Huyệt Thiếu Hải Là Gì? Tìm Hiểu Vị Trí Và Công Năng Chữa Bệnh
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênTrong Y học cổ truyền, huyệt Thiếu Hải được ứng dụng phổ biến trong các phác đồ điều trị bệnh lý liên quan đến cánh tay, khớp khuỷu và các tổ chức mềm quanh khớp khuỷu. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ vị trí và cách khai thông huyệt đúng cách. Vậy nên, dưới đây Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc sẽ cung cấp chi tiết các thông tin về huyệt đạo này, đồng thời đưa ra những lưu ý quan trọng giúp nâng cao hiệu quả chữa trị và hạn chế tai biến nguy hiểm.
Huyệt Thiếu Hải là gì? Nằm ở đâu?
Huyệt Thiếu Hải còn có tên gọi khác là huyệt Khúc Tiết, xuất xứ từ Thiên “Căn Kết” (Linh Khu 5). Trong Trung Y Cương Mục phân tích ý nghĩa của tên huyệt như sau: “Thiếu” nghĩa là thủ Thiếu âm Tâm kinh, “Hải” là nơi hội của các nhánh sông. Do đó, huyệt đạo là nơi hàng trăm nhánh sông đổ vào, mạch khí thịnh.
Huyệt Thiếu Hải có đặc tính như sau:
- Huyệt thứ 3 thuộc kinh Tâm.
- Huyệt Hợp của kinh Tâm và thuộc hành Thủy.
Vị trí huyệt Thiếu Hải:
Huyệt nằm phía bên trong khuỷu tay, xác định bằng cách gập khuỷu tay lại sẽ thấy xuất hiện một nếp nhăn lớn, phía cuối nếp nhăn (hướng về ngón út), cách mỏm trên lồi cầu trong khoảng 0.5 thốn chính là vị trí huyệt Thiếu Hải. Đối với những người có 2 nếp nhăn cánh tay, huyệt sẽ nằm trên nếp nhăn phía dưới gần cổ tay hơn.
Việc nắm rõ cách xác định huyệt Thiếu Hải vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt.
Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và phẫu thuật phân tích vị trí huyệt đạo như sau:
- Dưới da huyệt đạo là chỗ bám vào xương của các khối cơ trên ròng rọc, mặt trước của mỏm trên ròng rọc (hoặc mỏm trên lồi cầu trong), phần xương cánh tay và phía trong khớp khủy.
- Thần kinh vận động cơ tại vị trí huyệt đạo là nhánh của dây thần kinh da cánh tay cùng dây thần kinh trụ.
- Da vùng huyệt chịu chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Tác dụng của huyệt Thiếu Hải đối với sức khỏe
Huyệt Thiếu Hải có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong cơ thể. Khi tác động đúng cách sẽ đưa năng lượng đến đúng vị trí, mang lại hiệu quả trị bệnh mãn tính. Theo Y học cổ truyền ghi chép, huyệt đạo này có tác dụng sơ tâm khí, hóa đờm và định thần chí. Cụ thể các tác dụng đối với sức khỏe như sau:
- Điều trị bệnh về đờm: Day bấm huyệt đúng cách sẽ giúp điều trị các chứng bệnh về đờm, đặc biệt trường hợp đờm đặc, ho suốt đêm, khó thở.
- Điều trị đau nhức cổ vai gáy: Huyệt Thiếu Hải được ứng dụng trong điều trị các chứng bệnh đau tại vùng cổ vai gáy, đặc biệt ở người cao tuổi và người thường xuyên ngồi như nhân viên văn phòng hoặc người bê vác nặng.
- Chữa trị chứng đau vùng khuỷu tay: Huyệt được sử dụng trong hỗ trợ điều trị chứng bệnh đau tại vùng khuỷu tay, đặc biệt các mô mềm xung quanh khuỷu tay, tê cánh tay, tê bàn tay.
- Cải thiện chứng thiếu máu não: Tác động châm cứu, bấm huyệt mỗi ngày sẽ giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, cải thiện tuần hoàn máu đến não, nhờ đó hỗ trợ điều trị chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt do thiếu máu não.
- Trị bệnh về tim: Giúp giảm triệu chứng bệnh liên quan đến tim như đau tim, nhói tim, tim đập nhanh, hồi hộp, bất an.
- Ổn định tinh thần: Khai thông huyệt đạo Thiếu Hải sẽ giúp giảm căng thẳng, giảm lo âu, giúp cân bằng tinh thần, nâng cao năng lượng cùng sự tỉnh táo.
Cách khai thông huyệt Thiếu Hải trị bệnh
Để khai thông huyệt Thiếu Hải trị bệnh, trong Y học cổ truyền ứng dụng hai phương pháp châm cứu và bấm huyệt. Với mỗi phương pháp sẽ có những kỹ thuật và lưu ý riêng giúp đảm bảo hiệu quả và an toàn. Cụ thể như sau:
Châm cứu huyệt Thiếu Hải:
Phương pháp châm cứu là sử dụng kim châm cứu châm trực tiếp lên vùng da huyệt đạo với độ sâu nhất định, từ đó kích thích điều hòa khí huyết, khai thông ứ trệ, cải thiện tình trạng sức khỏe.
Kỹ thuật thực hiện:
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt Thiếu Hải huyệt trên cơ thể.
- Bước 2: Sử dụng kim châm cứu để châm trực tiếp lên huyệt theo phương thẳng, độ sâu từ 0.5 – 1 thốn.
- Bước 3: Ôn cứu trong 5 – 10 phút, tiếp theo cứu từ 3 – 5 tráng.
Chú ý:
- Khi châm cứu có thể áp dụng châm xuyên đến huyệt Khúc Trì. Lúc này, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê giống như có dòng điện chạy xuống cẳng tay. Tuy nhiên sau một lúc cảm giác này sẽ hết.
- Các dụng cụ sử dụng như kim châm cứu cần được khử trùng, sát khuẩn sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.
- Phương pháp châm cứu cần thực hiện bởi thầy thuốc, kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Người bệnh tuyệt đối không châm cứu huyệt tại nhà vì sẽ có nguy cơ cao gây tai biến.
- Trường hợp không áp dụng phương pháp châm cứu bao gồm: Người bệnh nguy kịch cần cấp cứu, người bị tiểu đường, người rối loạn đông máu, người bị thiếu máu, bệnh nhân bị bệnh tim, phụ nữ mang thai.
Bấm huyệt chữa bệnh
Đây là phương pháp tác động lực đạo thông qua ngón tay hoặc dụng cụ hỗ trợ để kích thích khai mở huyệt đạo. Phương pháp này được đánh giá có độ an toàn cao hơn châm cứu, tuy nhiên liệu trình kéo dài lâu hơn để thấy rõ hiệu quả.
Kỹ thuật thực hiện:
- Bước 1: Xác định vị trí của Thiếu Hải huyệt.
- Bước 2: Dùng đầu ngón tay day ấn lên huyệt theo chiều kim đồng hồ, thực hiện khoảng 30 lần, sau đó nghỉ 5 giây và day ấn theo chiều ngược lại 30 lần tiếp. Liên tục thực hiện trong 2 – 3 hiệp mỗi ngày.
Chú ý:
- Người thực hiện cần cắt ngón tay ngắn, đồng thời rửa sạch tay trước khi bấm huyệt để tránh gây tổn thương hoặc làm nhiễm trùng vùng da này.
- Điều chỉnh lực đạo vừa phải, không day ấn quá nhẹ sẽ không phát huy tác dụng trị bệnh, nhưng cũng không day ấn quá mạnh sẽ làm tổn thương vùng da huyệt đạo.
- Phương pháp này có thể tự thực hiện tại nhà, nhưng nếu bạn không nắm rõ vị trí và kỹ thuật bấm huyệt, tốt nhất nên đến phòng khám Y học cổ truyền để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Trường hợp không áp dụng bấm huyệt bao gồm: Phụ nữ đang mang thai, người có vết thương tại vị trí huyệt đạo. Ngoài ra các trường hợp khác như suy giảm chức năng thận, người cao tuổi, trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành thực hiện.
Cách phối huyệt Thiếu Hải nâng cao hiệu quả trị bệnh
Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, trong các y thư cổ ghi chép lại phương pháp phối huyệt Thiếu Hải cùng một số huyệt đạo khác. Phương pháp này được thực hiện dựa trên cơ sở các huyệt đạo trên cơ thể đều có quan hệ mật thiết với nhau nên khi được kết hợp đúng cách sẽ tăng cường hiệu quả chữa trị.
- Phối cùng huyệt Chi Chánh (Ttr.7) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Khúc Trì (Đtr.11) + huyệt Ngư Tế (P.10) + huyệt Uyển Cốt (Ttr.4): Điều trị cuồng, nói bậy (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt Âm Thị (Vi 33): Điều trị tim đau, tay run (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Thiên Tỉnh (Ttu 10): Điều trị lao hạch (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Tam Lý (Đtr.10): Điều trị 2 tay tê dại (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt Hành Gian (C2) + huyệt Lâm Khấp (Đ.41) + huyệt Thái Xung (C3) + huyệt Thông Lý (Tm.5) + huyệt Túc Tam Lý (Vi 36) + huyệt Ủy Trung (Bq 40): Điều trị ung nhọt, phát bối (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt Âm Khích (Tm.6) + huyệt Thanh Linh (Tm.2) + huyệt Thần Môn (Tm.7) + huyệt Thông Lý (Tm.5): Điều trị dây thần kinh trụ đau (theo Tân Châm Cứu Học).
- Phối cùng huyệt An Miên + huyệt Tam Âm Giao (Ty.6): Điều trị thần kinh suy nhược (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Hậu Khê (Ttr.3): Điều trị tay run (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cần lưu ý rằng những cách phối huyệt trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bởi trên thực tế các lương y sẽ điều chỉnh giảm bớt hoặc kết hợp thêm một số huyệt đạo để phù hợp với tình trạng người bệnh hiện tại.
Điều cần chú ý khi châm cứu, bấm huyệt
Phương pháp châm cứu, bấm huyệt được đánh giá hiệu quả tốt trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn cho sức khỏe tổng thể.
- Cần đảm bảo xác định chính xác vị trí của các huyệt đạo cần sử dụng. Bởi nếu tác động sai huyệt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Do đó, chuyên gia khuyến nghị nếu chưa rõ về vị trí và kỹ thuật thực hiện, người bệnh không nên tự ý bấm huyệt tại nhà.
- Trước khi bước vào điều trị, người bệnh cần chọn tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái nhất, đồng thời thả lỏng tinh thần để kết quả đạt mức cao nhất.
- Chuyên gia khuyến cáo không châm cứu khi vừa ăn no xong, khi bụng đang đói hoặc vừa lao động mất sức, sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lào, thuốc lá,…
- Nếu quyết định điều trị châm cứu, bấm huyệt tại các cơ sở y tế, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn những đơn vị phòng khám Y học cổ truyền uy tín, đảm bảo các bác sĩ tại đây có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Sau châm cứu, người nhân nên ở lại cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe trong 15 – 30 phút. Nếu phát hiện những phản ứng bất thường như chóng mặt, đau đầu, toát nhiều mồ hôi, xây xẩm mặt mũi,… cần báo cho bác sĩ để có biện pháp xử lý an toàn.
- Bên cạnh áp dụng điều trị Đông y, người bệnh cần kết hợp một chế độ sinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường sức khỏe, giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
- Tương tự như các phương pháp Đông y khác, châm cứu bấm huyệt Thiếu Hải cần kiên trì thực hiện trong thời gian khoảng 1 – 2 tháng để thấy rõ hiệu quả trị bệnh.
- Châm cứu, bấm huyệt Thiếu Hải không có tác dụng cho những trường hợp bệnh nặng, do đó, trong những trường hợp cần thiết, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để được bác sĩ sĩ thăm khám, chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị y tế chuyên sâu nhằm mang lại kết quả chữa trị tích cực.
Thông qua những thông tin trên, hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu rõ về huyệt Thiếu Hải. Từ đó sẽ vận dụng những kiến thức hữu ích này vào quá trình cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều quan trọng là không tự ý châm cứu tại nhà. Chuyên gia khuyến nghị nên đến các phòng khám, bệnh viện Y học cổ truyền để được bác sĩ, lương y có chuyên môn cao thăm khám và điều trị hiệu quả, an toàn.
Xem Thêm:
- Huyệt Khúc Tuyền Và Các Tác Dụng Trong Chăm Sóc Sức Khỏe
- Huyệt Địa Cơ Là Gì? Cách Tìm Huyệt Địa Cơ Chữa Tiểu Đường
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!