Bấm Huyệt Chữa Mất Ngủ – Phương Pháp Hiệu Quả Lâu Dài
Theo dõi Viện y dược dân tộc trênBài viết được tư vấn chuyên môn bởi
Bấm huyệt xoa bóp chữa mất ngủ là phương pháp có xuất phát từ y học cổ truyền. Thông qua tác động vật lý từ ngón tay và bàn tay, biện pháp này giúp thông kinh hoạt lạc, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ và an dịu thần kinh. Qua đó có thể cải thiện căng thẳng và giảm các vấn đề về giấc ngủ.
Tác dụng của bấm huyệt đối với chứng mất ngủ
Mất ngủ là chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi do sự thoái hóa của các cơ quan não bộ và ảnh hưởng của một số bệnh mãn tính. Tuy nhiên hiện nay, không ít người trẻ tuổi cũng gặp phải những vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, chập chờn và dễ thức giấc giữa đêm. Nguyên nhân thường do căng thẳng, áp lực từ công việc, học tập và lối sống thiếu khoa học.
Đông y gọi bệnh mất ngủ là chứng thất miên xảy ra do suy nghĩ nhiều, uất ức, tâm tình buồn bã, sợ hãi quá độ hoặc do thận, tỳ, can và tâm suy yếu mà gây nên. Ngoài sử dụng thuốc và áp dụng các biện pháp chuyên sâu, không ít người lựa chọn xoa bóp bấm huyệt để cải thiện tình trạng mất ngủ.
Bấm huyệt là liệu pháp có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Phương pháp này dùng lực từ ngón tay, bàn tay để tạo ra kích thích cơ học lên huyệt vị có mối liên hệ với cơ quan bị tổn thương. Tác động từ bấm huyệt giúp thông kinh hoạt lạc, thư giãn cơ, giải tỏa căng thẳng và an dịu thần kinh. Nếu áp dụng thường xuyên, tình trạng mất ngủ, khó ngủ và căng thẳng quá mức sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Khi xoa bóp bấm huyệt, mạch máu và các gân, cơ sẽ được thư giãn. Từ đó tạo ra cảm giác thoải mái và giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Ngoài ra, bấm huyệt còn giúp não bộ tăng sản sinh hormone endorphin và serotonin có tác dụng giải lo âu, phiền muộn và mang đến nguồn năng lượng tích cực. Một số nghiên cứu còn cho thấy, tác động cơ học lên các huyệt vị còn giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và hỗ trợ phục hồi cơ quan bị tổn thương.
Bấm huyệt là phương pháp không dùng thuốc nên tương đối an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Trong trường hợp tình trạng mất ngủ không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng biện pháp này để cải thiện. Nếu cần thiết, có thể sử dụng thêm một số thảo dược có tác dụng an thần và điều chỉnh lối sống để giảm tình trạng khó ngủ, mất ngủ và ngủ chập chờn.
Cách thực hiện bấm huyệt điều trị mất ngủ, khó ngủ
Bấm huyệt là biện pháp tương đối dễ thực hiện. Để cải thiện tình trạng mất ngủ và khó ngủ, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:
1. Xoa bóp giảm mất ngủ
Trước khi bấm huyệt có thể thực hiện các kỹ thuật xoa bóp để giải tỏa căng thẳng, thúc đẩy tuần hoàn máu ở mô da và cơ. Đối với những người không thể xác định huyệt vị, có thể áp dụng riêng phương pháp xoa bóp để giảm căng thẳng và cải thiện tình trạng mất ngủ.
Các kỹ thuật xoa bóp được áp dụng để cải thiện tình trạng khó ngủ và mất ngủ:
- Xoa: Xoa là kỹ thuật cơ bản trong xoa bóp được thực hiện bằng cách dùng mô ngón út xoa tròn lên vùng da ở cơ quan bị đau nhức. Đối với chứng mất ngủ, nên xoa nhẹ nhàng ở vùng đầu, cổ và vai. Nếu cần, có thể xoa ở cánh tay để thư giãn cơ và giảm đau nhức.
- Miết: Miết là kỹ thuật sử dụng đầu ngón tay ấn vào da và miết chặt theo hướng thẳng. Di chuyển tay theo chiều dọc để kéo căng da ở vùng đầu nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu và thư giãn cơ.
- Day: Sau khi xoa và miết, tiếp tục thực hiện động tác day bằng cách dùng mô ngón tay út ấn xuống da và di chuyển theo đường tròn. Khi di chuyển, nên thao tác chậm và điều chỉnh lực vừa phải. Đối với tình trạng mất ngủ và khó ngủ, nên day ở vùng đầu và vai.
- Bóp: Dùng ngón cái và các ngón tay còn lại bóp vào phần gân, cơ (có thể dùng cả 5 ngón hoặc 2 – 3 ngón tùy theo vùng gân, cơ cần xoa bóp). Khi bóp cần kéo lên nhưng tránh sử dụng lực mạnh để hạn chế tình trạng đau nhức và bầm tím. Để cải thiện giấc ngủ, nên bóp ở vùng cổ, vai và gáy nhằm thư giãn cơ và thúc đẩy tuần hoàn máu.
Thực hiện các kỹ thuật xoa bóp giúp thư giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải tỏa căng thẳng. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể áp dụng riêng xoa bóp để chữa mất ngủ, cải thiện tình trạng giấc ngủ đến muộn, khó ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc.
2. Tiến hành bấm huyệt chữa mất ngủ
Trên cơ thể có rất nhiều huyệt vị, mỗi huyệt tương ứng với các cơ quan khác nhau. Đối với chứng mất ngủ, nên tác động đến những huyệt vị sau:
Bấm huyệt Nội quan:
Nội quan là huyệt vị quan trọng trên cơ thể thường được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Huyệt nằm ở mặt trước của cẳng tay và trên cổ tay 2 thốn, nằm chính giữa gan cơ tay bé và gan cơ tay lớn. Tác động lên huyệt Nội quan có tác dụng ích tâm, an thần và điều hòa khí huyết.
Đối với huyệt vị này, dùng ngón tay cái ấn vuông góc vào huyệt đến khi có cảm giác hơi đau thì dừng lại, duy trì khoảng 15 – 30 giây. Sau đó, lặp lại từ 2 – 3 lần. Mỗi ngày thực hiện bấm huyệt Nội quan khoảng vài lần sẽ giúp tình trạng mất ngủ và suy nhược thần kinh cải thiện rõ rệt.
Bấm huyệt Dũng tuyền chữa mất ngủ:
Huyệt Dũng tuyền nằm bên dưới lòng bàn chân ngay vị trí lõm (có thể co các ngón chân và bàn chân lại để dễ dàng xác định vị trí của huyệt). Huyệt vị này có tác dụng thanh thận nhiệt, giáng âm hỏa và định thần chí nên rất thích hợp với những người bị mất ngủ do các bệnh về thận. Ngay cả khi không bị mất ngủ, bạn cũng có thể bấm huyệt Dũng tuyền để cải thiện sức khỏe.
Để xoa bóp huyệt, cần ngồi khoanh chân và hướng lòng bàn chân lên trên. Dùng hai ngón tay xoa bóp với lực vừa phải từ gót chân đến huyệt Dũng tuyền. Thực hiện liên tục để giúp bàn chân nóng lên, từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu và giải tỏa căng thẳng. Bấm huyệt Dũng tuyền thường xuyên còn giúp cải thiện chức năng thận và giảm tình trạng ù tai, đau nhức lưng.
Bấm huyệt Thần môn:
Huyệt Thần môn nằm khá gần với vị trí của huyệt Nội quan. Huyệt nằm ở phía trong cạnh cổ tay. Tác động vào huyệt vị này có tác dụng chữa mất ngủ, động kinh, hồi hộp, trí nhớ suy giảm và hay nằm mơ. Day ấn huyệt thường xuyên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ và khó ngủ. Theo y học cổ trruyền, bấm huyệt Thần môn vào mỗi tối có thể cải thiện giấc ngủ và giảm căng thẳng thần kinh.
Đối với huyệt Thần môn, cần dùng ngón tay cái cắt ngắn và ấn vuông góc vào huyệt đến khi có cảm giác căng tức thì giữ trong khoảng 30 giây. Sau đó thả ra và lặp lại trong khoảng 10 lần để làm an dịu thần kinh.
Bấm huyệt Thái khê:
Huyệt Thái khê là một trong những huyệt vị có tác dụng cải thiện tình trạng mất ngủ và khó ngủ. Huyệt nằm ở phía trong của cổ chân, trung điểm giữa đường nối bờ sau của mặt cá chân với mép trong gân gót. Theo y học cổ truyền, huyệt Thái khê là nơi có kinh khí mạnh nhất.
Bấm huyệt Thái khê giúp điều hòa âm dương, cải thiện chức năng thận và giải tỏa lo âu, căng thẳng. Vì vậy nếu bị mất ngủ do phiền muộn và căng thẳng trước áp lực của cuộc sống, bạn có thể ấn ngón tay cái vào huyệt trong 30 giây và lặp lại 5 – 6 lần để giải tỏa tâm trạng, từ đó cải thiện tình trạng mất ngủ và khó ngủ.
Bấm huyệt Ấn đường và Thái dương:
Ấn đường và Thái dương là hai huyệt vị quan trọng và được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các vấn đề sức khỏe. Huyệt Thái dương sau phía sau đuôi lông mày đo ngang khoảng 0.5cm. Còn huyệt Ấn đường nằm chính giữa 2 chân mày.
Các huyệt vị này đều là nơi tập trung khí huyết mạnh và chi phối chức năng của não bộ. Vì vậy khi gặp phải tình trạng mất ngủ, bạn có thể tác động đến huyệt Ấn đường và Thái dương để cải thiện. Trước tiên, cần xoa 2 lòng bàn tay để làm nóng, sau đó day ấn nhẹ huyệt Ấn Đường khoảng 20 lần, sau đó vuốt nhẹ từ đầu đến đuôi lông mày và tiếp tục day ấn nhẹ ở huyệt Thái dương 20 lần.
Không chỉ có tác dụng chữa mất ngủ, bấm huyệt Ấn đường và Thái dương còn giúp giảm đau đầu và giải tỏa căng thẳng, lo âu. Vì vậy, bạn cũng có thể xoa bóp và day ấn hai huyệt vị này khi làm việc để giải tỏa căng thẳng và phiền muộn.
Bấm huyệt Thiên trụ:
Huyệt Thiên trụ nằm ở phía sau gáy, đo ngang huyệt Á môn (ở cột sống cổ) ra 1.3 thốn. Huyệt này chứa nhiều dây thần kinh chi phối chất lượng giấc ngủ và hoạt động của não bộ. Chính vì vậy, huyệt Thiên trụ thường được dùng để điều trị các chứng bệnh như mất ngủ, đau đầu, vẹo cổ,…
Đối với huyệt Thiên trụ, bạn cần dùng tay ôm lấy phần đầu và đặt hai ngón trỏ vào vị trí huyệt. Day ấn huyệt vị này trong khoảng 20 lần kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng vùng đầu để thúc đẩy khí huyết lưu thông. Bạn có thể xoa bóp và bấm huyệt Thiên trụ vào mỗi buổi tối để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, khi làm việc bị choáng và đau đầu, bạn cũng có thể xoa bóp huyệt để thư giãn.
Bấm huyệt Tam âm giao:
Tam âm giao là huyệt vị giao hội của 3 kinh âm bao gồm can – tỳ – thận. Chính vì vậy, tác động vào huyệt vị này có thể cải thiện công năng của 3 tạng, thông khí trệ, trợ vận hóa và điều huyết thất tinh cung. Nếu gặp tình trạng đang bị mất ngủ kinh niên do âm suy, cơ thể bồn chồn, hay nóng giận, bạn có thể day ấn huyệt Tam âm giao để cải thiện. Huyệt nằm ở bờ trong xương chày, đo từ đỉnh cao nhất của mắt cá chân trong lên 3 thốn.
Để bấm huyệt Tam âm giao, cần thực hiện tư thế ngồi trên sàn nhà hoặc trên nệm. Dùng bàn tay nắm lấy cổ chân và sử dụng ngón tay cái day ấn vào huyệt. Thực hiện cùng lúc 2 chân và day huyệt theo vòng tròn liên tục trong 7 – 10 phút để thông kinh hoạt lạc và cải thiện công năng các tạng. Mỗi ngày nên thực hiện 1 lần để giảm tình trạng khó ngủ, mất ngủ và ngủ chập chờn.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa mất ngủ
Xoa bóp bấm huyệt là biện pháp cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc,… khá an toàn và mang lại cải thiện tương đối rõ rệt. Tuy nhiên khi trước khi áp dụng, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Người bị chấn thương ở vùng cổ vai gáy, da có vết thương hở hoặc đang gặp phải các vấn đề da liễu như viêm nang lông, mụn nhọt, mề đay,… không nên xoa bóp bấm huyệt. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có ý định bấm huyệt chữa mất ngủ cũng cần chú ý một số huyệt vị có thể tăng co bóp tử cung dẫn đến tình trạng sảy thai và thậm chí là động thai.
- Trước khi bấm huyệt, cần cắn ngắn móng tay và rửa sạch bằng xà phòng. Để móng tay dài có thể gây xây xước và chảy máu ngoài da.
- Về bản chất, xoa bóp bấm huyệt tạo ra tác động vật lý lên huyệt vị nhằm thông kinh hoạt lạc, thư giãn cơ và giảm căng thẳng. Tuy nhiên, biện pháp này tạo ra tác động tương đối nhẹ nên cần phải kiên trì thực hiện ít nhất 1 lần/ ngày (khoảng 30 phút) để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
- Trong quá trình bấm huyệt, một số người có thể bị chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi và mạch đập nhanh do choáng. Nếu gặp phải tình trạng này, cần nằm nghỉ, đắp chăn ấm và uống nước chè nóng để khắc phục.
- Bấm huyệt sử dụng tác động từ bàn tay và ngón tay nên không thể đi sâu vào huyệt vị. Nếu cần thiết, bạn có thể áp dụng châm cứu hoặc cấy chỉ để cải thiện bệnh mất ngủ.
- Mất ngủ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần đều liên quan đến thói quen sinh hoạt, lo âu và căng thẳng quá mức. Do đó ngoài xoa bóp bấm huyệt, bạn nên thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ và áp dụng các liệu pháp thư giãn (yoga, thiền định, liệu pháp mùi hương, ngâm chân với nước ấm,…) để cải thiện giấc ngủ một cách toàn diện.
- Nếu mất ngủ kéo dài, dai dẳng gây suy nhược và giảm trí nhớ, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm. Tránh để tình trạng tiến triển nặng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống
Bấm huyệt chữa mất ngủ là biện pháp khá đơn giản và dễ thực hiện. Để đạt hiệu quả cao, bạn nên áp dụng thường xuyên và kết hợp thêm với lối sống khoa học, lành mạnh. Khi giấc ngủ đã được cải thiện, bạn vẫn có thể xoa bóp bấm huyệt để giải tỏa căng thẳng và đảm bảo chất lượng giấc ngủ.
Xem Thêm:
- Top 10 Trà Trị Mất Ngủ Từ Thảo Dược Giúp Ngủ Nhanh Và Ngon Giấc
- 6 Cách Dùng Lá Dâu Tằm Chữa Mất Ngủ Hiệu Quả Khó Ngờ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!