Xung (Tm.9) + huyệt Thương Dương (Đtr.1): Điều trị trúng phong bất tỉnh (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Liêm Tuyền (Nh.23): Điều trị lưỡi sưng đau (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt Đại Chùy (Đc.14) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4): Điều trị thương hàn phát sốt (theo Dương Kính Trai Châm Cứu toàn Tập).
Lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt Trung Xung trị bệnh
Trong quá trình khai thông huyệt đạo Trung Xung, chuyên gia đưa ra những lưu ý quan trọng dưới đây nhằm đảm bảo hiệu quả và độ an toàn khi áp dụng trong quá trình điều trị bệnh.
- Người bệnh có thể tự bấm huyệt tại nhà nhưng tuyệt đối không tự châm cứu. Bởi việc châm cứu sai cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tổn thương dây thần kinh, viêm nhiễm hoặc thậm chí liệt.
- Khi tự bấm huyệt tại nhà, cần đảm bảo xác định chính xác vị trí huyệt và lực đạo tác động. Bởi đây chính là 2 yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả trị bệnh.
- Nếu vùng da huyệt đang bị đau sưng, có vết thương hở, không nên châm cứu hoặc bấm huyệt sẽ gây nhiễm trùng nguy hiểm.
- Cần đảm bảo vệ sinh tay và dụng cụ hỗ trợ châm cứu, bấm huyệt trước khi sử dụng để tránh gây nhiễm trùng cho người bệnh.
- Người bệnh không nên châm cứu, bấm huyệt trong trạng thái quá no hoặc quá đói. Đồng thời sau khi thực hiện điều trị xong cần nghỉ ngơi, không nên làm việc quá sức sẽ làm giảm hiệu quả của liệu pháp.
- Nếu trong quá trình khai thông huyệt đạo, người bệnh có các cảm giác như đổ nhiều mồ hôi, choáng váng, nôn nao, đau đầu,… cần báo cho lương y để có hướng dẫn xử lý đảm bảo an toàn.
- Một số đối tượng được chuyên gia khuyến cáo không thực hiện châm cứu, bấm huyệt bao gồm: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ đang mang thai, người bị suy gan thận, người bị rối loạn đông máu.
- Tác động vào huyệt Trung Xung mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng những trường hợp bệnh nặng cần thăm khám bác sĩ và điều trị bằng y học hiện đại.
Bài viết trên cung cấp thông tin chi tiết về huyệt Trung Xung, giúp bạn đọc trang bị thêm những kiến thức hữu ích về vị trí, tác dụng cùng cách tác động huyệt trị bệnh. Từ đó, bạn có thể áp dụng trong quá trình hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Xem Thêm:
- Huyệt Khúc Tuyền Và Các Tác Dụng Trong Chăm Sóc Sức Khỏe
- Huyệt Thiếu Hải Là Gì? Tìm Hiểu Vị Trí Và Công Năng Chữa Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!